Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Sách mới.

Bìa trước cuốn sách Bên lề sách cũ.

Lan man ghé một tiệm bán sách cũ, tôi lại kiếm được một quyển sách mới, sách mới bởi vì mới xuất bản vào quý I năm 2013 của NXB Tổng Hợp TP HCM, với tựa "Bên lề sách cũ" của cố học giả Vương Hồng Sển. Nhưng đây là một bản thảo viết đã lâu của ông. Nghĩa là mới mà cũ, cũ mà mới. Sách in đẹp, bìa cứng dày. Nói đến sách của cụ Vương Hồng Sển, là nói đến những biên khảo đồ sộ của ông, như Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn Tạp pín lù, Thú chơi sách, Phong lưu cũ mới, Thú chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ Trung Hoa, Khảo về hát bội, Tự vị tiếng Việt miền Nam (bản thảo của ông là Tự vị tiếng nói miền Nam, khi xuất bản từ tiếng nói bị nhà xuất bản tự ý sửa lại là tiếng Việt)..., và còn khá nhiều sách khác nữa.

Cụ Vương Hồng Sển, là một trong bốn học giả ở miền Nam tôi đã mê đọc từ trước năm 1975 thuở còn đi học, cùng với ba người nữa là học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà Nam bộ học Sơn Nam, và nhà nghiên cứu Toan Ánh. Sách của các ông luôn đầy ắp những kiến thức, tất cả những kiến thức trong cuộc sống, được viết rất cẩn thận, kỹ lưỡng, tra cứu trên nhiều nguồn. Sách được tái bản rất nhiều lần, bây giờ vẫn còn được tái bản dù cả bốn vị đã không còn nữa, phải nói ngay là tôi đã học được rất nhiều từ sách của các cụ.


Bìa sau của sách.

Khi cầm quyển Bên lề sách cũ, lật qua xem vài dòng tôi đã quyết định mua ngay, thứ nhất là tên của học giả Vương Hồng Sển cũng đã "bảo kê" cho cuốn sách, thứ nhì là nội dung sách viết (trên kệ sách tôi cũng chỉ thấy có một quyển). Ở ngay đầu quyển sách, là một chương cụ Vương đã trích lục lại một phần một quyển sách của Trương Vĩnh Ký viết bằng Pháp văn có tựa đề "Petit cours de géographie de la Basse - Cochinchine" (Tiểu địa dư)*, nói về vùng đất Nam bộ in từ năm 1875 tại Saigon. Sách viết về cuộc Nam tiến và Mở đất Nam kỳ của cha ông ta ngày trước, từ khi đất còn thuộc Chân Lạp, rồi đến các đời chúa, vua nhà Nguyễn, người Hoa Minh Hương trốn chạy nhà Thanh xin chúa Nguyễn cho tá túc, được đưa vào vùng Đồng Nai Biên Hòa, Mỹ Tho (Định Tường)... Đến khi người Pháp đến xâm lấn và đặt nền móng cai trị... Nhưng điều thú vị nhất nơi quyển sách là những giải thích về địa danh, nhân danh ngày xưa ở Nam bộ.

 Thí dụ như về từ hòn, thuở tôi còn nhỏ học tiểu học từ này còn thông dụng điển hình tôi còn nhớ là nước mắm Hòn. Các bạn nào nay đã năm mươi mấy sáu mươi hay hơn nữa, trước ở miền Nam chắc còn nhớ đến nước mắm Hòn. Ngày trước tôi nhớ bà cụ tôi thường có thói quen (lo xa) mua thực phẩm gì cũng trữ ăn được cả tháng, gạo trong nhà ít nhất phải bao một tạ, rồi đường, bột ngọt, mắm muối, nước tương... cả đến vải vóc may quần áo. Có lẽ các cụ đã trải qua thời chiến tranh quá dài, từ miền Bắc cho đến khi vào trong Nam cho nên đã có tính lo xa. Nước mắm bà cụ tôi thường mua từng tĩn, a, cái từ này bây giờ có khi các bạn trẻ, hoặc người khá khá tuổi cũng không biết. Tĩn là một loại bình đựng bằng sành tôi không nhớ có dung tích là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là phải hơn một lít, có lẽ phải khoảng hai ba lít. Đã lâu lắm người ta không dùng tĩn đựng nữa.

Tĩn đựng nước mắm. Ảnh Internet.


