Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Có thể bạn chưa biết.

Có lẽ ngay cả với những người sinh trưởng ở Saigon cũng không thể biết hết được những gì xưa cũ của Saigon. Chẳng hạn về những đình chùa, nhà thờ, hay những nơi thờ phượng của những tôn giáo khác xưa nhất. Có những điều chúng ta đã biết, nhưng ở mỗi nơi (mỗi sách, hay mỗi nguồn thông tin) lại nói mỗi khác, có những quyển sách khi viết chỉ nói về một khía cạnh nào đó của sự việc, dẫn đến việc nói đúng cũng phải, mà nói sai cũng... đúng. Dưới đây tôi muốn giới thiệu đôi nét về những gì xưa cũ ấy.

- Nhà thờ Thiên chúa giáo xưa nhất ở Saigon: Có khá nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo xưa ở Saigon, những ngôi nhà thờ này do người Pháp xây dựng, có thời gian xấp xỉ tương đương với nhau, ở vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Họ đạo Chợ Quán là một họ đạo xưa nhất không những đối với Saigon, mà của cả vùng Nam Bộ, cùng với ngôi nhà thờ cũ nay đã bị phá hủy, tuy nhiên ngôi nhà thờ hiện vẫn còn tồn tại  cho đến ngày nay mà chúng ta thấy là ngôi nhà thờ đã được xây dựng lại, và được sửa chữa, trùng tu nhiều lần theo thời gian, nhưng vẫn còn giữ được kiến trúc ban đầu. Nếu xét trên tiêu chí những ngôi nhà thờ còn tồn tại cho đến ngày nay, tính từ ngày tháng khánh thành,  thì nhà thờ Tân Định là ngôi nhà thờ xưa nhất. Nhà thờ Tân Định ở số 289 Hai Bà Trưng, quận 3, có kiến trúc Roman, do linh mục Donatien Eveillard Sơn khởi công xây vào năm 1874, và được Giám mục Colombert làm lễ khánh thành vào ngày 16-12-1876.

Chúng ta thử so sánh với những nhà thờ xưa khác ở Saigon. Nhà thờ Chánh tòa Saigon (Vương cung Thánh đường), quận 1, khánh thành năm 1880. Nhà thờ Chợ Quán hiện nay chúng ta còn thấy ở quận 5, khánh thành năm 1896. Nhà thờ Huyện Sỹ, quận 1, khánh thành năm 1905. Nhà thờ Cầu Kho, quận 1, khánh thành năm 1881.


                                         Nhà thờ Tân Định. Ảnh Internet.


- Ngôi chùa xưa nhất Saigon: Tương tự như những ngôi nhà thờ, nói đến chùa cổ ở Saigon người ta thường hay nghĩ đến chùa Giác Lâm, Giác Viên... Ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở Saigon là chùa Huê Nghiêm, tọa lạc tại số 20/8 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức. Chùa được xây dựng vào năm 1721 do tổ Thiệt Thụy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa được lấy từ bộ kinh Hoa Nghiêm. Tuy nhiên đó là một ngôi chùa được xây bằng gỗ, lợp ngói nay đã không còn nữa. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại từ năm 1820, thời Hòa thượng Quảng Đức trụ trì.

So với chùa Huê Nghiêm được xây lại từ năm 1820, chùa Giác Lâm hiện nay tọa lạc tại số 118 Lạc Long Quân, quận 11, là ngôi chùa có niên đại xưa hơn ở Saigon, được xây dựng từ năm 1744 trải qua nhiều lần trùng tu. Chùa được xây dựng trên một khu gò cao có một loại cỏ thơm dày như chiếc đệm gấm nên ban đầu chùa được gọi là chùa Cẩm Đệm. Trước sân chùa có một cây bồ đề cổ thụ do đại đức  Marada từ xứ Sri Lanca tặng ngày 29-06-1953.


                               Chùa Huê Nghiêm. Ảnh Internet.


                                Chùa Giác Lâm. Ảnh Internet.


- Ngôi đình cổ nhất ở Saigon: đó là đình Thông Tây Hội, ở số 107/1 đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp. Thông Tây Hội, là tên được ghép từ tên của hai làng Hanh Thông Tây và An Hội (Hanh Thông Tây bây giờ được gọi là Hạnh Thông Tây). Đình được xây dựng vào khoảng năm  1679, là chứng tích còn nguyên vẹn của thời kỳ dân Ngũ Quảng vào khai khẩn vùng Gò Vấp. Đình thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là con của vua Lý Thái Tổ. Thờ chung trong đình còn nhiều vị thần dân gian khác như Thần Phúc Đức, Thần Nông, Thần Hổ, Ngũ Hành, Bà Chúa Xứ...


