Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Những cái tên (4).

                                                         Chợ nổi miền Tây. Ảnh Internet.


                                                        Sông nước Nam bộ. Ảnh Internet.



Bạn Marguerite, quê ở miền Tây Nam bộ tiếp tục "khảo" về những tên gọi, những địa danh của miền Tây, lần này là những địa danh có chữ "Cái". Phải nói ngay đã từ lâu tôi cũng rất chú ý đến điều này, có rất nhiều nơi ở miền đồng bằng sông Cửu Long có tên gọi bắt nguồn từ chữ Cái, để chỉ một vùng đất, chợ, sông, kênh rạch...  Chẳng hạn Cái Bát,  Cái Cạy (sông), Cái Bè (tên đất, chợ, sông), Cái Lớn, Cái Bé (sông), Cái Bèo (chợ trên kênh), Cái Cót (sông), Cái Khế (tên chợ), Cái Mơn (tên đất), Cái Răng (tên đất, chợ, sông, kênh đào), Cái Sắn (tên đất), Cái Vồn (rạch), Cái Tàu (sông)..., và còn rất nhiều nữa, theo thống kê có cả trên một trăm sáu mươi (160) địa danh bắt đầu bằng chữ Cái như thế..., và theo như sách Địa Danh Học Việt Nam của PGS.TS. Lê Trung Hoa, một số lớn (khoảng 150) là để chỉ sông, nhánh sông, kênh, rạch...

Miền Tây Nam bộ là một vùng sông nước mênh mông, trên sông, rạch có rất nhiều tôm cá, rau, củ sinh sống, sinh sôi... nói chung là các loại thực phẩm nuôi sống con người, cho nên những cư dân Việt xưa kia đến vùng đất này  đầu tiên là gắn bó với sông nước. Những tên gọi có lẽ được đặt cho sông, rạch trước, sau đó mới hình thành khu dân cư, tên sông, rạch, chuyển thành tên đất, tên chợ...

Trước hết thử tìm hiểu nghĩa của từ "Cái". Theo học giả An Chi viết trong Chuyện Đông Chuyện Tây, trong tiếng Việt chữ cái có sáu nghĩa, tôi chỉ viết lại ý chính:

1/ Cái là danh từ chỉ cá thể như trong: cái gì? cái bàn, cái ghế... là một từ Việt gốc Hán mà bây giờ đọc là .
2/ Cái, danh từ, còn tồn tại trong từ tổ cái ghẻ, nghĩa là con ghẻ, một loài động vật chân đốt, rất nhỏ, sống ký sinh trên da... là một từ gốc Hán Việt âm thông dụng hiện đại là giới (Bộ Nạch), nhưng âm chính thống vẫn là cái.
3/ Cái, danh từ, là phần "đặc" trong món ăn có nước, "khôn ăn cái, dại ăn nước", là từ Hán Việt âm thông dụng cũng là giới (Bộ Nhân).
4/ Cái, danh từ cổ, có nghĩa là mẹ, "con dại cái mang".
5/ Cái, tính từ, đồng nghĩa với từ "mái" (gà mái), trái nghĩa với "đực", trong "đực - cái".
6/ Cái, tính từ, có nghĩa là to, lớn, chính, sông cái (sông con), cột cái... Là từ Hán Việt, cũng được ghi bằng chữ giới (Bộ Nhân) như ở mục 3.

Trong sáu nghĩa thông dụng bên trên  trong tiếng Việt, thì may ra từ Cái được dùng trong những địa danh (nhất là tên sông, rạch) ở miền Tây Nam bộ là ở nghĩa thứ 6, có ý nghĩa là to, lớn, chính. Sông Cái có thể là sông lớn, sông chính, nhưng tại sao lại có những tên chỉ sông như Cái Lớn, Cái Bé (Cái Lớn tạm chấp nhận, nhưng còn Cái Bé?, đã lớn lại còn bé?). Thật là rối... Tôi thử lục lọi trong vài quyển sách có trong tay, may ra thấy chút manh mối nào chăng?

