Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Tra từ sách (3).

Ở bài viết trước lai rai bàn về chữ nghĩa, hai ông bạn Bulukhin và Hồng Ngọc vào comments đưa ra nhiều từ ngữ khó giải thích nữa, đáng chú ý là một từ ngữ hai bạn đều đề cập đến là một từ ngữ thông dụng rất hay được mọi người dùng trong cuộc sống hàng ngày, đó là từ chợ búa. Ông bạn Bulukhin nói "búa có phải là cái búa đóng đinh không?". Còn ông bạn Hồng Ngọc thì "Sao có chợ búa mà không có chợ kềm?". Chợ thì không ai thắc mắc, nhưng từ búa thì quả khó hiểu. Tra trên mạng có thể thấy khá nhiều trang mạng giải thích từ chợ búa. Một trong những đại thụ về tra cứu giải thích chữ nghĩa, từ nguyên quen thuộc là học giả An Chi, ông đã có thời kỳ dài phụ trách mục Chuyện Đông Chuyện Tây trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, những gì ông viết trả lời những câu hỏi của độc giả rất thuyết phục và đã được Nhà xuất bản Trẻ in thành sách. Tôi cũng có mấy tập sách này của ông, và tôi cũng thường tra cứu những câu trả lời của ông về từ nguyên.

Trên trang mạng Bách khoa Tri thức độc giả có hỏi và ông trả lời về búa trong chợ búa như sau (tôi chép nguyên văn):

"Búa thực ra là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là phố , có nghĩa là cửa hàng, là nơi buôn bán. Ở Hà Tĩnh, người ta vẫn gọi cái chợ nhỏ là búa (xin xem thêm KTNN 177, CĐCT, tr. 55). Vậy chợ búa chẳng qua là chợ nói chung và đây vốn là một từ tổ đẳng lập đích thực mà hai thành tố là những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau như: xe cộ, tàu bè, sông ngòi, bến bãi, v.v... Xét theo lịch đại thì búa là một từ có nghĩa riêng biệt và cụ thể còn xét theo hiện đại thì đó chỉ là một yếu tố đã mất nghĩa, đúng hơn, đó là một từ cổ. Những từ cổ như thế rất nhiều và người ta chỉ có thể nói rằng chúng là những yếu tố đã mất nghĩa chứ quyết không nói được rằng chúng là những yếu tố vô nghĩa như vẫn thường làm chỉ vì chính mình không biết được nghĩa của chúng".

Những gì học giả An Chi viết bên trên khá cụ thể và dễ hiểu về chữ búa trong chợ búa. Cũng như đoạn nói về từ đẳng lập mà chúng ta thường rất hay gặp như hai ông bạn đã đề cập. Tuy nhiên đọc trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, chữ búa trong chợ búa được hiểu một cách khác với giải thích của học giả An Chi, và những gì viết trong sách cũng rất thuyết phục, khi tôi đã tra thêm một vài quyển sách khác. Tôi post lên hình chụp những đoạn văn trong Vân Đài Loại Ngữ dưới đây:




Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn thì chữ búa trong chợ búa là từ chữ Hán Việt "bộ". Sách cũng chép rõ chợ bán cá con gọi là hoa ngư bộ, với chữ hoa ngư là cá con và chữ bộ là chợ, và theo bài Kinh khê sứ của người Minh thì "Chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ". Đấy là về từ Hán Việt, nhưng từ búa trong chợ búa, và cả từ chợ búa là tiếng Nôm, có liên quan gì đến chữ Hán Việt bộ. Tôi post tiếp những gì liên qua dưới đây:


 

Trước tiên là về chữ "bộ" mà sách Vân Đài Loại Ngữ đã viết là "chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là bộ". Trong từ điển Hán Việt hiện đại, chữ "bộ" là "chỗ ghé đậu thuyền, bãi đậu thuyền", tức là "bến nước". Trong tự vị chữ Nôm thì chữ "Bộ" đã được chuyển thành "bộ" (đi bộ) và "Bụa" (góa bụa). Từ "Bộ" chữ Hán Việt xưa là chợ "ăn đến bến nước", có thể hiểu là chợ ven sông, đến chuyển sang chữ Nôm là "Bụa" trong góa bụa, thì chữ "Bụa" rất gần với "Búa" trong "Chợ búa". Như vậy từ búa trong chợ búa bắt nguồn từ chữ bộ trong tiếng Hán, như sách Vân Đài Loại Ngữ đã viết cũng "rất có cơ sở".