                                Đình Thông Tây Hội. Ảnh Internet.


- Ngôi nhà cổ nhất ở Saigon: đó là dinh Tân Xá, do vua Gia Long cho xây dựng để làm nhà ở cho Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine). Có nhiều câu chuyện xoay quanh ngôi nhà cổ này. Thoạt tiên ngôi nhà bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương được xây cho Giám mục Bá Đa Lộc, tọa lạc gần rạch Thị Nghè. Khi Giám mục Bá Đa Lộc qua đời, ngày 11-9-1788 dinh Tân Xá được giao cho linh mục Liot lúc ấy là Bề trên giáo phận. Năm 1811, linh mục Liot qua đời, dinh Tân Xá đóng cửa suốt hơn 50 năm. Đến năm 1864 sau khi ký hòa ước với Pháp, vua Tự Đức trao dinh Tân Xá cho Giám mục Lefèbre để dùng làm Tòa Giám mục (chi tiết tòa nhà này được Giám mục Lefèbre sử dụng, học giả Vương Hồng Sển có nhắc đến trong Saigon năm xưa, tuy nhiên cụ Vương chỉ xác định ngôi nhà do Giám mục Lefèbre sử dụng chứ không nói đến việc kế thừa nguồn gốc là dinh Tân Xá).

Khi xây dựng Thảo Cầm Viên, dinh Tân Xá được dời đến đất của các linh mục thừa sai, phía trong công viên trước dinh Norodom (nay là dinh Thống Nhất). Năm 1900 Giám mục Mossard khởi công xây dựng tòa Giám mục (nay là tòa Tổng Giám mục, nằm ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểui - Trần Quốc Thảo, quận 3), ngôi nhà gỗ dinh Tân Xá được dời về trong khuôn viên phía sau tòa Tổng Giám mục làm nhà nguyện.

                                      Dinh Tân Xá. Ảnh Internet.

                                  Mái ngói dinh Tân Xá. Ảnh Internet.

- Ngôi chùa Ấn Độ đầu tiên ở Saigon: hiện nay ở Saigon có tất cả bốn ngôi chùa Ấn Độ, đều được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, mang đậm  kiến trúc của đền đài Ấn. Ba ngôi chùa tọa lạc tại quận 1, đó là những ngôi chùa Subramaniam ở số 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, còn được gọi là chùa Ông. Chùa Mariamman ở số 45 Trương Định, quận 1, thường gọi là chùa Bà Đen. Chùa Administ Pagode Chetty ở số 66 Tôn Thất Thiệp, quận 1. Chùa thờ thần Murugan là tên của thần Subramaniam Swami khi còn trẻ, ngoài ra còn thờ Shiva, Vishnu, Brahma, là những vị thần của Ấn Độ giáo. Còn một ngôi chùa Ấn Độ nữa ở quận 11, số 139 Thuận Kiều, tên thường gọi là chùa Ông Voi, quy mô nhỏ hơn 3 ngôi chùa ở quận 1. Chùa thờ thần Ganesh có nghĩa là Đức Ông, biểu tượng bằng một vị thần đầu voi mình người, tượng trưng cho sự trù phú, hủy diệt những chướng ngại.

Trong bốn ngôi chùa Ấn Độ kể trên thì chùa Subramaniam (chùa Ông) ở 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên ở Saigon. Chùa có chánh điện lớn nhất trong những ngôi chùa Ấn Độ,  chùa thờ thần Subramaniam Swami, một vị thần có rất nhiều quyền lực, con của Shiva. Trong chùa còn có hình tượng linga và yoni được rắn thần Nagar che chở. Chùa cũng thờ Vishnu và Lakshmi. Đặc biệt có bệ thờ chín vị sao hộ mạng, do một quan chức Cambodge tên là Shavaliy xây tặng.

                             Cửa vào của chùa Ông Subramaniam Swami. Ảnh Internet.

                        Chánh điện của chùa Subramaniam Swami. Ảnh Internet.


      - Thánh đường Hồi giáo đầu tiên và thánh đường Hồi giáo lớn nhất ở Saigon: hiện nay ở Saigon có khoảng 15 thánh đường Hồi giáo ở Saigon (9 ngôi lớn và 6 ngôi nhỏ). Ngôi thánh đường Hồi giáo được xây dựng đầu tiên ở Saigon là thánh đường Al Rahman của cộng đồng Islam, chủ yếu là người Malaysia và Indonesia, ở số 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, được xây dựng từ năm 1885. Tuy nhiên thánh đường Hồi giáo lớn nhất Saigon là thánh đường Jamiah Al Muslim, ở số 66 Đông Du, quận 1, được xây dựng năm 1935.