Tôi thử tra từ điển thì có từ tĩn cả trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ghi là tỉn, dấu hỏi), cho đến Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Đại khái giảng nghĩa là một loại bình đựng bằng sành có bụng to (bên hông phình ra). Nước mắm mà mua cỡ một lít trở xuống thì đựng vào chai lọ, còn mua trên một lít thì đựng bằng tĩn, và nước mắm loại ngon mang nhãn hiệu là Nước mắm Hòn. Sách của ông Trương Vĩnh Ký mà cụ Vương trích dẫn có nói đến từ cù lao, bây giờ ta gọi là đảo. Cụ Vương chú thích về chữ cù lao như sau:

- Cù lao: hòn nổi giữa sông hay giữa biển. (Cù lao có phải là tiếng Nam chăng? Hay do chữ "pulo, poulo" mà có. Tôi xin chừa các nhà từ ngữ học giải quyết).
Hòn: đồng nghĩa với cù lao.
Hòn Phú Quốc là một cù lao lớn.
Nước mắm Hòn: nước mắm tại cù lao Phú Quốc.

Bây giờ nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu nổi tiếng, nghe nói nước mắm Phú Quốc cũng có mặt trong các siêu thị ở Mỹ, nhưng là sản phẩm của... người Thái, made in Thailand. Còn ở xứ mình đã lâu người ta không gọi là nước mắm Hòn nữa, có lẽ chữ Hòn nghe... cụt lủn không sang, và không được lịch sự.

Ở huyện Cần Giờ có một con rạch gọi là rạch Lá Buông, chữ Buông viết có g ở cuối. Tôi coi thấy có sách nói tên gọi đúng là Lá Buôn, không có chữ g cuối, phát âm của người miền Nam thường lẫn lộn giữa g và không có g, và sách lý giải đây là loại lá chữ Hán gọi là Bối Diệp, dùng làm buồm, nón, quạt, do lá được buôn bán nên gọi là Lá Buôn, lá này xưa cũng dùng để chép kinh sách Phật giáo, giải thích thế nghe cũng có lý.

Sách  "Khảo về chánh tả" của Lê Ngọc Trụ, và Tự điển tiếng Việt của Lê Văn Đức xuất bản ở Saigon trước năm 1975, đã viết bằng từ "buôn". Tuy nhiên trong sách Tiểu địa dư của Trương Vĩnh Ký, và tra cứu thêm của học giả Vương Hồng Sển đã nói rõ hơn. Sách Tiểu địa dư viết:
buôn là bối diệp; ( )
buông là bồng diệp. ( 葉 )

Cụ Vương tra cứu cho biết:
- buôn, chữ là "bối diệp" dùng chép kinh; bối diệp kinh: sutra Cơ-me.
- buông, chữ là "bồng diệp" dùng lợp nhà, đan kết làm quạt, lọng, buồm; Sóng lá chuốt làm tên, làm đũa... Lá buông người Cơ-me gọi là "treang" (theo nhà thảo mộc người Pháp Alfred Petelot).

Như vậy theo nhà bác học Trương Vĩnh Ký có hai loại là: lá buôn (tiếng Hán = bối diệp), và lá buông (tiếng Hán = bồng diệp),  cụ Vương Hồng Sển đã phân biệt: lá buôn (bối diệp) dùng để chép kinh, còn lá buông (bồng diệp) dùng để  lợp nhà, đan kết làm quạt, lọng, buồm... Như thế thì đây là hai loại lá khác nhau có tên gọi là lá buôn lá buông, chứ không phải chỉ có một loại là lá buôn. Và cái lý giải viết lá buông là sai chính tả, viết đúng là lá buôn, vì đây là loại lá được dùng để buôn bán sẽ không đứng vững. Lá buông (bồng diệp) để lợp nhà, làm quạt, buồm... xem chừng còn được buôn bán nhiều hơn là lá buôn (bối diệp) dùng để chép kinh sách.

