Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nhân đọc một bài viết bàn về Truyện Kiều.

Kim Vân Kiều Tân Truyện. Ảnh Internet.


Từ xưa tới nay, kể từ khi Nguyễn Du viết truyện Kiều (đúng tên là Đoạn Trường Tân Thanh, tên khác Kim Vân Kiều Tân Truyện) bằng chữ Nôm đến nay, đã có biết bao nhiêu bài viết bàn về truyện Kiều. Người ta giảng Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều, chèo Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, và cả bói Kiều... Mới đây tôi được đọc một bài viết trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 841, 20-12-2013), của tác giả Cổ Mộ nhân về hai bài viết Cò kè bớt một thêm hai... của Nguyễn Cẩm Xuyên (Tạp chí KTNN số 836), và Đúng là "vâng ngoài bốn trăm" của Nguyễn Quảng Tuân (Tạp chí KTNN số 838), bàn về Truyện Kiều. Việc bàn này ở chữ thứ 5 trong câu 648 của truyện Kiều: Giờ lâu ngã giá vâng/vàng ngoài bốn trăm. Câu này nằm trong đoạn Kiều bán mình chuộc cha.

Để tiện theo dõi tôi sẽ chép lại đoạn này, khi Mã Giám Sinh đến hỏi Kiều về làm thiếp, theo bản Kiều của Đào Duy Anh, được in trong Từ điển Truyện Kiều, lần xuất bản đầu in năm 1974:

Mối rằng: Giá đáng nghìn vàng
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm (câu 648)

Bài báo của tác giả Cổ Mộ viết: "Từ điển Truyện Kiều in lần thứ 2 do Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa (NXB Khoa học & Xã hội-1989), diễn giải chữ "vâng" trong câu Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm: "Các bản nôm đều chép là vâng, nhiều bản quốc ngữ phiên là vàng. Theo nguyên Truyện (Kiều), Mã Giám Sinh mua Kiều với giá 430 lạng bạc. Anh N.Q.T (Nguyễn Quảng Tuân?) đã đề nghị đổi là vâng, trong lần tái bản, cụ Đào đã đổi lại là vâng trước khi có ý kiến của N.Q.T. (tr.499). Đoạn viết này cho chúng ta biết, trong bản Kiều xuất bản trước đó, cụ Đào Duy Anh đã từng chép là "vàng". Thêm các bản Kiều của Lê Văn Hòe (1953), Bùi Kỷ (1958), Nguyễn Thạch Giang (1972) cũng phiên là vàng, chứng tỏ đây không phải là do "lỗi đánh máy", mà là sự sửa chữa có chủ ý, vì không thể có chuyện các học giả về cổ học tinh thông chữ Hán, chữ Nôm như kể trên lại nhầm lẫn , (vâng) với (vàng) được. Tác giả Cổ Mộ cũng ghi nhận tiếp: "vấn đề vâng/vàng chính là ở chỗ "nhuận sắc".

Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh, bản in lần đầu năm 1974.



Từ điển Truyện Kiều, tái bản. Ảnh Internet.

Trở lại với câu thơ (648) trong truyện Kiều của Nguyễn Du ghi trên, ngoài vấn đề ghi vâng theo như các bản chữ Nôm, hay vàng theo như "nhuận sắc", các học giả, những nhà nghiên cứu còn bàn về "ngoài bốn trăm" ở đây là ngoài bốn trăm lạng vàng hay bạc. Chuyện này theo bài viết của tác giả Cổ Mộ có 2 ý kiến của 2 phái như dưới đây:

- Về phái vàng: đứng đầu là GS Mai Quốc Liên* với ý kiến: "Cụ Tiên Điền viết văn Kiều cho người Nam đọc, theo cái cách nghĩ, cái tâm thức Việt: quý như vàng. Nàng Kiều tuyệt sắc của ta phải bán 400 lạng vàng, mới là Kiều - còn 400 lạc bạc thì hơi yếu, nó làm 'giảm giá' Kiều đi đấy. Vả lại, về mặt âm vận, vàng là một âm trầm, bình thanh, đi sau một âm bổng, bình thanh (giọng ngang). Nhưng nhất là 'vâng', nói như một giáo sư cũng soạn sách giáo khoa, nó thụ động quá".

