Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Về một từ ngữ.

Tình cờ coi chương trình Giọng hát Việt 2013 (The Voice Việt Nam 2013), tôi nghe một nữ ca sĩ Huấn luyện viên nói ít nhất hai lần về từ "thảo mai", đại khái trong khi tranh luận để "dành" thí sinh, cô ca sĩ HLV đã nói: "này này, đừng có mà thảo mai...", một từ ngữ mà lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại.

                                  
                                          Ảnh copy từ The Voice VN 2013.


Thuở nhỏ thỉnh thoảng tôi cũng nghe người lớn trong nhà nói với tụi nhóc chúng tôi như thế, khi có đứa nào không trung thực, nói một đằng làm một nẻo, từ ngữ của dân miền Bắc là nói điêu, điêu ngoa... Đây là một lời trách mắng nhưng nhẹ nhàng, không đến nỗi là lời la rầy dẫn tới chuyện bị phạt. Lúc nhỏ ấy chẳng có đứa nào thắc mắc hỏi người lớn xem thảo mai là gì? Rồi bẵng đi bao nhiêu năm cái từ thảo mai ấy đã chìm vào quên lãng, tôi không còn nghe ai nói đến nữa. Đến bây giờ đột nhiên tôi lại được nghe lại.

Tôi đã thử tra tìm trong tất cả những sách vở đã có, những từ điển tiếng Việt xưa nay, trong Nam ngoài Bắc, những từ điển Thành ngữ - Tục ngữ, từ điển Tầm nguyên, từ điển Từ cổ Việt Nam, từ điển truyện Kiều, các quyển từ điển Hán-Việt, Việt-Hán, từ điển Điển cố Trung Hoa, kể cả từ điển tiếng Mường là ngôn ngữ cổ của người Việt, cũng chẳng có một chút dấu vết gì về từ ngữ thảo mai mình muốn tìm cả...

Trong sách vở không có, đành thử tra trên mạng. Về ý nghĩa của từ thảo mai, một vài trang mạng cũng có nói đến, đại khái cũng giải thích như tôi hiểu bên trên. Trang mạng có tên là Thần Tượng có bài viết cho biết nguồn gốc của từ thảo mai là tên của một cô gái, trong câu ca dao: "Thảo Mai rao bán chỉ vàng/ Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh". Rõ ràng qua câu trên thì cái cô gái bán chỉ tên là Thảo Mai là người không trung thực, rao bán chỉ vàng (chỉ may màu vàng) nhưng lại đi bán chỉ màu xanh, kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Nhưng đoạn giải thích nguồn gốc của từ thảo mai trong bài viết cũng chỉ nói có thế, là ca dao, không thấy nói được trích dẫn theo sách vở nào...

Tôi có quyển Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, lại thử tra xem có câu bên trên không? Cũng chẳng thấy, thật là bóng chim tăm cá...

Gia đình tôi gốc miền Bắc, khi tôi còn nhỏ hồi mới vào Nam năm 54, bố mẹ tôi, người lớn trong nhà tôi nhớ vẫn còn sử dụng khá nhiều phương ngữ miền Bắc để nói chuyện, chẳng hạn các cụ không nói trời mưa ra ngõ lầy lội, mà nói là đáng* lắm. Như vậy chắc chắn thảo mai là một từ cổ của miền Bắc ngày xưa, chứ không phải là một từ mới được sáng chế ra bây giờ, không biết ở miền Bắc từ này bấy lâu nay có còn được dùng không?, nhưng có lẽ đến cả nửa thế kỷ tôi mới được nghe nói lại ở miền Nam (người nói là cô ca sỹ người miền Bắc). Thảo mai là từ Hán Việt, nhưng nếu tách riêng từng chữ hay gộp lại để giải thích cũng không có nghĩa gì cả. Như vậy nói từ Thảo Mai là tên của một cô gái trong câu ca dao, như bài báo mạng tôi đã trích dẫn bên trên, cũng có lý, nhưng không rõ câu ca dao này có bắt nguồn từ một điển cố, điển tích xưa nào...?

Có bạn nào biết được nguồn gốc của từ này không?


* Đáng, từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, nhiều tác giả, Hoàng Phê chủ biên, do NXB Đà Nẵng in lần thứ 5 năm 1997, giải thích là lầy lội, có bùn lầy (phương ngữ).


