Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Truyện xưa tích cũ.

Hình chụp bài báo về 2 cô công chúa Trung Phi và TT Bokassa.


Hôm trước viết chơi về Xóm nghề tại Saigon năm xưa, tôi có nhắc tới Xóm Gà ở Gia Định. Đó là một khu xóm ngày xưa ở Gò vấp thuộc ngoại ô thành phố, nhưng cũng không xa trung tâm thành phố là mấy, nơi có nhiều người lao động nhập cư sinh sống. Thời Pháp thuộc nơi đây có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng một thời như Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên... đến tá túc và làm việc. Sau này nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng cũng có sống tại Xóm Gà... Tình cờ tôi đọc được một bài báo trong tờ Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 820, ngày 20-5-2013, tác giả Từ Kế Tường), nói về một câu chuyện trước năm 1975 có liên quan đến Xóm Gà, với những nhân vật trong câu truyện mà có lẽ những ai ở Saigon vào khoảng năm 1972 chắc vẫn còn nhớ.

Đấy là câu chuyện như trong cổ tích của một vị Tổng Thống tên là Bokassa, nước Cộng Hòa Trung Phi* đi tìm đứa con chưa biết mặt, và đứa con gái giả hiệu được tìm thấy ở Xóm Gà. Nguyên ông Jean Bedel Bokassa, Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi thời đó (Central African Republic), lúc Pháp còn chiếm đóng Việt Nam đã có mặt trong đội quân viễn chinh Pháp đóng ở Saigon tại khu vực Chánh Hưng (các bạn ở Saigon chắc cũng còn nhớ cái tên "lò heo Chánh Hưng" nổi tiếng bên cầu Chữ Y, quận 8 trước năm 1975). Thời gian đó ông Bokassa mang cấp bậc Trung sĩ (tiếng Tây: Sergent), ông có sống chung với một phụ nữ Việt Nam tên Nguyễn Thị Huệ, và đến ngày 20-7-1954 khi ông phải theo đội quân viễn chinh Pháp lên tàu há mồm rút về nước thì ông mang cấp bậc Thượng sĩ nhất (Adjudant), và bà Huệ lúc ấy đang có một đứa con trong bụng. Ông Bokassa và bà Huệ đứt liên lạc từ đó.

Đến năm 1966 thì ông Bokassa lên làm Tổng thống của nước Cộng Hòa Trung Phi tuốt bên xứ Phi châu. Khoảng năm 1972 ông Bokassa sực nhớ tới đứa con mà ông chưa hề biết mặt, cũng chẳng hề biết là trai hay gái với bà Huệ. Ngẫm nghĩ sao đó mà ông Tổng thống Trung Phi thông qua nước Pháp đã nhờ tòa Tòa Đại sứ Pháp tại Saigon, tìm giúp ông đứa con chưa biết mặt ấy. Thế là Tòa Đại sứ Pháp bèn nhờ tiếp chính quyền Saigon lúc bấy giờ tìm hộ. Chỉ một thời gian rất ngắn sau, chính quyền Saigon lúc bấy giờ đã tìm thấy tại Xóm Gà - Gò Vấp một cô gái 17 tuổi lai da đen, tên là Baxi có mẹ tên là Thân đưa qua cho ông Bokassa nhận làm con. Hồi ấy chưa có vụ kiểm tra A Đê En (ADN) A Đê Iếc gì cả, không biết tin tưởng sao mà ông Bokassa nhận ngay tút xuỵt, đón về xứ cho làm Công chúa. Câu chuyện tưởng chừng như đã khép lại.