- Về phái bạc: có thể lấy ý kiến của cụ Nguyễn Quảng Tuân** làm đại diện. Ông đã dựa trên thực tế văn bản Nôm, đồng thời đối chiếu với lam bản Truyện KiềuKim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng như thực tế "thị trường" để khẳng định "vâng" là "chữ của tác giả" (Nguyễn Du) và "ngoài bốn trăm" là hơn 400 lạng bạc, bác bỏ "vàng".

Qua nôi dung bài viết trên, và ý kiến của hai "phái" về vấn đề chữ thứ 5 của câu 648 truyện Kiều là vâng hay vàng, và ngoài bốn trăm lạng Mã Giám Sinh "mua" Kiều là vàng hay bạc, theo thiển ý:

- Trước hết tôi muốn nói qua về Truyện Kiều, như chúng ta đã biết, Truyện Kiều, tên chính thức là Đoạn Trường Tân Thanh, Kim Vân Kiều Tân Truyện là do Nguyễn Du (1765-1820, cũng có sách chép 1766-1820) viết, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, có sách chép là biệt hiệu của Từ Vị (1521-1593), người đời Minh, tự là Văn Tường, hiệu là Thanh Đằng Đạo Sĩ, Thiên Từ Sơn Nhân, Điền Thủy Nguyệt. Về nội dung, cốt truyện, tên nhân vật thì Truyện Kiều đã được Nguyễn Du lấy nguyên mẫu theo như Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du thì bản Kim Vân Kiều Truyện thường được gọi là lam bản hay nguyên truyện Kiều.

Trong một quyển sách viết về Truyện Kiều dùng trong trường học, do NXB Giáo Dục Hà Nội xuất bản vào năm 1972 ghi chú có tất cả 23 bản Truyện Kiều chữ Nôm, cổ nhất là bản in năm 1871 được lưu trữ ở Thư viện trường Sinh ngữ Phương Đông, Paris, bản Kiều chữ Nôm gần nhất là bản in năm 1939. Còn bản Kiều in bằng chữ quốc ngữ xưa nhất vào năm 1875. Pétrus Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, có lẽ bản in năm 1875 là bản của Trương Vĩnh Ký. Từ năm 1972 đến nay đã có thêm ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm đã được tìm thấy. Học giả Nguyễn Quảng Tuân cũng đã cho xuất bản Truyện Kiều bản Liễu Văn Đường in năm 1866, là bản Kiều cổ nhất đến nay do ông khảo đính.

 Ảnh Internet.

Trở lại chuyện trong câu Kiều 648 thì chữ thứ 5 là vâng hay vàng? Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm? hay vàng ngoài bốn trăm? Như tôi đã viết bên trên, trong bài viết của tác giả Cổ Mộ đã ghi rõ, trong lần in thứ hai của Từ điển Truyện Kiều do Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa, đã sửa chữ vàng của câu 648 trong lần xuất bản đầu thành chữ vâng, và cũng ghi thêm "các bản nôm đều chép là vâng". Như vậy chữ thứ 5 của câu 648 này là vâng chứ không phải là vàng. Trong khi bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo ghi là vàng, thì bản Kiều trong quyển "Tìm nguyên tác Truyện Kiều" của Vũ Văn Kính*** đã phiên âm đúng là vâng. Bản Kiều Duy Minh Thị**** bằng chữ Nôm in năm 1872 do học giả Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo đính cũng ghi là vâng

Như vậy câu 648 của tất cả các bản Nôm Kiều đều ghi là Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm. Sau này rất nhiều bản Kiều in chữ quốc ngữ đã sửa thành vàng. Như ta đã biết chữ Nôm vâng , với vàng chép rất khác nhau, không thể nhầm lẫn chữ này sang chữ kia như vângvàng của chữ quốc ngữ. Những bản chép là vàng, là đã có chủ đích sửa vâng thành vàng, chứ không thể là nhầm lẫn khi dịch từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, ngoại trừ trường hợp không dịch, mà chép lại từ bản quốc ngữ đã được sửa chữ vâng thành vàng.