Một từ để chỉ địa danh khác ở Mỹ Tho mà cụ Vương Hồng Sển nêu là kinh Bà Bèo, theo cụ Vương thì đây mới chính là cách đọc trại của dân Nam bộ, tên gốc là Bàu Bèo, là nơi xưa kia có ao bàu chứa đầy những bèo. Sau khi khai thông thành dòng nước chảy thì từ kinh Bàu Bèo khi nói nhanh khó phát âm chuyển thành kinh Bà Bèo. Cũng từ cách giải thích như thế cụ Vương đã nói đến một địa danh ở quận 10 mà hôm nọ bạn Mùa Thu Buồn và bạn Giáo đã nhắc đến là Da Bà Bầu. Ông viết (tôi trích nguyên văn):

"Cây Da Bà Bầu, trong Chợ Lớn (sách chép là Cây chứ không phải Chợ): Tôi không thấy địa danh như vậy trong các sách đã đọc. Tôi nghi cũng do "bèo bàu" hay "bàu bèo" mà ra địa danh này... Cũng như chúng ta thường lầm lộn "báo cáo và bá cáo", ít ai phân biệt cho rành: bá cáo là báo cho khắp mọi người biết, còn báo cáo là trình bày việc mình làm, hai từ này rất dễ lầm".

Trong sách còn nêu nhiều chữ nghĩa thú vị khác, nhưng bài viết đã dài, tôi ngừng ở đây vậy.


* Basse - Cochinchine: vùng đất Thủy Chân lạp (Nam bộ) theo cách gọi của người Pháp ngày trước khi còn thuộc Cao Miên, để phân biệt với Haute - Cochinchine (Lục Chân lạp) để chỉ vùng là nước Cao Miên ngày nay. Ngày xưa người Pháp gọi Đàng Ngoài (Bắc bộ, do Chúa Trịnh lãnh đạo) là Tonkin (Đông Kinh), Đàng Trong (Trung bộ, do Chúa Nguyễn cai trị) là Cochinchine, và vùng Thủy Chân Lạp (Nam bộ, thuộc Cao Miên) là Basse Cochinchine như đã viết.


Tham khảo:

- Bên lề sách cũ, Vương Hồng Sển, NXB Tổng Hợp TP. HCM-Quý I/2013.




15 nhận xét :

  1. Thú vị lắm, bác Phạm! Càng đọc càng thấy mình chưa biết, càng muốn đọc say sưa! Kể ra thì ngoài 4 vị đó, có lẽ chưa có ai "hấp dẫn" độc giả đến như vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng cụ Nô ạ, không bao giờ mình có thể nói là "tôi biết" được. Cái ngày hôm qua mình nghĩ là đúng thì ngày hôm nay mới biết là không phải thế (tuy chưa hẳn là sai). Viết về Nam bộ có Vương Hồng Sển và Sơn Nam, mỗi người lại một vẻ. Nguyễn Hiến Lê thì chuyên về dịch thuật, Toan Ánh chuyên về phong tục, nếp cũ. Tôi chưa thấy ai "qua mặt" được các cụ.

      Xóa
  2. Bên lề sách cũ đúng là mới
    Bu tích cóp sách cụ Vương nhiều nhưng chưa đọc hết được, đôi khi mua sách vì cái tên tác giả.
    Cụ có lối viết chi li, nhiều khi lai rai khề khà. một cách lập ngôn lạ cứ như khẩu ngữ vậy
    Đọc sách Phật thấy bảo kinh đầu tiên ghi trên lá bối.
    Sau này trong nam có nhà xuất bản Lá Bối là cái lá này đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng có được một ít sách cũ mới của cụ Vương. Ông viết theo kiểu lai rai, khề khà, như chuyện "trà dư tửu hậu", vậy mà hay đáo để. Luôn luôn tôi tìm thấy cái mới trong sách rất cũ của ông.
      Kinh viết trên lá buông gọi là Bối diệp kinh, xưa ở Saigon có Nhà xuất bản Lá Bổi của một vị tu sĩ. Sách của nhà xuất bản Lá Bối muôn quyển như một, rất có giá trị.

      Xóa
  3. Giáo cũng thích và có vài cuốn của cụ Vương. Cụ là người có kiến thức rộng, đạo cao đức trọng nhưng hoàn cảnh gia đình thì hơi... bi đát. Sau khi cụ mất, ngôi nhà cổ rất đẹp bị tranh chấp và xuống cấp do người con trai phá tán, còn kho sách đồ sộ của cụ thì hình như được hiến tặng cho chính quyền thành phố HCM thì phải.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, còn cái Lá Buông thì Giáo biết rõ lắm vì ngày xưa khu vực Nam Bình Thuận có một khu rừng lá buông. Khi Giáo còn đi học ở SG, xe chạy ngang qua rừng lá buông, từng xấp lá dày được bà con đem ra phơi ở mặt đường, trắng muốt chạy dài cả cây số, trông rất đẹp.
      Quê giáo ngày xưa cũng dùng quạt lá buông và các vật dụng khác nữa. Giờ ko còn giữ lại được, hơi bị tiếc... hic...