Trong những sách xưa về Địa chí như Gia Định Thành Thông Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí, chỉ thấy vài chi tiết có liên quan, chẳng hạn (sông) Cái Lớn là Đại Giang, Cái Bé là Tiểu Giang (2 con sông này ở Kiên Giang), Cái Thia (cửa sông, vàm) là Thi Giang, (sông) Cái Mít là Ba La Giang. Như vậy, chữ "Cái" ở đây có nghĩa tương đương như chữ "Giang", nghĩa là "Sông". Sách xưa về địa chí như 2 quyển trên chỉ viết về sự việc chứ không giải thích từ nguyên.

Nhà văn Sơn Nam, một nhà Nam bộ học, trong sách khảo cứu về vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhận xét, đại khái, mấy con rạch từ sông cái chảy vào ruộng thường mang chữ Cái đứng đầu, như Cái Sắn, Cái Bè, Cái Thia, Cái Mơn... Đồng bào miền Nam phát âm không rõ là Cái hay Cải, phải chăng CáiKẻ, như Kẻ Chợ, Kẻ Sặt... Có lẽ nhà văn Sơn Nam đặt nghi vấn như thế, bởi cư dân Nam bộ ngày xưa là  những người có nguồn gốc từ miền Bắc, miền Trung. Tuy nhiên từ Kẻ chỉ địa danh ở miền Bắc như Kẻ Chợ, Kẻ Sặt, Kẻ Mơ, Kẻ Láng... là để chỉ một vùng đất, tên đất, chứ không phải như ở miền Nam thường là để chỉ sông, rạch...

Còn từ Cái hiện nay còn thấy ở miền Bắc và miền Trung? Trong 2 quyển sách có cùng tựa "Sổ Tay Địa Danh Việt Nam" của Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học QG Hà Nội-2002), và Nguyễn Dược-Trung Hải (NXB Giáo Dục-2003). Ở miền Bắc, chữ i chỉ địa danh tìm thấy trong Sông Cái (sông Hồng), Cái Bàn, Cái Bầu, Cái Búa, Cái Lim... những địa danh có từ Cái này chỉ đảo ngoài biển, hoặc như Cái Lân, Cái Rồng, chỉ vịnh biển, cảng... Còn ở miền Trung hay đặt chữ Cái trong tên sông, như Sông Cái ở Bình Định đổ ra vịnh Quy Nhơn. Sông Cái ở Ninh Hòa, Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Sông Cái, phụ lưu của sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam. Sông Cái ở Phú Yên chảy ra vũng Xuân Đài phía Nam Sông Cầu. Sông Cái ở tỉnh Ninh Thuận, và tỉnh Bình Thuận...

Như vậy địa danh có chữ Cái có trong tên sông có nhiều ở miền Trung, nhưng chữ Cái ở đây có lẽ được dùng với ý nghĩa thứ 6 trong bảng giải thích của An Chi bên trên, là một tính từ, có nghĩa là to, lớn, hoặc là chính, cũng có thể với ý nghĩa thứ 4, là Mẹ, sông Mẹ, nhưng có lẽ chữ Mẹ ở đây cũng đồng với nghĩa là Chính... Chữ Cái trong tên sông ở miền Trung không thể dứng một mình, luôn phải có chữ Sông đằng trước "Sông Cái", mới đầy đủ ý nghĩa. Trong khi từ Cái trong địa danh chỉ tên sông, rạch, nhánh sông ở miền Nam trong sách vở , hoặc khi nói, không cần chữ Sông đứng trước, chẳng hạn như Cái Tắc, Cái Lớn, Cái Bé, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ...

Chữ Cái có thể là từ chữ Khmer mà ra không? Ở vào thế kỷ thứ 19, nhà bác học Trương Vĩnh Ký có lập bảng đối chiếu các tên gọi Khmer và Việt Nam, trong đó có một số từ có chữ Cái tương đương với chữ Prêk nghĩa là con rạch trong tiếng Khmer, Chẳng hạn: Cái Cát = Prêk Ksach (Rạch Cát). Cái Cối = Prêk Thbal (Rạch Cối Xay). Cái Chanh = Prêk Kroc (Rạch Chanh). Cái Muối = Prêk Ambil (Rạch Muối). Cái Trầu = Prêk Mlu (Rạch Trầu)... Về ý nghĩa những từ trên giữa tiếng Việt và tiếng Khmer là tương đương, tuy nhiên về phát âm thì giữa chữ CáiPrêk không có nét nào tương đồng...

