Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Cổ tích Gia Định - Những con đường.

Tháng ba tháng tư ở miền Bắc năm nay có những nơi có mưa đá, thì ở miền Nam như mọi năm là nắng nóng. Trời nắng nóng và oi bức, đi ngoài đường nắng như đổ lửa, cháy da. Ở Saigon bây giờ đa số các nơi đều gắn máy lạnh, nơi cửa hàng cửa hiệu, siêu thị, những cơ quan nhà nước, và cả nhà cửa tư nhân. Nếu muốn cảm nhận cái nắng nóng của tháng 4 Saigon, thì phải đi ra ngoài đường buổi trưa, lối 2, 3 giờ, mà phải chạy xe gắn máy, chứ không phải ngồi xe hơi máy lạnh. Cái nóng từ mặt đường nhựa bốc lên, hầm hập, những con đường như bốc lửa...

Tháng tư, tôi muốn nhắc đến những con đường mang một chút cổ tích ở Saigon, bây giờ chỉ còn trong ký ức của vài người lớn tuổi hoài cổ, và không phải vì vô tình mà tên con đường lại nằm ở những vị trí cũ...


                                                          Ảnh Internet.

1/ Đường Lê Văn Duyệt:

Con đường đầu tiên tôi muốn nói là đường Lê Văn Duyệt. Tả quân Lê Văn Duyệt, như tên người dân thường gọi, là một công thần dưới triều nhà Nguyễn, người đã có công rất lớn giúp vua Gia Long xây dựng nên cơ đồ. Ông sinh năm Quý Mùi (1763), và mất vào ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Thìn (30-8-1832), khi đang tại chức Tổng Trấn Gia Định Thành. Ở Saigon trước đây có 2 con đường mang tên Lê Văn Duyệt. Nếu tính từ trung tâm thành phố, đó là:

- Đoạn đường từ Ngã Sáu Saigon đến ranh tỉnh Gia Định cũ được chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa thời Ngô Đình Diệm đặt tên là đường Lê Văn Duyệt từ ngày 22-3-1955, cho đến ngày 14-8-1975 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN đổi thành đường Cách Mạng Tháng 8. Đây là một trong những con đường xưa nhất của Saigon, thoạt đầu được gọi là Đường Sứ. Chẳng phải là con đường chuyên bán đồ sứ, mà đây là con đường xưa kia các sứ thần Chân Lạp đi qua nước ta để giao hảo. Thời Pháp thuộc đường được chia ra từng đoạn đặt những tên tiếng Việt, rồi tên Pháp như Verdun (kỷ niệm trận đánh Pháp thắng Đức năm 1916). Chanson (đoạn từ Phan Thanh Giản bây giờ là Điện Biên Phủ đến Hòa Hưng)...


                                         Vườn Tao Đàn. Ảnh Internet.

Chính quyền Saigon cũ đặt tên đường này là đường Lê Văn Duyệt cũng có nguyên do của nó.Thứ nhất thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn Gia Định Thành, sứ thần Chân Lạp phải đi qua con đường này để đến dinh Tổng Trấn Gia Định (dinh Tổng Trấn Gia Định thời ấy nằm phía đường Lê Duẩn gần dinh Thống Nhất bây giờ). Thứ nhì là đường Lê Văn Duyệt chạy ngang qua công viên Tao Đàn, thời Pháp gọi là vườn Bờ Rô, trong dân gian quen gọi là vườn Ông Thượng (Ông Thượng chính là Thượng công Lê Văn Duyệt).

- Đoạn đường từ Cầu Bông cho đến đường Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh bây giờ, từ ngày 22-3-1955 cũng được chính quyền Saigon đặt tên là đường Lê Văn Duyệt, tên cũ của nó được người Pháp đặt từ năm 1874 là Avenue de l'Inspecction. Dân chúng quen gọi là đường Hàng Thị vì có dãy cây thị trồng hai bên đường. Và sở dĩ đặt tên đường là Lê Văn Duyệt, như các bạn ở Saigon đã biết, vì đường chạy ngang qua bên hông lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, nơi có mộ phần của Ông và phu nhân, dân chúng quen gọi là Lăng Ông. Trước năm 1975 trên đoạn đường này cũng có một ngôi trường nữ Trung học công lập được mang tên ông, đó là trường Nữ trung học Lê Văn Duyệt, cùng hai ngôi trường nữ Trung học công lập khác ở Saigon là Gia Long và Trưng Vương, nơi đã đào tạo nhiều nữ sinh Saigon một thời, "có chất lượng" về học vấn và "công-dung-ngôn-hạnh".


