Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Cà phê tháng tư.

                                             Đền Hùng Phú Thọ. Ảnh Internet.


Ngồi uống cà phê, bạn nói, dịp này được nghỉ lễ nhiều ngày đây, giỗ Tổ nghỉ 3 ngày (10-3 ÂL), 30 tháng 4, 1 tháng 5 nghỉ tới năm ngày, mới giật mình, ừ nhỉ, nghỉ nhiều thật. Bạn còn đi làm cho nên quan tâm tới những ngày nghỉ, còn cái thằng tui bây giờ ngày nào cũng là ngày nghỉ, cho nên chẳng để ý tới những ngày lễ để làm gì. Ngày nào cũng là ngày lễ, mà ngày nào cũng là ngày... thường.

"Chim có tổ, người có tông", chim mà còn có tổ nữa huống chi là con người (hihi, cho tui đánh đồng chữ nghĩa chút xíu). Người Việt mình có cái nếp rất hay là rất coi trọng và quan tâm tới Tổ tiên. Trong nhà ngoài bàn thờ thần thánh, Chúa, Phật, thì bàn thờ Tổ tiên là nơi trang trọng hơn cả. Trong nhà có Tổ tiên, ngoài xã hội ngành nghề cũng có Tổ, chẳng hạn Tổ của nghề đúc đồng là nhị vị Thiền sư Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ. Tổ nghề kim hoàn là ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điều. Ông Lê Công Hành là Tổ của nghề thêu. Thiền sư Tuệ Tĩnh là Tổ của nghề thuốc Nam, Tổ nghề dệt lụa là Công chúa Thiều Hoa, là con gái thứ sáu của vua Hùng Vương... vân vân... và vân vân...

Dĩ nhiên đất nước cũng phải có nguồn cội, Tổ tiên. Tổ của đất nước thì ai cũng đã biết, đó là các đời vua Hùng, mà chúng ta quen gọi là Hùng Vương. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ xưa nay còn rành rành ra đó, Rồng - Tiên gặp nhau đẻ ra trăm trứng, trứng nở ra trăm người con trai khôi ngô tuấn tú, người theo Mẹ lên núi, người theo Cha xuống biển... Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép Âu Cơ* và năm mươi người con lên ở đất Phong Châu, suy phục lẫn nhau cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương. Nước ta chính thức ra đời từ đó...

Đất Phong Châu bây giờ theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì ở vào địa hạt Bạch Hạc, Vĩnh Yên. Theo Đào Duy Anh trong sách Thời Đại Hùng Vương thì Phong Châu là địa bàn lập quốc  của 50 anh em vua Hùng, so với ngày nay thì thuộc khu vực của Vĩnh Phú, Hà Tây, Tuyên Quang, Hà Bắc, và cả Hà Nội. Hùng Vương đặt tướng văn là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng. Con trai vua là Quan Lang, con gái là Mị Nương, quan nhỏ là Bồ Chính, quyền hành thì cha truyền con nối gọi là Phụ đạo.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển chính sử lớn nhất của nước ta được bắt đầu biên soạn vào khoảng giữa thế kỷ thứ XV, được bổ sung hoàn chỉnh và khắc, in xong vào cuối thế kỷ thứ XVII, đời vua Lê Hy Tông (Chính Hòa thứ 18 - 1697) đã khẳng định, nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên của nước ta, khai sinh vào năm Nhâm Tuất 2879 trước Công nguyên (TCN). Như vậy đất nước Việt Nam đã có ngót bốn nghìn chín trăm năm nay rồi.

Cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì nhà nước Văn Lang tồn tại 2622 năm, gồm tổng cộng 18 đời vua Hùng, tức là từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN. Sách Hùng Triều Ngọc Phả chép 18 đời vua Hùng gồm có: 1/ Hùng Dương (Lộc Tục); 2/ Hùng Hiền (Sùng Lãm); 3/ Hùng Lân; 4/ Hùng Việp; 5/ Hùng Hy; 6/ Hùng Huy 7/ Hùng Chiêu; 8/ Hùng Vỹ; 9/ Hùng Định 10/ Hùng Hy; 11/ Hùng Trinh; 12/ Hùng Vũ; 13/ Hùng Việt; 14/ Hùng Anh; 15/ Hùng Triều; 16/ Hùng Tạo; 17/ Hùng Nghị; 18/ Hùng Duệ. Có 2 vị vua Hùng đời thứ 5 và thứ 10 cùng tên là Hùng Hy, nhưng chữ Hy viết theo tiếng Hán khác nhau.

