Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017
Học chữ Nho.
Sách Chữ Nho Tự Học của GS. Đào Mộng Nam.
Chữ của người Trung Hoa ngày xưa ông bà ta gọi là chữ "nho". Hàn nho có nghĩa là nhà nho nghèo, học trò nghèo, nho gia là để chỉ người đi học, người có học, nho nhã là cái dáng vẻ của người có học (chữ nho) thuở trước. Đạo nho là một học phái do Khổng Tử khai sáng, chữ nho là chữ thánh hiền.
Vào khoảng nửa sau của những năm 1960 lúc bắt đầu học trung đệ nhị cấp tôi đã mày mò làm quen với chữ nho. Thoạt đầu học chơi mấy buổi với giáo sư Đào Mộng Nam, hồi đó ông là giáo sư đại học, dạy ở đại học Văn khoa, Vạn Hạnh ở Saigon. Ông mở một lớp học miễn phí để phổ biến chữ nho, ông giảng giải về sự hình thành của chữ nho, hướng dẫn cho cách viết chữ, thế nào là nét ngang, thế nào là nét sổ (nét dọc), nét nào viết trước nét nào viết sau, rồi cứ thế theo mấy quyển sách Tự học chữ nho của ông mà học. Sách của ông dạy rất dễ hiểu, tôi đã học khoảng gần hai ngàn chữ trong mấy quyển sách của ông. Tới bây giờ tôi vẫn còn giữ được mấy quyển sách này của ông, tính ra cũng xấp xỉ 50 năm.
Đến đầu thập niên 1970 tôi vào quân đội rồi chuyển đến Tây nguyên. Xa nhà nhiều khi chẳng biết làm gì nên ghi tên học hàm thụ chữ nho, người ta gởi tài liệu đến tận KBC (Khu bưu chính) đơn vị, mua thêm sách học. Đời lính đây đó, nhưng thời gian rảnh lại khá nhiều, về phố thì quán xá cà phê, còn khi đi công tác thì mang vài quyển sách, tài liệu theo ba lô. Có những khi ở những nơi đèo heo hút gió cả tháng, như trong một làng Thượng ở Pleiku, Kontum, quán xá không có, ngắm mấy cô Thượng mãi cũng chán, đành phải mang sách ra học.
Chữ nho có một đặc điểm là học chữ nào biết chữ đó, học thì khó nhớ vì khá nhiều nét phức tạp, mà quên thì rất dễ vì ta không hay dùng nó. Chữ nho đơn giản nhất chỉ có một nét như chữ nhất (一), và phức tạp nhất có chữ lên đến khoảng 30 nét, rất nhiều chữ mười mấy hai mươi mấy nét, như chữ nghiêm (nghiêm trang) 嚴 (17 nét), chữ chúc (dặn bảo) 囑 (21 nét). Chữ nho khó nhớ mặt chữ vì có nhiều chữ viết na ná giống nhau, Hai chữ đơn giản là chữ nhật 日 (mặt trời) và chữ viết 曰 (nói) nhìn có thể lầm lẫn. Cho nên người ta nói "chữ tác 作 đánh chữ tộ 祚" là thế.
Chữ nho viết chữ nào đọc chữ nấy, nhưng một âm lại có nhiều chữ viết, rồi trong một chữ viết lại có nhiều nghĩa khác nhau, chữ đó khi đi với chữ này thì hiểu thế này, nhưng khi đi với chữ khác lại hiểu khác. Chẳng hạn đọc là "nha", có đến mười mấy chữ nha, nha 牙 là răng, cũng có nghĩa là ngà, nha 鴉 là con quạ, cũng để chỉ màu đen, nha 衙 là sở quan. Nha môn 衙門 là cửa quan, nhưng "liễu nha" 柳衙, cũng chữ nha 衙 trong nha môn, lại có nghĩa là hàng cây liễu... Trong chữ nho có rất nhiều thành ngữ, điển cố, điển tích. Có những câu tưởng dễ nhưng nếu không biết được điển tích của nó cũng chẳng thể hiểu được ý nghĩa, chẳng hạn như "Thủ chu đãi thố" 守株待兔, nôm na là "Ôm cây đợi thỏ". Tại sao lại ôm cây đợi thỏ? Ta thấy khó hiểu nguyên câu dù có hiểu được từng chữ, vì đó là một tích của người Hoa, mà trong sách của người Hoa cơ man những điển tích như thế.
