Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Giỗ Thánh.

Hôm nay là ngày 20 tháng tám âm lịch, ngày giỗ Đức Thánh Trần. Tôi ghé đền Đức Thánh Trần ở Saigon thắp một nén hương cho ngài. Ngày giỗ của ngài được tổ chức mấy ngày, thường có tế lễ, và những nghi thức khác.





                               Ngựa, voi, thuyền rồng bằng giấy trong lễ giỗ.

Như chúng ta đã biết, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300), là một nhà quân sự kiệt xuất, ngài là con của An Sinh vương Trần Liễu, được công chúa Thụy Bà em ruột của Trần Liễu đem về nuôi như con, ngài thông minh tuấn tú hơn người, lớn lên văn võ toàn tài. Ngài là người đã lãnh đạo, chỉ huy 3 cuộc kháng chiến chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Chính ngài là người đã đọc bài Hịch tướng sĩ nổi tiếng trước ba quân, nói lên quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Một lần khi đội quân  của Thành Cát Tư Hãn xâm lược nước Đại Việt, thế giặc lúc ấy đang mạnh, vua nhà Trần phải bỏ kinh thành Thăng Long cùng Trần Hưng Đạo rút về phía nam. Thượng hoàng Thánh Tông lo lắng hỏi ngài xem có nên hàng hay không. Ngài đã khẳng khái trả lời: "Bệ hạ hãy chém đầu thần trước, rồi hãy hàng". Tháng 4 năm 1288, lần thứ 3 quân Nguyên mang quân sang xâm lược, ngài đã chỉ huy quân sĩ đánh tan quân giặc nơi sông Bạch Đằng, tướng giặc là Ô Mã Nhi bị chém chết, thủy quân của chúng tan rã, quân bộ bị truy đuổi đến tận biên giới. Vó ngựa của đội quân nhà Nguyên đã từng dẫm nát Châu Âu mà phải từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta. Ngài đã được vua nhà Trần phong chức Đại vương.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà quân sự đại tài, ngài là người không ham danh vọng, phú quý. Sau khi dẹp yên giặc ngài xin về thái ấp Vạn Kiếp, vui sống điền viên những năm tháng cuối đời. Năm 1300 ngài lâm trọng bệnh, vua Trần Anh Tông đến thăm, có hỏi ngài: " Chẳng may giặc phương Bắc lại đến thì làm thế nào?" Ngài đáp: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước". Tháng 9 năm 1300 ngài mất ở Vạn Kiếp. Vua Trần đã truy tặng ngài chức Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công, tước Nhân Võ Hưng Đạo đại vương. Nhân dân coi ngài như một vị Thánh.



                               Đội nữ tế đền Đức Thánh Trần trong một lần tế lễ.

Thỉnh thoảng đến đền đức Thánh Trần, tôi cũng hay gặp những buổi lễ khác, như có những gia đình đến xin làm lễ cầu an, hay cầu siêu, hoặc "khoán" con cho Thánh để mong đứa bé được Thánh che chở, thông minh, khỏe mạnh.


                                              Một buổi lễ cầu an.

                                               Làm lễ "khoán" con cho Thánh.

Tình cờ nơi một góc sân Đền tôi thấy tượng một con chó đá trơ vơ. Con chó đá này hẳn nhiên trước đây là vật của Đền, có lẽ là một linh vật dân gian được thờ. Bây giờ con chó đá được "dụi" vào một góc sân, trong khi ở sân Đền bây giờ có đặt cả bàn thờ Thổ Địa.

                                                Con chó đá nơi góc sân.

Nhìn tượng con chó đá, tôi chợt nhớ đến câu truyện cổ tích khi xưa được nghe từ lúc nhỏ, câu chuyện anh học trò nghèo và con chó đá, chắc các bạn còn nhớ câu chuyện này. Đại khái có một anh học trò nghèo nhưng vẫn gắng học hành, một hôm trên đường đi tới nhà thày đồ, ngang qua nơi có đặt tượng con chó đá, chợt con chó vẫy đuôi mừng rỡ. Anh chàng học trò lấy làm lạ hỏi: "Tại sao mày lại vẫy đuôi mừng tao?". Con chó đá trả lời: "Khoa này chỉ có mình thày đậu thôi, Trời đã định thế nên tôi vẫy đuôi mừng thày".

Anh học trò về kể cho cha mẹ nghe, người cha từ đó tỏ ý lên mặt hống hách với hàng xóm. Có lần trâu nhà dẫm lên lúa hàng xóm, bị nhắc nhở, ông ta nói: "Phen này con ông đỗ, rồi sẽ biết tay". Ngày sau anh học trò đi học ngang qua chỗ con chó đá, không thấy chó đá vẫy đuôi mừng nữa. Anh học trò hỏi: "Mọi hôm tao qua đây mày vẫy đuôi mừng, sao hôm nay không thấy?". Con chó đá đáp: "Tại cha thày đã hống hách với xóm làng, Trời đã gạch tên thày không đỗ nữa, nên tôi không mừng". Anh học trò về nhà nói chuyện với cha, người cha kinh sợ, quả nhiên khoa thi ấy anh học trò không đậu. Người cha hối hận tu thân, còn anh học trò vẫn gắng quyết chí học hành. Mấy năm sau sắp đến kỳ thi, anh học trò đi ngang qua chỗ con chó đá, lại thấy chó đá vẫy đuôi mừng. Con chó đá nói: "Nhờ nhà thày đã tích đức tu thân. Khoa này Trời lại cho thày đậu". Anh học trò mừng rỡ nhưng không dám về nói với cha mẹ, quả nhiên khoa thi năm đó anh đậu cao.

