Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Điện Ngọc Hoàng (3).

Trong hai entry trước tôi đã giới thiệu tổng quát về tầng trệt của ngôi Điện Ngọc Hoàng ở Saigon, với những tượng thờ Tam giáo rất độc đáo. Ngôi Điện Ngọc Hoàng còn một tầng lầu nằm trên khu chính điện, đi lên bằng một cầu thang gỗ cũ kỹ. Điện thờ đầu tiên trên tầng lầu sau khi lên cầu thang là Ngọc Anh Dao Đài, thờ Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn, là đấng tối cao của tông phái Minh Sư, chỉ tượng trưng bằng một tấm gương soi chứ không có tượng thờ. Diêu Trì Kim Mẫu là biểu tượng của Vô Cực, là Mẹ của vũ trụ. Theo Dịch Lý thì Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (Âm - Dương), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Thái Dương - Thiếu Dương - Thái Âm - Thiếu Âm), Tứ Tượng sinh Ngũ Hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ). Ngũ Hành vận chuyển sinh ra vũ trụ, vạn vật.

Trên tầng lầu có một điện thờ tên Đại Hùng Bảo Điện với bàn thờ chính thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên có Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ đứng hầu, phía dưới có bài vị thờ chư Phật, Thánh, Tiên.


                          Khám thờ Quán Thế Âm Bồ Tát và chư Phật, Thánh, Tiên.


Tại tầng lầu cũng có bàn thờ của Tổ Phật giáo đầu tiên Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày vượt qua biển.


                           Tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày.

Trên tầng lầu có một cung thờ tên là Vương Tướng Đường, nơi đặt bài vị thờ Tổ tiên của bổn đạo Minh Sư. Tôi cũng thấy trên tường treo hình của mấy vị có công khai phá, lập nên Điện Ngọc Hoàng.


                         Bài vị thờ Tổ tiên của bổ đạo Minh Sư.

          

Đứng trước một khoảng sân nhỏ trên tầng lầu chúng ta có thể nhìn thấy rõ phần mái của dãy nhà Đông Sương (Đông Lang), lợp ngói lưu ly với những đầu đao cong trạm trổ. Trên mái chúng ta cũng có thể nhìn thấy những tượng người, rồng... bằng gốm. Cùng với bộ tượng Mười Hai bà Mụ được trưng bày tại điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, đây là dòng sản phẩm đặc biệt được làm dành riêng cho các chùa, miếu của lò gốm Bửu Nguyên Chợ Lớn một thời, tiếc là dòng sản phẩm gốm độc đáo này nay không còn nữa.


     Mái điện lợp bằng ngói lưu ly với các tượng gốm của lò Bửu Nguyên - Chợ Lớn.


Đứng ở sân trước của tầng lầu, chúng ta cũng nhìn thấy hai câu đối treo hai bên cửa ra vào với hàng chữ (đọc từ trên xuống và từ trái sang phải): "Đạo vận tam kỳ/ Môn quang tứ biểu". Trong sách Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian tại TP HCM, thấy ghi câu này là "Đạo vận tam kỳ/ Ân quang tứ biểu" và giải nghĩa "Đạo chuyển Kỳ ba/ Ân soi bốn phía". Không hiểu sao có sự khác biệt giữa chữ "Ân" trong sách vở và chữ "Môn" tôi chụp bây giờ. Theo Minh Sư Đạo, từ thuở dựng nên trời đất đến nay, được chia làm ba kỳ: Thượng Nguyên, Trung Nguyên, và Hạ Nguyên. Mỗi Nguyên lại được chia làm 12 Hội, có tên gọi từ Tý đến Hợi, hiện nay sắp hết Kỳ ba (Hạ Nguyên), tông phái Minh Sư ra đời độ cho người có căn lành. Ở Việt Nam có Đạo Cao Đài cũng thờ Tam tông, cũng chia thời gian làm Ba kỳ (bây giờ là Kỳ ba), là một tôn giáo tương đối mới, chịu ảnh hưởng nhiều của Minh Sư Đạo.


                Hai câu đối ngoài hiên của tầng lầu.


        Nến thắp trong đĩa trên bàn thờ hay thấy trong những đền, điện của người Hoa.


