Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Tình ca quê hương.

Các Huấn luyện viên trong cuộc thi Thần tượng Boléro năm 2016. Ảnh báo Pháp luật & Đời sống.

Ít bữa nay rảnh tôi coi trên tivi một cuộc thi hát hò gì đó gọi là "Thần tượng Boléro" (qua vòng tuyển chọn và một vòng đối đầu đầu tiên của đội ca sĩ Cẩm Ly), gồm những thí sinh hát để bốn vị ca sĩ Huấn luyện viên (HLV) chọn về đội của mình, huấn luyện để thi đấu tiếp. Bốn vị HLV là những ca sĩ tài danh được nhiều người hâm mộ gồm các nam ca sĩ Quang Dũng, Quang Linh, Đan Trường, và nữ ca sĩ Cẩm Ly. Các bạn nào có theo dõi chắc cũng đồng ý với tôi đây là một chương trình coi được. Tôi thử điểm qua chút xíu, dĩ nhiên là theo thiển ý, chủ quan của mình.

Trước hết là về tên gọi. Bây giờ người ta gọi cuộc thi tôi vừa nói bên trên là "Thần tượng Boléro". Như ta đã biết Boléro là tên một điệu nhạc vũ dân gian có xuất xứ từ Tây Ban Nha, sau đó phát triển sang những nước Latin như Ba Tây, Cuba... Dĩ nhiên chúng ta không thể so sánh giữa Boléro Tây Ban Nha hay Boléro Mỹ Latin với Boléro Việt Nam. Điệu Boléro của họ nhanh, sôi động hơn vì thích hợp với cái chính của họ là vũ điệu và tính cách sôi nổi của họ. Trong khi Boléro du nhập vào Việt Nam, phổ biến ở miền Nam từ thập niên 1950 trong tình hình đất nước lúc bấy giờ (việc chia cắt đất nước năm 1954 bởi Hiệp định Genève, khiến cả triệu người đã ra đi khỏi nơi chôn nhau cắt rún, và tình hình chiến sự leo thang sau đó kéo theo nhiều hệ lụy). Có lẽ chính những điều này đã hình thành, phát triển một giai điệu Boléro đặc thù tại miền Nam. Các nhạc sĩ thường kết hợp với dân ca, những tâm trạng người lính, người mẹ, người yêu, người vợ, (những hòn vọng phu tân thời), mang nhiều nỗi niềm, có tính chất tự sự để tạo nên một làn điệu Boléro mới, chậm rãi, phản ánh tình hình đất nước, tình cảm con người lúc ấy, tạo nên những bản nhạc Boléro dễ nghe, dễ hát phù  với hợp tâm trạng của nhiều người...

Các bạn sống ở miền Nam trước năm 1975 (cụ thể nhất là ở Saigon) chắc đã biết, thời ấy người ta phân chia những ca khúc thành Cổ nhạc và Tân nhạc. Cổ nhạc là những bản vọng cổ, cải lương, những điệu hò, lý... thường được diễn tấu và đệm cho người ca bằng nhạc cụ cổ truyền. Tân nhạc là những bản nhạc mới viết theo những giai điệu của Tây phương như Valse, Slow, Slow Rock, Boléro, Cha cha cha, Rhumba, Tango, Twuist... và thường được diễn tấu, đệm bằng những nhạc cụ Tây pbương...

Trong Tân nhạc trước đây ở miền Nam sau dòng nhạc Tiền chiến, thường được giới trình diễn và thưởng ngoạn chia làm ít nhất là hai "nhóm" chính (nếu không muốn nói là ba). Thứ nhất là nhóm chiếm đa số, là những người bình dân, thường sống trong những khu xóm nghèo, làm những nghề thuộc lao động chân tay giản đơn... Họ thích nghe và hát loại nhạc mà thời đó có người gọi là Nhạc sến, hoặc nhạc Boléro (tôi tạm dùng chữ Nhạc sến), vì nhạc thường được những nhạc sĩ viết trên giai điệu Boléro chậm, buồn (tuy cũng có những bản Nhạc sến được viết trên những giai điệu khác như Slow, Slow Rok... với những nhạc sĩ tiêu biểu như Trúc Phương, Lam Phương, Tú Nhi tức ca sĩ Chế Linh...). Tuy cơ bản là do bài hát, nhưng xét kỹ hơn ta sẽ thấy có mấy yếu tố sau đây làm nên một bản Nhạc sến:

- Do bài hát, phải nói là có những bài hát "cực sến", lời lẽ rất giản dị, bình dân, lấy những hình ảnh rất đời thường, lời ca không triết lý (hoặc triết lý bình dị, "vụn vặt", điều này chắc các bạn quen nghe nhiều nhạc trước năm 1975 dễ dàng nhận thấy), chẳng hạn những bài hát có lời như (tôi không nhớ tên bài hát), nhẫn cưới nhẫn cỏ... ước gì nhà mình chung vách... những ngày chưa nhập ngũ anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may... Đại khái thế.

- Do người hát, chất giọng của người hát cũng là điều rất quan trọng trong việc hình thành Nhạc sến. Một vài giọng ca tiêu biểu như Giang Tử, Thanh Tuyền... Ai nghe nhạc trước đây cũng phải công nhận có những giọng ca rất sến (chẳng hạn "ông hoàng" Nhạc sến Chế Linh). Từ phong cách hát, lên xuống giọng, nhấn nhá, nhả chữ ở cuối câu (nhiều khi trở thành "rên thấy thương"). người nghe chỉ có thể nói là "sến toàn tập". Những giọng ca này mà ca những nhạc phẩm sến kể trên thì phải công nhận là "sến hết biết". Không những thế, những ca sĩ như thế họ hát bất cứ một bài hát nào (không đến nỗi sến) thì bài hát đó sẽ trở thành sến.

Dòng Tân nhạc thứ nhì (trái ngược) với dòng nhạc sến kể trên, nhưng không có tên gọi rõ ràng, cũng có người gọi là Nhạc thính phòng (tôi tạm gọi theo tên Nhạc thính phòng), hoặc những nhạc phẩm được viết vào thập niên 1950, nửa đầu thập niên 1960, gộp chung với dòng nhạc trữ tình Tiền chiến dưới tên gọi Nhạc tiền chiến. Không kể những ca khúc được viết sau thời gian kể trên.

Dòng Nhạc thính phòng này được giới trí thức ưa thích, có thể kể vài gương mặt sáng tác tiêu biểu thời kỳ đầu, đó là nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Phạm Trọng Cầu, Lê Trọng Nguyễn... Những ca khúc của những nhạc sĩ này thường có tính triết lý, nhân sinh, thời cuộc, khá cao nên phù hợp với giới trí thức. Một số ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến khó nghe, khó hát... Sau này có Nguyễn Ánh 9, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên... với những ca sĩ tên tuổi quen thuộc nam có Anh Ngọc, Duy Trác, Sỹ Phú... nữ có Thái Thanh, Lệ Thu, Mai Hương, Quỳnh Giao, Khánh Ly... Có lẽ cũng cần phải nói, thời ấy những ca sĩ nổi danh trong dòng Nhạc sến không bao giờ hát dòng Nhạc thính phòng, và ngược lại những ca sĩ nổi danh trong dòng Nhạc thính phòng không bao giờ hát dòng Nhạc sến.

Ngoài hai dòng nhạc trên, ta có thể tạm thêm ít ra một dòng nhạc nữa có tính cách trung dung, cũng khá dễ nghe và dễ hát, không "kén" người hát và người nghe quá. Như những bài hát của những nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Anh Việt Thu, Bảo Thu, Châu Kỳ, Trần Thiện Thanh... Nhạc phẩm của những nhạc sĩ này được nhiều ca sĩ của cả hai "nhóm" nhạc kể trên thực hiện rất thành công.

Trở lại với cuộc thi "Thần tượng Boléro" trên tivi, cũng có người gọi là Tình ca quê hương. Các thí sinh hát lại những bản nhạc được xuất bản trước đây tại miền Nam. Cũng như trước đây, dòng nhạc Boléro chỉ là tên để gọi chứ không phải một cuộc thi nhạc thuần về giai điệu Boléro, và cũng là để chỉ chung cho dòng Tân nhạc trước năm 1975, có nghĩa là gộp chung nhóm Nhạc sến và Nhạc thính phòng vào làm một. Nhìn vào thành phần HLV, ta có thể thấy, HLV Quang Dũng chuyên về Nhạc thính phòng, HLV Quang Linh với giọng ca ngọt ngào, thường hát những bài hát trữ tình nghiêng về hơi hướng dân ca, còn lại các HLV Cẩm Ly và Đan Trương chuyên về nhiều dòng nhạc trẻ, dân ca, nhạc cách mạng...

