Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Những trang sách.


Sách viết về Hát bội, Đờn ca tài tử và Cải lương, Nguyễn Lê Tuyên-Nguyễn Đức Hiệp (Việt kiều Úc viết, mới xuất bản tháng 9-2013, NXB Văn Nghệ-Văn Hóa TP HCM).


Nhân nói về sách, hôm nay (10-10-2013) trên báo Tuổi Trẻ tôi đọc được bài viết về sách với tựa đề tưởng như không liên quan đến sách Cái chết của "khủng long", của tác giả Trần Ngọc Đăng. Một bài viết hay, viết về sự cáo chung của Từ điển in trên giấy ở nước ngoài.

Tác giả cho biết Từ điển giấy bị khai tử trước tiên, bởi chính các công cụ số hữu hiệu, và loại từ điển Bách khoa Toàn thư là loài khủng long chết đầu tiên. Những bộ sách bách khoa đồ sộ, có 250 năm như  bộ Encyclopaedia Britannica 32 tập, kể cả từ điển ngôn ngữ như bộ Oxford English dictionary của Anh với 20 tập và 150 năm biên soạn cũng đã chính thức ngừng in trên giấy. Dĩ nhiên những quyển từ điền ấy không chết, mà được chuyển qua sách mạng, dưới dạng trực tuyến, và được tra cứu miễn phí.

Cuộc sống ngày càng nhanh hơn, gấp gáp, người ta cần tiết kiệm thời gian (bởi thế mà con người mới chế ra xe đạp, xe hơi, đến tàu cao tốc, máy bay..., đao búa, kiếm cung, đến súng trường, đại liên, đại bác, bom nguyên tử... cũng chỉ vì họ càng ngày càng  thấy có ít thời gian!!!), không gian sống cũng đang bị thu hẹp lại, người ta đi từ căn phòng này đến căn phòng khác, từ nhà ở đến phòng làm việc, hết giờ có khi lại đến những căn phòng kính bít bùng, để ăn uống, vui chơi, rồi quay trở lại căn nhà của mình. Gia đình tôi có một người bạn quen, khi ghé nhà chơi người bạn thấy kệ sách của tôi, bạn nói, bây giờ bạn chẳng có thời giờ giở sách ra đọc, bạn chỉ đọc trên laptop hay máy tính bảng, và bạn cũng hay ra quán cà phê ngồi đọc. Chỉ cần một cái máy tính bảng gọn nhẹ như quyển tập học sinh, vào mạng là bạn có thể xem, đọc đủ thứ, thông tin, báo mạng, sách văn học, nghiên cứu... gì cũng có, như một cái thư viện, chẳng mất công phải mua sách, sách phải cần chỗ cất, muốn tìm cái gì có khi mất hàng giờ lục lọi.

Bạn nói rất đúng, thời nào có công việc nấy, tôi không phản đối điều này, đấy là bước tiến của xã hội, không ai có thể ngăn cản được. Hiện tại và tương lai gần của con người chắc chắn sẽ là kỹ thuật số, những màn hình và bàn phím, như chúng ta đã và đang thấy, chúng hiện diện khắp nơi, trong từng ngóc ngách của cuộc sống. Có những đứa trẻ đi chưa vững, nói chưa sõi đã sử dụng máy tính bảng chơi games rất nhanh. Không phải chỉ có từ điển hay sách in trên giấy, như báo giấy cũng đang chết, người ta nói tôi có thể đọc 100 tờ báo trên mạng, và những trang khác bất cứ lúc nào trong ngày mà không tốn tiền,  thì tại sao tôi lại phải mua báo? Sách báo in trên giấy rồi sẽ cáo chung, cũng như phim cho máy chụp hình ít năm trước đây đã không còn được sản xuất, cái thẻ nhớ hình dạng chỉ bằng con tem bưu chính lưu trữ được cả ngàn tấm ảnh đã thay thế cho những cuộn phim truyền thống. Cuộc sống là như thế,  luôn thay đổi, luôn bước tới, không thể khác.

Một hình ảnh tôi hay thấy trên đường phố Saigon nơi những khách du lịch Âu, Mỹ, trên những ngã ba, ngã tư người ta hay giở sách hướng dẫn du lịch ra xem. Trên kệ sách của tôi cũng có khá nhiều sách hướng dẫn du lịch như thế, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, song ngữ... Những sách tiếng Anh dành cho cu cậu con tôi. Có một điều khá lạ, sách hướng dẫn du lịch ở Việt Nam do nước ngoài viết và in ấn, lại chi tiết và "hay" hơn sách trong nước viết tiếng Việt, dành cho người Việt. So sánh 2 quyển sách viết về cùng một địa danh chẳng hạn như du lịch Việt Nam, hay những thành phố lớn, sách nước ngoài phong phú hơn hẳn. Mai này chắc hẳn những quyển sách như thế cũng chẳng còn. Bây giờ cũng với cái máy tính bảng như cuốn sổ tay, hay cái điện thoại di động thông minh, người ta có thể truy cập đủ thứ, bản đồ định vị, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan du lịch, và quay phim, chụp ảnh, gởi tức khắc đi mọi nơi... thật là tiện lợi nhiều đàng.

