Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tra từ sách (2).

                                Những cô gái Mường. Ảnh Internet.

Entry trước tôi có nói về từ mắt mỏ, có nghĩa là đắt đỏ. Sau khi tra sách thì thấy trong nhiều quyển từ điển, nhất là những quyển từ điển cũ đều viết là mắt mỏ, chứ không phải là mắc mỏ, như chúng ta thường hay gặp trong ngôn ngữ và sách báo bây giờ, và mắc mỏ được sách giải thích là từ láy.

Ông bạn Bulukhin vào comment cho biết theo học giả Phan Ngọc thì từ MỎ là một phần của tính đối xứng trong tiếng Việt, chẳng hạn trong gà qué, chó má, đắt đỏ... Còn bạn Anna Nguyen thì đoán chừng đó là từ mắc, mắc mỏ chứ không phải là mắt, mắt mỏ, vì từ mắt là nói về con mắt để nhìn, và bạn nói "có thể sách trước đây viết chưa chuẩn, vì chữ quốc ngữ đang thời kỳ mới phát triển, sau này người ta hiệu chỉnh lại".

Tuy tôi không nghĩ là trước đây sách viết mắt là chưa chuẩn, nhưng ý kiến của bạn Anna Nguyen cũng rất đáng chú ý. Tôi chợt nhớ đến quyển từ điển Mường-Việt* mà mình có. Như các bạn đã biết, trong 54 dân tộc Việt Nam thì người Việt và người Mường được xếp vào nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (gồm các tộc người Chứt, Mường, Thổ, Việt), và người Mường được xem là người Việt cổ. Ngôn ngữ của người Mường và người Việt có nhiều từ rất giống nhau, thí dụ như tiếng còm (gầy, miền Nam nói là ốm), con (con cái), công (chim công), kiển (con kiến), kinh (kinh sách), kinh đô (kinh đô, kinh thành), lẫn (lẫn lộn), lẩn áp (lấn áp), lấn quấn (lẩn quẩn), đao kiểm (đao kiếm), đân (dân), đân đen (dân đen), kèo nài (kèo nài)... Chữ nghiêng là tiếng Mường..., và rất nhiều từ ngữ giống nhau nữa...

Khá may mắn trong ngôn ngữ của người Mường nơi quyển từ điển Mường-Việt có những từ ngữ liên quan đến điều tôi muốn tìm. Trước hết là chữ Măt (không có dấu sắc) có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là con mắt, nghĩa thứ nhì là khuôn mặt. Còn chữ Mắt cũng có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là biết (chăng mắt/ không biết), nghĩa thứ nhì chính là đắt (đắt rẻ). Trong ngôn ngữ của người Mường cũng có cụm từ mắt mó (mó với dấu sắc), tương đương với từ mắt mỏ có nghĩa là đắt đỏ của người Việt. Nhưng trong tiếng Mường thì từ trong mắt mó cũng có nghĩa là đắt, chứ không phải là "trợ từ" như Đại nam Quấc Âm Tự Vị, hay là "từ láy" như Từ điển từ láy tôi đã trích dẫn ở entry trước. Từ điển tiếng Mường cũng trích dẫn một câu tiếng Mường liên quan như sau "pảinh mắt, pảinh mó chăng cỏ ngay mua" (bán đắt quá chẳng có ai mua).

Người ta nói tiếng Việt rất phong phú, thì đúng là như thế, mèo mun, chó mực, ngựa ô... cũng là để nói về những con vật có màu đen, nhưng tiếng Việt xem ra cũng khá... rối. Chỉ với một từ mắc, mắt, khi tra tìm đã thấy... mệt, nhưng nếu có chút thời giờ và tài liệu tìm được ngọn nguồn của chữ nghĩa, kể cũng thú vị.

Nhân tiện tôi thử tra thêm mấy từ ông bạn Bulukhin đã nói, như gà qué, chó má... xem sao? chó thì chúng ta đã biết là con gì rồi, còn qué? Nói chung những từ điển được soạn gần đây thì không thấy nói đến 2 từ qué, má, nhưng những từ điển tiếng Việt xưa như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, của Hội Khai Trí Tiến Đức, Thanh Nghị, Ban Tu Thư Khai Trí... đều giảng nghĩa qué là con chồn, còn cũng có nghĩa là con chó...


* Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang (chủ biên) - Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia - Viện Ngôn Ngữ Học - Nhà xuất bản văn Hóa Dân Tộc Hà Nội xuất bản năm 2002.




14 nhận xét :

  1. Bác tra cứu thế này đúng là mở mang dân trí, khai thông những lầm lẫn về ngôn ngữ. Thông tin Từ điển xưa đều giảng nghĩa qué là con chồn, còn má cũng có nghĩa là con chó... rất hay ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lẩn thẩn thử tra tìm trong sách vở chơi, cũng hay :-)

      Xóa
    2. Tiện bác tìm luôn thêm chữ "Thuế má" xem sao bác H nhé.

      Xóa
    3. "Thuế má", "giấy má", tôi thử tra tìm trong từ điển thì thấy chỉ ghi "nói chung là về các loại thuế", và "chỉ các loại giấy tờ, văn bản", chữ "má" đứng sau không có ý nghĩa, cũng không thấy ghi là từ láy.

      Xóa
  2. Bu nghe người ta nói má là một con vật na ná con chó chứ chưa hẳn là chó. Còn qué là con chồn thì quả là mới nghe lần đầu. Những từ như: màu mè, chợ búa, máy móc, gai góc, chết chóc...thì mè(có phải là hạt vừng không?) búa (có phải là cái búa đóng đinh không) chóc (là gi?) móc (là gì)... Cụ NGọc cho là từ thứ hai thường không có nghĩa mà chỉ là đối xứng với từ trước nó tạo ra nhịp điệu câu nói của người Việt
    Tiếc thay chúng ta không có chuyên môn hẹp về ngôn ngữ nên khó mà đi cho đến tận cùng được...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về "má", thì những sách xưa giải nghĩa như thế, tôi nhớ hồi năm đệ nhị (lớp 11), thày giáo dạy Việt văn của tôi giải nghĩa về chữ "má' như thế này, má là con chó nhưng giống này "tệ" hơn chó bình thường, chó thường thì cho thịt chó nó không ăn, còn con má xơi tuốt, chẳng biết có con chó nào thế không?
      Đúng là muốn tìm hiểu từ nguyên cần phải có chuyên môn hẹp về ngôn ngữ, và phải có rất nhiều tài liệu tra cứu mới có thể đi đến tận cùng. Riêng tôi thỉnh thoảng rỗi rảnh thử tìm hiểu vài chữ nơi đám sách vở mình có cũng thấy hay hay.

      Xóa
    2. Hễ dụng công tìm hiểu thì thấy vô khối điều hay, bác Phạm nhỉ!

      Xóa
    3. Muon tra loi nhung chu blog da no'i roi. Vang, con chó nào ma an ca thit chó(dī nhiên thit da nau chín) nguoi quê toi hay goi la con Má

      Xóa
    4. Cuộc sống luôn có những điều hay như thế, có khi chỉ là ở những gánh hàng rong như bạn đã nhận thấy bên nhà. :-))

      Xóa
    5. Hihi, vậy thày giáo ngày xưa giỏi thật, không ấm ớ như thày bây giờ bác NguoiGia nhỉ? :-))

