Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Bánh trôi, bánh chay.


Bánh trôi bánh chay. Ảnh Internet.

Hôm nay ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, khoảng thời gian này (mùng 3 đến mùng 5), người Hoa (và cả một số người Việt) cúng bánh trôi bánh chay gọi là "Tết hàn thực", tết này liên quan đến điển tích Giới Tử Thôi, người đời Xuân Thu nước Tấn.

"Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm)".

(Trích trang Wikipedia).

Sự tích cúng bánh trôi bánh chay trong ngày hàn thực là vậy. Trang Wikipedia nói về chữ "hàn thực": "Hàn Thực" nghĩa là "thức ăn lạnh", dịch như vậy là dịch sát nghĩa của chữ "hàn" trong chữ Hán, theo tôi khi chuyển sang tiếng Việt nên dịch là "thức ăn nguội". Cũng giống như trong tiếng Pháp gọi hai con đường xưa nối từ Sài Gòn (Bến Nghé) vào Chợ Lớn, một là đường dọc theo bờ kênh (đường Hàm Tử) gọi là Route Haute (route = con đường, haute = cao), nếu dịch sát chữ phải là Đường Cao. Thứ nhì là đường Nguyễn Trãi bây giờ Tây gọi là Route Basse (basse = thấp), dịch sát nghĩa là Đường Thấp. Nhưng người Việt không gọi là Đường Cao và Đường Thấp, mà gọi là Đường Trên và Đường Dưới.

Trở lại chuyện Giới Tử Thôi, ngày xưa bên Tàu, do vua "hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm", nên trong ba ngày đó họ mới nấu bánh trôi để ăn dần, vì đây là loại bánh thả trong nước đường khá đặc có thể để vài ngày không sợ hư, và bánh làm bằng bột nếp có nhân bên trong, ăn tạm no trong vài ngày. Lâu dần từ loại bánh tiện lợi ăn trong vài ngày kiêng nổi lửa (nấu bếp), thành ra loại bánh không thể thiếu dùng để cúng trong ngày tưởng niệm Giới Tử Thôi.

Đấy là điển tích của người Hoa cúng mùng 3 tháng 3, còn đối với người Việt cúng trong ngày này thì sao, chẳng lẽ người mình cũng tưởng niệm một ông Giới Tử Thôi nào đó lạ hoắc? Theo tôi trong việc cúng bái, người Việt có nhiều điều "bắt chước" người Hoa (hoặc làm theo người khác), nhiều khi bắt chước hay làm theo một cách vô thức, thấy ngày đó họ cúng thì mình cũng cúng, cũng làm (như người bên Công giáo bây giờ cũng làm 49, 100 ngày). Nhưng khi cúng bánh trôi trong ngày mùng 3 tháng 3 người Việt mình cúng dâng lên tổ tiên, ông bà, để tưởng niệm những người thân đã khuất. Bà xã tôi nói ngày xưa trong gia đình bà cụ cũng cúng mùng 3 tháng 3, hồi ấy (trước năm 1975), sáng sớm đứa nào đó trong nhà phải xách bịch gạo nếp đã ngâm sẵn từ ngày hôm trước đi xay thành bột, về nhà mới làm thành bánh trôi bánh chay để cúng lên tổ tiên chứ không biết ông Giới Tử Thôi là ai cả.



8 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp về nguồn gốc việc làm bánh trôi bánh chay. Bác có ý rất hay về việc dịch "thức ăn nguội". Thức nguội giống thức lạnh( tức là không nóng), nhưng có thể không lạnh.( Trừ phi bây giờ có tủ lạnh mà cất vào đó). Việt và Trung Quốc gần nhau nên chịu ảnh hưởng về phong tục là chuyện có. Nhưng người Việt chả nhớ ông Giới Tử Thôi là ông nào, mà làm bánh cúng gia tiên.( Ta cũng có Thanh Minh, Trung Thu, thậm chí cả Tết Nguyên Đán,... như Tàu). Bây giờ thì ta cũng có cả Lễ Tình Nhân, Lễ No-en, Quốc tế Phụ nữ,...Càng nhiều Lễ thì càng được nghỉ ngơi, chơi bời, thăm thú. Các lễ hội lớn nhỏ ở ta lên đến con số hàng ngàn rồi mà...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho đã vào xem và còm chí lý, tôi cũng nghĩ như bác, thời buổi toàn cầu hóa, đừng nên sợ sệt, cái quan trọng là tiếp thu cái của người, nhưng đừng đánh mất bản thân. Về chuyện dịch như bác đã biết, mỗi nước có cách nói khác nhau, Tàu nói "hàn thực", nhưng chữ "hàn" hiểu theo cách người Việt ở đây là "nguội". Tây nói "đường cao", "đường thấp", nhưng mình lại gọi là "đường trên", "đường dưới", "đường giữa"...