Như vậy tính bình quân mỗi đời vua Hùng trị vì đất nước Văn Lang tới hơn 146 năm. Đúng là thời Thượng cổ, con người sống lâu như ông Bành Tổ.

Theo Đại Việt Sử Lược,  bộ sử biên soạn trước Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đến hơn ba thế kỷ, đã cho biết về mối quan hệ giữa các Bộ của nước Văn Lang như sau: "Đến đời Trang Vương nhà Chu (698-682 TCN), ở Bộ Gia Ninh có người lạ thường, dùng ảo thuật thu phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang... Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương". Nếu theo Đại Việt Sử Lược, đến đời Trang Vương nhà Chu ở Bộ Gia Ninh mới có người đứng lên xưng là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang. Từ đời Trang Vương (698-682 TCN) cho đến khoảng năm 258 TCN, khi nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương ra đời thay thế nước Văn Lang, thì chỉ khoảng hơn 400 năm. Hơn 400 năm với 18 đời Hùng Vương, vị chi mỗi vua Hùng ở ngôi vua được hai mươi mấy ba mươi năm nghe cũng còn có lý. Chứ một đời vua Hùng làm vua đến gần 150 năm thì vô lý quá.

Những vị vua về sau có sống thọ và trị vì giỏi lắm chẳng hạn như vua Lê Dụ Tông (1680 - 1731) được 24 năm (1705 - 1729). Vua Lê Hiển Tông (1717 - 1786) cũng chỉ được 46 năm (1740 - 1786). Hay như vua Tự Đức (1829 - 1883) triều Nguyễn, ở ngôi vua được 35 năm (1848 - 1883).

Về vị trí (cương vực) của nước Văn Lang các sách vở ngày trước chép cũng có khác nhau. Cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì nước Văn Lang rất rộng lớn. Phía Bắc giáp tận Động Đình Hồ (Hồ Nam Trung Quốc ngày nay), phía Đông giáp Nam Hải (biển Đông), phía Tây giáp nước Ba Thục, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành). Một đất nước quá lớn, mà ở vào thời cách nay ba, bốn ngàn năm nước Văn Lang có được bao nhiêu dân số, để có thể chiếm hữu một vùng đất quá rộng như thế? Có lẽ điều này chỉ chung nhóm "Bách Việt" hơn là tính riêng nước Văn Lang.

Đại Việt Sử Lược, có nói khác về lãnh thổ Văn Lang: Xưa Hoàng Đế lập ra muôn nước, thấy Giao Chỉ ở xa ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được... Bách Việt, là khu vực từ Hồ Nam đến Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc. Như vậy nước Văn Lang (Giao Chỉ) tương ứng với khu vực từ đèo Hải Vân trở ra miền Bắc, lan sang đôi chút Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc. Lãnh thổ này của nước Văn Lang hợp lý hơn.

Nước Văn Lang thuở ấy bao gồm 15 bộ (hoặc được chia thành 15 bộ), các sách vở xưa chép mỗi sách có khác nhau đôi chút, nhưng tựu trung vẫn gồm 15 bộ, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gồm: 1/ Văn Lang (Bạch hạc, Vĩnh Yên); 2/ Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình); 3/ Chu Diên (Sơn Tây); 4/ Phúc Lộc (Sơn Tây); 5/ Vũ Định (Thái Nguyên, Cao Bằng); 6/ Vũ Ninh (Bắc Ninh); 7/ Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang); 8/ Bình Văn (?); 9/ Dương Tuyền (Hải Dương); 10/ Việt Thường; 11/ Ninh Hải (Quảng Yên); 12/ Lục Hải (Lạng Sơn); 13/ Cửu Chân (Thanh Hóa); 14 Hoài Hoan (Nghệ An); 15/ Cửu Đức (Hà Tĩnh).

