Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Con đỏ & Con đen.

Ảnh minh họa lấy trên Internet.

Bạn ghé nhà chơi hỏi: "Con đỏ, con đen nghĩa là gì?". Bạn nói đúng ra đây là câu hỏi của con bạn, bạn cũng đã thử "xợc" trên Gu gồ nhưng thấy giải nghĩa khá mông lung, không rõ lắm. Cũng may những từ này tôi có hiểu những nghĩa đã được giải thích trong sách vở, cho nên tôi đã trao đổi với bạn và lấy luôn mấy quyển sách đưa cho bạn xem.

Tôi thử chép lại sau đây những nghĩa ấy:

Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon 1895-1896:

- Con đỏ: Con mới đẻ, con thơ dại.

- Con đen: Con ngươi, tròng đen. Mượn màu son phấn đánh lừa con đen. (Tự vị trích dẫn câu thứ 1414 trong Kiều).

Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi 1931:

- Con đen: Gọi các hạng dân đen: Mượn màu son phấn đánh lừa con đen (K).

Không có từ "Con đỏ".

Tự điển Việt Nam, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo-Saigon 1951:

- Con đỏ: Con không chính thức (trái với Con đen). // (xưa) như Con ở.

- Con đen: Người thường: mập mờ đánh lận con đen. // Con chính thức: con đen thì bỏ, con đỏ thì nuôi.

Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1967:

- Con đỏ: 1. Con mới đẻ ra. 2. Người ở gái trong xã hội cũ.

- Con đen: Kẻ khờ khạo: Mập mờ đánh lận con đen, bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi? (K).

Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Nhà sách Khai Trí - Saigon 1970:

- Con đỏ: dt. Con mới đẻ. còn đỏ lấm lói: Vua nhân từ thương dân như con đỏ.

Không có từ "Con đen".


Tranh minh họa truyện Kiều. Ảnh Internet.

Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1974:

- Con đen: Chỉ người dân đen, người khờ dại (liên hệ với con đỏ hay xích tử chỉ người dân nghéo khổ trần trụi). Ví dụ. Mập mờ đánh lận con đen. 839, 1414.

Từ điển Văn liệu, Long Điền Nguyễn Văn Minh - NXB Hà Nội 1999:

- Con đen: Dịch "Kiềm lê" (黎, : đen. : đông đảo, nhiều người). Nghĩa rộng là những dân ngu.

Mập mờ đánh lận con đen
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi.

(KIỀU)

Không có từ Con đỏ.

Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học - 1997:

- Con đỏ: d. 1. Trẻ mới sinh. 2. (cũ: vch.). Dân thường, không có địa vị trong xã hội (gọi theo quan niệm phong kiến, hàm ý coi là yếu ớt, cần được bảo vệ).

- Con đen: d. (cũ: vch). Dân thường, không có địa vị trong xã hội ((gọi theo quan niệm phong kiến, hàm ý coi là khờ khạo). Đánh lừa con đen. 

Ngữ liệu Văn học, Đặng Đức Siêu, NXB Giáo dục - 1999:

- Con đỏ:
1. Dịch từ "xích tử" (赤子), có nghĩa trẻ con mới lọt lòng, còn đỏ hon hỏn. Trong văn chương cổ, con đỏ (xích tử) được dùng để nói về dân chúng. Sách Thượng thư Thiên Khang cáo có câu: "Nhược bảo xích tử" (Chăm sóc dân như trông nom chăm sóc con đỏ).

2. Dân chúng, dân đen. Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu một phương con đỏ (Nguyễn Đình Chiểu).

Trên đây là ý nghĩa của từ "Con đỏ", "Con đen" trong từ điển tiếng Việt qua nhiều thời kỳ, ở những địa phương, với những nghĩa khác nhau. Trong những cách giải nghĩa, tôi chú ý tới Đại Nam Quấc âm tự vị với từ "Con đen", từ "Con đen" ở đây được giải nghĩa là "Con ngươi, tròng đen", kèm theo câu Kiều thứ 1414 "Mượn màu son phấn đánh lừa con đen".