Việc sửa chữa này được tác giả Cổ Mộ gọi là "nhuận sắc". Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ, Hoàng Phê chủ biên giải nghĩa chữ "nhuận sắc" như sau: Sửa chữa, trau chuốt (một tác phẩm) cho thêm hay. Về vấn đề này, thiết tưởng cũng nên nhắc lại ý kiến của cố GS Nguyễn Tài Cẩn, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về truyện Kiều. Bài viết trên Tri Thức Thời Đại (02-4-2013) có nhắc lại ý kiến của ông: "Đó là chưa kể đến cái tật "nhuận sắc" tùy theo sở học và thị hiếu của từng người. Đã có những ông hoàng xứ Huế tự ý chữa thơ Nguyễn Du cho... hay hơn"

Tôi thiết nghĩ người ta có thể hiệu đính, hiệu khảo, hay khảo đính, tức là "Xem xét, đối chiếu và chữa lại văn bản cho đúng", hay "Tra cứu để chữa lại cho đúng" một tác phẩm, là xem xét những chỗ sai, hoặc vô nghĩa, ý nghĩa không rõ..., có thể là những lỗi do in ấn..., để cho tác phẩm hoàn chỉnh hơn, chứ không thể nào "nhuận sắc" tự ý thay đổi chữ nghĩa của bản đã căn cứ để dịch, như trường hợp chữ thứ 5 trong câu 648 Kiều ghi trên. "Nhuận sắc" chỉ có thể được khi do chính tác giả tác phẩm ấy làm, khi tác giả muốn thay đổi ý nghĩa, câu cú của tác phẩm. Nếu ai cũng có thể "Nhuận sắc" kiểu này thì Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ ra sao? Lúc ấy sẽ chỉ còn toàn là những chữ, những ý của những người "nhuận sắc" Truyện Kiều, chẳng còn kiếm đâu ra chữ và ý của cụ Nguyễn Du nữa.

"Nhuận sắc" như thế, cũng tựa như chuyện người ta đang cố tình cải tạo, tự ý thêm thắt những chi tiết kiến trúc mới theo ý của mình, phá vỡ đi cái kiến trúc xưa của những công trình đền đài, đình, chùa cổ cần được bảo tồn. Có lẽ cũng bởi nhận ra điều này mà ở lần tái bản (in lần thứ 2) của Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội-1989, do Phan Ngọc bổ sung, sửa chữa, đã sửa chữ vàng thành chữ vâng, đúng theo các bản Kiều Nôm.

Chữ vâng trong câu Kiều 648 Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm tôi thấy rất hay. Chúng ta thử xét: Đây là đoạn tả sau khi nhà Vương ông bị gã bán tơ vu oan, quan quân nhân đó kéo đến cướp bóc, bắt Vương ông và Vương Quan đem giam cầm tra khảo, may nhờ có người nha dịch già họ Chung ở nha phủ có lòng từ tâm, bày cho Kiều ba trăm lạng lo lót cho quan thì mới mong cha và Vương Quan thoát cảnh tù tội, và Kiều đã phải nhờ mai mối bán mình cho Mã Giám Sinh để có tiền cứu cha và Vương Quan. Bởi thế cho nên mới có đoạn "ngã giá" mai mối Kiều cho Mã Giám Sinh (đoạn này tôi chép từ bản Kiều Duy Minh Thị):

Mối rằng: "Đáng giá nghìn vàng,
Rớp nhà nhờ lượng người thương dám nài".
Và cuối cùng là:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.

Mối (mai mối) thì "quảng cáo" cho "món hàng" của mình là Thúy Kiều "Đáng giá nghìn vàng", có lẽ chữ nghìn vàng không phải để chỉ con số chính xác một nghìn lạng vàng phía bên người mối muốn đòi hỏi, mà đây chỉ là con số có ý nghĩa tượng trưng người mối muốn nói đến giá trị của một con người tài hoa Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh như Thúy Kiều. Sau một hồi "Cò kè bớt một thêm hai", thì người mối mới đành thở dài vâng (chữ vâng nghe như là "đành vậy", trong lúc cùng quẫn và gấp gáp cần có tiền để lo lót cứu Vương ông, đành chịu ngoài bốn trăm lạng vậy), hoặc là sau hồi lâu ngã giá thì người mối đành đồng ý gật đầu nói vâng, và giá được "chốt" trong việc mua Thúy Kiều của Mã Giám Sinh là ngoài bốn trăm lạng.

Đấy là nói về chữ vâng hay chữ vàng trong câu kiều 648. Tất cả các bản Nôm cổ đều chép là vâng, không có bản nào chép là vàng. Người dịch cần phải tôn trọng chữ nghĩa của bản gốc.

