Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Đọc sách.

Những em nhỏ đọc "ké" sách trong một nhà sách. Ảnh Internet.

Hôm nay bế mạc tuần lễ Hội sách Tp. HCM 2016 (27-3-2016), một sự kiện văn hóa (có lẽ đúng nghĩa) không quá ồn ào nhưng đã được nhiều giới quan tâm, trong đó có giới trẻ. Thật tiếc là tôi đã không đi được Hội sách lần này để ngắm sách và kiếm vài quyển sách ưng ý. Tôi có người bạn quen thân, như bạn Marguérite, ghé hội sách mua được một số sách học Anh văn hay, và sách của thiền sư Nhất Hạnh, và bạn Marg. nói khá ngạc nhiên khi thấy ở hội sách có một loại sách về văn hóa, lễ hội dân gian... in đẹp, nhưng được bán theo một cách khá lạ và ngộ, là cân từng quyển sách lên rồi tính tiền... Biết tôi thích đọc loại sách này mà không đến được hội sách, bạn Marg. có nhã ý mua và sẽ gởi tặng cho tôi.

Hai anh bạn Bố susu và Huy Trường rủ nhau ghé hội sách, anh bạn trẻ Huy Trường khoe mang sách về nhà nhưng làm... rơi tiền (chắc kha khá, dân mê sách mà đã đến đây thì không thể lấy phương châm "đừng để tiền rơi" làm kim chỉ nam). Còn bạn hơi già hơn là Bố susu thì nói sẽ trở lại hôm khác, vì hôm ấy chưa mua được cuốn sách nào.

Nói về sách thì không thể không nói đến đọc sách. Đọc sách cũng giống như nghe nhạc, xem phim, hay... ăn uống, ai thích gì thì sẽ chuyên về món đó. Người thích sách văn học (sách văn học cũng có nhiều thể loại), người thích sách kiếm hiệp, người thích sách trinh thám, người thích sách khảo cứu văn hóa, sách về ngôn ngữ, giáo dục... v.v... Tôi đọc được một thông tin là trong hội sách lần này thì loại sách ngôn tình không còn được ưa chuộng (hình như các bạn trẻ thích loại sách này). Một điều khác là loại sách điện tử (Ebook) kỳ này không được giới đọc sách chú ý bằng sách in cổ điển. Dù sao đấy cũng là những thông tin đáng mừng.

Nếu bạn Marg. nói chọn cho mình sách học Anh văn và những quyển sách viết nhẹ nhàng của Nhất Hạnh, thì anh bạn trẻ Huy Trường không nói ra nhưng tôi biết cái "gu" đọc sách của anh bạn trẻ này, tuy còn đang tuổi đôi mươi, nhưng chắc chắn "lão trẻ" này sẽ dốc túi mua những sách dành cho tuổi không còn trẻ, sách của học giả Vương Hồng Sển, những sách về khảo cứu văn hóa... Có điều khá ngộ, là anh bạn trẻ HT sinh trưởng ở miền Bắc, mới vào Nam sinh sống vài năm nay, nhưng lại thích nghe nhạc Phạm Duy, đọc sách của cụ Vương như một người Saigon cố cựu... Còn anh bạn Bố susu đi hội sách nhưng chưa mua được quyển nào, có lẽ tại sách nhiều quá đâm rối , hẹn hôm khác sẽ ghé mua sau.

Hai anh bạn này tôi mới quen sau này qua blog, tuổi còn trẻ, tính tính hiền hòa, dễ mến, đã đi uống cafe cùng hai bạn, hồi này không có dịp ngồi lại cafe tán dóc. Hẹn hai bạn vào dịp khác.

Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, vật chất là cần thiết, nhưng sở học mênh mông và chúng ta cũng đang sống trong thời của tri thức, mà muốn có tri thức thì ngoài mười mấy năm trường lớp ra không đâu tốt bằng đọc sách, tìm học trong sách. Muốn thế đầu tiên ta nên trang bị trong nhà một tủ sách nhỏ, chừng dăm chục quyển sách, trong đó có một số từ điển thông dụng, rồi từ đó có thể phát triển thêm, mua sách, đọc sách không nên gấp gáp, vì đó là một thú vui, khi đã quen với việc đọc sách, ta sẽ dần định hình được từng loại sách, loại nào đọc để giải trí, loại nào cần cho kiến thức, tác giả nào viết nghiêm túc, nhà xuất bản nào có uy tín. Người thích đọc sách sẽ được hưởng niềm vui là thỉnh thoảng kiếm được quyển sách hay mà mình ưng ý.

Tôi có đọc báo, thấy có thông tin là người Việt mình ít đọc sách, ít lắm (tính theo tỉ lệ phần trăm dân số). Ta thường hay than tại cuộc sống bây giờ bận bịu quá, trăm ngàn thứ việc phải lo nên ta ít có thời giờ đọc sách. Thực ra nếu còn muốn đọc sách, ta vẫn có thể có được khá nhiều thời giờ trong ngày dành cho việc đọc sách. Khi ở nhà cũng như khi ra khỏi nhà tôi luôn chuẩn bị sẵn một quyển sách thích hợp, năm mười phút không phải làm gì (như khi chờ đón con cháu tan học, chờ khi đi khám bệnh, ở nhà ga chờ chuyến bay đi công tác, du lịch, hoặc chờ khi chở bà xã đi chợ...), là ta đã có thể đọc đươc dăm trang sách hay...

