Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Một góc ký ức Saigon.

Mấy hôm trước tôi ghé chùa Phổ Quang, một ngôi chùa khá bề thế ở trên con đường cùng tên nơi quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi chờ bà xã vào lễ nơi chính điện mới được xây dựng, tôi đi rảo chơi ngó quanh sân chùa. Đây là một ngôi chùa lớn có khuôn viên khá rộng, sân rộng rãi, nhưng không được bàn tay trụ trì tài hoa coi sóc, nên cảnh trí chẳng có gì đặc sắc. Tôi đã đến ngôi chùa này nhiều lần, nhưng thật bất ngờ, nơi một góc khuất, tình cờ tôi nhìn thấy một ngôi mộ xây theo kiểu thường thôi, chứ không phải mộ cổ ô dước gì cả, nhưng trên bia mộ có cái tên quen thuộc, đó là nơi an nghỉ của nữ sinh Quách Thị Trang. Một cái tên mà có lẽ ai sinh trưởng lâu năm ở Saigon cũng biết. Không mang theo máy hình, tôi chụp ngôi mộ bằng điện thoại di động.


                  Ngôi mộ Quách Thị Trang.

Ai đã ở Saigon từ thập niên 60 của thế kỷ trước chắc sẽ biết nữ sinh Quách Thị Trang, người đã bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào ngày 25 tháng 8 năm 1963, tại quảng trường trước chợ Bến Thành (nay là một vòng xoay có dựng tượng của Quách Thị Trang). Vào khoảng những năm đầu của thập niên 60, Saigon dưới chế độ của TT Ngô Đình Diệm đầy những biến động. Khởi đầu vào ngày 11 tháng 11 năm 1960 với cuộc đảo chính bất thành do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu (cuộc đảo chính diễn ra trong hai ngày 11 và 12). Đại tá Nguyễn Chánh Thi đã cướp máy bay quân sự cùng những sĩ quan cầm đầu đảo chính chạy sang Cam Bốt lưu vong. Một sĩ quan khác tham gia đảo chính là đại úy Phan Lạc Tiên cũng đã đào thoát qua biên giới bằng đường bộ.

Đến tháng 2 năm 1962, hai viên trung úy không quân trong quân đội Saigon là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử, đã lái hai chiếc máy bay khu trục AD6, ném bom dinh Độc Lập làm hư hỏng nặng cánh trái của dinh, TT Ngô Đình Diệm cùng gia đình chuyển sang ở và làm việc tại dinh Gia Long, và cho xây lại dinh Độc Lập bởi thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ như chúng ta thấy ngày nay. Năm 1962 cũng là năm người Mỹ chính thức tham chiến tại miền Nam.

Năm 1963 Saigon rơi vào hỗn loạn với những cuộc biểu tình chống độc tài của nhiều tầng lớp, trí thức, công nhân, học sinh, sinh viên, Phật giáo... Ngày 11 tháng 6 Hòa thượng Thích Quảng Đức* đã tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng trước tòa đại sứ Cam Bốt (nay là CMT 8 - Nguyễn Đình Chiểu, hiện đã xây tượng đài của Hòa thượng tại đây). Ngoài Hòa thượng Thích Quảng Đức, sau đó còn hai vị Đại đức nữa đã tự thiêu để phản đối chế độ, đó là Đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu ngày 5 tháng 10 trước chợ Bến Thành. Đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu ngày 27 tháng 10 trước Nhà thờ Đức Bà.

Ngày 25 tháng 8 năm 1963 trong một cuộc xuống đường biểu tình của thanh niên, sinh viên, học sinh Saigon trước chợ Bến Thành, một nữ sinh của trường Trung học Trường Sơn là Quách Thị Trang tham gia biểu tình đã bị cảnh sát bắn chết,  người sát hại chị là viên cảnh sát có tên là Nguyễn Văn Khánh.  Những cuộc bạo động kéo dài cho đến đầu tháng 11 năm 1963 thì chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ sau một cuộc đảo chính của các tướng lãnh chế độ Saigon**. Chế độ độc tài và số phận của hai anh em TT Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu đã kết thúc trong một chiếc xe bọc thép M113, trên đường phố Saigon. Sau khi hai Ông đã từ dinh Gia Long chạy vào trú tại nhà thờ Cha Tam*** nơi Chợ Lớn, và bị người của lực lượng đảo chính bắt giữ.



Bia đá đề ngày sinh 4-1-1948 tại Thái Bình, và ngày mất 25-8-1963 tại Saigon của nữ sinh Quách Thị Trang.


Trên vách tường cạnh ngôi mộ có một bài báo viết về việc dựng bức tượng của nữ sinh Quách Thị Trang tại bùng binh trước chợ Bến Thành.