Cách giải thích trong quyển tự vị tiếng Việt xưa này khác hẳn với những cách giải thích của từ điển tiếng Việt về sau. Có một điều lý thú là cụ Huình Tịnh Của cũng lấy ví dụ từ câu Kiều thứ 1414 để thuyết minh cho lý giải trong tự vị. Cụ Huình giải thích "Con đen""con ngươi, tròng đen" (con mắt của người). Câu "Mượn màu son phấn đánh lừa con đen" được hiểu là "Mượn màu son phấn để đánh lừa con ngươi, con mắt" và "con ngươi, con mắt" ở đây có nghĩa ám chỉ chung "khách thường lui tới chốn làng chơi" chẳng hạn như Mã Giám Sinh, Thúc Sinh... Trong khi trong câu này, cụ Đào Duy Anh, hoặc những từ điển khác giải thích từ "Con đen" là để "chỉ người dân đen, người khờ dại". Cùng một câu của Kiều, nhưng hai cách giải thích này cho nghĩa khác nhau.

Trong quyển "Cửa sổ tri thức", (PGS, TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ - 2005), đã trả lời câu hỏi "Con đen có nghĩa là gì?" trong câu Kiều 839 "Mập mờ đánh lận con đen", phần trả lời PGS. TS. Lê Trung Hoa đã trích dẫn cách giải thích từ "Con đen" trong Đại Nam Quấc âm tự vị (Con đen là con ngươi, mắt người), Từ điển truyện Kiều (Con đen chỉ dân đen, ngưới khờ dại), và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, giải thích "Con đen" như ý của Từ điển truyện Kiều). Tôi xin tóm tắt ý chính câu trả lời của PGS. TS. Lê Trung Hoa, ông nghiêng về cách giải thích trong Đại Nam Quấc âm tự vị hơn:

- Hai từ "dân" và "con" trong "dân đen", "con đen" đều mang thanh ngang, không bị luật thơ bắt buộc phải thay từ này bằng từ kia.

- Dân đen làm gì có tiền ăn chơi sa đọa nơi lầu xanh sang trọng.

- Dân đen được dùng theo nghĩa xót thương chứ không được dùng theo nghĩa "người khờ khạo".

..........

Đến đây tôi có thể thêm một ý, ngoài ý dân đen ngày xưa khó có thể đến được chốn lầu xanh, thì những kẻ ngày xưa thường lui tới, có quan hệ với chốn lầu xanh như Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, hay Từ Hải... có lẽ cũng không phải là những kẻ khờ dại, nếu không muốn nói là những người ăn chơi sành sỏi.

PGS. TS. Lê Trung Hoa hoàn toàn đứng về ý kiến của cụ Huình trong từ "Con đen": (cũng xin tóm tắt mấy ý chính).

- Con đứng trước một số từ chỉ sự vật sinh động như động vật: con sông, con quay, con mắt... cho nên dùng con đen để chỉ tròng đen là hữu lý.

- Theo phương thức hoán dụ - lấy bộ phận chỉ toàn thể - dùng con đen để chỉ con mắt là có thể chấp nhận được.

- Cụ Huình sống gần thời Nguyễn Du hơn cụ Đào và cụ Hoàng nên khả năng đúng của cụ Huình lớn hơn.

.........

Tóm lại , theo ý chúng tôi (PGS. TS. Lê Trung Hoa)," Con đen" trong những câu Kiều 839, 1414 không phải là "dân đen" (hoặc kẻ khờ khạo, khờ dại), mà có nghĩa là "Con mắt".

(Hết trích)

Trao đổi với bạn, về từ "Con đen", bạn cũng nghiêng về ý kiến trên của PGS. TS. Lê Trung Hoa. Còn từ "Con đỏ""Con đen" nói chung dùng bây giờ (cũng không phổ biến), ta có thể dùng theo nghĩa của Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên, là quyển từ điển tiếng Việt có lẽ hiện nay được dùng thông dụng.