- Sau nữa là ngoài bốn trăm này là gì? Ngoài bốn trăm lạng bạc hay lạng vàng? Trong câu 648 của Truyện Kiều không nói rõ, bản thân tôi thấy ý kiến của học giả Nguyễn Quảng Tuân là hợp lý, ông đã căn cứ trên nguyên truyện Kiều là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là ngoài bốn trăm lạng bạc, chứ không phải là vàng để xác định, vì rõ ràng Truyện Kiều của Nguyễn Du viết hoàn toàn dựa theo nội dung, cốt truyện, nhân vật, thời gian, không gian của Kim Vân Kiều Truyện, nếu nói theo từ ngữ bây giờ thì Truyện Kiều là một tác phẩm mà Nguyễn Du đã phóng tác từ Kim Vân Kiều Truyện. Thanh Tâm Tài Nhân là người sống dưới thời nhà Minh, Kim Vân Kiều Truyện được ông lấy bối cảnh thời của ông, xã hội thời ấy chắc hẳn đơn vị quý kim giao dịch trong dân là bạc chứ không phải là vàng, Truyện Kiều ngay ở những câu đầu đã khẳng định thời gian của câu truyện "Rằng: năm Gia Tĩnh triều Minh" (Gia Tĩnh: niên hiệu vua Thế Tông,  Trung Hoa-1522-1566). Vả lại khi muốn "nâng giá" của Kiều từ bạc thành vàng, "giới vàng" đã phải thay chữ vâng bằng chữ vàng ở chữ thứ 5 để xác định giá trị của ngoài bốn trăm lạng, đã tự ý bỏ mất một chi tiết rất hay là chữ vâng, chi tiết này diễn tả cái "cũng đành gật đầu đồng ý với giá ngoài bốn trăm lạng" của người mối.

Cố nâng giá trị của Kiều từ bạc lên vàng có lẽ cũng chẳng hay, đấy là một ý tưởng có vẻ nghiêng về... vật chất và thực dụng, bởi vì giá trị đích thực của Thúy Kiều thiết nghĩ đâu phải ở chuyện vàng hay bạc?

Ghi chú:

* GS Mai Quốc Liên: Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Tổng Biên tập Tạp chí  Hồn Việt - Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông được trao giải thưởng Balaban của Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (VNPF) trong việc bảo tồn văn hóa di sản Hán Nôm.

** Nguyễn Quảng Tuân: Nhà văn, nhà thơ, cựu học sinh trường Bưởi Hà Nội, ông chuyên về nghiên cứu Hán Nôm, là một người say mê nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong một bài báo viết về ông, ông cho biết có cả ngàn bản Truyện Kiều in ấn xưa nay, cả chữ Nôm và chữ quốc ngữ, ông đã viết và xuất bản rất nhiều biên khảo riêng về Truyện Kiều. Năm 2010 ông đã được Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (VNPF) trao giải thưởng Balaban nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ông trong việc bảo tồn văn hóa di sản văn hóa Hán Nôm.

*** Vũ Văn Kính: là tác giả của Tự Điển Chữ Nôm, soạn chung với Nguyễn Quang Xỹ do Trung Tâm Học Liệu - Saigon in năm 1971, và Đại Tự Điển Chữ Nôm, NXB Văn Nghệ TP. HCM & TT Nghiên Cứu Quốc Học-2010 (tôi may mắn có được 2 quyển từ điển chữ Nôm này để thỉnh thoảng tra cứu). Ông là một người rất am hiểu về chữ Nôm. Quyển Tìm nguyên tác Truyện Kiều của ông viết rất kỹ lưỡng, cẩn thận, ông đối chiếu đến 3 bản Kiều Nôm và 5 bản Kiều quốc ngữ (có ghi rõ là những bản nào, do ai in ấn, hiệu khảo, xuất bản năm nào, một nguyên tắc cần thiết và khoa học của nhà nghiên cứu), cùng những nhận xét, so sánh, lý luận, để cố gắng đưa ra một bản Truyện Kiều mà ông cho là "gần với nguyên tác" nhất. Khi chọn một chữ nào đó ở những bản in khác nhau, ông đều ghi chú chữ của các bản khác biệt, và giải thích vì sao lại chọn chữ ấy. Chẳng hạn ngay ở những câu đầu của Truyện Kiều "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy đã đau đớn lòng". Ông dùng chữ đã bởi vì cả 3 quyển Kiều Nôm đều chép là đã, trong khi rất nhiều bản Kiều quốc ngữ quen thuộc viết là , , hai chữ đã chữ Nôm hoàn toàn khác biệt. Một quyển sách cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về Truyện Kiều.