Đứng đầu nhà nước Văn Lang là Hùng Vương, truyền được 18 đời. Nhưng Hùng Vương là gì? Có phải là vị vua (vương) tên là Hùng, hay là vị vua họ Hùng? Các nhà ngôn ngữ học lịch sử có cách giải thích khác, được đa số tán thành. Hùng Vương là từ Hán Việt, được đời sau dùng để phiên âm một từ Việt cổ. Hùng Vương gồm hai thành tố Hùng và Vương. Hùng - là phiên âm từ Việt cổ, trong tiếng Mường là Kun, có nghĩa là dòng Trưởng. Khun - trong tiếng Thái, Lào, có nghĩa là người đứng đầu... Vương - do người đời sau thêm vào để tỏ rõ người thủ lĩnh ấy đứng đầu quốc gia, nhà nước (vua)...

Cuối cùng là tên nước Văn Lang, theo Nguyễn Khắc Thuần trong sách Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa VN (Tập 1), có ít nhất 3 cách lý giải về tên nước Văn Lang. Thứ nhất, tổ tiên ta có tục xăm mình từ xưa, nên mới đặt tên nước là Văn Lang. Thứ nhì là do tục nhuộm răng, ăn trầu cau. Văn Lang là nói trại từ chữ Tân Lang (là cây cau). Thứ ba là giải thích theo Ngữ âm học lịch sử. Văn là người, nhóm người, tộc người... Lang là sông, đồng nghĩa với giang, xuyên trong âm Hán-Việt, với khoỏng trong tiếng Lào, hay kông trong tiếng Khmer... Văn Lang, có nghĩa là nhóm, cộng đồng người lập nghiệp nơi lưu vực những con sông...

Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, cách giải thích thứ ba này được nhiều người tán đồng hơn cả.

Xin chấm dứt câu chuyện lịch sử của mấy ngày nghỉ lễ Hùng Vương, Quốc Tổ của đất nước...

Còn mấy ngày nghỉ lễ khác, chẳng hạn 1 tháng 5 thì mọi người đã biết, là ngày lễ Quốc Tế Lao Động. 30 tháng 4 năm 1975 là ngày Thống nhất đất nước. Thời đại Hùng Vương cách nay mấy ngàn năm, với nhiều truyền thuyết, nhiều khi khó hiểu, khá rối, vì có nhiều cách, nhiều nguồn giải thích... Nhưng với ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ mới cách nay chưa đến 40 năm, mà trước đây đã có nhiều vụ lùm xùm, tranh cãi, chẳng hạn như chiếc xe tăng nào đã vào dinh Độc Lập trước nhất? Hay ai đã soạn bài viết cho TT Dương Văn Minh của chính quyền miền Nam, đọc trên đài phát thanh Saigon trong giờ phút lịch sử ấy? Chẳng hiểu sự việc ra sao? Đâu là sự thật?

Trong sách Đến Với Lịch Sử Văn Hóa VN, GS Hà Văn Tấn có viết; "Muốn viết sử, phải biết phương pháp sử học, và trước hết, phải là người trung thực, chứ không phải là tên cơ hội". Ở một đoạn khác ông viết: "Quyển Binh Thư Yếu Lược hiện có, được coi là của Trần Hưng Đạo, là một quyển sách giả từ đầu chí cuối. Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm vừa làm một việc có ý nghĩa là chứng minh được quyển sách giả mạo đó đã hình thành như thế nào. Thế nhưng khi viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên hay về Trần Hưng Đạo, một số người vẫn dùng quyển sách giả này. Thậm chí có lãnh tụ đã trích dẫn sách này trong diễn văn của mình".