Đùng một cái lúc bấy giờ nhật báo Trắng Đen, là một tờ báo tư nhân tại Saigon đã tung ra loạt bài cô Baxi này là... đồ dỏm, tức là giả hiệu. Chẳng phải nhật báo Trắng Đen này có tài "ngoại cảm" tìm ra được cô Công chúa thật, và dám xâm mình làm chuyện "cỡi lưng cọp" ấy, vì cô Baxi được cho là giả hiệu là do chính quyền Saigon bấy giờ tìm giúp chứ chẳng phải chuyện chơi. Chuyện này đụng chạm tới uy tín nhà cầm quyền, đụng chạm tới ngoại giao, thể diện quốc gia lúc ấy..., nghĩa là nhật báo Trắng Đen đã làm một việc quá mạo hiểm. Trước khi đến báo Trắng Đen, người cậu này đã đến một tờ báo khác là báo Tin Sáng, nhưng tờ báo này thấy việc quá nguy hiểm nên không dám nhận. Nhưng cũng may, người cung cấp thông tin cô Công chúa thật, chính là người nhà của cô con gái thất lạc của ông Tổng thống Bokassa, và sau khi đã âm thầm bàn tính, điều tra, biết chắc chắn sự thật báo Trắng Đen mới dám công bố chuyện động trời này.

Bài báo cho biết người đến nhật báo Trắng Đen để nói cô Baxi Xóm Gà là giả hiệu, chính là Cậu (em của mẹ) cô gái được ông này cho là con của TT Trung Phi thật. Số là sau khi đọc và xem những hình ảnh câu chuyện rùm beng ông TT Trung Phi tìm được cô con gái sau mười mấy năm thất lạc trên báo chí lúc bấy giờ, gia đình ông này nhìn hình và tên của ông TT Bokassa, thì thấy ông TT xứ Trung Phi này chính là cha ruột của cô gái mà họ đang có, chứ không phải cái cô Baxi giả hiệu ở Xóm Gà. Sau khi xem xét cẩn thận những giấy tờ, tên tuổi, cả 2 tấm hình chụp lúc ông Bokassa còn ở Việt Nam và chung sống với bà Nguyễn Thị Huệ. Báo Trắng Đen đưa mẹ con bà Nguyễn Thị Huệ đến một nơi bí mật, và tung phóng viên (dĩ nhiên là phải cải trang, hành tung tuyệt mật), đến tận Đặc Khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ bây giờ),  là nơi bà Nguyễn Thị Huệ đã sống sau khi chia tay với Thượng sĩ nhất Bokassa, và cô con gái thật sự của TT Bokassa tên là Martine được sinh ra và làm giấy chứng sinh ở đó.

Cái mấu chốt của sự việc là phóng viên của báo Trắng Đen đã tìm ra được bản gốc tờ giấy chứng sinh của cô Martine, còn lưu giữ trong hộ tịch tại Đặc Khu Rừng Sác nơi bà Huệ đã ở khi sinh cô. Giấy chứng sinh này ghi rõ cả tên người cha của cô Nguyễn Thị Martine là JB Bokassa, bà Huệ sau này chỉ có tờ giấy Thế vì khai sinh của cô không ghi tên người cha. Giấy chứng sinh khi cô Martine sinh là vào khoảng năm 1954-1955. Đến năm 1972 phóng viên báo Trắng Đen đi tìm là đã gần 20 năm, lại ở một nơi thuộc vùng sâu vùng xa như Rừng Sác (Cần Giờ, thời ấy chưa có đường bộ để đến như sau này).

Khi chính thức công bố sự việc trên tờ báo của mình, tờ Trắng Đen cũng đã chịu rất nhiều áp lực, đe dọa về phía chính quyền Saigon lúc bấy giờ, nhưng do tờ báo đã chuẩn bị hết mọi tình huống, một mặt tung bài trên mặt báo, một mặt gởi tài liệu chứng minh cho tòa Đại Sứ Pháp ở Saigon (lúc ấy VN không có quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trung Phi), và kể cả gởi cho đặc phái viên của tờ báo ở Paris, thông qua chính phủ Pháp gởi công điện cho TT Bokassa. Trước sự thật hiển nhiên bằng hình ảnh, giấy tờ chứng sinh, Tổng thống Bokassa của Cộng hòa Trung Phi chấp nhận cô Martine là con của mình, và một cuộc thu xếp để mẹ con bà Nguyễn Thị Huệ, cô Martine, vợ chồng ông chủ bút báo Trắng Đen được mời qua xứ Trung Phi để 2 cha con ông TT Bokassa và cô Martine gặp mặt.