**** Duy Minh Thị: là bút hiệu một cư sĩ người Minh Hương, tên thật là Trần Quang Quang đã tân san Truyện Kiều và đưa in ở Quảng Đông-Trung Quốc, thợ Trung Quốc khắc bản gỗ không giỏi, không những sai chữ Nôm mà còn sai cả chữ Hán ở những chữ rất thông dụng như PHÚC, LỘC, THỌ. Nhận xét về bản Kiều Duy Minh Thị GS Nguyễn Tài Cẩn đã nói "đầy rẫy sai lầm", còn GS Hoàng Xuân Hãn "nhiều khi người ta cho là bản một người dốt chép lại".


Tham khảo:

- Kiều có giá bao nhiêu? Cổ Mộ, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 841/20-12-2013.
- Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội, bản in lần đầu-1974.
- Truyện Kiều, Đặng Thanh Lê trích, giới thiệu và chú thích, NXB Giáo Dục-Hà Nội in lần thứ ba-1972.
- Tìm nguyên tác Truyện Kiều, Vũ Văn Kính, NXB Văn Nghệ TP. HCM & TT Nghiên Cứu Quốc Học-1998.
- Kiều, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, NXB Thanh Niên-1999.
- Tìm hiểu Văn học cổ điển Việt Nam, Võ Đại Mau-Võ Thị Diễm Hương, NXB Đại Học Quốc gia TP. HCM-2003.
- Truyện Kiều, bản Nôm Duy Minh Thị, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo đính, NXB Khoa Học Xã Hội- 2010.


27 nhận xét :

  1. Ngày xưa khi còn ngồi ở ghế Phổ Thông , em mê tác phẩm này lắm ..và nhất là phải học thuộc lòng danh dách các bài thơ trong tác phẩm để đi thi Đại Học ...thế mà bây chừ chả nhớ gì hết ...huhu ..tuổi già sao mà nhanh thế anh Hiệp ui ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuổi trẻ có chuyện của trẻ (phải lo học), nhưng khi đã lớn (cỡ như NangTuyet xem hình tôi thấy chưa già, chắc chắn thế), thì ta có những chuyện khác để làm (như đi du lịch). Về già (như tôi chẳng hạn) người ta lại quay về chuyện chữ nghĩa lẩm cẩm, hìhì!

      Xóa
    2. Nếu được lẩm cẩm như Bác Hiệp thì còn gì bằng Nàng Tuyết ha, Bác Hiệp khiêm tốn qué.........Hihi

      Xóa
    3. Bây giờ mà còn ngồi đọc Kiều thì chả lẩm cầm là gì MTB? Hihi!

      Xóa
    4. Hihi ... nhất trí với bạn Mùa Thu Buồn hai tay luôn ! Đúng là khi đến tuổi như anh Hiệp ...ước mơ để có được một chữ lẩm cẩm như anh , đâu phải là chuyện dễ bạn nhỉ ?

      Xóa
    5. Chịu thua, Hai cô vào một phe không cách chi... chống cự lại được, hihi!

      Xóa
  2. Bài viêt của bác Hiệp rất công phu và rất hay. Về chuyện VÀNG hay Bạc, tôi cũng có nhiều trăn trở. Đàng giá ngàn vàng, tôi đồng ý với bác chỉ là cách nói về giá trị của người đẹp. Chúng ta lại còn gặp : "Tờ hoa đã kí cân Vàng mới trao", như vậy là không thể cân Bạc, vì vần của thơ lục bát. Mã Giám Sinh nghĩ: " Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa", cũng như cách nói của bà mối. Nhưng chỗ này có một mâu thuẫn: Hẳn ba trăm lạng kém đâu/ Cũng đã vừa vốn, còn sau thì lời!" ( câu 829-830). Trước nói mua hơn Bốn trăm kia mà! Sao giờ chỉ còn 300?. Tôi sẽ không băn khoăn, nếu khi báo ân, Kiều đã dùng số tiền khổng lồ: " Gấm trăm cuốn, bạc nghìn CÂN/ Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là" ( câu 2331-2332). Một nghì cân bạc là bao nhiêu lạng bạc?. Với mụ già và sư trưởng thì " Nghìn vàng gọi chút lễ thường". Nghìn vàng này chỉ có thể là nghìn lạng, hay nghìn cân. Chắc không thể nói giá trị như bà mối hay MGSinh. Chính vì thế mà không thể an tâm với VÂNG hay VÀNG như các vị và bác đã nói.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn những ý kiến nhận xét của bác Vũ Nho, thỉnh thoảng đọc Kiều tôi thường đọc... lai rai từng đoạn, nghiền ngẫm những lời bàn của mọi người. Xem những nhận xét về Kiều trong sách vở của những học giả, cũng như của bác đã viết bên trên, tôi sáng ra được nhiều điều.