GS Hà Văn Tấn viết tiếp: "Còn các văn bản bị biến đổi, sửa chữa qua các đời thì rất nhiều. Thậm chí cả các văn bản hiện đại. Ngay bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh mà hiện nay trong các trường phổ thông vẫn học, vẫn trích, cũng đã sai, khác quá nhiều với văn bản đầu tiên còn được cất giữ ở Cục Lưu Trữ Trung Ương. Các văn kiện khác cũng vậy".

Lịch sử đã được đối xử như thế... Thảo nào môn sử là cái môn đáng chán nhất bây giờ đối với các em học sinh...

Saigon, tháng 4-2013.

* Sách của Sử gia Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh viết là Lạc Long Quân.

Sách tham khảo: Các sách đã dẫn, trừ Đại Việt Sử Lược.


23 nhận xét :

  1. 1- Vừa rồi báo chí loan tin năm nay không thi môn sử học sinh TPHCM sướng quá xé sách ôn tập môn sử vứt sọt rác, các thầy cô dạy sử tủi thân, bộ GD đau đầu
    2- Đền Hùng là di tích văn hóa lịch sử đặc biệt cấp quốc gia mà bức hoành TRIỆU TỔ NAM BANG bốn chữ sai cả bốn (chữ tổ sai nặng hơn cả)


    [URL=http://s888.photobucket.com/user/bulukhin/media/ChuTotronghoanhphi_zpsc037c300.jpg.html][IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/ChuTotronghoanhphi_zpsc037c300.jpg[/IMG][/URL]

    Trả lờiXóa
  2. lịch sử nước nhà quả là khó hiểu chắc do vậy nên người trẻ bây giờ mới ko thích sử nữa :(

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Bác đã kỳ công khảo cứu, rất vui. Tôi muốn nói, thời HV chỉ là truyền thuyết. Sử ta thường dựa vào Hán thư. Có câu chuyện 'bốn nghìn năm' nước Việt và 'hai trăm năm' nước Mỹ thời Hiệp Định Paris lúc vận động hành lang.
    Thôi, cũng vậy. Qua rồi. Lịch sử loài người đã qua hàng triệu năm từ khi không có giai cấp.

    Bác Bu à, việc không thi môn Sử, nhiều người u ơ khóc lóc. Tôi thấy đó là cái may. Học sinh tôi không vẹt nữa.
    Cảm ơn các Bạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. [img]http://3.bp.blogspot.com/-JBLNP8qi-gs/Tu2HCDHwk2I/AAAAAAAACi4/2XiipQRG0cI/s400/Auguste_Rodin.jpg[/img]
      Người suy tư- AugusteRodin

      Xóa
  4. Học sử bây giờ thì không thi môn sử tôi cũng ăn mừng nữa, hihi!

    Khá lạ, ban nãy khi bác mới còm tôi thấy được hình bức hoành phi ở đền Hùng bác post lên, bây giờ thì chỉ thấy chữ. Và 3 cái còm của Bố Susu, bạn VănPhạm thì không thấy đâu cả, tuy bên Home có thấy, và nhận xét ở trang này ghi là 4.

    Chẳng hiểu tại sao?

    Trả lờiXóa
  5. [URL=http://s888.photobucket.com/user/bulukhin/media/ChuTotronghoanhphi_zpsc037c300.jpg.html][IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/ChuTotronghoanhphi_zpsc037c300.jpg[/IMG][/URL]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ thì thấy hình của bác rồi, nhưng 3 cái còm của các bạn kia thì mất tiêu. Hihi!

      Xóa
    2. Chắc phải kêu gọi Bố Susu và bạn VănPham còm lại quá :-)))

      Xóa
  6. Hiện 9 sao giờ chỉ có 5.
    .
    Tôi thiết nghĩ: Sử ta, các cụ viết vẫn dựa sách Tàu, khi mà thời HV chắc là chưa có văn tự, chỉ là cứ liệu thời Bách Việt.
    Đã có thời so bốn nghìn năm nước Việt với hai trăm năm Hợp chủng quốc HK, khi vận động hành lang ở HN Paris. Sĩ hão...
    .
    Cảm ơn Bác đã sưu tầm tư liệu thật công phu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính thức thì thời HV nước ta chưa có văn tự, những gì sử sách sau này ghi chép, một là theo truyền thuyết dân gian (truyện kể), hai là theo sử Tàu. Truyền thuyết dân gian như chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh..., nó mơ mơ hồ hồ, chẳng biết có được bao nhiêu phần trăm sự thật. Còn sử Tàu họ viết theo cách của họ, tuy nhiên nhờ thế cũng có chút manh mối về những thời xa xưa...