Tham khảo:

- Những sách đã dẫn trong bài viết




19 nhận xét :

  1. Trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO của Nguyễn Trãi:
    "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bình Ngô Đại Cáo được Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán, 2 câu nguyên bản chữ Hán:

      煽 蒼 生 於 虐 焰
      Phiến thương sinh ư ngược diệm,
      陷 赤 子 於 禍 坑。
      Hãm xích tử ư họa khanh.

      Đã được dịch thoát ý sang tiếng Việt:

      "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
      Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"

      Trong hai câu này thì chỉ có từ "xích tử" 赤 子 (con đỏ) ta còn thấy dùng. Còn từ "dân đen" trong bản dịch nguyên chữ Hán là "thương sinh" 蒼 生, có nghĩa là "trăm họ, chúng sinh, dân".

      Xóa
  2. Hay quá ! Bây giờ em mới biết thêm ý nghĩa của hai cụm từ : " Con đỏ " và " Con đen " đó anh Hiệp ạ . Hình như chúng còn mang ý nghĩa để ám chỉ những người có máu cờ bạc nữa phải không anh ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu để ám chỉ cờ bạc thì người ta chỉ dùng chữ "đỏ" và "đen" hoặc "trò, trò chơi đỏ đen". chữ "đỏ", 'đen" ở đây có nghĩa là "may", "rủi". Người ta hay nói "Hôm qua tôi đỏ quá, trúng được lô đề", hoặc "Hôm qua đen quá, đánh bài thua cháy túi". "Bài cào là một trò chơi đỏ đen".

      Còn người có máu cờ bạc được gọi là "Con bạc" đó NangTuyet.

      Xóa
    2. Ah ! Em hiểu rồi ! Em cảm ơn anh Hiệp nhé .

      Xóa
  3. Thăm bác Ngọc Hiệp, được đọc những cứ liệu và sự phân tích của bác về nghĩa các từ CON ĐỎ & CON ĐEN khá sáng tỏ và thuyết phục. Chúc bác khỏe vui và mong được đọc thêm nhiều bài mới của bác nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Quang Thứ, cũng chúc bác nhiều sức khỏe, làm nhiều thơ.

      Xóa
  4. cháu cũng như chị Nang Tuyet ban đầu cũng nghĩ là trò "đỏ - đen"
    nhưng ngio cháu lại học thêm được nghĩa của 2 từ này rồi :)

    Trả lờiXóa
  5. Những cái bác giải thích bên trên. Nó hoàn toàn phù hợp với nghĩa phổ thông đang dùng. Con xin bổ sung thêm:
    Ở các vùng xung quanh quê nhà con. Từ "con đỏ" còn chỉ chung là "trẻ con, con nít". Ví dụ như :Làm vậy con đỏ nó bắt chước. Người lớn hư như thế thì sao dạy bảo được con đỏ.
    Còn từ con đen thì nó nghĩa chỉ "dân đen, chân đất mắt toét". Chúc bác vui - khoẻ. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có những từ ngữ được sử dụng tùy theo từng vùng miền, như HT đã thấy.

      Hồi này công việc nhiều không thấy HT ít lên mạng :-)

      Xóa
    2. Dạ. Kỳ này con nhiều việc và nhiều thứ phải lo. Nó choán hết cả thời gian viết lách. Do cái tật bao đồng đó mà bác. :))).
      Con chưa cafe đueợc với bác để biếu bác cuốn sách về Madam Nhu con hứa tặng.và, con còn nhiều chuuện vui để nói với bác lắm. Kỳ này con phát hiện ra nhiều cái mới và hay. Mong sớm cafe với bác để "giãi bày". Chúc bác cuối tuần vui.

      Xóa
    3. Hôm nào rảnh có khi tôi sẽ hẹn Huy Trường cà phê, tôi cũng nôn thấy quyển sách viết về bà Nhu.