17 nhận xét :

  1. Thảo Mai là tên nhân vật giống như Sở Khanh trong truyện Kiều . Nhân vật này như là trong Nhị Độ Mai thì phải .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng đã tra mấy quyển Từ điển Văn học VN, trong tác phẩm thơ Nôm (khuyết danh) Nhị độ mai, cũng không có nhân vật nào tên là Thảo Mai cả.
      Từ điển Văn học quốc âm cũng chẳng có từ Thảo mai :-(

      Xóa
  2. 1- Có lẽ phải liên lạc với người nói hai chữ đó để hỏi xem sao PNH à...Oái oăm đây.
    2- Chữ thảo là cỏ còn có nghĩa: Cẩu thả, sơ sài, lơ là, thay đổi. Ví dụ: thảo thảo liễu sự 草草了事 cẩu thả cho xong việc. Đang tìm xem có chữ mai nào ghép vào cho có lý đây...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Ông cụ tôi năm nay đã 87 cũng chỉ biết là ngày xưa nói như thế, với nghĩa ám chỉ là không trung thực, điêu ngoa... hoặc là lộn xộn, lắm chuyện... chứ cũng không rõ là từ đâu mà có chữ thảo mai.
      2- Tôi cũng đã thử tra toàn bộ 2 chữ thảo và mai Hán Việt, thấy nghĩa của nó không thích hợp, tôi không nghĩ nghĩa của nó thuần túy là về chữ. Tôi cũng nghĩ đây là tên của một người trong một điển tích gì đó, như Đạo Chính, Tú Bà, Lục Vân Tiên... mà bạn DuyNguyen đã nói bên trên. Có điều chưa tìm ra được điển tích.

      Xóa
  3. Thảo mai là từ ngoài Bắc hay dùng, bây giờ em thấy vẫn được dùng nhiều ở Hà Nội, mà hình như thảo mai chỉ dùng nói về phụ nữ thôi. "cái cô ấy thảo mai lắm" có nghĩa là cô gái ấy nói dối, không trung thực hoặc nói khéo quá, nịnh nọt, tâng bốc người khác một cách thái quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn TT, cũng rõ thêm đôi chút, đây là phương ngữ miền Bắc, đã có từ xưa, thời các cụ của tôi đã phổ biến rồi. Có lẽ ban đầu như TT nói chỉ dùng cho phụ nữ điêu ngoa, không trung thực, nói tâng bốc người khác thái quá... Như vậy từ thảo mai có nhiều phần nguồn gốc là tên của một phụ nữ trong một điển tích nào đó, với tính cách như thế. Bây giờ có lẽ được dùng đại trà hơn, chỉ chung cho cả nam giới.

      Xóa
  4. Nếu bà cụ M còn sống thì có lẽ bà sẽ giải thích cho M để M dựt giải cho cái note này rồi.. hihi, vì thật ra ngày xưa M thường nghe bà kể về các tích xưa, bà biết rất nhiều điển tích cổ xưa, biết rất nhiều truyện thơ xưa như Nhị độ Mai, Cung oán ngâm khúc.. cho đến truyện Kiều, bà biết và thuộc lòng, giới trẻ của tụi M lúc ấy còn chịu thua bà.

    Tiếc nhỉ, từ ngữ cổ rồi cũng mai một theo thời gian.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật tiếc há chị M., các cụ như thế nay đa phần đã về với tiên tổ, để hậu bối loay hoay với những gì xa xưa cũ. Các cụ ngày trước có trí nhớ thật tuyệt, già rồi mà ru cháu toàn bằng những ca dao xưa.

      Xóa
  5. Học thêm được một từ mới, thật lạ và thật hay... Cám ơn Bạn nhiều :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào và cám ơn bạn đã vào xem, xin mời bạn cứ ghé chơi :-)

      Xóa
  6. Nếu có thì giờ có thể hỏi cụ An Chi trên tạp chí "Kiến thức ngày nay" chắc sẽ rõ ngọn ngành bác NHP ạ. Dầu sao thì phát giác của bác cũng là điều hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ An Chi thì OK rồi.
      Tôi nghĩ khi đã tra rất nhiều sách mà không có dấu tích gì về chữ này, thì đây không phải là điển cố, điển tích mà có thể là một từ trong sách văn học hồi đầu thế kỷ 20 nói về người (bởi đã có từ thời ông bà mình), như Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ... Hoặc một nhân vật trong một sự kiện nào đó của xã hội lúc bấy giờ, đến nay hiếm còn người nhớ...

      Xóa
  7. Đúng là từ rất xưa, dể em tra cứu xem sao... Nhưng các đại lão hòa thương như bác Bu, bác H tra kỹ rồi không thấy thì chắc em cũng bó tay.com thôi... Haha

    Trả lờiXóa
  8. cảm ơn mọi người, mình đã học được thêm một từ cổ. Giới thiệu với mọi người một page facebook cũng bàn về những từ ngữ mình sử dụng hằng ngày.
    https://www.facebook.com/cunghoctiengviet

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã vào xem và đưa thêm đường link.

      Xóa
  9. Từ này có trong sự tích của đạo Mẫu về Thánh Mẫu Thoải.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))