      Xóa
  3. Bu tui giới thiệu quyển Kiều chứ Nôm và chữ Việt
    Đước ghi là bản cổ nhất - khắc in1866
    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_5588_zpsac8943ee.jpg[/IMG]

    Trang 82 bằng chữ Nôm
    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_5587_zps5ace7fff.jpg[/IMG]

    Câu bên trái ngoài cùng (có mũi tên) đọc trên xuống
    "Giờ lâu ngã giá VÂNG ngoài bốn trăm"
    Chữ vâng bu có viết tay dưới mũi tên cấu tạo như sau:
    VÂNG = kHẨU ( 口 ) + BANG ( 邦 ) như đại từ điển của ông Kính giới thiệu


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu, quyển Kiều Liễu Văn Đường 1866 này cụ Nguyễn Quảng Tuân cũng phiên âm quốc ngữ và cũng đã xuất bản. Quyển Kiều Duy Minh Thị cũng ghi là chữ "vâng", và ở lần tái bản Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh năm 1989 cũng ghi là "tất cả các bản Nôm đều chép là vâng".
      Có điều khi sửa chữ "vâng" bắng chữ "vàng", thì những người sửa đã quên mất một chi tiết rất quan trọng, là chữ "vàng" này không phải là để thay thế cho chữ "vâng", mà chữ "vàng" chỉ là yếu tố để bổ túc cho cụm từ "ngoài bốn trăm" liền sau đó, xác định là "ngoài bốn trăm lạng vàng".
      Như vậy các vị ấy đã bỏ mất đi chữ "vâng" của các bản chữ Nôm trong câu Kiều 648. Một việc làm tôi nghĩ là "phá" truyện Kiều chứ không làm truyện Kiều hay hơn.

      Xóa
  4. "Vâng" hay là "Vàng":
    Theo BoBi tôi, nếu là "vàng" là cực kỳ vô lý, vì đấy là một kinh phí không lồ, trong khi Thúy Kiều dù đẹp, biết cầm kỳ thi họa,nhưng cũng chỉ là con gái của một phú ông (thường thường bậc trung) và gia đình lại đang gặp tai nạn. Ngay thời nay, ba bốn trăm lượng vàng cũng là rất lớn, có thể mua được bao nhiêu nàng Kiều như vậy. Dương Chí Dũng chỉ cần hai căn hộ đã có hai bồ nhí xinh đẹp. hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mua ở đâu bác Nano Bobi chỉ cho biết với
      Tất nhiên phải là cỡ Kiều của Nguyễn Du đẹp khuynh thành nhưng tài hoa trong trắng hihihi

      Xóa
    2. Cám ơn ý kiến của bác BoBi. Tôi nghĩ thực ra khi đi tìm "vàng" hay "bạc", chỉ là cái suy nghĩ của người thời nay khi đọc Kiều. Còn chính cụ Nguyễn Du đâu có "chấp" gì vào vàng hay bạc, bởi trong thơ cụ chỉ nói đến "ba trăm" (giá do người Nha lại họ chung "mách" với Kiều), và cuộc "gả bán" Kiều cho Mã Giám Sinh cũng chỉ nói đến "ngoài bốn trăm" (tạm hiểu đơn vị ở đây là lạng). "Ba trăm" hay "ngoài bốn trăm" cũng chỉ là một con số "ước lệ" ám chỉ là "nhiều" chứ cũng không phải là con số chính xác.

      Còn nếu cứ cố phải xem là "vàng" hay "bạc" thì ý kiến "bạc" của cụ Nguyễn Quảng Tuân lập luận vững hơn hẳn của GS Mai Quốc Liên.