Dĩ nhiên công đầu về việc tìm thấy cô Martine, con gái thật của vị Tổng thống Trung Phi này thuộc về tờ báo Trắng Đen, chắc chắn vợ chồng ông chủ bút được trọng thưởng hậu hĩ, còn bà Nguyễn Thị Huệ mẹ cô Martine trở lại Việt Nam, vì đã có gia đình khác, sau đó hàng tháng bà Huệ nhận được một số tiền rất lớn từ người chồng cũ của bà đang làm Tổng thống. Câu chuyện về cô công chúa Martine cũng kết thúc có hậu tại đây (khi còn ở Việt Nam gia đình cô rất nghèo, cô phải đi làm bốc xếp tại Nhà máy xi măng Hà Tiên Thủ Đức), và TT Bokassa cũng nhận luôn cô giả hiệu Baxi Xóm Gà, làm con nuôi. Về sau dựng vợ gả chồng cho cả 2 cô.

Nhưng sau đó số phận của những người trong câu chuyện cổ tích này ra sao? Sau thời gian tuyên bố làm Tổng thống suốt đời, thì ông Bokassa này tuyên bố tiếp lên ngôi... Hoàng đế, đổi nước Cộng hòa thành Vương quốc từ năm 1976. Báo chí hồi đó nói ông Hoàng đế Bokassa này tính tình khá bất thường, có một chi tiết tôi còn nhớ, là ông ta có một cái vương miện bằng vàng ròng nặng khoảng 2 kí lô, và lúc nào cũng đội trên đầu, kể cả lúc đi ngủ (đúng là tội nợ). Đến năm 1979 một cuộc đảo chính đã khiến gia đình ông Hoàng Đế Trung Phi này phải lưu vong sang Pháp. Oái oăm là người đảo chính lại là chồng của cô công chúa Baxi con nuôi, một Đại úy trong quân đội của ông Bokassa, tức là con rể của Hoàng đế Bokassa. Nhưng sau đó một cuộc đảo chính khác lại lật đổ vị Đại úy này, số phận của cô Baxi và chồng cô, vị Đại úy đã kết thúc trong cuộc đảo chính tiếp theo đó. Ông Bokassa đã bị kết án tử hình nhưng vẫn trở về Trung Phi, sau đó được ân xá và mất vào năm 1996. Chồng cô Martine cũng bị phe đảo chính sau giết chết sau khi bị bắt và thú nhận đã ra lệnh giết vị Đại úy đảo chính chồng của cô Baxi và cô Baxi. Riêng số phận của cô Martine thì có khá hơn, cô sống lưu vong ở Pháp, sau làm chủ mấy nhà hàng.

Từ năm 1972 đến năm 1979, hai cô gái lai được hưởng khoảng 7 năm "nhung lụa", trong đó từ năm 1976 đến năm 1979 được chính thức làm Công chúa xứ Trung Phi.

Câu chuyện cổ tích của cô công chúa xứ Trung Phi được khép lại, có mấy chuyện liên quan đến câu chuyện cổ tích này:

- Thứ nhất là hệ thống lưu trữ văn thư, hộ tịch tuyệt vời của thời xưa. Năm 1954-1955 bà Nguyễn Thị Huệ về tuốt Rừng Sác sanh và làm giấy chứng sinh cho cô Martine, con của ông Bokassa. Một nơi xa xôi hẻo lánh như thế mà đến năm 1972 phóng viên báo Trắng Đen còn tìm lại được bản gốc tờ giấy chứng sinh này, đủ thấy nền hành chính, lưu trữ thời ấy làm việc nghiêm túc như thế nào.


Báo Trắng Đen với bài về "Con ma vú dài". Ảnh Internet.


