Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Những cái tên (3).

Ở entry "Những cái tên" kỳ trước, bạn Marguérite, quê ở miền Tây Nam bộ có nói "Rảnh rỗi, bác H tìm hiểu tiếp các địa danh ở miền Tây thử. Hồi trước hay nghe ba mẹ Marg nhắc những cái tên rất hay: Thanh Bình, Hòa An, Tịnh Thới... nhưng cũng có những cái tên khá ngộ: Lấp Vò, Cái Vồn...". Một ý kiến rất hay, tuy nhiên cũng làm tôi... toát mồ hôi hột, bởi lẽ miền Tây Nam bộ là một nơi  chốn tuy tôi cũng đã vài lần ghé qua, nhưng chỉ là đi chơi, du lịch đây đó một vài ngày, những nơi tôi đã đi qua như Mỹ Tho, Đồng Tháp, Cái Bè, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Long Xuyên, Hà Tiên... nhưng gần như tôi không biết gì nhiều về vùng Miệt vườn sông nước, cò bay thẳng cánh đầy thú vị này... Nhưng tôi cũng thử mang hết... khả năng, phi thoàn thử tìm hiểu xem sao...


                                                                   Ảnh Internet.

Như bạn Marg. đã viết có những cái tên rất hay như Thanh Bình, Hòa An, Tịnh Thới... Những cái tên chữ, mang âm Hán Việt như thế chắc hẳn là tên được đặt sau này trên những vùng đất mới Nam bộ, những cái tên được đặt là để mong được như... tên gọi: Thanh Bình, Hòa An, Tịnh Thới... Duy có chữ "Thới" trong Tịnh Thới, tên chữ Hán là "Thái", vì kỵ húy tên của chúa Nguyễn Phúc Thái nên đổi thành "Thới", ở Biên Hòa cũng có núi "Châu Thới"... kiêng kỵ như thế.

Miền Tây Nam bộ là vùng đất xưa của người Khmer, cho nên vẫn còn rất nhiều những địa danh mang âm hưởng của tiếng Khmer, nhà bác học Trương Vĩnh Ký ngày xưa cũng đã tổng kết được cả trăm tên gọi được phiên âm từ tiếng Khmer, và cũng đã có rất nhiều học giả xưa nay đồng ý như thế. Những địa danh sau đây có lẽ từ tiếng Khmer. Chẳng hạn Cần Thơ, được phiên âm từ chữ "Kìntho", tiếng Khmer có nghĩa là "cá sặc rằn", một loại cá có rất nhiều tại vùng đất này. Cần Giờ phiên âm từ "Kanchoeu" (thúng), Cần Giuộc là "Kantuôt" (cây tầm ruột, chùm ruột), Cà Mau là từ  "Srôk Tưk Khmau" (xứ, nước đen), Sa Đéc là Phsar Dek (chợ, sắt)... Và còn rất nhiều địa danh khác được hình thành như thế...

Có một câu ca dao (hay tục ngữ) quen thuộc với người miền Nam "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân" (bảnh, có nghĩa là đẹp, duyên dáng, ưa nhìn...). Gà chọi Cao Lãnh ngày xưa là loại gà chọi có tiếng vùng Nam kỳ Lục Tỉnh, còn Nha Mân là một địa danh thuộc tỉnh Đồng Tháp, nơi nổi tiếng về phụ nữ đẹp. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì địa danh Nha Mân cũng từ tiếng Khmer mà ra, Oknha Mân (ông quan Mân). 

Còn tên gọi Cao Lãnh nghe nói là từ chữ Câu Lãnh. Đây là tên của ông Câu đương Đỗ Công Tường ở thôn Mỹ Trà (tục danh là Lãnh, Câu đương là một chức nhỏ ở thôn quê thời nhà Nguyễn). Năm canh Thìn 1820 nước ta bị một trận dịch tả nặng, vùng Mỹ Trà có nhiều người bị bệnh dịch chết. Bấy giờ người ta cho rằng bịnh là do trời đất phạt. Ông Tường (Lãnh) cùng vợ nguyện chết để cứu dân.  Sau khi hết dịch, người dân cho rằng ông Tường (Lãnh) và vợ đã cứu họ nên lập miếu thờ, gọi là miếu Ông bà chủ chợ. Chợ Vườn Quýt hay Chợ Ông Câu lần hồi được gọi là Chợ Câu Lãnh, bây giờ là Cao Lãnh...