Qua ba entry, tôi đã giới thiệu khái quát về ngôi Điện  Ngọc Hoàng của Minh Sư Đạo, nơi còn lưu giữ những tượng thờ rất độc đáo và đặc sắc, là một nhánh của tông phái Phật giáo người Hoa xưa ở Saigon. Người Pháp xưa và người Việt quen gọi là Chùa (la pagode). Thực ra chữ Điện (le temple) có nghĩa là nơi thờ thần linh thì chính xác hơn, như qua mấy entry tôi đã giới thiệu, rất nhiều thần linh được thờ trong ngôi điện này. Như chúng ta cũng đã biết, những gì được thờ trong ngôi Điện này gần như tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người, từ Ngọc Hoàng Thượng Đế (người mình gọi nôm na là Ông Trời), đến Thập Nhị Nương Nương, Thổ Địa, Thần Tài..., may ra có Đức Phật Thích Ca là người lịch sử đã ghi chép. Tuy nhiên nắm được ý nghĩa phần nào về ngôi Điện này có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy thích thú hơn, khi có dịp ghé thăm.


13 nhận xét :

  1. "những gì được thờ trong ngôi Điện này gần như tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người" đúng thế bác nhỉ. Một bài viết thật công phu và bổ ích trong chuyến thăm viếng Điện Ngọc Hoàng, cảm ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bao giờ có dịp ghé Saigon có thời giờ TT cũng nên ghé qua cho biết.

      Xóa
  2. Chữ ân 恩, và chứ môn 門 khác nhau về tự dạng và nghĩa.
    Theo bức hình thì phải đọc môn quang tứ biểu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ "ân" và chữ "môn" thì khác nhau xa quá rồi. Cánh cửa này mở vào bên trong có bức vách đề chữ "Phúc" lớn, sau bức vách là điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn, đấng tối cao của Minh Sư. Theo chữ là "Môn quang tứ biểu", như vậy có nghĩa là "ánh sáng từ cửa (của đạo Minh Sư) soi bốn phía", không hiểu sao trong sách lại viết chữ "môn" thành chữ "ân".

      Xóa
  3. Họ giữ được đặc trưng Trung Hoa. Nó cũng làm phong phú thêm cho nền văn hóa, tín ngưỡng đa dạng, hỗn dung của Saigon. Một phóng sự rất hay anh H ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Saigon xưa nay đúng là đa dạng về văn hóa, không ngờ theo thống kê đất Saigon còn lưu giữ được đến 300 ngôi đình, thêm nhiều chùa, miếu, đền, điện thờ các loại.

      Xóa
  4. Trong điện thờ là chỗ âm u , đèn nến khói nhang mà anh chụp ảnh nào cũng rõ nét ; đáng phục . :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, kỹ thuật của máy móc bây giờ, ISO cao, khỏi cần bật đèn flash, vì đèn sẽ lóa khi phản chiếu những chỗ nhẵn bóng.

      Xóa
  5. Có dịp đến đây M cũng thích lên tới sân thượng để ngắm mái ngói chùa và các tượng gốm mà không biết đó là dòng sản phẩm gốm Việt nay đã bị mai một

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tài liệu cho biết, trên 100 năm trước ở Chợ Lớn có 2 lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa chuyên làm tượng người, rồng phượng, phù điêu thờ cung cấp cho các chùa, đình, đền, miếu... ở Saigon rất độc đáo. Tiếc là dòng sản phẩm gốm này đã không còn.

      Xóa
  6. Đọc một hơi ba bài của bác Phạm, sảng khoái như uống bình rượu ngon! Cám ơn bác, có dịp vào SG sẽ tìm đến chiêm ngưỡng chốn này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Nô đã vào đọc, có dịp vào Saigon bên cạnh cái gọi là hiện đại, và xô bồ, nếu chú ý đến một chút gì xưa cũ, bác có thể ghé thăm vài nơi tiêu biểu tôi đã giới thiệu.

      Xóa
  7. Đạo Cao Đài là tôn giáo lớn thứ 3 tại Việt Nam và thứ 10 trên thế giới. Có kinh kệ, luật lệ, lễ nghi, giáo lý rõ ràng. Hệ thống tổ chức giáo hội hoàn chỉnh. Và hoàn toàn không hề chịu ảnh hưởng của đạo Minh Sư. Tác giả đã có tìm hiểu kỷ về Cao Đài giáo chưa mà kết luận như vậy ? Một người đứng ngoài cửa đạo thì không biết đạo bên trong có gì.

    Kính.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))