- Thứ nhì là chuyện về tờ nhật báo Trắng Đen, trước năm 1975 là một tờ báo tư nhân do ông Việt Định Phương làm chủ bút. Thời ấy Miền Nam có cả mấy chục tờ báo, chỉ có vài tờ báo của chính quyền, quân đội, còn bao nhiêu là báo tư nhân. Nhật báo Trắng Đen trước khi làm thiên phóng sự đi tìm cô công chúa thật Martine, có số phát hành khoảng 40, 50 ngàn tờ. Đến khi họ làm phóng sự số phát hành tăng lên 80, 100, 160, rồi 200 ngàn tờ... Một con số "khủng" thời đó. Nhật báo Trắng Đen hồi đó nổi tiếng là báo "lá cải", tức là loại báo chuyên khai thác những chuyện giật gân 4 T (tình, tiền, tù, tội), chuyện đời tư nghệ sĩ, diễn viên sân khấu, ca nhạc, điện ảnh..., chuyện ma quỷ (tờ báo này cũng có loạt bài "Con ma vú dài" tầm sàm một thời),  cũng giống như một số báo bây giờ vậy (mới đây trong buổi chất vấn của Quốc hội, vị đứng đầu ngành Thông tin trả lời khẳng định VN không có báo lá cải, đại khái bởi báo chí là của nhà nước, và do nhà nước quản lý). Hihi, "lá cải" hay không là ở nội dung của tờ báo, đâu phải cứ "mang nhãn hiệu" nhà nước là không "lá cải"?

* Cộng Hòa Trung Phi:
Diện tích: 622.984 cây số vuông. Dân số: 3.742.482 (2004). Thủ đô: Bangui. Ngôn ngữ: tiếng Pháp (chính thức), Sangho, các ngôn ngữ bộ tộc. Nguồn lợi chính: khai thác kim cương, bông vải, cà phê, gỗ, thuốc lá sợi.

22 nhận xét :

  1. Hình như lúc nào tem quàng cũng rất là ưa tui hết dị ta......Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là bạn MTB nhanh chân lẹ tay thiệt, người có duyên với tem (ngày trước gọi là cò), hihi!

      Xóa
    2. Bác Hiệp ui ! Em chỉ giỏi mỗi cái tài chạy nhanh dành tem thôi, còn chữ nghĩa, dốt đặt luôn Bác à......Hihi

      Xóa
    3. Vậy là giỏi rồi, hay là MTB đăng ký vào đội tuyển Olympic đi? Môn chạy tốc độ... dành tem, hìhì!

      Xóa
  2. - Câu chuyện này, trước đây cũng nghe qua. Bây giờ được biết chi tiết. Cảm ơn bác Phạm
    - Tờ báo lá cải Trắng Đen đã làm một việc kết thúc có hậu cho người và cho bản báo. Báo chính thống của nước ta nên học tập theo 4T đó. Chứ cái chủ đề bây giờ: Đâm, Chém, Cướp, Hiếp vi phạm nhân phẩm con người nhiều lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai ở Saigon trước năm 1975 chắc chắn biết chuyện mấy công chúa này, xôn xao dư luận thời đó. Nhưng ta thấy gì trong chuyện, cái câu "càng cao danh vọng càng dày gian nan" thật là đúng bác VanPham nhỉ?
      Những tờ báo Đâm, Chém, Cướp, Hiếp bây giờ nhan nhản ở sạp báo, tôi đã thử để ý xem ai đọc nó? Trước hết là những người buôn bán có thời giờ rảnh ở chợ, coi sạp hàng, những bà nội trợ khoái "buôn dưa lê", giới bình dân, họ rất thích những chuyện như "heo biết nói tiếng người", "hồn ma về đòi của", "cây trổ hoa lạ", hoặc "sau lần... té giếng tự nhiên có khả năng ngoại cảm"... Tệ!

      Xóa
  3. - Tờ báo Trắng Đen quả là dũng cảm, Báo bây giờ của nhà nước không dám đăng tin một số nước của Liên Xô cũ kéo đổ tượng Lê nin, không dám nói buổi bấm nút thông qua hiến pháp 1992 có 10 vj đại biểu QH bỏ cuôc...đi chơi
    - Cái tên Trắng Đen hay thiệt...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Báo này hồi đó đúng là xâm mình, trước khi làm họ đã họp lại bàn tính rất kỹ, những phóng viên đi điều tra của họ cải trang còn hơn hát cải lương, lộ ra một cái là chết như không. Nói chung là "5 ăn 5 thua", và lòng yêu nghề của họ thật đáng khen.