      Xóa
  6. Thật thú vị với tiếng Việt qua các Từ điển mà bác Hiệp dẫn ra. Tôi thấy "con đen" với nghĩa là con mắt rất hợp với ngữ cảnh Truyện Kiều. Những người khách làng chơi không thể là dân đen, cũng không phải là người "khờ khạo"! Tuy vậy "con đen" sau này chuyển đổi nghĩa. Tôi muốn góp bàn thêm một chút với cách hiểu trong từ điển của ông Đào Văn Tập. "
    Tự điển Việt Nam, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo-Saigon 1951:

    - Con đỏ: Con không chính thức (trái với Con đen). // (xưa) như Con ở.

    - Con đen: Người thường: mập mờ đánh lận con đen. // Con chính thức: con đen thì bỏ, con đỏ thì nuôi.
    Có lẽ thời ấy hiểu như thế, hoặc riêng tác giả Đào Văn Tập hiểu như thế. Tôi thì cho rằng "con đỏ" là con nhỏ, con mới sinh. "Con đen" là con đã lớn hơn "con đỏ", con đen là con sinh trước. Đa số người ta hiểu rằng ở đây "con đỏ" không phải là con chính thức ( có giấy khai sinh, đẻ với vợ có hôn thú) phân biệt, phân biệt với "con đen" (con không chính thức). Ở đây chỉ là phân biệt bé với lớn ( đỏ với đen). Bằng cớ là có câu thành ngữ : Con đen đầu thì bỏ, con đỏ đầu thì nuôi. Tương tự như bỏ con lớn, nuôi con bé. Có thêm chữ "đầu" vào sau hay từ Đỏ và Đen làm nghĩ rõ hơn. Và do vậy cách giải thích của ông Đào Văn Tập không đáng tin; hoặc là rất cá biệt!

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  8. Xin lỗi bác Hiệp và mọi người. Đoạn trên cần đọc như sau : Đa số người ta hiểu rằng ở đây "con đỏ" không phải là con không chính thức ( không có giấy khai sinh, đẻ với người không có hôn thú) phân biệt với "con đen" (con chính thức). Ở đây chỉ là phân biệt bé với lớn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho đã đưa ra những nhận xét rất xác đáng, tôi cũng hoàn toàn đồng tình. Tôi cũng khá ngỡ ngàng khi đọc cách giải nghĩa của từ điển Đào Văn Tập trong từ "Con đỏ" là con không chính thức (bây giờ mình có thể nói "con ngoài giá thú"). Có lẽ đây chỉ là cách hiểu của một địa phương nhỏ, hoặc của Đào Văn Tập chăng? Bởi chỉ có quyển từ điển này giải thích như thế, mà khi lý luận ta cũng thấy không có cơ sở, khác với từ "Con đen" trong Quấc âm tự vị, lý luận thấy có lý.

      Giải thích từ ngữ, nhất là những từ ngữ qua từng thời kỳ, và từng địa phương có nhiều nghĩa, là một việc không đơn giản, cho nên tôi thường phải trích dẫn nhiều sách vở. Chẳng hạn như từ "dân đen" trong bản dịch Bình Ngô Đại Cáo mà ta hay gặp như bạn Nhật Thành đã nêu bên trên. Thực ra bản tiếng Hán (coi như nguyên bản) chỉ ghi là "Thương sinh", có nghĩa là dân chúng nói chung, trong khi từ "Dân đen" ta hiểu bây giờ là một tầng lớp dân có địa vị thấp trong xã hội, từ ngữ mang ý nghĩa coi khinh. Hai nghĩa đã khác nhau.

      Xóa
  9. Dân đen, liệu có phải là chỉ những người dân bạch đinh, dân thường, không có mũ mão như các vị chức sắc không bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hí hí, dân... gian hay nói "Dân ngu khu hoặc c... đen", theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì đúng thế đó Toro. Tiếng để chỉ dân bạch đinh (từ bạch đinh này biết đánh chắn, mới biết) không có chức sắc, hàm ý coi thường.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))