Trên một vài trang mạng, cũng thấy có người nói chữ "Cái" trong tên sông ở miền Nam là từ cổ của Phù Nam, có nghĩa là sông, rạch, một vương quốc xưa đất đai bao trùm cả miền Nam, đã bị Chân Lạp thôn tính. Không rõ ra sao?. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, vương quốc Phù Nam chỉ tồn tại đến thế kỷ thứ 6 thì bị người Khmer (Chân Lạp) xóa sổ, Cư dân Việt chỉ có mặt tại miền Nam sớm nhất khoảng thể kỷ 16, khi các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam. Nếu từ Cái là từ cổ của người Phù Nam thì không thể "truyền" trực tiếp sang người Việt, mà phải "chuyển tiếp" từ người Khmer, mà trong ngôn ngữ của người Khmer Nam bộ hoàn toàn không có âm "Cái", hay âm nào na ná có ý nghĩa như thế....


Trong tên Cái Bát, Cái Cạy (Tây Ninh), Bát có nghĩa là "bên mặt, bên phải", Cạy có nghĩa là "bên trái". Cái Bát, Cái Cạy có nghĩa "con rạch ở phía bên phải, bên trái". Tên Cái Lớn, Cái Bé ở Kiên Giang cũng có ý nghĩa như thế, sông lớn và sông bé. Những tên sông rạch khác như Cái Tắc (thực ra là Tắt, một đoạn sông ngắn đi tắt), hoặc Cái Chanh (rạch Chanh), Cái Muối (rạch muối). Chữ Cái đều có nghĩa là sông, rạch.

Trong quyển sách Địa Danh Học Việt Nam của PGS. TS. Lê Trung Hoa (NXB KH-XH, 2011) khi bàn về chữ Cái trong địa danh Nam bộ có nói: Cái là danh từ có nghĩa là sông, rạch, không thể phát xuất từ tiếng Khmer hay tiếng Hán, vì trong hai ngôn ngữ này không có từ hay từ tổ nào có âm na ná mà có nghĩa là sông rạch.. Có lẽ đây là một từ Việt cổ mà đến thế kỷ thứ 19 đã không còn khả năng dùng độc lập, chỉ còn xuất hiện trong từ ghép hoặc từ tổ và trở thành địa danh: Cái Bát, Cái Tắt... Với Cách hiểu Cái là nhánh sông hay con rạch, có thể giải thích được hơn 90 phần trăm số địa danh mang thành tố chung Cái ở Nam bộ.

Một ghi chú khác trong sách này cũng có viết giữa Cái (Cái Bầu, Cái Bàn... tên đảo ở miền Bắc), và Kẻ, Cái (chỉ sông, rạch ở miền Nam), chưa rõ có quan hệ nguồn gốc gì không?

Riêng tôi sau khi xem xét một số sách vở có liên quan, tôi cũng đồng ý về ý nghĩa, chữ Cái trong những tên gọi chỉ sông, rạch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, như Cái Tắc, Cái Lớn, Cái Bé, Cái Chanh... có nghĩa là sông, rạch. Như chúng ta đã biết cư dân Nam bộ đầu tiên, là những di dân từ miền Bắc và miền Trung vào, và những tên gọi, những địa danh lần hồi do họ đặt, trong những tên có chữ Cái, có lẽ ít nhiều cũng có một sự liên hệ nào đó, ít nhất với những từ Cái chỉ địa danh (trong tên đảo, vũng biển) ở miền Bắc, hay từ Cái (trong tên sông) ở miền Trung...

Còn về từ Vàm, trong những tên gọi Vàm Cống, Vàm Láng... Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích Vàm là miệng sông rạch, chỗ vào sông rạch, Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, bản in năm 1997, giải nghĩa Vàm: Ngã ba sông rạch, nơi rạch chảy ra sông hoặc sông con chảy ra sông lớn.