Tên Lấp Vò cũng thế, từ tiếng Khmer Srôk Tak Por, có nghĩa là xứ trét ghe thuyền... Địa danh Cái Vồn là từ chữ Srok Tà Von, nghĩa là xứ Ông Vôn... Một địa danh khác ở miền Tây là Trà Ôn, cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer Tà Ôn (Ông Ôn). Ở Đồng Tháp có một địa danh là khu du lịch Xẻo Quýt, Quýt thì chắc là trái quýt rồi, trồng nhiều ở Đồng Tháp, còn Xẻo tiếng miền Nam, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của viết là Xẽo (dấu ngã), giải nghĩa là: đàng nước vằn vằn, ngọn rạch nhỏ như cái cựa gà... 

Ở Đồng Tháp cũng có địa danh tên là Tam Nông, là từ Hán Việt, có sách giải thích đây là cách chia dân làm ruộng ngày xưa làm 3 hạng: Thượng nông, Trung nông, và Hạ nông, xưa chia 3 hạng như thế để đánh thuế... Còn địa danh Đồng Tháp, Đồng Tháp Mười, thì trong Châu bản triều Nguyễn ngày 1 tháng 3 năm Tự Đức thứ 18 (27-3-1865) có đoạn: Lại việc nữa; quan Tây có đến Vĩnh Long nói: tháng chạp qua đảng Thiên Hộ Dương, tên quản Là đã đánh giết bốn người Tây, bắt sống một. Nói lên rằng đã giải đến Vãng Tháp nộp cho Thiên Hộ Dương...". Theo sử sách thì địa danh Vãng Tháp (tháp đã đổ nát) đã có từ trước năm 1865.

Còn theo Công báo Nam kỳ của Pháp đưa tin: "Ngày  17-4-1886, đã chiếm được Tháp Mười". Đây là lần đầu tiên địa danh Tháp Mười xuất hiện. Về từ Tháp Mười, có giả thiết nói là "Tháp 10 tầng", giả thiết khác  cho là "Tháp thứ 10" (có lẽ là tháp xưa của người Khmer). Giả thiết nghiêng về Tháp thứ 10 nhiều hơn, bởi trong kiến trúc xây tháp xưa, người Khmer không xây nhiều tầng như người Việt và người Trung Hoa.

Ở An Giang có địa danh Cù lao Ông Chưởng, Cù lao là phiên âm từ tiếng Mã Lai "pulaw", còn Ông Chưởng là Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, công thần triều Nguyễn, người có công khai phá vùng đất phương Nam. 

Trong sách vở, nhà văn Sơn Nam khi nói về vùng đất Nam bộ có dùng tên gọi Miệt vườn, Miệt, phương ngữ  Nam bộ, trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị có giải thích là: xứ, miền, một dãy đất. Từ Miệt có nghĩa tương đương với từ Miền, không biết hai từ ngữ này có liên quan gì đến nhau hay không?


Tham khảo:

- Cửa sổ tri thức tập 2, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ, xuất bản năm 2007.
- Địa danh học Việt Nam, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Khoa học-Xã hội, xuất bản năm 2011.
- Quốc ngữ hiện đại, Nam Xuyên, NXB Văn Nghệ, xuất bản năm 2009.

11 nhận xét :

  1. Bác H còn nhớ khu du lịch Gáo Giồng không ? Gáo và giồng là hai từ rất ... nam bộ . Cái gáo dừa để múc nước và cái giồng đất trồng rẫy ... Bác thử tìm hiểu đia danh Gáo Giồng xem

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng Tháp còn có khu du lịch Gáo Giồng nữa, nhớ chứ, cũng đang thử đi tìm xem nghĩa của chữ Gáo Giồng. Gáo Giồng chắc không phải từ có nguồn gốc tiếng Khmer, cũng không phải là tiếng Hán Việt. Nếu giải nghĩa từng chữ thì giống như Marg. Về chữ Giồng, có sách cho là từ chữ "vồng", phương ngữ Nam bộ viết và nói là "giồng", nghĩa như nhau, là gò đất cao, đất nổi giữa vùng sông nước trồng rẫy, cây trái.

      Tuy nhiên ngoài ý nghĩa "Gáo" là cái "gáo dừa" múc nước, Đại nam Quấc Âm tự vị có giải thích, Gáo là tên một loại cây gỗ mộc, cây Gáo. Như thế có thể Gáo Giồng là giồng đất ngày trước có trồng nhiều cây Gáo chăng? Hay là giồng đất cao giữa vùng sông nước trông giống như cái gáo úp?