                         Thánh đường Hồi giáo đầu tiên Al Rahman. Ảnh Internet.


                           Thánh đường Hồi giáo lớn nhất Jamia Al Muslim.

Nếu bạn ở xa, có một dịp nào đó đến Saigon, và bạn quan tâm đến đôi nét văn hóa, bạn đừng quên bỏ chút thời gian ghé thăm những nơi này.



Tham khảo:

- Từ điển Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ xuất bản năm 2001.
- Di tích lịch sử văn hóa TP HCM - Một số cơ sở Tín ngưỡng dân gian, nhiều tác giả, Sở Văn hóa & Thông tin - Ban Quản lý di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh TP HCM, xuất bản năm 2001.
- Những ngôi chùa nổi tiếng ở TP HCM, Trương Ngọc Tường - Võ Văn Tường, NXB Trẻ xuất bản năm 2006.
- Hỏi đáp về Sài Gòn TP HCM, tập 6 Kiến trúc - Tín ngưỡng,  nhiều tác giả, NXB Trẻ xuất bản năm 2007.

24 nhận xét :

  1. Anh Hiệp có nhiều "công đức" khi sưu tầm về đây lắm đó nha!

    Trên đường Lương Đình ở Q2 có ngôi chùa Huê Nghiêm mới xây to lắm, nhưng cổng kín then cài quá.

    Ngôi thánh đường Hồi Giáo cuối cùng ở 66 Đông Du, quận 1, M đã vào thăm và được vị cao nhất ở đó giảng bài cho một buổi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chùa Huê Nghiêm ở quận 2 là chùa Huê Nghiêm "2", so với chùa Huê Nghiêm gốc nơi quận Thủ Đức. Đây là một ngôi chùa hiện đại, có thang máy chở được nhiều người lên chánh điện, có thể gắn "sao" cho ngôi chùa này. Kiến trúc Chùa mang "hơi hướm" Đài Loan hơn là VN. Tôi cũng có ghé.

      Vậy là chị M. hay lắm khi đã nghe thày ở chùa Hồi giáo thuyết giảng. :-)))

      Xóa
  2. Đúng rồi, anh Hiệp có công đức lớn với văn hóa truyền thống đang mất đi từng ngày. Những công trình cũ đậm dấu thời gian thật quý giá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, thỉnh thoảng tra cứu, hệ thống lại tí chút thôi cho những ai còn quan tâm đến văn hóa đỡ mất công tìm tòi, chứ công đức gì Toro.

      Mà Toro "đứt quãng" lâu quá rồi đấy :-))

      Xóa
  3. thêm nhiều điều em được cập nhật thêm qua bài viết này của bác Hiệp.
    Hôm nào em phải ghé đình Thông Tây Hội một lần để biế thêm kiến trúc của ngôi đình này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng chưa biết ngôi đình này. Coi vậy chứ ở Saigon mấy chục năm cũng có nhiều cái mù tịt.

      Xóa
    2. NHưng em ngóng từng bài của anh, có đứt quãng tý nào đâu... Hii

      Xóa
    3. Aha, vậy là đưa tôi lên... mây hả Toro. Nói vậy chứ có lẽ hồi này Toro bận rộn với công việc, chừng nào rảnh rảnh viết cái gì cho vui.

      Xóa
  4. Sài gòn còn có chùa một cột nghe bảo cũng cũ xưa lắm ??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chùa Một Cột ở Saigon ở số 511 Nguyễn Du, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (từ chỗ Hàng Xanh lên đó khoảng sáu, bảy cây số). Chùa được khởi công xây dựng từ ngày 8-4-1958 theo đồ án của KTS Nguyễn Gia Đức, kiểu mẫu đúng y như chùa Một Cột Hà Nội, được đặt tên là Nam Thiên Nhất Trụ. Nếu tính từ năm khởi công xây dựng 1958 đến nay chùa được đúng 55 tuổi đời, cũng chỉ có thể gọi là "cũ" thôi.

      Xóa
  5. cám ơn anh về những thông tin này, xin phép anh copy về nhà nhé, để cùng phổ biến những nét son hồn Việt

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn cứ copy và phổ biến, những kiến thức phổ thông này cũng rất thú vị cho mọi người.