Cho nên nếu có ai đó nói học chữ nho dễ ợt, năm bảy tháng, một năm là đọc được Thủy hử, Tam quốc, chắc người đó chỉ nói chơi hay nói... xạo.
Có tổng cộng bao nhiêu chữ nho? Trong quyển tự điển chữ nho là Khang Hi, soạn vào đời Khang Hi bên Tàu có 47.035 chữ, xấp xỉ năm mươi ngàn chữ. Trong đó có khoảng 4.000 chữ thông dụng. Giả sử một ngày ta học được 5 chữ, thì với 4.000 chữ thông dụng ta cũng phải mất khoảng 800 ngày học miệt mài, mà đấy là ta phải sử dụng chữ nho hàng ngày để không quên, chứ với kinh nghiệm thì học 5 chữ, chỉ vài ngày buông lơi là đã quên tuốt ba, bốn chữ, nhất là những chữ khó, nhiều nét.
Ngày xưa học trò chuyên cần học cũng phải mất cỡ mười năm mới có thể sử dụng được chữ nho để đọc sách thánh hiền, làm được thơ phú, để đi thi có khi còn khó hơn. Tôi học chơi vài năm, chữ nhớ chữ còn, thỉnh thoảng đi đường có thể đọc được tên ba cái bảng hiệu của người Hoa, đến đình chùa cũng ráng đọc được vài ba bức hoành phi, bao lam. Đọc từng chữ thì được, nhưng nhiều khi ghép lại cả câu thì không hiểu. Chữ nho là thứ chữ rất cô đọng, không thật rành rẽ không dễ gì hiểu được một câu, dù có khi chỉ là câu đơn giản.
Trên kệ sách của tôi bây giờ có mười mấy quyển tự điển chữ nho (Hán Việt, Việt Hán), nhưng chữ thì quên gần hết sạch rồi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Cám ơn bác Hiệp! Chính vì cái chữ "khó" như thế nên người Việt ta mới cám ơn các vị giáo sĩ phương Tây sáng tạo ra chữ quốc ngữ tiện lợi và thông dụng như bây giờ. Ban đầu, chữ quốc ngữ cũng có những bất cập, thô sơ, nhưng càng ngày càng hoàn thiện. Việc dùng quốc ngữ thay chữ nho ( chữ Hán) và chữ Nôm, tuy có làm đứt gãy mạch chữ nghĩa, nhưng ngày xưa dân ta hơn 90% mù chữ nên ảnh hưởng cũng không lớn. Bây giờ chúng ta chỉ cần đào tạo một ít người thông thạo, dịch lại những văn bản xưa là ổn. Việc "cải tiến" của vị PGS TS gây ồn ào và ông ta bị ném đá dữ dội vì ông ta quên mất rằng đụng đến hệ thống chữ viết quốc ngữ là đụng đến một khối lượng khổng lồ các văn bản ghi bằng chữ quốc ngữ hàng vài trăm năm. Một việc nghiên cứu vô ích, vô bổ, bất khả thi! Những người tỏ ra "độ lượng" với ông ấy cũng...không lường hết sự "vô tích sự" của một nghiên cứu, tìm tòi...đáng cho vào sọt rác lại mượn màu "khoa học"!
Trả lờiXóaRất chính xác bác Vũ Nho, xưa dân ta hơn 90% mù chữ (Hán), sách vở chữ Hán cũng không nhiều (sau này kể cả chữ Nôm), thời nào cũng có người nghiên cứu cho nên dễ dàng cập nhật, in lại bằng quốc ngữ. Một hai năm trước cũng có người đề nghị dạy học sinh học chữ Hán trong nhà trường là không ổn, thời TT Diệm ở miền Nam cũng có dạy chữ Hán ỡ bậc Trung học, một tuần đâu được một, hai tiết cũng chẳng đi đến đâu, phải bỏ. Chữ quốc ngữ tiện hơn nhiều. Cái cần là phải hiểu từ Hán Việt bởi có đến 70-80% tiếng Việt là từ Hán Việt. Thực ra ta nói từ Hán Việt bởi gốc của nó là tiếng Hán, chứ nó đã được "Nôm hóa", nghĩa là đã trở thành tiếng Việt, ta chỉ cần giở tự điển tiếng Việt (không phải tự điển Hán Việt) là đã biết nghĩa. Hình như người mình không có thói quen tra cứu từ điển?