      Xóa
    2. Hoàn cảnh gia đình của cụ đúng là bi đát, cụ có độc nhất một người con trai mà lại chẳng ra sao. Toàn bộ nhà cửa, cổ vật, sách vở cụ hiến cho nhà nước để làm Nhà lưu niệm Vương Hồng Sển, nhưng mười mấy năm nay chuyện này chẳng thấy tới đâu. Chỉ sợ những gì cụ sưu tập cả đời sẽ mai một...

      Xóa
    3. Tôi biết lá buông Bình Thuận, ngày xưa vùng này gọi là Rừng lá, qua khỏi Long Khánh hai bên là Rừng lá "ổ của mấy ổng", xe quân sự hay xe đò đi qua rất sợ bị phục kích, giật mìn. Sau năm 75 dân khai thác lá buông phơi dọc theo lề đường trông rất hay.

      Xóa
  4. Ah, được nghe nhắc và thấy lại cái tĩn. Trong hình , bên cạnh mấy cái tĩn , có một cái lu . Ngoài tĩn, lu , còn có từ khạp nữa . Bác H có nhớ cái khạp không ? Hồi xưa các nhà trong Nam thường chứa gạo trong khạp . Rồi hủ nữa , hì hì , nhiều từ nhỉ ...
    Giải thích từ Cù lao nếu nói là dãi đất nổi giữa sông hay biển thay vì nói hòn , thì hiểu ngay nhỉ ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tĩn, lu, hũ, khạp... những từ ngữ nay muốn biến mất hết rồi, chắc do cuộc sống internet quá tân kỳ? Lu to nhất để chứa nước, hũ nhỏ hơn để chứa củ kiệu, hành, cà muối, khạp trung trung để đựng gạo, còn tĩn thì đựng nước mắm...

      Cái lẩu ăn nhậu ngày trước có chỗ để đốt than ở giữa trước cũng được gọi là "cù lao", vì chỗ bỏ mấy cục than hồng vào giống như cù lao vậy, bây giờ đốt bằng cồn, điện đặt cái nồi lên nên mất đi tên đó.

      Lan man chữ nghĩa thế mà vui :-)))

      Xóa
  5. Bác nhắc củ kiệu mới nhớ , còn cái diệm nữa ( ko biết có phải viết như vậy không ) , mỗi lần Tết hay muối củ kiệu trong đó , hoặc đánh trứng , quậy bột làm bánh ngày giỗ , Tết . Xa rồi còn đâu ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái "diệm"? để muối kiệu hoặc dùng đễ đánh trứng, quậy bột? Từ này mới nghe hơi lạ, chắc tiếng địa phương miền Nam.

      Xóa
    2. Aha, rất tình cờ tôi tìm ra từ ngữ mà bạn Marg. muốn nói tới. Đó là cái "Vịm". Cụ Vương có nhắc đến trong quyển sách đang nói trong món "Bánh bông điên điển". Những cô gái Thổ (Miên) làm bánh bông điên điển, đánh bột trong cái "Vịm". Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải nghĩa chữ "Vịm": Đồ đựng bằng đất mà lớn miệng, ít dùng nắp.
      Tên đúng là "Vịm", người miền Nam đọc chữ V thành D "Dịm", rồi biến thành "Diệm".
      Toát cả mồ hôi nhưng tìm ra được một từ gốc và biến thể, còn hơn ai cho tiền :-)))

      Xóa
    3. Hihi , cám ơn bác H đã tìm hiểu về từ ngữ giúp . Cũng nghi nghi về cách viết chữ "diệm" vì người miền Nam hay phát âm chữ V thành D . Có người nếu không phát âm V thành D thì sẽ phát âm thành Qu...Chẳng hạn màu "quàng " (-:
      Đúng là cái "diệm" thì không có nắp như lu , khạp . Còn chum , vại là từ của miền Bắc phải không bác ?

      Xóa
    4. Cái "diệm" (vịm) như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị nói là ít dùng nắp, trong khi cũng từ "vịm" Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội) ghi: bình như cái liễn, có nắp đậy. Tôi người bắc từ nhỏ tới lớn cũng không nghe các cụ ở nhà nói đến cái vịm bao giờ.
      Người Miền Nam nói lu, khạp, thì người miền Bắc nói chum, vại. Chum lớn đựng nước, vại nhỏ để muối dưa, cà...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))