                               
         Ngôi chính điện chùa Phổ Quang mới được xây dựng lại.


Năm 1963, khi ấy tôi chỉ là một chú nhóc mới bước chân vào Trung học, thấm thoát đến nay (2013) đã 50 năm, với biết bao nhiêu đổi thay, dâu biển. Nửa thế kỷ đã trôi qua, mới đó mà đã hơn nửa đời người...

* Hòa thượng Thích Quảng Đức (Bồ tát Quảng Đức), tên thế tục của ngài là Nguyễn Văn Khiết (1897-1963), quê ở làng Hội Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, ngài xuất gia năm 1904, pháp danh Thị Thủy, hiệu là Thích Quảng Đức, đã trụ trì chùa Long Vĩnh ở Gia Định nên còn được gọi là Hòa thượng Long Vĩnh.
** Cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài của TT Ngô Đình Diệm do đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc bấy giờ là Cabot Lodge giữ vai trò chủ mưu, đưa tướng Dương Văn Minh (Big Minh) lên làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân. Vào tháng 4 năm 1975, Ông Dương Văn Minh đã làm vị TT cuối cùng của chính quyền miền Nam.
*** Nhà thờ cha Tam, tên chính thức là Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, thuộc Giáo xứ Chợ quán, Tổng Giáo phận Saigon, tọa lạc tại đường Học Lac, quận 5 trong khu Chợ Lớn của người Hoa. Nhà thờ do linh mục Pierre d'Assou, có tên gọi theo người Hoa là Đàm Á Tố (Tam An Su, nên được gọi tắt là Cha Tam) đứng ra mua đất khởi công xây dựng từ năm 1900, khánh thành vào năm 1902.

Tham khảo:

- Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ xuất bản năm 2001.

17 nhận xét :

  1. Những thông tin thật hay, cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
  2. Phan Lac Tuyen anh a... Lich su nhu cuon phim, rat huu ich doi voi nguoi sau neu biet tim ra thong diep cua no phai khong anh?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro chắc biết rõ về vị này. Lịch sử chỉ là một sự lập lại. Tìm hiểu về lịch sử sẽ biết được hiện tại và tương lai...

      Gặp sẽ nói chuyện nhiều sau.

      Xóa
  3. lại biết thêm được nhiều thông tin mới từ bài viết của bác Hiệp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bố susu đã ghé thăm. Bây giờ là "thời của thông tin" mà :-))

      Xóa
  4. Một phát hiện thú vị. HN còn nhớ hồi đó có một bài hát mở đầu bằng câu "Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng..." chắc bác NHP cũng cò nhớ. Lần lại lịch sử giai đoạn này có nhiều chuyện thật đáng buồn, ngay chính bài nói chuyện về Pháp nạn 1963 ở TTVHPG Liễu Quán Huế của GS Cao Huy Thuần từ Pháp về cũng có những chỗ HN không đồng tình nhất là mới có thêm thông tin về "biến loạn Phật giáo miền Trung 1966" do chính người trong cuộc thuật lại trên mạng Internet. Cám ơn bác NHP nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngay trong quyển từ điển về Saigon-TP HCM mà tôi tham khảo cũng không hề ghi mộ của nữ sinh QTT ở đâu. Tôi nhớ câu hát ấy chứ, về QTT thì có bài hát đó, còn về phi công Phạm Phú Quốc cũng có 1 bài hát của Phạm Duy, hình như NS PD viết theo "đơn đặt hàng" của nhà cầm quyền thời ấy.

      Lịch sử, hay một sự kiện lịch sử có thể được nhìn từ nhiều góc độ, nhiều phía, qua nhiều thời kỳ cho nên lắm khi "chẳng biết đâu mà lần"...

      Xóa
  5. Cô Trang chống chế độ độc tài được tạc tượng để đời, ngày nay chống chế độ độc tài được vào tù bóc lịch. Đúng là đổi mới huhuhu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không lo đâu bác Bu, vẫn còn có những tượng đài được dựng trong lòng mọi người :-)))

      Xóa
    2. Cả cmt lẫn reply thiệt nhịp nhàng. Hoan hô bác Bu và bác NHP!

      Xóa
  6. Hôm nay được biết thêm một thông tin mới thật hay, cám ơn anh Hiệp nha !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chừng nào Nang Tuyet về Saigon có thời giờ ghé qua mấy chỗ này, chắc biết chuyện cô QTT đi biểu tình chứ?

      Xóa
  7. Bác Hiệp ơi sang bên nhà em cho ý kiến về bài viết của Sư Ông làng Mai về tuệ giác chân thực với nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rồi, qua đọc, rất thú vị về bài viết này của TT :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))