Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Bản Kiều UNESCO.

Bản Kiều UNESCO.


Hôm chủ nhật (29-12-2013), lan man vào một  nhà sách, tình cờ thấy một quyển Kiều bản mới toanh, có cái tên khá lạ TRUYỆN KIỀU BẢN UNESCO. Từ trước đến nay tôi chỉ nghe qua những bản Truyện Kiều chữ Nôm như bản Kiều Duy Minh Thị (bản Kiều này được in bốn lần ở tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc: Bản Kim Ngọc lâu-1872, bản Văn Nguyên đường-1879, bản Bảo Hoa các-1879, bản Thiên Bảo lâu-1891), những bản này phổ biến ở miền Nam nước ta. Trong khi bản Kiều Liễu Văn đường được in hai lần vào năm 1866 và 1871, phổ biến ở miền Bắc. Ngoài ra còn có những bản Kiều Nôm khác như của Lâm Nọa Phu (1870), Thịnh Mỹ đường (1879), Kiều Oánh Mậu (1902), Quán Văn đường (1925)... Một quyển sách giáo khoa về Truyện Kiều sử dụng trong nhà trường tại miền Bắc xuất bản năm 1972 đã viết, có đến 23 bản Kiều Nôm, và bản Kiều cổ nhất in năm 1871. Từ năm 1972 đến nay (2013) đã trên 40 năm, có lẽ  ít nhất đã có thêm hai bản Kiều là bản Liễu Văn đường in năm 1866, và Lâm Nọa Phu (1870) đã được tìm thấy, và bản Kiều Liễu Văn đường in năm 1866 hiện được xem là bản cổ nhất ở nước ta.

Nói về những bản Kiều Nôm thì có trên hai mươi bản Kiều Nôm đã được tìm thấy kể trên, thực ra không phải là hai mươi mấy bản có nội dung câu chữ được in khác nhau, chẳng hạn như bản Kiều của Duy Minh Thị được in đến bốn lần bởi các nhà in khác nhau (tựa như nhà xuất bản bây giờ), thời gian khác nhau, nhưng sách vở nói nội dung thì vẫn giống nhau, kể cả những chữ được khắc sai. Bản Kiều của Liễu Văn đường được in hai lần cũng thế. Có lẽ ngày xưa việc in sách được thực hiện bằng mộc bản, việc sửa chữa, hiệu đính phải khắc lại bản khác, rất công phu và tốn kém, mất thời gian, không như về sau này in bằng máy móc, hoặc bây giờ có vi tính việc sửa chữa dễ dàng, cho nên tuy có trên hai mươi bản Kiều Nôm, nhưng có lẽ những bản Nôm in khác nhau cũng không nhiều lắm.

 Bản Nôm Kiều Duy Minh Thị, NXB Khoa Học Xã Hội-2010.
 
Ngoài những bản Kiều Nôm, thì xưa nay còn rất nhiều bản Kiều được in bằng quốc ngữ, tôi kể ra vài bản tiêu biểu: Bản Kiều quốc ngữ xưa nhất là bản Kiều do Trương Vĩnh Ký phiên âm in vào năm 1875, bản Truyện Thúy Kiều do Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ hiệu khảo, bản Kim Vân Kiều do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải (1925), Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, bản Truyện Kiều Chú Giải do Lê Văn Hòe chú giải, hiệu đính và bình luận, bản Kim Túy Tình Từ do Phạm Kim Chi san định in năm 1917...

Hiện nay đã có khá nhiều bản Kiều Nôm và bản cổ nhất được xác định là bản Liễu Văn đường in năm 1866. Tiểu sử của Nguyễn Du trong đa số sách vở chép ông sinh năm 1766 (có sách chép 1765), mất năm 1820. Về thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều không có sách nào chép rõ ràng, nhiều sách cho là ông viết sau khi đi sứ Trung Hoa ở Yên Kinh về, trong khoảng thời gian từ 1814 đến trước khi ông mất (1820), lý do là khi đi sứ Trung Hoa Nguyễn Du mới đọc được truyện Vương Thúy Kiều trong tập Ngu Sơ Tân Chí của Đạm Tân Dư Hoài, và nhất là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đây là quyển sách được viết theo thể văn xuôi mà từ nội dung, nhân vật của sách này Nguyễn Du đã viết thành Truyện Kiều. Người ta cho là thời của Nguyễn Du không dễ dàng gì một tác phẩm không mấy nổi tiếng như hai quyển trên (hai quyển Vương Thúy Kiều của Đạm Tân Dư Hoài, và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) là những tác phẩm không được xem là tác phẩm hay của Trung Hoa, như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tam Quốc Chí..., khó lòng hai quyển này có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Kim Vân Kiều Tân Truyện, bản Duy Minh Thị.