      Xóa
  4. bây giờ đố báo nào dám làm cái việc giật gân như thế này :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi đó sống dưới sự kềm kẹp nhưng chỉ có vài tờ báo là của nhà nước và thân chính quyền, còn bao nhiêu là báo tư nhân. Họ có lòng tự trọng nghề nghiệp đó bố susu.

      Xóa
  5. Cám ơn bác Hiệp về câu chuyện thú vị. Nhất là sự can đảm của ông chủ báo Trắng Đen!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông này thật can đảm bác VuNho, gan cùng mình, vì cái cô giả hiệu là do chính phủ miền Nam hồi đó trao, đến khi lòi ra cô thật thì mất uy tín quá.

      Xóa
  6. Hồi xưa nhà báo chuyên về vụ án cũng điều tra không thua gì thám tử, cảnh sát. Một nhân vật văn học nổi tiếng là "Lê Phong phóng viên" của Thế Lữ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phóng viên thời đó có nghiệp vụ và lòng yêu nghề, họ thực sự như những chiến binh, đặt trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp lên trên hết :-)))

      Xóa
  7. Bài viết hay thật ! Đọc bài báo mà em cứ nghĩ là đang đọc truyện vậy đó . Có lẽ , hay nhất là phần kết có hậu vô cùng ! Xét cho cùng , cái gì thì cũng phải qua là sự trung thực ! Sự gian dối đến một ngày đó thì cũng sẽ bị lật tẩy mà thôi ...thế nhưng phải khâm phục ông chủ báo " Trắng Đen " đã dám đương đầu với sự thật anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó NangTuyet, ông chủ bút báo Trắng Đen thời đó dám đương đầu với sự thật, nhưng hơn hết, là nhà cầm quyền thời đó cũng chấp nhận sự thật, chứ không bác bỏ sự thật bằng mọi giá :-)))

      Xóa
    2. Thế thì nếu như câu chuyện đó đang ở bối cảnh đương thời ...hỏng biết các nhà báo mình có can đảm để làm giống như ông chủ tờ báo " Trắng Đen " không anh Hiệp nhỉ ?

      Xóa
    3. Hihi, ngày trước chỉ có vài tờ báo "lề phải" (của chính phủ), còn lại là báo "lề trái" hết (của tư nhân). Báo bây giờ cũng như là quốc hội ấy "muôn lòng như một", làm sao mà dám như báo Trắng Đen hồi đó :-)))

      Xóa
  8. Còn đủ tài liệu và bộ nhớ còn thừa minh mẩn để viết lại "chuyện xưa tích cũ" thế này thiệt đáng hoan nghênh.
    HN thích cái luận sau khi chuyện này khép lại của Bác nhiều. Chuyện giật gân hồi đó còn loại 5T nữa bác à: Tình, tiền, tù, tu, tự tử. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tài liệu thì may thay tôi cũng có được ít nhiều, sách vở, tạp chí kiến thức, còn "bộ nhớ" thì phải sử dụng thường xuyên bác HN ơi, cái cưa cái xẻng lâu ngày không xài nó còn rỉ sét huống chi... cái đầu :-)))

      Tình, tiền, tù, tu, tự tử... Thêm nữa chuyện ma quỷ, giựt gân, bói toán của những "mét tờ rờ" Khánh Sơn, Huỳnh Liên... Mỗi thời có mỗi cái để ta nhớ.

      Xóa
  9. Hihihi, đúng cái bịnh của người ... già . Ngồi nhớ lại chuyện xưa kể cho ... bạn blog nghe ( vì chưa có cháu , hehe ) . Nhưng nhờ vậy mới biết vụ cô công chúa đầu là do chính quyền tìm , còn cô sau là do báo Trắng đen . Hồi đó ko biết tường tận như vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Già mà chưa có... cháu nó thế, đành phải kể cho bạn bè nghe chuyện xưa thôi :-)))

      Hồi đó chưa có vụ thử ADN nên khá rối, nhà nước hồi đó cũng tầm phào quá xá.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))