      Xóa
  2. Bác Hiệp có cái ảnh bánh trôi và bánh chay. Bánh chay thì tôi thấy có vẻ giống nhau. Nhưng bánh trôi thì có lẽ ta tuy làm và gọi tên như người TQ, song vẫn có sự khác biệt. Vì vậy mà còn có tên gọi "bánh trôi Tàu". Bánh trôi của VN bày thành đĩa nhỏ, không có nước. Bánh trôi Tàu có nước như kiểu bánh chay. Không biết tôi hiểu như vậy có đúng không? Cái ảnh trong trang của bác là ảnh "bánh trôi Tàu".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho nói rất đúng, đó là sự khác biệt giữa bánh trôi của gười miền Nam và người miền Bắc (tuy gốc Bắc nhưng bây giờ tôi mới biết sự khác biệt này, cũng mới biết thêm từ bánh trôi Tàu). Người miền Nam làm bánh trôi thả ngập trong nước đường, có lẽ như vậy nên mới gọi là bánh trôi chăng? (trôi nổi).

      Bánh trôi tôi thấy còn gọi là chè trôi nước, chè xôi nước, là loại bánh lớn trong tấm hình thứ nhất, bên trong có cục nhân đậu xanh đồ thái nhuyễn, ngọt hoặc mặn, còn bánh chay là để gọi cục bánh nhỏ cũng trong hình thứ nhất, thường bánh này làm khi đã hết nhân đậu xanh mà còn bột, bột viên thành viên nhỏ.

      Xóa
  3. Lại nói về bánh trôi nước. Bà Hồ Xuân Hương có làm bài thơ về cái bánh này :
    Thân em vừa trắng lại vừa tròn
    Bảy nổi ba chìm với nước non
    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
    Mà em vẫn giữ tấm lòng son
    Có lẽ gọi "trôi nước" vì bánh được luộc trong nước. Khi mới thả bánh vào, bánh chìm ở đáy nồi. Bánh chín thì nổi lên. Tấm lòng son nghĩa bóng là sự chung thủy, nhưng nghĩa đen, chỉ viên đường đỏ (đường mía ngày trước)làm nhân bánh. Như vậy bánh trôi nhân đường đỏ là chuẩn. Bánh trôi ở ngoài bắc viên nho nhỏ, khi chín vớt lên, bày ra đĩa. Còn bánh chay cũng làm như bánh trôi, nhưng hình dáng to hơn nhiều. Nhân bánh chay là nhân đậu xanh. Bánh chay là bánh đựng trong bát, có nước dùng. Trong ảnh của bác là ảnh cái bát có thìa. Bánh trôi Tàu cũng như bánh trôi của Việt, nhưng khác ở chỗ là bánh đựng trong bát, có nước đường kèm với gừng. Kiến thức của tôi về hai loại bánh này là như vậy. Đem trao đổi với bác và mọi người cho vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cám ơn bác Vũ Nho, cái bánh trôi tưởng là đơn giản vậy mà mỗi miền hiểu một khác, thật thú vị.

      Xóa
  4. Bác Hiệp vào Google hình ảnh. Bác sẽ thấy ảnh bánh trôi viên nhỏ sắp trên đĩa, phía trên có thể rắc hạt vừng cho đẹp. Bác tìm hình ảnh "Bánh trôi Tàu" sẽ thấy viên bánh to, đưng trong bát có nước đường và gừng như bánh chay. Và hình ảnh thứ hai, phía dưới trong bài của bác Hiệp, chính là hình ảnh bánh chay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi sẽ vào xem, cám ơn bác nhiều, biết thêm một chút gì trong cuộc sống cũng rất thích.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))