Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Điện Ngọc Hoàng (1).

                
                 Chính diện Điện Ngọc Hoàng với hàng chữ Hán "Ngọc Hoàng Điện".

Có một ngôi chùa Tàu với hệ thống tượng thờ rất phong phú và độc đáo ở Saigon, mà tên chính thức ngày xưa là Ngọc Hoàng Điện, chứ không phải là Miếu hay Hội quán như các chùa Tàu khác, tọa lạc tại số 73 Mai Thị Lựu (trước năm 1975 là đường Phạm Đăng Hưng) ở phường Đakao (Đất Hộ), quận 1. Người Pháp xưa gọi là La pagode deuteronomy l' Empereur de Jade à Dakao (tạm dịch là chùa thờ Ngọc Hoàng ở Dakao). Từ năm 1981 thì ngôi Điện thờ của người Hoa ở Saigon này gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tên gọi là Phước Hải Tự (chùa Phước Hải).

Không có tài liệu chính thức nào cho biết Điện Ngọc Hoàng được xây dựng từ năm nào. Theo bài vị lưu truyền vị trụ trì đầu tiên là Thích Từ Quảng, và Điện được xây dựng bởi Lưu Đạo Nguyên (tục gọi là Lưu Minh), một nhà sư theo tông phái Phật giáo Minh Sư ở Trung Quốc lưu lạc sang Việt Nam. Thoạt đầu sư Lưu Minh cùng một nhà sư Minh Sư khác là Trương Đạo Tân, từ Quảng Đông lưu lạc đến Hội An truyền đạo. Một thời gian sau Lão sư Trương Đạo Tân viên tịch, sư Lưu Minh vào Saigon lập nên Điện Ngọc Hoàng.

 Sư Lưu Minh đã xây dựng Điện vào khoảng năm 1896. Điều này có lẽ đúng vì tấm biển bằng đá đề 3 chữ nổi Ngọc Hoàng Điện, có chép là do Lưu Đồng Quang viết vào mùa thu Năm Canh Tý (1900). Trong Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển gọi Điện là chùa Ngọc Hoàng, có viết "chùa tạo lập lối năm 1905, ăn lạc thành năm 1906". Chùa do "Một người Tàu tên Lưu Minh ăn chay ròng, giữ đạo 'Minh Sư', lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập vừa để thờ phượng vừa  để làm nơi hội kín". Xét như thế Điện Ngọc Hoàng được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ XX, tính theo niên đại thì vào cuối đời vua Đồng Khánh sang đến đời vua Thành Thái.


    Du khách ngoại quốc trên sân của tầng lầu chánh điện. Bên cạnh là mái ngói của Điện.

Chúng ta cũng nên biết qua về Minh Sư, đó là một tông phái Phật giáo của người Hoa, chủ trương kết hợp Tam Giáo, trong điện thờ có một bức hoành phi đề "Tiên Phật Nho tông", vì chủ trương kết hợp Tam Giáo cho nên tượng thờ của Điện rất phong phú, từ Ngọc Hoàng Thượng Đế, cho đến Phật A Di Đà, Thích Ca, Bồ Đề Đạt Ma, Thành Hoàng, Thập Nhị Nương Nương (người Việt gọi là Mười hai Bà mụ), Thổ Địa, Thần Tái, Thái Tuế, Lỗ Ban... Điện Ngọc Hoàng được xây dựng trên một khu đất rộng, theo kiểu "nội công ngoại quốc", chữ "công" ở đây đã được biến thể thành chữ "tam", là trục các điện chính, hai bên phải trái là hai dãy nhà Tây Sương (Tây Lang), và Đông Sương (Đông Lang), được dùng làm Tăng phòng, và nơi thờ phượng các vị Thần khác. Nếu tính từ ngoài nhìn vào phía trước sân có hồ phóng sinh thả cá, bên góc phải có thêm một hồ phóng sinh nữa thả rùa, cá tượng trưng cho như ý, còn rùa tượng trưng cho trường thọ.


                     Hồ phóng sinh thả rùa.

    Trên lưng một con rùa trong hồ có đề tên tuổi người phóng sinh cùng chữ "cầu tự".