                                        Cổng vào Lăng Ông. Ảnh Internet.

Sau năm 1975 thì cả hai đoạn đường mang tên Lê Văn Duyệt kể trên đều không còn trên bản đồ của thành phố Saigon, đường Lê Văn Duyệt chạy ngang vườn Tao Đàn được đổi tên thành đường Cách Mạng Tháng 8, còn đường Lê Văn Duyệt chạy ngang Lăng Ông đổi tên thành đường Đinh Tiên Hoàng.

2/ Đường Trương Tấn Bửu:

Con đường thứ nhì tôi muốn nói đến là đường mang tên Trương Tấn Bửu, đây là một con đường khá lớn sầm uất nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận, bắt đầu từ ranh giới quận 3, giáp đường Trần Quang Diệu (Trần Quang Diệu là một võ tướng theo giúp nhà Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh), đến đường Chiến Thắng. Thời Pháp thuộc đường mang tên Capitaine Faucon, từ năm 1955 chính quyền tỉnh Gia Định đổi thành đường Trương Tấn Bửu. Ngày 4-4-1985, UBND TP. HCM đổi thành đường Trần Huy Liệu.


                                               Lăng Trương Tấn Bửu.

Như chúng ta đã biết ở entry trước, tôi đã giới thiệu về Lăng Trương Tấn Bửu, một võ tướng quê ở Bến Tre đã theo giúp Nguyễn Ánh, ông đã có công khai khẩn vùng đất Nam bộ, và đã làm tới chức Phó Tổng Trấn Gia Định Thành. Lăng nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận nơi con đường bây giờ mang tên Nguyễn Thị Huỳnh. Đây là một con đường nhỏ gần sát đường Trần Huy Liệu bây giờ, trước năm 1975 đường Trần Huy Liệu là đường Trương Tấn Bửu. Vì thế nên tên của ông đã được đặt cho một trục đường chính của quận Phú Nhuận, gần kề nơi lăng mộ của ông, để tưởng nhớ công lao của một con người đã có công với miền đất mới Nam bộ, và với vùng Saigon-Gia Định.

Con đường Trương Tấn Bửu quận Phú Nhuận đã không còn, nhưng tên của ông thoạt đầu được đặt cho một đoạn đường rất ngắn dài khoảng 100m và khá xô bồ tại quận 6, trước Bến xe Miền Tây. Nhưng rồi sau đó mặt tiền đường này cũng được nhập vào đường Lê Quang Sung, chỉ còn các số nhà trong hẻm là còn mang tên ông. Như vậy trên bản đồ thành phố cũng không còn con đường nào mang tên Trương Tấn Bửu.

3/ Đường Võ Di Nguy:

Con đường thứ ba là đường Võ Di Nguy. Đây là một con đường huyết mạch nối vào trung tâm thành phố, hình thành ngay từ khi có thành Gia Định. Đường bắt đầu từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận, sang đến đường Nguyễn Kiệm bây giờ thì gọi là Võ Di Nguy nối dài. Thời Pháp đường tên Blanchy, đến thời Bảo Đại (1954) được đổi thành Võ Di Nguy. Ngày 4-4-1985 được đặt là Phan Đình Phùng.

Võ Di Nguy cũng là một võ tướng có tài về thủy quân theo giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn. Ông là người miền Trung sinh năm 1745, gốc ở huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Được truy tặng Bình Giang Quận Công. Ông mất năm 1801 trong trận chiến ở cửa Thị Nại Bình Định, trước khi Nguyễn Ánh chiến thắng quân Tây Sơn và lên ngôi. Sở dĩ con đường này trước năm 1975 được mang tên Ông, vì còn một khu lăng mộ của Võ Di Nguy nằm trên đường Cô Giang (quận Phú Nhuận), đường Cô Giang là một con đường nhánh nhỏ ăn thông ra đường Võ Di Nguy cũ.


                                         Khu lăng mộ Võ Di Nguy. Ảnh Internet.