Trong cuộc thi, ta thấy những thí sinh hát hay loại Nhạc thính phòng thường được HLV Quang Dũng bấm chọn trước tiên, và họ cũng thường về đội của Quang Dũng. Những giọng ca thiên về dòng nhạc trữ tình mang nhiều âm hưởng dân ca thường chọn đội của HLV Quang Linh, còn lại chọn về đội của HLV Cẩm Ly hoặc Đan Trường. Nét đặc biệt tôi nhận thấy là những bản nhạc Boléro chính cống trong cuộc thi (xưa gọi Nhạc sến), đã được chơi theo một tiết tấu mới, nghe hay hơn xưa, và những thí sinh hát loại nhạc này được các HLV chọn thể hiện bài hát rất sinh động, ngọt ngào, trong trẻo hơn hẳn những ca sĩ cũ. Những thí sinh hát loại nhạc Boléro này mà luyến láy nhấn nhá câu chữ của bài hát theo phong cách đặc sến cũ, thường không có HLV nào bấm chọn.

Phải nói ngày xưa ngoại trừ nghe dòng Nhạc thính phòng, và một số bài hát thuộc nhóm nhạc trung dung (thường do nghe giọng hát ca sĩ hơn là bài hát), thì tôi không thích nghe dòng nhạc Boléro đặc chất giọng sến. Nhưng với cuộc thi "Thần tượng Boléro" hiện nay, hoặc có thể gọi nôm na hơn là "Tình ca quê hương" tôi lại cảm thấy thích nghe những bạn trẻ bây giờ hát dòng nhạc này.

Những gì các bạn trẻ này đã thể hiện trong cuộc thi (những người mà tuổi đời không có chút dính dáng gì đến ký ức của những bài hát cũ), đã thổi được một luồng gió mới, một luồng sinh khí mới vào những ca khúc tưởng đã vang bóng một thời.




13 nhận xét :

  1. Bất cứ ai là thị dân sống ở Sài gòn trước năm 1975 đều được thưởng ngoạn rất nhiều loại hình văn nghệ. Về âm nhạc ở SG có 2 khuynh hướng chính: cổ nhạc và tân nhạc, cổ nhạc chủ yếu là trình diễn các bài ca vọng cổ, nhưng thịnh hành hơn cả là các tuồng cải lương phục vụ chủ yếu cho lớp "sồn sồn", còn tân nhạc được lớp "choai choai" ủng hộ hết mình (nói như vậy không có nghĩa tuyệt đối mà chỉ đa số). Đặc biệt vì sống trong thời chiến nên những bài tân nhạc mà Bác Hiệp tạm gọi là nhạc thính phòng thường được hát trong các phòng trà ca nhạc (hoặc gọi là hộp đêm) ví như Phòng trà Jo Marcel, Đêm màu hồng, Tự do, Khánh Ly,...lóp khán giả thường có tuổi và có tiền, ngược lại hầu hết giới bình dân (bao gồm lính tráng, SVHS, công chức, dân lao động trí óc, lao động tay chân) chỉ có thể nghe nhạc qua đài phát thanh, truyền hình. Tôi còn nhớ hàng tuần trên kênh truyền hình sồ 9 có chương trình ca múa nhạc do Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (HTT) tổ chức, trong chương trình này rất nhiều bài hát tân nhạc đủ thể loại được các ca sĩ trình diễn rất hay, nhưng mục đích của người tổ chức vẫn là mang dòng nhạc tình ca quê hương đến gần với khán giả, do đó NS HTT đã tự sáng tác một vài bài tình ca mang đậm âm hưởng dân gian đưa vào chương trình. Đài phát thanh SG thì có chương trình tạp lục do quái kiệt Tùng Lâm phụ trách, cũng tương tự HTT nhưng ít đặc sắc hơn. Riêng dòng nhạc Boléro gần như chiếm phần lớn các giờ phát thanh hoặc thu âm vào đĩa 45 tour để phát hành, nghe riết rồi bỗng có hôm nào thốt lên một cách vô tình: "Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu...". Ngẫm lại thật buồn cười đó Bác Hiệp hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, đúng như bác Trọng Toàn nói, chỉ những ai đã từng sống ở Saigon trước năm 1975, nghe (và xem, ở hộp đêm, trên truyền hình) nhiều thể loại nhạc như trên mới cảm nhận được hết hơi thở âm nhạc của một Saigon năm xưa.
      Da số khán giả ít tiền chỉ có thể thưởng thức qua đài phát thanh, truyền hình. hồi đó chương trình của Hoàng Thi Thơ khá hay và phổ biến, lò Tùng Lâm hình như cho ra những Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh... sau có lò của Bùi Thiện, Đoàn Chính (ca sĩ miền Bắc chiêu hồi) cho ra những Họa Mi, Sơn Ca... đình đám một thời.
      Gẫm lại thấy buồn cười thật.