Vào cửa chính hiện nay sẽ thấy một khám thờ, ở giữa là tượng Phật A Di Đà, tượng Phật này nguyên thủy là của một ngôi chùa ở Saigon, khi người Pháp quy hoạch làm đường Catinat vào năm 1920 (nay là Đồng Khởi) chùa bị giải tỏa, bức tượng lưu lạc một thời gian rồi được đưa về Điện Ngọc Hoàng đến ngày nay. Trên khám thờ bên cạnh tượng A Di Đà còn có tượng Quán Thế Âm trăm tay, hình và tượng Phật nhỏ hơn, những tượng và hình ảnh này còn mới.




                                    Tượng Quán Thế Âm.

Tử Tiêu Điện ở tầng trệt là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, đầu đội mũ bình thiên, hai tay nâng hốt ngọc, mình mặc hoàng bào. tượng cao khoảng 3m, là chúa tể Trời - Đất. Trong điện thờ Ngọc Hoàng, đứng chầu hai bên có đầy đủ Tiên đồng, Tiên cô, Nam Tào, Bắc Đẩu, các vị Thiên thần trên Thượng giới.


                                  Tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.


    Tượng thờ các vị thần đứng chầu hai bên Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, và các vị Thiên thần.

Cũng tại tầng trệt tại trung điện hai bên có hai bệ thờ hai vị Thần Thanh Long và Bạch Hổ, thể hiện bằng hai bức tượng Thần cầm kiếm, dưới chân có khắc hình rồng và hổ.


                                             Tượng thần Thanh Long.

                                         Tượng thần Bạch Hổ.


Tại trục chính điện còn có Ngọc Hư Cung, thờ Huyền Thiên Thượng Đế, hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế, biểu thị bằng một bức tượng đạo sĩ, để râu tóc dài, tay cầm kiếm, chân đạp lên tượng rùa và rắn.


                         Huyền Thiên Thượng Đế, hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế.


Theo sách vở cho biết những tượng thờ chính ở Điện Ngọc Hoàng được làm rất đặc biệt, đều bằng cốt tre, rất lớn, bên ngoài bồi giấy, sơn thếp và đắp hoa văn, nhiều pho tượng không theo tỉ lệ cân đối, có những tượng nét mặt nghiêm trang, có những tượng nét mặt dữ tợn, quái đản. Trong khung cảnh mờ tối của ánh đèn, nến, khói nhang càng làm tăng lên vẻ huyền ảo của Điện Ngọc Hoàng.

 Trong điện có gian thờ Thành Hoàng, với hai bên tả hữu thờ Thái Tuế và Lỗ Ban Tiên Sư. Thành Hoàng của người Hoa khác với Thành Hoàng của người Việt, Thành Hoàng của họ kiêm luôn chức năng về sinh tử tại địa phương, cho nên dưới quyền Thành Hoàng còn có một số Thần khác giúp việc như Phán Quan, Nhật Tuần Du, Dạ Tuần Du, Ngưu Đầu, Mã Diện, Quỉ Sứ với hai thuộc hạ Bạch Vô Thường và Hắc Vô Thường.


                                        Thành Hoàng.


    Những vị Thần giúp việc cho Thành Hoàng.


                       Thần Thái Tuế dưới hình ảnh một đứa trẻ mặc yếm để đầu ba vá.

                        Thần Lỗ Ban, vị thần xây dựng, tượng trưng cho sự khéo léo.



                              Tượng Xích Thố.



Hôm tôi ghé Điện Ngọc Hoàng tình cờ trong chính điện đang làm lễ, tôi có chụp mấy tấm hình và hỏi thăm được biết đây là một buổi lễ cầu siêu, cầu an của người Hoa, có những nhà sư, sãi, những người phụ lễ... Họ đọc kinh Địa tạng bằng tiếng Hoa, trong nhang khói, tiếng nhạc bát âm của người Hoa rất ấn tượng. Tôi post lên vài hình ảnh trong buổi lễ dưới đây...

                     
 


                         Chuông và mõ trong buổi lễ.

(Hết phần 1).

Sách tham khảo:

- Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian ở TP HCM, Ban Quản lý di tích lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh, xuất bản năm 2001.



20 nhận xét :

  1. Phong cách kiến trúc và tượng hoàn toàn Trung Hoa anh H nhỉ... Sự pha trộn Tam giao đồng nguyên ở đây thật sinh động.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một Điện thờ hoàn toàn theo phong cách Trung Hoa, may chuyển sang Giáo hội Phật giáo VN vẫn còn giữ được nét văn hóa của họ.