Ảnh trên là khu lăng mộ của Võ Di Nguy, có lẽ ở entry tới tôi sẽ nói về lăng này.

Và như tôi đã viết, đây là những con đường thuộc Cổ tích Gia Định, chỉ còn lại trong ký ức của những con người Saigon đã lớn tuổi, hoài niệm...


Tham khảo:

- Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ và NXB TP HCM, xuất bản năm 1994.
- Di tích Văn hóa Lịch sử TP HM, nhiều tác giả, Sở VH và TT TP HCM, xuất bản năm 2001.




24 nhận xét :

  1. có lẽ bác Hiệp đã đi chỉ còn đi lăng Võ tánh nữa là đủ các lăng ở Phú Nhuận rồi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lăng Võ Tánh trước đây nằm trong khu vực Bộ Tổng Tham Mưu của chính quyền Saigon, sau năm 75 thuộc khu vực quân sự Quân khu 7. Bây giờ mở đường Hồ Văn Huê không biết ra sao? Nếu thuận tiện hôm nào tôi cũng thử tìm đến xem sao.

      Xóa
    2. bây giờ bình thường rồi bác ạh.
      hôm trước em có ghé nhưng do mặc quần soọt nên ko dám vào

      Xóa
    3. Vậy chắc hôm nào đi ngang qua khu này tôi cũng thử ghé vào xem sao.

      Xóa
  2. Cảm ơn Bác Hiệp, tôi biết thêm Đường Sứ và ơn Tả quân.
    Con đường mang tên Đường Trương Tấn Bửu tôi đã đọc trên bài viết trước.
    .
    Bây giờ tôi biết thêm Cụ Võ Di Nguy, mong hậu thế nối bước Cụ giữ sông giữ biển.
    .
    Cái kỳ lạ là ở VN mình hay thay tên gọi (ở mọi thứ, thích là đổi). Tôi đã chuẩn bị bài viết về điều này từ lâu, nhưng chưa tiện đăng. Có thành phố, tên gọi, tên hiệu và tên tục một vỹ nhân được sử dụng quá nhiều, gây nhàm và rối. Thị trưởng Hanoi xưa, Cụ Trần Văn Lai, là quan chức của thời CMTT, nhưng khi đổi những phố tên người Pháp về Việt nhưng rất khoa học và truyền thống, không vơ vào cho hiện tại.... Thôi, xin hết.
    .
    Em nói chút thôi, chúc Bác vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đặt tên đường cũng là một khoa học, chẳng hạn ngày trước chính quyền đặt tên những con đường nêu trên vì đi qua những khu lăng mộ của các danh tướng này. Hoặc như trong Quận 5 có những con đường như Trần Điện, Trần Hòa... nằm cạnh nhau, là mấy anh em được tôn vinh là ông Tổ nghề kim hoàn, và gần đó có Miếu thờ Tổ nghề kim hoàn...

      Hôm nào bác cứ đăng ý kiến của mình về những điều này cho bạn bè đọc, cũng là để thêm kiến thức. Cám ơn và cũng chúc bạn khỏe.

      Xóa
  3. Hồi sau 1975, thư từ đi về còn thấy các địa chỉ ở Lê Văn Duyệt, Minh Mạng, Phan Thanh Giản... nhưng sau đó thì đổi hết, ngoài mấy vị có tiếng là vô số những tân anh hùng địa phương, có tài thánh cũng không biết xuất xứ hay công lao... Tiếc quá anh H ạ, cần cho lãnh đạo xuống Trà Ôn học tập cải tạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người trong miền Nam có cái hay vậy đấy Toro, người ta căn cứ trên "hành vi" của con người chứ không căn cứ theo "khuynh huóng" của người ấy. Trần Quang Diệu là tướng giỏi của nhà Tây Sơn, được đặt thành tên đường tiếp nối Trương Tấn Bửu là tướng tài của Nguyễn Ánh. "Trung với nước, hiếu với dân", đó là cái được đặt lên hàng đầu, còn "nhà này" hay "nhà khác", thì đấy là chuyện của lịch sử, là cái đã qua, không thể đổi khác.

      Không thể lấy "khuynh hướng" để biện minh cho "hành vi" được!