      Xóa
  3. 1. VN là một quốc gia đa sắc tộc, chuyện vay mượn từ ngữ trong lịch sử sống chung lâu dài chắc chắn phải xãy ra, nhiều nhất từ chữ Hán rồi chữ Pháp (về rau cải như bắp sú- choux, xà lách son- cresson, thịt cóc lếch - cotte-lette, ghi đông xe đạp, cà phê...)
    2. Bác Hiệp tra ở từ điển Việt-Mường và có tự điển để tra là điều tuyệt vời vì như bác đã nói, người ta phân loại các nhóm ngôn ngữ như Tạng- Miến, Môn-Khmer, Việt- Mường...Người Việt và Mường có nhiều tập quán xưa, nếp sinh hoạt giống nhau, bốn cái khác đã được tổng hợp là: "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới.
    3. VN chưa có hàn lâm viện ngôn ngữ nên chuyện đúng sai, tự nghĩa thật khó lường. HN cũng có hồi lẩn thẩn tự hỏi như bác Bu, sao có chợ búa mà không có chợ kềm? có thịt con cá sao không có cá con thịt...??
    4. Những vấn đề này bác Hiệp muốn đi xa thử tìm đọc các sách của Tiến sĩ (ngôn ngữ) Mai Thị Kiều Phượng đang được dùng giảng dạy ở các trường đại học (có thể tìm thấy trên Google khi gõ tên bà này)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1/ Sách nói 75% từ tiếng Việt là từ Hán-Việt, và trong tiếng Việt còn rất nhiều từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp, sau này thêm tiếng Anh, chưa kể tiếng Miên, Thái, Mã Lai, dân tộc thiểu số Chăm, Gia Rai, Bà Na...
      2/ Tiếng Việt (Kinh) do giao thoa nhiều ngôn ngữ khác nên thu nạp và biến đổi khá nhiều, còn tiếng Mường vẫn giữ được rất nhiều nét cổ, kể cả nếp sống, văn hóa của họ.
      3/ Bao nhiêu năm thống nhất đất nước mà không lập ra được một viện hàn lâm về ngôn ngữ thì kể cũng dở, hay không có người làm?
      Về từ "búa" trong "chợ búa", trong Bách khoa Tri thức, học giả An Chi có giải thích là bắt nguồn từ chữ Hán "phố", có nghĩa là cửa hàng nơi buôn bán. Tôi đọc trong Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn viết bài Kinh khê sớ của người nhà Minh chép: "chợ nào ăn đến bến nước thì người xưa gọi là "bộ", và chú thích ở cuối trang là chữ búa trong chợ búa vốn do chữ bộ chuyển ra.
      4/ Tôi đã thử tra tên của TS Mai Thị Kiều Phượng, bà có viết nhiều sách về ngôn ngữ, để hôm nào tôi tìm đọc, cám ơn bác đã chỉ dẫn.

      Xóa
  4. Theo tôi biết, người miền núi ở miền Trung gọi con chó là con "má" đó. Chắc là tiếng Việt cổ hay tiếng Mường chăng ? Có lẽ anh bulukhin biết điều này. Tôi đã từng nghe một số người già ở Quảng Bình cũng gọi con chó là con má.
    Chuyện ngôn ngữ thay đổi là bình thường. Nên nhớ lúc ban đầu chữ quốc ngữ không phải viết hoàn toàn giống bây giờ. Việc phiên âm và viết lại theo mẫu tự la tinh ban đầu chưa chuẩn xác để phân biệt rõ " ăt" và " ăc".
    Một số cặp chữ phiên âm có khác ở miền Trung như : lúa - ló; gạo - cấu, trầu - trù, lửa - lã; rựa - rạ, con - cơn . Ví dụ: con rựa - cơn rạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đồng ý với bạn Anna Nguyen ngôn ngữ thay đổi là bình thường, nó chỉ là một "ước lệ" của con người. Chẳng hạn chữ mà bây giờ ta viết là trời thì xưa viết là blời, tlời, rồi giời, giờ viết là vua thì xưa là bua, và còn rất nhiều từ khác nữa. Cũng có những chữ kiểu mắt và mắc như thế, chẳng hạn như chữ thủy (thủy chung, nguyên thủy), gốc của nó là thỉ, người ta viết thành thủy, rồi bây giờ ai cũng viết thủy, nếu có học sinh nào viết chính tả mà ghi thỉ chung chứ không phải thủy chung thì chắc chắn sẽ bị trừ điểm.
      Ở đây tôi chỉ muốn nói tới cái cách viết ban đầu của từ ngữ, và sau người ta dùng sai với cái ban đầu chứ không bàn đến cái thay đổi của từ ngữ.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))