      Xóa
  2. Các bức tượng trong chùa rất đẹp. Thật ấn tượng khi chiêm ngưỡng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tìm hiểu kỹ về Điện, ghé xem ta thấy thú vị hơn.

      Xóa
  3. Điện thờ lắm ông thế thì các vị phải học tập Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm xem sao hihihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vẫn còn rất nhiều tượng thờ nữa, tôi sẽ post tiếp.

      Xóa
  4. Chùa Ngọc Hoàng (người SG quen gọi Chùa thay vì gọi Điện ) khác với những ngôi chùa khác ở các bức tượng to , cao và làm theo phong cách rất đặc biệt . Muốn ngắm tượng nên đi ngày thường chứ ngày rằm hay Tết vào chùa chỉ thấy toàn đầu người và những bó nhang giơ cao nghi ngút khói

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không ngờ những bức tượng độc đáo này người xưa làm bằng cốt tre, bồi giấy và sơn, vẽ thành tượng, vâỵ mà trên 100 năm nay tượng vẫn như mới, không bị mối mục.
      Đúng là đi ngày thường vắng, chụp hình và ngắm tượng thật "đã", ngày lễ tết chùa Ngọc Hoàng khỏi nói khói nhang nghi ngút, toàn người là người.

      Xóa
  5. Trước TienVy có post ảnh chùa này ; đi ngang thấy mà chưa có dịp vào thăm .Giờ anh Hiệp giới thiệu thật đầy đủ .
    Chùa cổ mà tượng cốt tre bồi giấy thì phải tu tạo liên tục không giữ được vẻ cổ kính (?)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào rảnh cũng nên ghé vào xem, thật ấn tượng.

      Xóa
  6. Chùa này Mây nghe nói rất linh hiển, nhất là về khoản cầu tự và cầu duyên đấy anh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Hoa đến đây cầu rất đông, nhất là những ngày lễ lớn của họ, để hôm nào tôi thử ghé cầu... duyên xem sao? :-)))

      Xóa
  7. Những bức tượng thật đẹp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa những bức tượng cũng hay không kém.

      Xóa
  8. Chùa là kiến trúc chỉ để thờ Phật bây giờ "nhốt" các ông Khổng, Lão, Ngọc hoàng ...vào một ngôi nhà rồi gọi nó là chùa là không ổn.
    Nguyên chữ Phật (佛) gồm chữ Phất đi với bộ nhân đứng, ý rằng phủ định con người vô minh mới thành Phật. Và theo quan điểm của Thích Ca thì những Khổng, Lão, Ngọc hoàng... đều vô minh...Bởi vậy bu nói vui phải bỏ phiếu tín nhiệm mấy ông này xem sao.
    Rỗi rãi thì bình loạn chơi, chớ họ "nhốt" ai ngồi với ai thì thì mới là cuộc đời... hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi vậy xưa kia mới có tên là "Điện" chứ không phải là chùa, Điện là để gọi chung "nơi thờ thần linh", "Chùa" là tên gọi nôm na, dân gian...

      Các vị này ngồi chung với nhau tôi nghĩ cũng phải thôi, đều được ngươi đời coi là thần thánh cả :-)))

      Xóa
    2. Lâu nay tưởng Phật chỉ là tiếng phiên âm từ Buddha (tiếng Phạn), giờ lại được bác Bu chiết tự với ý nghĩa thiệt hay hè!

      Xóa
  9. Không ông nào có thật và tất cả họ đều tin là có thật... Hii, vô chấp cho vui lòng mọi người bác Bu, bác H ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngẫm lại thì tất cả đều do Niềm tin, ngay cả những vị lịch sử chứng minh là có thật như Chúa, Phật... cũng đều phải có niềm tin thì họ mới linh hiển. Con người luôn cảm thấy nhỏ bé, trơ trọi trước vũ trụ, trước thiên nhiên..., nên họ phải tạo ra cái để tin vào mà sống. Đối với con người chắc phải đến 99,9% những gì họ tin tưởng nơi tôn giáo, là do chính con người tạo ra chứ không phải do Thần thánh.

      Xóa
  10. Xin chào tác giả. Mình đang nghiên cứu về chùa Ngọc Hoàng, đọc được bài viết của bạn cảm thấy rất có ý nghĩa về mặt học thuật. Bạn có thể cho mình xin cách thức liên lạc với bạn để thỉnh giáo một số vấn đề được không? Xin cảm ơn và chúc sức khỏe! Hoàng Nam kính gửi

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))