Sách tham khảo:

- Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn, bản dịch Tạ Quang Phát (3 quyển), Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1995, trang 178 quyển 1, và trang 259 quyển 3.
- Từ điển Hán Việt, Nguyễn Tôn Nhan, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa xuất bản năm 2008.
- Bảng tra chữ Nôm, không đề tên tác giả, Viện Ngôn Ngữ Học, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1976.



9 nhận xét :

  1. Kính nhi viễn chi, đọc thôi, hổng dám bàn :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì, chỉ là "góp nhặt cát đá", có sách, đọc chỗ này chỗ kia và "xuyên suốt" lại, cuối cùng là chia sẻ với bạn bè :-)
      Trong mọi lãnh vực, tri thức là niềm vui phải không bác Nguoigia?

      Xóa
  2. VN chưa ai làm được Từ điển Từ nguyên, những góp nhặt công phu của bác Hiệp rất quý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có vài quyển Từ điển Tầm nguyên của VN, nhưng còn thiếu quá nhiều, nếu có Viện hàn lâm về ngôn ngữ và nhiều người giỏi thì may ra VN mới có được Từ điển Từ nguyên hoàn chỉnh, chắc thế hả Toro? Cám ơn Toro quá khen.

      Xóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Làm từ điển đã nhọc công, làm từ điển tầm nguyên càng khó gấp trăm lần, mà bán từ điển tầm nguyên chắc lác đác có vài người như bác Phạm, anh Bu mua thôi. Khó càng thêm khó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là làm từ điển Tầm nguyên khó gấp trăm lần từ điển thường, vì phải tra cứu nguồn gốc của từ ngữ chứ không chỉ giải thích nghĩa, hay viết cho đúng. Loại từ điển này một người khó lòng làm nổi hoàn chỉnh, nhưng dù sao xã hội cũng cần phải có những từ điển như thế.
      Cũng đúng là bán từ điển Tầm nguyên ít ai mua, đa số người dùng từ điển chỉ cần biết nghĩa là đủ, không cần phải tìm hiểu ngọn nguồn từ ngữ làm gì. Tôi cũng có một vài quyển từ điển gọi là Tầm nguyên Việt, Hoa, nhưng hễ cần tìm chữ mình muốn tìm là y kỳ không thấy, hihi!

      Xóa
  5. Đúng là sưu tầm công phu. Bicon chỉ nghe các cụ nói về Chợ chung chung, đầu lưỡi. Nghe là hiểu, là cái chợ con con, gần nhà và rất thôn quê.
    Nhưng nếu lỡ phát ngôn câu nói thiếu văn hoá, thiếu lễ phép, liền bị mắng: "Đừng có nói năng kiểu Chợ búa...như thế con à!".
    Và liền hiểu ra, mình vô lễ, không lịch sự rồi. Ngương, đỏ mặt, nhớ không bao giờ lặp lại nữa. Chợ Búa trong Bicon vẫn vậy ....đến giờ.
    Qua bài Entry của Bác, Bicon hiểu thêm, Cám ơn Bác Hiệp nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta hay nói "sáng nay chợ búa" tức là "sáng nay đi chợ", tiếng "chợ búa" này là bình thường. Nhưng cũng như bạn Bicon Lê viết bên trên "Đừng nói năng kiểu Chợ búa... như thế con à", thì chữ "Chợ búa" nghe như là "nói năng kiểu... dao búa" (dân dao búa, dân bất hảo), lại là một lời trách mắng. Từ ngữ thường như thế, tùy theo hoàn cảnh, cách nói, mà có những cách hiểu khác nhau.
      Còn nguồn gốc của từ ngữ lại là chuyện khác, hiểu xuất xứ của nó, cũng vui. Cám ơn bạn vào xem, chúc luôn vui.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))