      Xóa
  4. Cảm ơn anh Hiệp, lại một bài viết hay và khiến Già tui nhớ quê mình :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Người Gia đã vào đọc. Tháng tư ở Saigon đầy ắp những nỗi niềm...

      Xóa
  5. "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát..", con đường Hồng thập tự, vì sao gọi là Hồng Thập Tự, có phải vì cuối con đường có hội chữ Thập đỏ không nhỉ? Còn con đường Phan Thanh Giản ngày xưa là những "ngôi biệt thự" đầy cây xanh bóng mát, bây giờ là con đường Điên Biên Phủ đầy những gập ghềnh lồi lõm những bán bán mua mua, thật tiếc cho một thành phố xanh đẹp nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con đường mang tên Hồng Thập Tự trước năm 75 ở Saigon, bây giờ là Nguyễn Thị Minh Khai, lịch sử của nó khá dài. Đây là một con đường cổ xưa nhất của Saigon, có từ trước thời Pháp thuộc. Có lẽ tôi sẽ viết riêng về nó tiếp theo... Cùng một vài con đường chị nhắc ở trên. Những con đường này tôi đã qua biết bao nhiêu lần thuở còn học sinh...

      Xóa
    2. Chị TTM nhắc con đường Phan Thanh Giản với những ngôi biệt thự ngày ấy thoảng hương ngọc lan và thánh thót tiếng dương cầm , ôi , làm M nao lòng quá ):

      Bác H nói chị nhắc tên những con đường thời ấy bác đã đi qua biết bao nhiêu lần , để đoán nhé , đường Duy Tân để đến gặp cô bạn ở giảng đường trường Luật , còn đường Phan Thanh Giản , hồi đó là đi theo một tà áo dài Gia Long phải không ? hihi ...

      Xóa
    3. Hihi, đoán việc trúng như thần. Để rảnh rảnh viết tiếp về mấy con đường nữa, cả đường Đinh Tiên Hoàng, vào giảng đường Đại học Văn Khoa...

      Xóa
    4. Ui! các bạn làm bà già nhớ quá những buổi chiều sau khi rời giảng đường đạp xe lướt thướt qua những dãy phố trên mà ước ao..

      Xóa
    5. Thế tôi lại viết tiếp nữa cho có người nhớ lại cái thời có cái... đuôi theo phía sau, hihi!

      Xóa
  6. Qua bài này thấy ngay đám tướng tá của Gia Long chống Tây Sơn đều bị thay đổi. Phải chăng do người ta nghĩ rằng Gia Long cõng rắn cắn gà nhà còn Tây Sơn là anh hùng dân tộc thống nhất đất nước. Bu tui cho rằng ai bảo Tây Sơn thống nhất đất nước là dốt lịch sử và nói lấy được theo chỉ đạo của cấp trên...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vậy là họ bẻ cong cả lịch sử theo cái nhìn của họ.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    3. Hihi, cái khổ của Gia Long là gốc gác "nhà chúa", tức phong kiên, trong khi anh em Nguyễn Huệ thuộc gốc gác "nhà dân", thậm chí "nông dân", là hạt nhân để chống lại cái phong kiến, mà người ta chủ trương sau này. Sự việc là thế, chứ lịch sử mới đây, sách vở còn rành rành ra thế, đâu phải họ dốt, có khi họ biết còn kỹ hơn cả tôi với bác, hichic!

      Xóa
  7. Anh Hiệp làm giáo sư Sử học được rồi đó, chịu khó nghiên cứu các đền đài, lăng tẩm,các con đường xưa.....Nhắc đến đường Duy Tân và Phan Thanh Giản tôi lại nhớ đến những con đường cây dài bóng mát mà ngày xưa tôi thường đi qua, bao nhiêu kỹ niệm của thời đi học lại tràn về trong nổi nhớ da diết...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, sử siếc gì chị Mai, gắn bó với TP này hơn nửa thế kỷ và có biết bao nhiệu ký ức, cho nên tìm hiều về nó thôi. Để tôi sẽ viết tiếp về con đường Duy Tân, Phan Thanh Giản cho chị Mai nhớ chơi :-)))

      Xóa
  8. Trả lời
    1. Chào anh MinhT, rảnh anh cứ ghé chơi. Gặp lại anh ở đây rất mừng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))