      Cám ơn bạn VanPham đã vào xem và còm lại.

      Xóa
  7. lịch sử của mình khó hiểu quá nên chắc các bạn trẻ bây giờ mới chán môn sử :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lịch sử của mình và Tàu có lẽ giống nhau ở chỗ... rối như canh hẹ, quá nhiều những con số ngày tháng năm, đời vua, sự việc..., mà phải học từ chương cho nên tuổi trẻ ngán :-)
      Nhưng cái đáng sợ ở chỗ, như GS Hà Văn Tấn viết, các đời, từ xưa đến nay, vì nhiều lý do đã bóp méo lịch sử. Trong khi lịch sử là chuyện đã qua, không thể đổi khác. Phải thấy được cái trung thực của lịch sử, may ra mới hiểu được cái hiện tại.

      Xóa
  8. Blogspot đôi khi "điên điên", bè bạn xem xong comment vào. Hôm sau quay lại chả thấy comment mình đâu! Có khi lại hiểu nhầm chủ nhà xóa bỏ, thế là buồn nhau, huhu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, máy móc cũng có lúc điên nữa huống chi con người :-))

      Xóa
  9. Cám ơn bác H nhắc lại nguồn gốc Tổ tiên nhân ngày lễ Giỗ Tổ . Buồn cười cái thời học sinh Việt phải học ra rả " Tổ tiên ta là người Gaulois " . Thiệt là phi lý

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tổ tiên ta là người Gaulois cũng còn là khá, chớ bây giờ mà phải học Tổ tiên ta là người... China là bỏ mạng :-)))

      Xóa
  10. Trang blogspot đôi khi lấy link hình ở photobucket không đúng mục bỏ vào blogspot, thì khi bỏ vào ô comment này sẽ làm mất những comment khác.. Nếu có bị mất comment thì các bạn mình cũng thông cảm thôi phải không anh H. Riêng code hình ở trên của anh Bu, M đã lấy từ http đến c300.jpg sau đó thêm cụm [ img ].. [ /img ] bỏ vào đầu và cuối, viết gần nhau vào đây, anh Hiệp xem hộ có hiện hình không nhé! Vì bên đây M kg xem hình từ code của photobucket đc.

    [img]http://s888.photobucket.com/user/bulukhin/media/ChuTotronghoanhphi_zpsc037c300.jpg.[/img]

    Trả lờiXóa
  11. Anh Bu ơi! code ở trên anh lấy nhầm dòng link rồi, ở blogspot thì anh phải lấy link ở dòng cuối có cụm [ img ] ... [/ img ] thì hình mới hiện được anh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu đã làm lại từ hôm qua thấy hình rồi chị M., cám ơn chị nhé.

      Xóa
  12. Trên đền Thượng, Đền Hùng có đề bốn chữ lớn Nam Việt Triệu Tổ - tại sao lại Nam Việt? Nam Việt là tên nước thời Triệu Đà, sao không đề là Việt Nam hay Đại Nam, Đại Việt nhỉ?! Mong bác Bu, bác H... bàn thêm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời còn có vụ này nữa sao Toro? Bàn gì nữa Toro ơi. Đền Hùng Phú Thọ là nơi gốc gác thờ Quốc Tổ, bao nhiêu lãnh đạo, trí thức, nhân dân đến làm lễ, chiêm bái, và bao nhiêu du khách đến viếng mà còn lam nham như thế? Huhuhuhu!

      Xóa
  13. Lẽ ra phải Nam bang Triệu Tổ chứ. Em có một laotj hoành phi, câu đối đền Hùng mới chụp hôm qua, để em đưa lên... Nhếch nhác lắm ạ.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))