14 nhận xét :

  1. Đã có bài viết về CÁI thì chắc Thầy phải viết một bài về từ CON luôn quá thầy PNH ơi ời.. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, Cái với Con, qua nhà Chị Bà Già đọc Niết bàn, chắc sắp thấy Niết Bàn rồi đây :-)))

      Xóa
    2. Haha.. Bạn PNH à, chỉ thêm bài viết chữ CÁI thôi mà. Chứ Chị Bà Già còn có thêm vụ án "nợ nước ép trái Khế" của Chị Bà Già kéo dài từ năm nẳm đến năm nay nữa đó..

      Vừa trả lời mấy vần của Trưởng Lão xong.. từ "nước khế ép" dẫn đến "niết bàn (đi xa)"!!! hihi

      Xóa
    3. "Từ nước khế ép đến Niết bàn". Hay đấy, Chị Bà Già nên viết một entry với tựa đề như thế :-)))

      Xóa
  2. Cám ơn bác H đã nhanh chóng có một entry dài về chữ "Cái" trong các địa danh ở miền Tây Nam bộ .Rất hay
    Còn từ vàm thì hiểu chỗ ngã ba sông nhưng đã Vàm còn Cống nữa nên thấy ngộ , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, nhờ trước đây cũng đã chú ý nên giờ có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn. Cũng phải cám ơn vì đã hỏi.
      Vàm Cống, hay chỗ cửa sông, hoặc rạch chảy ra sông gọi là Vàm đó có cái... cống. Cống ở đây không phải là loại cống nước đen thui như ở thành phố, mà là loại cống xả điều tiết nước trên kênh rạch hay thấy nơi miền Tây?

      Xóa
    2. Cái tên Vàm Cống xưa rồi bác ơi . Ở quê miền Tây làm gì có cống. Mọi thứ nước sinh hoạt cho thoát tự nhiên ra đất hay mương , rồi từ mương ra rạch , từ rạch ra sông ...((-:

      Xóa
    3. Vậy hả? hay là chỗ cửa sông rạch này ngày xưa có ông Cống ông Nghè gì đó ở, kiểu như Rạch Thị Nghè vậy đó... :-)))

      Xóa
  3. Câu hỏi oái oăm mà câu trả lời chi tiết và đầy đủ.
    Cứ phác thảo ra thế rồi nghiền ngẫm dần dần, đây là vấn đề địa danh học, liên quan đến sử kí, địa lý, ngôn ngữ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, biết hỏi cũng khó. Có lẽ tôi với bác nhờ có chút ít sách vở, tài liệu, dễ tìm tòi để hiểu một vấn đề gì đó hơn.

      Địa danh học liên quan mật thiết đến những gì bác nói bên trên, kể cả khảo cổ học. Cái ý kiến từ Cái là từ ngôn ngữ Phù Nam, nghe qua có vẻ có lý, vì miền Tây Nam bộ xưa là Trung tâm của người Phù Nam, nhưng nếu không đưa ra được những chứng cứ như trên thì không thể kết luận như thế, bởi ngôn ngữ Phù Nam đâu có trực tiếp truyền qua người Việt, phải qua cái mắt xích quan trọng là người Chân Lạp (Khmer). Mười thế kỷ từ thứ 6 đến 16, trước khi người Việt đến đây, miền Nam đã thuộc Chân Lạp rồi...

      Nói chung có thời gian, tài liệu để tìm hiểu về một vấn đề gì cũng rất hay bác ạ...

      Xóa
  4. Đưa bài này thành luận văn nghiên cứu có khi độc đáo đấy bác Hiệp à!

    Trả lờiXóa
  5. Mà bác Hiệp post bài ở Blogspot xong nhớ share ở G+ để dễ tìm đọc nhé, mỗi lần thấy bài mới em vào trang của bác lại phải click vào comment mới thì mới vào bài đọc được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Luận văn nghiên cứu gì, viết chơi để bạn bè đọc cho vui thôi TT. Trong cuộc sống có nhiều khi có một hai từ ngữ đơn giản thế đó, hiểu ra được cũng hay.

      À à, vậy nữa hả, mới biết sơ sơ nơi này thôi, lần sau sẽ làm như lời dặn :-)))

      Xóa
  6. Một lần tôi xuống miền Tây nghe họ nói một số địa danh liên quan đế cơ thể con người: Cái Răng, Cái Tắc (tóc), Cái Khế (trái khế ở cổ người, Cái Vồn ...

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))