      Xóa
  6. Người còn tâm huyết nhất với những cái xưa của Sài Gòn(Và bỏ công phổ biến cho cộng đồng, bè bạn):
    Bác Phạm Ngọc Hiệp!
    :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Nguoi Gia đã động viên, tìm tòi là học được thêm lần nữa. Cũng nên phổ biến những kiến thức phổ thông có liên quan mật thiết đến đời sống, tôi nghĩ như thế, bên cạnh những dòng kiến thức bác học đôi khi hão huyền. Không gì thú vị cho bằng khi mình ghé thăm hay đi ngang qua một nơi nào đó, mà mình hiểu được đôi chút về nó :-))

      Xóa
  7. Tuyệt! Nay Bicon mới hiểu thêm! Khi vào Sài Gòn, chủ yếu đi công tác chưa có dịp đi thăm thú heeeeeeeeee, nay về hưu lại càng ít điều kiện, tiếc thật!
    Mong aao anh tạo điều điện cho Bicon hiểu biết thêm qua các bài viết, sưu tầm! Thanhks!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã vào xem. Tôi sẽ tập hợp và viết thêm một vài nơi ở Saigon nữa. Chừng nào có dịp đến Saigon mời bạn ghé chơi. :-)))

      Xóa
  8. Trước đây nhìn thấy ngôi nhà cổ mái ngói ở góc khuôn viên Tòa Tổng Giám mục, nghĩ nó có giá trị chi đó nên mới được giữ lại bên cạnh tòa nhà chính . Giờ bác H nói mới biết là dinh Tân Xá

    Chùa Ấn độ tập trung ở quận 1 , có lẻ do ngày xưa người Chà buôn bán kinh doanh ở khu trung tâm quận 1 nhiều . M có vào chùa Bà đen ở Trương Định , bây giờ người Việt vào đó cúng kiến nhiều . Có lẻ vì là thần nên các vị Thần Ấn Độ cũng nghe được những lời khấn của các tín đồ Việt (:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo như nguồn gốc của ngôi dinh Tân Xá, thì ngôi nhà này đã trải qua nhiều năm thăng trầm với vùng đất Saigon-Gia Định, nay đã yên vị bên trong đất của tòa Tổng giám mục Saigon.

      Chùa Bà Ấn Độ này nghe nói linh thiêng lắm đó, cầu gì được nấy. :-))

      Xóa
  9. Một bài viết công phu và giá trị. Chắc chắn với việc sưu tầm và sắp xếp của bác NHP thì người đọc khỏi cần tra cứu lại. Đồng ý với GM và TORO khi dùng chữ "công đức" để chỉ việc làm này của bác. Lâu nay HN cứ tưởng Nhà thờ Đức Bà là xưa nhất. Hihi.
    Cái đang lo là người ngày nay "đối xử" với những công trình này thế nào! Bác NHP cho HN xin bài này đem về cất bên máy mình cho chắc ăn nhé. Tks of all and best wishes!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì, tra cứu lại, tôi mới thấy ngay cả sách vở thuộc loại "chính thống", đáng tin cậy viết cũng không mấy rõ ràng về mấy vấn đề này. Hệ thống lại chút xíu cho mình và bạn bè dễ nhớ.

      Rất quan trọng đối với những công trình cổ xưa như thế này là cần phải có những người, những nơi am hiểu từng công trình, kiến trúc, cấu trúc, công năng... để có cách bảo tồn và khai thác tối ưu (thí dụ khai thác trong việc phục vụ du lịch). Bây giờ đa phần chỉ là việc đánh giá, xếp hạng di tích rồi giao khoán cho nơi quản lý (chùa chiền, nhà thờ, Ban quản trị đình, đền...), mặc họ muốn làm gì thì làm. Những cấu trúc bằng đá của nhà thờ thì bệt sơn Expo lên đó, hay đình chùa cổ thêm thắt lung tung những thứ mới toanh.

      Bác HN cứ bê về tùy nghi sử dụng :-))

      Xóa
  10. Tuyệt vời. cám ơn bài viết của bạn NHP.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Anna Nguyen đã vào xem và động viên :-))

      Xóa
  11. Em da co dên viêng chua Än Dô Subramaniam rôi. Qua thât ngôi ngôi chua này khi vào trong chanh diên , hinh anh cua cac vi thân cung nhu cach tho phung o do nhin rât thiêng liêng và huyên bi ....nhât là cac tin dô , ho rât tin nguong không thê tuong tuong nôi !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những ngôi chùa như chùa Ấn Độ, tranh, ảnh, tượng thờ, cùng cách bài trí, đèn đuốc, ánh sáng... làm cho ta cảm thấy huyền bí, thế mới linh thiêng chứ :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))