 Sách hướng dẫn du lịch Cambodia của nhà Lonely Planet bản tiếng Anh.

 Sách hướng dẫn du lịch Cambodia của Discovery Channel, bản tiếng Pháp


 Sách hướng dẫn du lịch Myanmar, bản tiếng Anh.

Cẩm nang du lịch Olizane về Việt Nam, bản tiếng Pháp, phía dưới là những tấm ảnh trong sách.





Sách viết về du lịch Việt Nam của nước ngoài có giới thiệu sơ lược về lịch sử Việt Nam và từng miền qua những thời kỳ, kèm theo những hình ảnh, trong đó có những hình ảnh về chiến tranh.


Mấy ngày hôm nay truyền thông cả nước loan tin về sự ra đi của một vị Đại tướng lừng danh Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp, ông quê ở Quảng Bình (quê hương của ông bạn Bulukhin đây). Tôi lục lại quyển hồi ký của một người cùng quê hương với vị Đại tướng này, ông cũng từng là một vị tướng nhưng đứng khác chiến tuyến, hồi ký của tướng Đỗ Mậu, một vị tướng miền Nam trong nhóm các tướng lãnh đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963. Ông Ngô Đình Diệm cũng là người gốc Quảng Bình, trong sách ông Đỗ Mậu có nhắc tới tướng Giáp, ông Diệm và cả Thượng tọa Thích Trí Quang, những vị cùng sinh trưởng ở Quảng Bình, số phận đã đưa đẩy họ có những lúc đối đầu nhau. Nhưng trên hết họ đều là những người lừng danh một thời, có nhiều ảnh hưởng đến thời cuộc, đất nước... Xa hơn nữa có một người tiếng tăm khác cũng gốc Quảng Bình, được phong Thượng đẳng thần, và được người dân miền Nam thờ ở nhiều ngôi đình lớn, ông có công thu phục miền Nam từ người Chân Lạp, đó là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

 Hồi ký của tướng Đỗ Mậu, NXB Công an Nhân dân - 1995.


Như tôi đã viết, khi đọc bài viết những quyển sách in trên giấy đã dần biến mất ở nước ngoài, chúng không còn được in nữa, ở Việt Nam rồi chắc cũng phải đến ngày đó. Nhưng với tôi, tôi chỉ lẩn thẩn nghĩ, những quyển sách tôi có trong tủ, trên kệ, nó không chỉ mang lại kiến thức, niềm vui, chúng còn luôn như những người bạn, cho chúng ta trò chuyện, điều mà chắc hẳn các bạn cũng đồng ý với tôi. Và khi đã là bạn, thì hẳn những quyển sách sẽ luôn ẩn chứa một tâm hồn...


15 nhận xét :

  1. Khi sách luôn ẩn chứa một tâm hồn, chúng còn đó, không mất được! Like bác Phạm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế, và chúng ta đang nhìn cuộc sống chầm chậm trôi qua :-))

      Xóa
  2. Bác Phạm Ngọc Hiệp ơi!
    Đúng là máy ảnh kĩ thuật số với cái thẻ nhớ bé tẹo đã thay thế hoàn toàn phim nhựa chụp ảnh.
    Nhưng còn lâu báo mạng, sách mạng mới thay thế nổi báo giấy và sách in. Bởi vì xem thứ đó hại mắt một cách kinh khủng. Bây giờ tôi cũng có thể tra từ điển trên mạng, nhưng vẫn khoái tra trên sách vì nó đỡ hại mắt và có thú riêng. Bao giờ các nhà bác học khắc phục được sự hại mắt thì khi ấy mới chấm dứt sách in, báo giấy. Đến khi ấy còn xa lắc xa lơ bác ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở xứ mình chắc cũng còn lâu, nhưng ở xứ người đã bắt đầu rồi bác Vũ Nho, có những tờ báo giấy cả trăm năm đã đình bản, cũng như bây giờ đến từ điển. Hy vọng cỡ như anh em mình vẫn còn được đọc sách báo giấy dài dài... :-))