XóaVừa rồi cái nghiên cứu đề nghị cải tiến tiếng Việt của vị PGS. TS kia nó tầm bậy quá, cái mà cách đây đến mấy trăm năm các giáo sỹ Tây phương đã làm được, là dùng ký tự Latin để ký âm phân biệt được nghĩa trong cách phát âm của người mình (người Đàng Ngoài), như "dang" (dang dở), "giang" (dòng sông), "rang" (rang ngô), thì ông ấy lại vịn cớ phát âm để gom lại một rổ là "zang". Dạy học sinh lớp một chữ "zang" nó nhìn vào biết hiểu là gì?
Chưa kể các vùng miền lại có cách phát âm khác nữa, làm sao giải quyết hết. Thật sự tôi không thể hiểu vì sao ông ấy đã bỏ đến 40 năm để nghiên cứu và cho ra đời cái như bác nói là "đáng cho vào sọt rác" như thế?
Mù chữ không phải là người dân mù chữ ( người không thể học) mà là kinh tế, chiến tranh. Nếu không thây đổi chữ viết, thì người Việt bây giờ vẫn giữ được sự thanh tao, đạo mạo, đức chính thống, không bại hoại như bây giờ. Hàm nghĩ chữ nho rất thâm sâu và có đạo đức cao, người học được mang theo thân dáng vẻ thanh cao. Chữ bây giờ dễ học, dễ đọc, nhưng không còn hàm nghĩa bên trong đó nữa, cũng không có giá trị ước thúc đạo đức con người nữa. Chữ Viết là Văn Hoá. Xoá bỏ chữ viết là xoá bỏ Hàm nghĩa đạo đức của con người học nó. Trung Quốc bây giờ xoá bỏ chữ Hán cỗ ( Phồn thể) học chữ giản thể, không còn hàm nghĩa văn hoá và đạo đức con người. Đi đâu ai cũng ghét, làm gì ai cũng chửi. Lỗi không phải tại họ. Những người đứng đầu hại họ, lỗi là do cách người ta không được học hàm nghĩa thăm sâu, và văn hoá đạo đức bên trong chữ nghĩa. Thật sự đáng tiếc cho nhân loại. Rồi sau này nhân loại không còn ai biết đến chữ Hán cỗ nữa. Đạo đức cũng từ đó mà suy đồi theo.
Trả lờiXóaChuẩn bác Zero Nguyễn.
XóaTôi cũng thích ý kiến của bác Zero.
Xóahttps://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AF_H%C3%A1n
Trả lờiXóaVẫn có một số ý kiến cần tìm hiểu thêm:
Trong tiếng Việt, việc chỉ sử dụng chữ Quốc ngữ (chữ Latinh) chỉ có thể biểu âm mà không dùng kèm chữ Hán và chữ Nôm có tính biểu nghĩa tốt, đang khiến tình trạng đồng âm khác nghĩa trong tiếng Việt trở nên nghiêm trọng hơn. Tiêu biểu như ngay chính người Việt không hiểu đúng chữ "Thị" thường có trong tên phụ nữ Việt Nam mang nghĩa là gì,[16] nhầm họ (họ Tôn và họ Tôn Thất, họ Âu và họ Âu Dương),[17] dịch "Vĩnh Long" thành "Vĩnh Dragon"[18][19],... đã gián tiếp chứng minh rằng việc chỉ sử dụng chữ Quốc ngữ thì không đủ khả năng để biểu nghĩa đầy đủ cho tiếng Việt như chữ Hán và chữ Nôm.[20]
"...Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt...Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai hoạ không còn hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn học bắt buộc ở trường phổ thông..."
— Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt. Nhà xuất bản Trẻ. 2001, bài "Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ", Giáo sư Cao Xuân Hạo