      Xóa
    3. Mua ở đâu chắc Dương Chí Dũng rành đó bác Bu :-))

      Xóa
  5. Câu chữ văn học được khái quá, người đọc cố gán ghép chi tiết cho cụ thể thì phải chăng là những nhà làm kinh tế cân đo. Rất đồng tình với suy nghĩ của chủ trang.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé thăm, Truyện Kiều mang nhiều tính ước lệ, nhưng người đời sau "nhiễu sự" cứ muốn rạch ròi :-))

      Xóa
  6. Trong quyển sách HAI TRĂM NĂM TÌM HIÊU NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIÊU (dày 10 phân Tây) của nhiều tác giả danh tiếng đề cập đến nhiều vấn đề cực hay...Nhưng xem ra thêm 200 năm nữa cũng chưa nói hết về Nguyến Du và truyện kiều. Một ông tiến sỹ Việt ở bên Tây chứng minh rằng Nguyễn Du một thời bồ bịch với Hồ Xuân Hương thư qua từ lại được dẫn ra nhiều nhiều đọc hay lắm...
    Qua đó mới hay một số thơ lâu nay ta yên chí của Hồ Xuân Hương hóa ra không phải. Cũng như "Tin đâu như sét đánh ngang, bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần" đâu phải của ông Bút Tre... hehehe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế mới có chuyện để hậu thế bàn luận. Thời Nguyễn Du chuyện "bồ bịch" qua lại có lẽ rất khó khăn, may ra ở cùng "chạ", cùng thôn "cách nhau cái dậu mùng tơi xang rờn", hay cùng lắm là "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông..." mới "để ý" nhau được, rồi chuyện thư từ qua lại nữa, người đời nhiều khi thích "thêu dệt" cho nó giựt gân.

      Hôm qua tình cờ ghé nhà sách tôi mua được "bản Kiều UNESCO" mới xuất bản, tựa như bản Kiều Duy Minh Thị, Liễu Văn Đường..., in hàng trên là quốc ngữ hàng dưới là chữ Nôm để đối chiếu, rất hay. Có khi entry tới sẽ nói.

      Xóa
    2. Bồ bịch hồi cả hai cùng ở Thăng Long thôi
      Sau khi nàng tiển chàng về Hà Tĩnh thì anh đường anh tôi đường tôi rồi..

      Xóa
    3. À vậy là hai "anh chị" chắc thỉnh thoảng dẫn nhau ra bờ hồ dạo mát, hìhì!
      Trai tài mà gái cũng tài luôn chứ không phải sắc bác Bu nhỉ?

      Xóa
  7. Đọc bài này để mở rộng tầm nhìn về một tác phẩm danh tiếng của VN từ cổ chí kim. Cảm ơn anh Phạm đã bàn thấu đáo thắc mắc của nhiều người. Chúc anh và gia đình nhiều may mắn trong năm mới.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, may ra những thông tin như thế này sẽ giúp ích ít nhiều cho Cô giáo.

      Chúc Cô giáo và gia quyến năm mới như ý :-)))

      Xóa
  8. Mái ngoài họ Mã vừa sang,
    Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao.
    Trăng già độc địa làm sao ?

    Xem ra là 400 lượng vàng đó các bác ơi. "Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao"

    Cái có thể làm nghiêng cả nước, nghiêng cả thành thì nghìn vàng là phải giá thôi. Hiii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chung các học giả nhà ta đã bàn rất nhiều về Kiều, và chắc sẽ còn bàn dài dài. Mấy trăm năm sau vẫn còn có người nhắc Tố Như.
      Một ý kiến hay bổ túc cho phái vàng đây :-))

      Xóa
  9. Em nghĩ rằng, nói vàng hay bạc là ước lệ thôi, "nghìn vàng khôn chuộc"... Nhưng câu trên thì cụ Nguyễn Du nói là "vàng" đấy ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra thì văn chương nói chung và nhất là văn chương ngày xưa mang tính ước lệ rất cao, người ta ví ngàn vàng với trinh tiết của người phụ nữ, rõ ràng nói "ngàn vàng" nhưng chắc chẳng ai lại đi hiểu là "ngàn lạng vàng" cả.

      Văn chương khác khoa học, khoa học phải chính xác, văn chương "được ý thì quên lời". Chứ cứ khăng khăng "soi" từng câu chữ thì chẳng còn là văn chương nữa, Toro đồng ý không?

      Xóa
  10. Vâng, đúng thế anh ạ...

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))