      Xóa
  3. Ngày xưa, mở quyển sách mới mua về, lấy dao ra rọc, ngửi mùi mực in trên giấy nghe lòng vui vui cũng như đọc thư người yêu qua đường bưu điện, nhìn nét chữ mà hình dung những buồn vui của nàng. HN nghĩ, giữ được những quyển sách giấy, lâu lâu đem ra đọc dầu giấy đã ố vàng theo thời gian nhưng vẫn chở theo kỷ niệm một thời của mình! Mừng cho bác NHP sở hữu một tủ sách (mà HN nghi ngờ là) đồ sộ về đề tài từng chắt chiu, chọn lựa một thời gian dài!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa, hihi, những người như bác và tôi hay nhắc đến chữ này, mỗi lần mua quyển sách mới là phải rọc, cũng là cái thú, như bây giờ có bạn khoái "tem" vậy, mùi giấy, mùi mực mới... Trước đây mỗi lần ghé tỉnh nào tôi thường tìm nhà sách trước tiên, kế đến nếu ở lâu lâu là kiếm chỗ cho thuê sách, rồi đến quán cà phê.

      Bác đoán đúng ác, mấy mươi năm xưa nay tôi đã tìm mua sách theo những đề tài, Văn học, Sử, Địa chí, Du lịch, Kiến thức bách khoa, phổ thông (kể cả kiến thức chuyên ngành), chữ nghĩa (trong đó có kha khá từ điển, sách về chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ)... Cho nên khi cần thiết thì tôi có khá đủ tài liệu để tra cứu. "Gia tài" của tôi bây giờ hóa ra là cái tủ sách đó :-)))

      Xóa
  4. Thích qua nhà anh Hiệp để học hỏi thêm nhiều điều mới lạ ...cảm ơn anh rất nhiều anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nang Tuyet đã luôn ủng hộ, tôi cũng thích những hình ảnh hoa cỏ, du lịch bên nhà bạn. Khi viết là tôi cũng đang học hỏi đấy :-))

      Xóa
    2. Cảm ơn anh Hiệp nhiều nha ! Tuần mới , chúc anh có nhiều niềm vui và sẽ có thêm nhiều bài viết hay để chia sẻ với các bạn anh nhé !

      Xóa
    3. Vâng, chào và chúc Nang Tuyet mọi điều may mắn, đi chơi nhiều :-)))

      Xóa
  5. 1- Ngoài sơn hào hải vị người ta còn chế ra mì ăn liền. "Từ điển" Google là một thứ mì ăn liền, thiều nó thì kẹt,nhưng chỉ xài nó không thôi là không ổn. Bu nghỉ, cho khủng long sống lại là cần thiết...
    2- Sách Tâm sự tướng lưu vong là sự cắt xén biên tập lại sách Việt Nam máu lửa quê hương tôi của Hoành Linh Đỗ Mậu (Ông này người đồng hương Quảng trạch với bu, Hoành là Hoành Sơn - Đèo Ngang, Linh là Ling Giang ) do nhà xuất bản Công an Nhân dân thực hiện năm 1995.
    Tác gỉa viết:
    - Trên con đường ba mươi năm sống và hoạt động đó, tôi chỉ có một tâm nguyện: ấm no và an vui cho đồng bào.
    - HỄ ĐÃ PHI DÂN TỘC
    THÌ THẾ NÀO CŨNG PHẢN DÂN TỘC
    Câu thứ hai là một chân lý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Bác Bu nói đúng, ông Gú gồ chỉ dùng để tra cứu nhanh, rồi sau đó lại phải quay trở lại với Khổng long, chứ chỉ xài ông này thì linh tinh lắm.
      2- Vậy ra ông Đỗ Mậu là đồng Hương với bác Bu, ông ấy theo đạo Phật mà "phò" được ông Diệm cũng hay, nhưng những người như ông ấy cuối cùng khó được "phe" nào chấp nhận (chỉ có một ước nguyện: ấm no và an vui cho đồng bào).
      Mấy hôm nay đọc lại quyển sách này, cùng với lễ tang của Ông Giáp, và sắp tới là ngày anh em ông Diệm-Nhu bị phe đảo chính bắn chết năm 1963, cùng những đình thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh ở miền Nam, tôi cũng miên man suy nghĩ, cùng theo phò Nguyễn Ánh và có công trạng, nhưng những Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt không được như thế (trường hợp Nguyễn Văn Thành là thê thảm nhất, ông này còn bị Lê Văn Duyệt gièm pha).

      Xóa
  6. Đính chính:
    Linh là Linh Giang

    Trả lờiXóa
  7. Cứ mở quyển sách nào, cũng thấy mùi giấy thơm.
    Cảm ơn bác Hiệp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đầu tuần cám ơn bác VanPham đã ghé thăm, tôi luôn mong bác khỏe mạnh để viết và ghé chơi nhà bạn bè.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))