Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Hầu đồng.

Ảnh Internet.

Sau những Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh như Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca tài tử Nam bộ, Không gian văn hóa cồng chiêng, Ví giặm Nghệ Tĩnh, Hội Gióng..., nay đến Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu (còn gọi là Đạo Mẫu).

Tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) trong dân gian Việt Nam đã có từ thời xa xưa do ảnh hưởng Mẫu hệ, bắt nguồn từ tục thờ nữ thần. Ngày xưa những hiện tượng thời tiết trong thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp đã được thần thánh hóa trong hóa thân của nữ thần (Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện - Tứ pháp). Kết hợp với Đạo giáo du nhập từ Trung Hoa, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là mô hình hóa vũ trụ quan của người Việt, là một không gian thể hiện thứ bậc của của các nữ thần cai quản:

- Thánh mẫu Thượng Thiên: cai quản trời, chủ tể của mây, mưa, sấm chớp (trng phục màu đỏ).

- Thánh mẫu Thoải (Thủy): cai quản thủy phủ (trang phục màu trắng).

- Thánh mẫu Thượng Ngàn: cai quản rừng núi (trng phục màu lam).

Ba vị Thánh mẫu trên là hệ thống Tam phủ hay còn gọi là Tam tòa Thánh mẫu. Sau này người Việt sáng tạo thêm Thánh mẫu Địa phủ (Tứ phủ) (trang phục màu vàng).

Dưới bốn Thánh mẫu kể trên còn có những quan thừa hành, các thánh bà, ông hoàng, các cô, cậu, quan Ngũ hổ, cuối cùng là ông Lốt (rắn).

Không gian thờ Mẫu là các đền, phủ, miếu, điện...

Ở nước ta, tín ngưỡng thờ Mẫu không thể thiếu nghi thức lên đồng, còn được gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng... Đây là một nghi thức trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Lên đồng, là hình thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Khi thần linh nhập vào đồng, lúc đó các ông đồng, bà đồng là các vị thần linh, có thể chữa lành bệnh, ban phúc, trừ tà ma, cứu khổ, ban lộc cho các con nhang đệ tử.

Trong một buổi hầu đồng, khi một vị thánh nhập vào đồng (thánh giáng) là bắt đầu một "giá đồng", có tất cả 36 giá đồng tương ứng với 36 vị thánh (thực tế có đến 72 giá đồng). Mỗi giá đồng sẽ có một bộ trang phục riêng của thánh, đi kèm theo là khăn hầu, cờ quạt, đồ hầu... Khi thánh xuất (thánh thăng), trong bài hát của cung văn là "thánh giá hồi cung", là hết một giá đồng.

Người đứng giá đồng gọi chung là thanh đồng, thanh đồng là nam giới được gọi là Cậu, Quan, Ông... nữ giới được gọi là Cô, Bà...

Trong hầu đồng, không thể thiếu "hát văn" (chầu văn) do các "cung văn" đảm nhiệm. Sau khi thánh giáng, thanh đồng đã xong màn múa của thánh, nhiệm vụ của cung văn là vừa đàn, vừa hát, hoặc ngâm các bài thơ cổ kể về sự tích, lai lịch của thánh đang giáng. Cung văn hát, ngâm thơ hay thánh thường biểu thị sự hài lòng bằng cách thưởng tiền, lộc cho cung văn.

Hầu đồng rất tốn kém, bởi người hầu đồng phải sắm sửa quần áo, các vật dụng đi kèm theo một giá đồng, ngoài ra còn phải biện lễ vật đi kèm, ban phát lộc cho chúng sanh...

Trên đây là một vài nét cơ bản về hầu đồng (Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ), vừa được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Ghi chép để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về loại hình tín ngưỡng dân gian này, ở đây không nhằm mục đích tuyên dương hay phê phán.

Tham khảo:

- Lên đồng - hành trình của Thần linh và Thân phận, Ngô Đức Thịnh, NXB Trẻ-2007.

- Nghi lễ thờ Mẫu, Thuận Phước, NXB Thời Đại-2011.

- Hát Chầu văn, Bùi Đình Thảo - Nguyễn Quang Hải, NXB Hội Nhà Văn-2012.

- Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Hồng Dương, NXB Văn hóa-Thông Tin-2013.

6 nhận xét :

  1. Em nhờ bác Hiệp viết cho một ghi chép thực tế của bác về "hầu đồng" ở trong Nam. Ví dụ: thời nhỏ bác Hiệp có nghe và thấy hầu đồng bao giờ không, rồi đến khi được thấy bác có cảm nhận gì, vân vân.

    Kính bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác Giao, để tôi sẽ viết một entry về "hầu đồng" trong Nam thuở tôi còn nhỏ và khi đã lớn theo như yêu cầu của bác, cũng đơn giản thôi.
      Kính bác.

      Xóa
  2. Cám ơn bác Hiệp! Bài viết rất kịp thời. Vì thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Khi đi thăm chùa trên Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định,... tôi có dịp xem hầu đồng. Các nghệ nhân hát chầu văn hay vô cùng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho bác Vũ Nho, những gì tôi viết bên trên chỉ là những nét cơ bản nhất của việc hầu đồng. Tôi nghĩ hầu đồng thì ai cũng biết, nhưng để biết dù là những cơ bản của nó thì không phải ai cũng nắm. Chẳng hạn trong một chương trình truyền hình, tôi không nhớ rõ là chương trình nào (Ai là triệu phú hay Đừng để tiền rơi), người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi đại ý "Trong hầu đồng có tối đa bao nhiêu giá đồng), có mấy đáp án đại khái là 12, 18, 36, 72 giá đồng. Người chơi đã trả lời sai, hình như chọn 12 hay 18, trong khi đúng là 72 giá.

      Nếu viết về hầu đồng thì phải một quyển sách, như những sách tôi đã tham khảo.

      Tôi cũng rất thích nghe hát chầu văn bác Vũ Nho

      Xóa
    2. Tội đã ghi bên trên 2 lần bác Vũ Nho, hì hì!

      Xóa
  3. Thế là tôi được lãi rồi! Được bác Hiệp cám ơn hai bác Vũ Nho! He he he...=))

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))