      Xóa
  2. Bài viết của PNH rất bổ ích cho mọi người nhất là người tập tễnh làm dân Nam bộ như bu tui, cảm ơn nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm cư dân Nam bộ 60 năm như tôi cũng vẫn còn mù mờ nhiều về vùng đất mình đã gắn bó. Ngày xưa tôi ở Pleiku có những địa danh miền núi, như Pleime, Plei O Ngok... Hay Dakto, Dakpet, Dakla..., là tên của người Thiểu số, Plei là làng, Dak là sông nước... Nhưng cũng có những địa danh Hán Việt như Lệ Thanh, Lệ Cần, Lệ Chí, Lệ Minh... không hiểu từ đâu. Gần đây đọc sách mới hay đó là tên đặt thời Đệ nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, đây là những "Khu trù mật" được lập do bà Trần Lệ Xuân (phu nhân của ông Ngô Đình Nhu) đỡ đầu. Chữ Lệ là tên lót của bà Trần Lệ Xuân.

      Tìm hiểu về những địa danh làm cho ta gắn bó hơn với vùng đất mà chúng ta đang sống.

      Xóa
    2. Đúng như anh Hiệp nói "Tìm hiểu về những địa danh làm cho ta gắn bó hơn với vùng đất mà chúng ta đang sống."

      Xóa
    3. Cũng tựa như khi ta hiểu về người í mà, hì hì!

      Xóa
  3. Ở miền Tây có nhiều địa danh bắt đầu bằng từ "Cái" : Cái Mơn , Cái Tàu , Cái Tôm ... Không biết từ "Cái" này bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa thế nào .Bác H tìm hiểu tiếp xem . Ở An Giang còn có bắc Vàm Cống nổi tiếng , ý nghĩa ra sao nhỉ ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất hay đó bạn Marg., tôi cũng đang tìm hiểu về chữ "Cái" trong những địa danh ở miền Tây, rất nhiều địa danh có chữ Cái, nó cũng tựa như từ "Kẻ" trong địa danh ở miền Bắc. Một vài nhà nghiên cứu cho Cái là chính, to... như cửa cái, cột cái... Đại Nam Quấc Âm tự vị cũng giải nghĩa chữ Cái là to, lớn..., nhưng hình như trong địa danh ở miền Tây Nam bộ lại không phải nghĩa đó, chẳng hạn có sông Cái Lớn, nhưng lại cũng có sông Cái Bé.

      Còn chữ Vàm dễ hiểu hơn, có nghĩa là cửa sông, Vàm Cống, Vàm Láng... Sẽ tìm hiểu kỹ và có bài sau, bạn chờ nhé :-)))

      Xóa
  4. Ở bắc, từ ‘cái’ ít dùng cho địa danh như trong nam mà chỉ một cách phiến diện về một con sông, con đường nào đó. Con sông lớn ở cạnh làng thường gọi là sông Cái. (Đó là một sự khác biệt giữa nam và bắc)
    Theo tôi hiểu, có một số nghĩa sau.
    1. cái là mẹ, con gái (sinh sản), chính, to lớn...
    Ví dụ: Con dại cái mang (tn). Mình về nuôi cái cùng con (cd)...
    Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng đánh Cao Biền thời nhà Đường ở thành Tống Bình (khoảng 766-779).
    Cái Huệ nhà tôi (câu kể)
    Hoa (cây đu đủ) cái
    Cái mẻ (dùng để gây men), cái rượu (nấu ra rượu)
    Nhà cái, làm cái. Khôn ăn cái, dại ăn nước (chính)
    cột cái (cột chính của nhà, cột quân nhỏ hơn)
    Con Đường Cái Quan (tên một tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy)
    2. Tiếp đầu ngữ của một danh từ hoặc thậm xưng.
    cái tôm cái tép (cd), cái nhà, cái thuyền...
    Cái nhà này (một câu trách yêu thương)
    Cái ăn cái mặc.
    ngã một cái rất đau
    nghỉ tay cái đã
    loáng một cái đã biến mất
    Cái ngày xưa đáng nhớ…
    3. Một số học giả cho rằng: từ ‘cái’ chỉ người Việt coi trọng và tôn thờ đạo Mẫu.
    Rất mong Bác Hiệp viết tiếp (theo chủ đề Những cái tên) cho thêm yêu thương nước Việt.
    Thân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn VanPham đã cho biết thêm về ý nghĩa chữ Cái ở miền Bắc. Tôi đã viết tiếp về chữ Cái rồi, mời bạn đọc và cho biết ý kiến.
      Thân.

      Xóa
  5. Cái Vồn chưa rõ nghĩa lắm

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))