Vương Thúy Kiều trong tập Ngu Sơ Tân Chí của Đạm Tân Dư Hoài là một người được cho là có thật. Trong truyện cũng có những nhân vật như Từ Hải, một tướng cướp giang hồ ngang dọc, ông quan Hồ Tôn Hiến..., nhưng không nhiều nhân vật như Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, hay Kim Vân Kiều Tân Truyện (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du. Vương Thúy Kiều của Đạm Tân Dư Hoài sau cùng trầm mình xuống sông Tiền Đường và chết, chứ không được cứu sống và gặp lại Kim Trọng, như trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân và của Nguyễn Du.

 Một trang chữ Nôm của bản Kiều Duy Minh Thị.

Tuy có khá nhiều bản Kiều Nôm đã được tìm thấy, và bản cổ nhất được in năm 1866, nhưng giới nghiên cứu cũng không thể xác định được trong số đó có bản nào là nguyên tác do chính Nguyễn Du viết. Từ khi Nguyễn Du mất năm 1820 đến năm 1866  in bản Kiều của Liễu Văn đường là 46 năm, gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Trong bản Kiều Nôm Liễu Văn đường 1866 có một bài đề tựa theo thể thơ Đường Thất ngôn bát cú của Phạm Quý Thích (1760-1825), người sống cùng thời, có ra làm quan dưới triều Lê và triều Nguyễn, là bạn của Nguyễn Du, giới nghiên cứu Truyện Kiều cho là bản này có thể gần với nguyên tác nhất.

Trở lại Truyện Kiều Bản UNESCO được in ở trang bìa quyển sách. Đây là quyển Kiều được đính kèm trong Hồ sơ khoa học của Việt Nam, đề nghị vinh danh Nguyễn Du đã được đánh giá cao, và ngày 12/4/2013 Ban chấp hành UNESCO họp tại Paris đã ra Nghị quyết 191EX/32 đề nghị Đại hội đồng UNESCO vinh danh Nguyễn Du, cùng 92 Danh nhân văn hóa thế giới của các nước được vinh danh đợt 2014-2015. Sách đã được biên soạn theo các tiêu chí đã được giới thiệu trong Hồ sơ khoa học của Ban vận động trình UNESCO. Tuy ghi như thế nhưng sách cũng không cho biết tiêu chí của UNESCO gồm những gì? Và khi soạn sách này Ban Biên tập đã căn cứ chính trên những bản Kiều chữ Nôm và bản Kiều quốc ngữ nào? (Tuy ở phần Tài liệu tham khảo bản Kiều UNESCO có ghi khá nhiều quyển Kiều Nôm và Kiều quốc ngữ). Sách gồm ba phần: Phần giới thiêu giá trị Truyện Kiều, phần văn bản Truyện Kiều, và phần chú giải câu chữ. Và sách đã được in dưới tên như tôi đã viết trên tựa.

 Một trang in hình của bản Kiều UNESCO.

Tôi cũng chỉ mới đọc xong phần đầu của sách (phần giới thiệu), thấy đã khá hay, thử đọc lướt qua một số đoạn của phần hai (phần Truyện Kiều), thấy bản Kiều UNESCO có phần theo sát chữ của những bản Kiều Nôm, tương tự như bản Tìm nguyên tác Truyện Kiều của Vũ Văn Kính mà tôi đã nói ở entry trước, chẳng hạn như ở câu Kiều số 4 Những điều trông thấy đã đau đớn lòng (đa số bản quốc ngữ chép chữ ), hoặc câu số 8 Phong tình lục còn truyền sử xanh (đa số bản quốc ngữ chép là cổ), câu 648 Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm (đa số bản quốc ngữ chép là vàng). Ở đây tôi không muốn đào sâu vào việc tìm kiếm những chữ khác biệt của bản Kiều UNESCO với các bản Kiều quốc ngữ thông dụng xưa nay, mà chỉ muốn trích lại vài nội dung liên quan đến Truyện Kiều thấy hay, mà sách đã viết ở phần thứ nhất là phần giới thiệu:

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã sớm bước vào học đường từ năm 1914, trong chương trình Việt văn của các trường Trung học Pháp-Việt. Cuốn Sách Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa của Lê Thành Ý-Nguyễn Hữu Tiến in năm 1925, giảng 6 trích đoạn Truyện Kiều, Cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm trích 7 đoạn Truyện Kiều. Hiện nay các trích đoạn Truyện Kiều đã được giảng dạy trong chương trình bậc Trung học và Đại học tại Việt Nam. Từ năm 1973 ở Mỹ Truyện Kiều cũng đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường Đại học, trong các môn dạy về Việt Nam và Đông Nam Á.

 Trang đầu của truyện Kiều trong bản Kiều UNESCO, hàng trên là quốc ngữ, hàng dưới là chữ Nôm.

Truyện Kiều đã được trình diễn trên sân khấu, với vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản, được gánh hát cải lương Châu Văn Tú (Năm Tú) trình diễn lần đầu năm 1920 ở Mỹ Tho. Vở Kiều của Nhà hát cải lương Hà Nội được công diễn ở Thụy Sĩ 12 đêm liên tục năm 1995. Năm 1924 bộ phim Kim Vân Kiều do hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine films et cinémas) của Pháp quay tại Hà Nội và làm hậu kỳ ở Pháp. Ngày 19-9-1924 bộ phim Kim Vân Kiều đã được công chiếu buổi ra mắt tại rạp Casino Saigon. Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới.

Từ năm 1953, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được in tại Paris, trong bộ "Từ điển các tác phẩm của mọi thời đại và của mọi xứ sở", cùng với các kiệt tác của thế giới từ cổ đại Ai Cập, cổ đại Trung Hoa, đến Âu Mỹ hiện đại. Năm 2000, khi đến thăm Việt Nam, Tổng thống nước Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton đã đọc hai câu Kiều, trong lời đáp từ tại buổi chiêu đãi của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ở Hà Nội ông nói: "Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác, như trong Truyện Kiều đã viết Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". Quả là một câu nói ngoại giao tuyệt vời của Tổng thống Mỹ.

Hôm nay là ngày 31-12-2013, ngày cuối cùng của năm tính theo Tây lịch, tôi lan man nói về một chuyện của Ta là Truyện Kiều, cũng mong có thể Mua vui cũng được một vài trống canh. Thân chúc các bạn xa gần môt năm mới Cát Tường & Như Ý.

Saigon, ngày cuối năm 31-12-2013


Tham khảo:

- Truyện Kiều, Đặng Thanh Lê trích, giới thiệu và chú thích, NXB Giáo Dục-Hà Nội in lần thứ ba-1972.
- Tìm nguyên tác Truyện Kiều, Vũ Văn Kính, NXB Văn Nghệ TP. HCM & TT Nghiên Cứu Quốc Học-1998.
- Tìm hiểu Văn học cổ điển Việt Nam, Võ Đại Mau-Võ Thị Diễm Hương, NXB Đại Học Quốc gia TP. HCM-2003.
- Truyện Kiều, bản Nôm Duy Minh Thị, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo đính, NXB Khoa Học Xã Hội- 2010.
- Truyện Kiều Bản UNESCO, Ban Biên soạn TS Phan Tử Phùng (chủ biên), Phan Văn Các, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Trần Thế Hào, Trần Đình Tuấn, NXB Lao Động-Quý IV 2013.



13 nhận xét :

  1. Đang định bói Kiều thì gặp bài của anh Hiệp..

    "Mảng vui rượu sớm cờ trưa,
    Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh.
    1475. Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh,
    E tình nàng mới bày tình riêng chung:
    Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
    Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
    Tin nhà ngày một vắng tin,
    1480. Mặn tình cát lũy lạt tình tào khang. ..

    ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì, lâu quá mới thấy tái xuất giang hồ. Câu 1480 chị M. viết chữ "tào khang", chữ này quen đọc là "tào khang", nhưng đúng là "tao khang" 糟 糠, "tao" 糟 là bã rượu, cặn rượu, "khang" 糠 là cám, trấu, vỏ thóc. Hậu Hán thư: Tống Hoằng viết: Bần tiện chi giao bất khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường (Tống Hoằng nói: Bạn chơi lúc còn nghèo hèn không thể quên, vợ lấy lúc còn cám, bã nuôi nhau không thể bỏ nhau).

      Chị M. đi chơi vui khỏe chứ? :-)))

      Xóa
    2. Cả nhà đi chơi cho biết xứ người, cũng vui anh H am. Nhưng vẫn còn bận từ chuyến đi Đài loan đến đi Hawaii về đến giờ vẫn còn nhiều điều muốn kể mà chưa kể xong hihi.

      Xóa
    3. Vâng, ta vẫn quen đọc là Tào khang cho thuận miệng.

      Xóa
    4. Chà đi chơi thế vui quá, nhất chị M. đấy :-)))

      Xóa
  2. Cám ơn bác Hiệp về bài viết.
    Tôi phải đi kiếm một cuốn Kiều của Unesco mới được!
    Năm mới chúc bác và gia đình, các bạn bè Blog nhiều niềm vui, may mắn và HẠNH PHÚC!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho. Bản Kiều UNESCO xem ra khá hay, lại là bản in gồm quốc ngữ hàng trên, chữ Nôm hàng dưới, đối chiếu rất dễ dàng. Một quyển sách tôi nghĩ rất cần cho người làm công tác văn học như bác.
      Năm mới khỏe mạnh, vui vẻ bác Vũ Nho :-)))

      Xóa
  3. Một hàng nôm một hàng quốc ngữ rất dễ đối chiếu
    Những quyển bu tui có môt trang nôm một tang Quốc ngữ Khó đối chiếu.
    Dưới này hiếm sách hay phải đặt nhà sách dưa từ SG về
    Chỗ quê mùa nó khổ thế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quyển này tôi nghĩ bác cũng ưng vì đối chiếu rất dễ. Một trang Nôm một trang quốc ngữ còn tương đối, nhiều quyển in phần quốc ngữ và chữ Hán, nhưng lại thành hai phần riêng biệt, khi cần mình đối chiếu rất khó vì phải mò từng hàng, từng chữ.
      Ở TP lớn như Saigon được cái sách vở dễ kiếm hơn các nơi khác.

      Xóa
  4. Em phải bái phục các bậc tiền bối , những người rất giỏi về chữ nghĩa , văn chương .....Bravo anh Hiệp nè ! Năm mới em chúc anh cùng gia đình dồi dào sức khỏe , nhiều may mắn và thật hạnh phúc anh Hiệp nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn không có giỏi đâu NangTuyet, tôi nói nghiêm túc, chẳng qua là chịu đọc, tìm tòi, nghiền ngẫm, suy nghĩ... và viết ra thôi. Đây là những kiến thức cơ bản, không cao siêu gì, hìhì!

      Xóa
    2. Nàng Tuyết nói đúng đấy Bác Hiệp, em cũng đồng ý 2 tay luôn, ý quên 1 tay thôi, còn tay kia để " quánh chữ ".....Haha. Em cũng đọc, cũng tìm tòi, cũng nghiền ngẫm , cũng suy nghĩ......dữ lắm luôn ah, có điều hem biết nó chạy đi đâu mất tiêu à Bác Hiệp ui....Haha

      Xóa
    3. Ngày xưa trong quân đội coi vậy chứ tôi học được nhiều cái hay từ tụi... Mỹ. Trong chuyên môn tụi tôi học theo giáo trình Mỹ, tụi nó dạy cách nhận xét, phân tích dữ liệu, lý luận... để mình giải quyết vấn đề... Chứ không như kiểu của mình, hoặc là lung tung chẳng trúng đâu vào đâu, hoặc phải theo cái mẫu định sẵn, hìhì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))