      Xóa
  2. NT chỉ là con trâu sang đây vểnh tai nghe đàn thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Hihi ...nói về âm nhạc thì em chịu thua . Sống tha phương nên em cũng không nắm được gì về làng sóng âm nhạc của quê nhà ! Em sang thăm anh , được học hỏi và cập nhựt thông tin về những hoạt động của giới trẻ về nền âm nhạc ở quê hương mà lòng em rất vui anh ạ ...

    Về những ca khúc trữ tình thiên chủ đề về quê hương thì rất hay , rất ngọt ngào và nhất là được thể hiện qua những giọng ca rất du dương đầy truyền cảm như Quang Linh , Cẩm Ly , Đan Trường ..thì tuyệt rồi anh nhỉ ? Còn giới trẻ hiện giờ ...em chịu thua ...mà cũng do lời nhạc và âm điệu nữa ....càng nghe thì càng phát mệt ..hứ hừ ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, trang này của tôi có lẽ như một nhật ký cá nhân, miên man lẩn thẩn về đủ thứ, theo thiển nghỉ của mình. Được NangTuyet là người ở xa quê hương sang xem nhớ về quê nhà là vui rồi.

      Loại nhạc như gọi bây giờ là Tình ca quê hương tôi thấy dễ nghe, nhưng có những bài hát của giới trẻ viết và hát bây giờ tôi không thể nghe được, từ giai điệu, tiết tấu, cho đến lời lẽ ý nghĩa ca từ. Phải nói là nó xa lạ, thậm chí lời lẽ rất cẩu thả, hời hợt, chất "sến" còn nhiều hơn cả những bài hát sến ngày xưa.

      Rất đồng ý với NangTuyet là gặp loại bài hát này đành chào thua thôi.

      Xóa
    2. Hihi ...em cảm ơn anh Hiệp !

      Xóa
  4. cái chương trình này cháu cũng ít nghe nhưng giòng nhạc này thì cháu vẫn nghe đều đều :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dòng nhạc xưa giờ nghe hát lại theo phong cách mới vậy chứ cũng dễ nghe hả Bố susu.

      Xóa
  5. Cuộc thi hát hò Boléro gì đó phát vào ngày , giờ nào vậy bác ? Lâu nay mở tivi , kênh truyền hình của mình là thấy tin tai nạn giao thông , cháy nhà , cần cẩu sập ..., phát stress luôn nên ít mở nữa . Ngày trước ít nghe loại nhạc " sến " , nhưng bây giờ bất chợt nghe lại đâu đó , lại gợi nhớ một khoảnh khắc nào đó của thời thơ ấu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiện nay chương trình này phát chính vào tối thứ năm hằng tuần, vào lúc 20g trên VTV3. Marg. có thể gõ vào trang Web Thần tượng Bolero để xem lại, và biết rõ thêm chi tiết. Kể ra cũng là một chương trình hay, vừa có tính chất giải trí, vừa cho mình biết thêm về sự biến đổi thú vị của dòng nhạc quen thuộc này.

      Thỉnh thoảng đâu đó bất chợt nghe lại những bản nhạc "sến" ngày xưa đúng lá nhớ lại một thời thơ ấu...

      Xóa
  6. Ngoài Bắc gọi là nhạc vàng, có người đi tù vì nghe nhạc vàng đấy ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bên Triều Tiên nghe nói quan chức lén xem phim ảnh Hàn Quốc thôi, biết được bị tử hình. Kinh thật!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))