Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Lịch sử.

Nhà thờ Cha Tam. Ảnh Internet.

Trong khu vực trung tâm Chợ Lớn (quận 5 hiện nay), có 3 ngôi nhà thờ cổ được xây dựng đã trên, dưới 100 năm nay theo kiến trúc của Tây phương, đó là nhà thờ Chợ Quán (nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhà thờ Cha Tam (nhà thờ Thánh Francis Xavier), và nhà thờ Ngã Sáu (nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc). Nhân dịp đầu tháng 11 này tôi muốn nhắc tới một sự kiện lịch sử có liên quan đến nhà thờ Cha Tam, và sự kiện này đã làm thay đổi chính trường miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhà thờ cha Tam được xây dựng vào năm 1900 tại khu vực thuộc xóm Lò Rèn xưa ở Chợ Lớn. Theo lệnh của Thống đốc Nam Kỳ là La Grangdière*, giám mục Dépierre đã cử linh mục Pierre d'Assou**, tiếng Hoa là Đàm Á Tố (Tam A Su), tiếng Việt gọi là Cha Tam, Cha Tam đã đứng ra mua một thửa đất rộng 3 hecta tại xóm Lò Rèn. Sau 2 năm xây dựng nhà thờ khánh thành (1902). Cũng như nhà thờ Chợ Quán và nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Tây phương, nhưng vì chủ yếu được xây dựng cho cộng đồng người Việt gốc Hoa theo đạo Công giáo cho nên được kết hợp những nét kiến trúc Á đông, như có cổng Tam quan, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, hai bên cửa ra vào có hai bức liễn viết bằng chữ Hán... Khi mất (1934), cha Tam đã được an táng ngay gần cửa ra vào nhà thờ.

Ngày 1-11-1963 đã nổ ra một cuộc đảo chính quân sự tại Sài Gòn, từ dinh Gia Long Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em trai là Ngô Đình Nhu đã phải lánh đến nhà một người Hoa tên là Mã Tuyên trong Chợ Lớn. Sáng ngày 2-11-1963 hai ông đã đến cầu nguyện tại nhà thờ Cha Tam trước khi đầu hàng phe quân nhân đảo chính. Trên đường dẫn giải về Bộ Tổng Tham Mưu, hai ông đã bị sát hại trong một chiếc xe thiết giáp M 113. Cái chết của hai anh em TT Ngô Đình Diệm đã làm cho các đồng minh của người Mỹ ở Châu Á hoang mang, và miền Nam Việt Nam sau đó chìm vào trong những khủng hoảng chính trị. Từ tháng 1-1963 cho đến ngày 1-11-1967, miền Nam đã trải qua bốn đời chính phủ: Chính phủ Nguyễn Khánh, chính phủ Trần Văn Hương, Chính phủ Phan Huy Quát, và Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.

Nhiều năm trước đây (khoảng thập niên 1990), khi ghé nhà thờ Cha Tam tôi còn thấy nơi hàng ghế cuối của nhà thờ, có một tấm bảng nhỏ viết bằng tiếng Pháp, ghi lại sự kiện lịch sử này, hai anh em TT Ngô Đình Diệm đã đến đấy cầu nguyện, và sau đó đã bị giết trong một chiếc xe thiết giáp.

Ghi chú:

*La Grandière: có tên đầy đủ là Pierre Paul Marie De La Grandière (1807-1876), đại tá hải quân Pháp năm 1849, tham gia chiến tranh Crưm (1853-1856) chỉ huy hải đội.
Từ năm 1863 là chuẩn đô đốc, tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp xâm lược VN, kiêm Thống đốc Nam Kỳ. Là người tổ chức tấn công chiếm 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên), đặt nền móng thiết lập nền đô hộ của Pháp ở Nam Kỳ. Tên La Grandière đã được đặt tên cho một con đường ở trung tâm Sài Gòn ngày trước, sau đổi thành đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng quận 1.

**Cha Tam: tên là Pierre d'Assou, có tên Thánh là Francis Xavier (Phanxicô Xaviê), sinh năm 1855 tại Macao. Khi 8 tuổi sang Sài Gòn ở cùng cha Philipphê, cha sở họ đạo Chợ Lớn. Năm 13 tuổi được gởi qua học tại Đại Chủng Viện Penang (Mã Lai). Năm 19 tuổi sau khi học xong tại Penang ông trở lại Sài Gòn học tại Chủng Viện Sài Gòn, và chịu các chức. Đến chức tư thì làm giáo sư dạy tại Chủng Viện. Mãi đến năm 1882 mới được đức cha Colombet phong Linh mục. sau đó cha Tam về làm phó tại Nhà thờ chính tòa Sài Gòn (Nhà thờ Đức Bà), và làm giáo sư dạy tại trường Tabert. Sau đó đã được giao cho việc tìm đất xây dựng ngôi nhà thờ mới tại Chợ Lớn, sau này do ông coi sóc và được gọi bằng tên ông.
Ngày 3-12-1900 nhân ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê, Đức cha Mossard đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường, đến ngày 10-2-1902 Đức cha Mossard đã làm lễ khánh thành, và làm phép cho nhà thờ mới.
Cha Tam qua đời ngày 24-1-1934, và đã được an táng ngay tại nhà thờ bên cửa ra vào.

Tham khảo:

- Trang Wikipedia.
- Trang Tổng Giáo phận TP. HCM.
- Từ điển Thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh (nhiều tác giả, NXB Trẻ-2001).



6 nhận xét :

  1. Bài viết hay quá ! Thế hệ của tụi em mà được học hỏi thêm về kiến thức này thì quả là bổ ích vô cùng . Em tuy là một phật tử , vậy chứ em rất thích được tìm hiểu về các tôn giáo khác , nhất là về Công Giáo ! Dù tôn giáo nào đi chăng nữa thì giáo thuyết vẫn có chung một đức tin và dạy các tín đồ hay phật tử phải sống hiền lành , không sát sanh và làm điều ác anh Hiệp hén ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhờ về một thời loạn lạc của Sài Gòn đó NangTuyet.

      Xóa
  2. Nhà thờ đá ở Phát Diệm Ninh Bình có phong cách kiến trúc của chùa. Như vậy là để phù hợp với người Việt theo đạo Phật, nhà thờ công giáo cũng có nét chùa. Nhà thờ cho người Hoa thì có nét kiến trúc Á đông, chữ Hán...
    Cám ơn bác Hiệp về tư liệu Lịch sử!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà thờ đá Phát Diệm cũng là một kiến trúc độc đáo. Bà cụ của tôi ngày xưa ở gần nhà thờ này.
      Thời ấy tôi còn nhỏ nhưng đã biết xã hội lúc đó rất hỗn loạn.

      Xóa
  3. Bây giờ mới biết nhà thờ Ngã sáu có tên là Jeanne d' Arc . Vậy trong nhà thờ có thờ nữ thánh Jeanne d' Arc hả bác H ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó M. chẳng hạn nhà thờ thánh Martin, hoặc Xavier thì lấy những vị thánh này làm bổn mạng, như tên thánh Maria, Giuse... nơi người vậy.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))