Khi xưa, con chó đá được thờ như một vị thần ở sân đình, sân đền, có nơi gọi kính cẩn bằng tên Quan lớn Hoàng Thạch, cũng có nơi chôn chó đá trước cổng nhà như linh vật canh giữ, trừ tà...

Vật đổi sao dời, như tấm hình thứ nhì từ trên xuống tôi chụp tượng đức Trần Hưng Đạo, các bạn thấy dưới chân tượng của ngài có con sư tử đá kiểu của Trung Hoa đứng há mồm nhe răng (một cặp sư tử dưới chân tượng), còn con chó đá dân gian nép mình nơi một góc sân...




12 nhận xét :

  1. có những thông tin bây giờ em mới được biết rõ hơn qua bài viết của bác Hiệp.
    Đền thánh Trần tên đường Võ Thị Sáu phải ko ạh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đền Đức Thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu quận 3 đó bố susu.

      Xóa
  2. Trong các chuyện kể dân gian thì vai trò sư tử kém xa chó đá, nhưng sư tử vẫn được ngồi ở địa vị cao sang hơn.
    Cách nhìn nhận con người của dân khác các chính khách.
    Thứ được thờ đôi khi là đồ bỏ đi... hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong dân gian Việt Nam hình như sư tử không được nhắc đến bằng con chó đá. Chuyện sư tử đá kiểu Tàu, kiểu Tây (nhất là kiểu Tàu) bây giờ phổ biến tràn lan nơi các đền, chùa nhiều người, hay báo chí có nói tới, có lẽ chủ yếu do ít hiểu biết về văn hóa của "một bộ phận không nhỏ" người dân (họ cung tiến sư tử đá cho đền, chùa), và ngay cả những người có trách nhiệm nơi đền, chùa.

      Ngoài sân đền Đức Thánh Trần và 2 bên cổng (tam quan) có sư tử Tàu ngồi há mõm, trong chính điện thờ có cặp bình sứ Giang Tây cao hơn đầu người, hỏi ra mới biết toàn đồ cung tiến.

      Xóa
  3. Người ta hay ví các vị vua chúa với Hổ, Báo, Sư Tử tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy còn Con chó đá thường hay được ví cho dân gian với sự trung thành, đấy là thiển nghĩ của em. Tháng tám giỗ Cha tháng Ba giỗ Mẹ (Mẹ ở đây là Mẫu nghi thiên hạ -Chúa Liễu Hạnh và Cha là Vua cha Bắc Hải hay là Đức Thánh Trần hả bác?)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam có tục thờ chó đá, ông Ngũ hổ (đạo Mẫu), không thấy nói đến sư tử. Con sư tử đá ta hay gặp bây giờ, là của Trung Hoa, hoặc Tây phương (hình dáng có khác).

      Câu "Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ" là của đạo Mẫu. Me là bà Chúa Liễu Hạnh (phủ Thượng Thiên - Mẫu nghi thiên hạ), còn Cha là Bát Hải Đại Vương (Bát chứ không phải Bắc đâu TT), không phải Đức Thánh Trần, nhưng cũng có người hiểu là Đức Thánh Trần. Điều này liên quan tới Đạo Mẫu, tục lên đồng. Hay để entry tới tôi nói sơ qua?

      Xóa
  4. kỳ này bác H chụp hình có thấy ngựa, voi , thuyền hoa đẹp nhỉ . Đội nữ tế ngày một già đi , chắc phải lo tuyển lựa những cô trẻ chuẩn bị "lực lượng kế thừa" .
    Chó đá đơn sơ nhưng lại gợi cho mình một hình ảnh ở làng quê Bắc việt xa xưa . Miền quê nam bộ hình như ít thấy con chó đá giống vậy . Còn sư tử đá thì giờ nhìn thấy khắp nơi , kể cả các dinh thự của các nhà giàu thời nay

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngựa, voi, thuyền rồng, là hàng Mã người ta dâng lên Thánh Trần (chắc vì ngài là võ tướng, lại nổi danh qua trận Đạch Đằng). Không biết bây giờ lớp trẻ có còn chịu học mấy cái tế này không? Có khi tụi nó khoái "đen xơ" hơn :-))

      Chó đá phổ biến ở miền Bắc xưa, nơi có nhiều đình, đền, trông thân thiện, hiền lành, miền Nam tôi cũng ít thấy chó đá. Sư tử đá thì khỏi nói, đình chùa nào cũng có vài cặp nhe răng, trông "ngáo ộp", chó đá bị sư tử đá đuổi chạy mất đất, hìhì!

      Xóa
  5. Chó đá
    Thơ Vua Lê Thánh Tông

    I.
    Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài,
    Cửa nghiêm chem-chẻm một mình ngồi.
    Quản bao xương tuyết nào chi kể,
    Khéo giữ cao lương cũng chẳng nài.
    Mặc khách thị-phi giương tráo mắt,
    Những lời trần-tục biếng vào tai.
    Một lòng thờ chúa, nghìn cân nặng,
    Bền vững ai lay cũng chẳng dời.

    II.
    Lần kể xuân thu biết mấy mươi
    Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
    Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt
    Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi
    Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng
    Chào người quân tử chẳng phe đuôi
    Phỏng trong sức có ngàn cân nặng
    Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác VanPham đã post thơ của vua Lê Thánh Tông cho mọi người thưởng lãm.

      Xóa
  6. Ảnh thứ nhì, Bác nên chú thích. Đức Thánh chỉ tay, quát: Tống cổ con vật "lạ" cho ta

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vật lạ, tàu lạ, người lạ ("Bác sĩ" TQ leo lên trần nhà vệ sinh trốn khi bị kiểm tra).

      Xóa

:) :( :)) :(( =))