Cũng có người đã nói với tôi, thời buổi này mua sách làm gì cho chật nhà, muốn biết gì cứ váo Google gõ là ra hết, họ nói vậy cũng có cái phải, trên mạng gì cũng có, đấy là ưu điểm của thời đại kỹ thuật. Bản thân tôi cũng vẫn thường tra cứu trên mạng, nhưng tham khảo là chính, muốn dùng dữ liệu trên những trang mạng cần thận trọng, cân nhắc, nên đối chiếu nhiều nguồn hoặc với sách. Tôi biết cũng có những người đụng chuyện gì cũng "xợc gu gồ" rồi cứ thế mà "copy-paste" mà không ghi trích nguồn, thoạt đầu cứ tưởng gặp người kiến thức rộng, nhưng chỉ một vài lần như thế là biết ngay, bởi câu trước đá câu sau, ý sau đả ý trước...

Cuối cùng thì tôi rất thích cảnh thường hay gặp khi ghé qua những nhà sách lớn như trong tấm hình bên trên, những em nhỏ ngồi khoanh chân bệt dưới đất, say mê đọc ké sách (xưa hồi tôi còn là nhóc tì gọi là "coi cọp"), với tôi trông dễ thương hơn là cảnh bọn nhóc bây giờ (có khi còn đang tuổi mẫu giáo), đã chúi mắt chúi mũi vào cái iPad tối ngày chơi trò chơi điện tử.






29 nhận xét :

  1. Thật tiếc là bác Hiệp không đi coi hội chợ sách!
    Tôi ở Sài Gòn chắc cũng khó bỏ qua sự kiện này. Đọc sách có thú vui được sống một cuộc đời khác với các nhân vật của nhà văn, với những kiến văn sâu sắc của nhà nghiên cứu. Cả sách giải trí cũng làm cho cuộc sống vui tươi hơn. Có điều là bây giờ quá nhiều sách, cả đời chỉ ăn và đọc cũng không ...hết một phần. Vì vậy chọn sách đọc là một việc cực kì quan trọng. Túi tiền không thể chỉ dành cho sách. Thì giờ cũng không dốc hết cho đọc sách. Vì vậy, chọn sách để mua, chọn sách để đọc cũng là một việc khó. Đọc nhiều sách chắc sẽ giúp cho sự lựa chọn này! Không đọc thật nhiều, nhưng đọc kĩ, đọc nghiền ngẫm "Đọc sách thời thông đòi nghĩa sách" ( Nguyễn Trãi) cũng là một cách khôn ngoan khi tiếp cận với biển sách mênh mang.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng rất tiếc khi năm nay không thể đến hội sách. Chắc chắn bác Vũ Nho mà ở Saigon có khi hôm nào cũng ghé, như bác Vũ Nho làm sao bỏ qua được.

      Sách bây giờ nhiều thật, nên người đọc sẽ phải ráng mà lựa chọn trong cái mê hồn trận sách. Muốn thế cần phải tìm hiểu tác phẩm, tác giả, thể loại sách cần đọc... điều này không phải một sớm một chiều mà có được, với người biết thì Đại Nam Quấc âm tự vị, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức... là sách hay, quý, ta tìm được rất nhiều tri thức trong đó, với người không biết thì chỉ là sách cũ đã lỗi thời...

      Rất đồng ý với bác Vũ Nho, đọc sách phải đọc kỹ, nghiền ngẫm chứ không phải đọc nhiều, rồi dần sẽ quen. Ta sẽ biết sách nào nên, sách nào cần đọc.

      Xóa
  2. Con chưa kịp "khoe" với bác. Tại đi mấy ngày cũng khuân về nhiều lắm. Đúng như "phương châm" của một bạn sinh viên con gặp, bạn ấy bảo: "Mấy khi được thoả chí mua sách rẻ thế này, mua về đọc cả năm anh ơi!".
    Con mua nhiều lắm. Đúng như bác nói, sách biên khảo về văn hoá, phong tục, địa lỵ,lich sử... có bộ sách "Khoa học lý thú" của NXB Trẻ gồm 30 quyển viết về các lĩnh vực Địa lý, sinh học, toán học, hoá học...nói chung là khoa học thường thức. Con mua đủ, kiến thức phổ thông nhưng cách trình bày, diễn giải mang tính chất hài hước, con rất thích. Phải chi nó có từ khi con là học sinh thì bổ ích quá. Con sẽ "dể dành" để mai này dùng nó làm kiến thức dạy con nhỏ. Hihi. Ngoài ra con cũng mua ít sách làm quà tặng bạn bè ở xa, k có dịp tham gia hôi sách.
    Con mua được cuốn "Khổng học đăng" mà có lần bác Bu có nói và viết hẳn một entry. Con sẽ đọc cuốn này.
    Có cuốn "Madam Nhu - Trần Lệ Xuân, quyền lực bà Rồng" - Cty Phương Nam phát hành, con mua xong về con đọc ngay và luôn. Cuốn sách quá hay, viết về những chuyện xoay quanh bà TLX và gia đình họ Ngô. Bữa nào gặp bác con sẽ tặng bác cuốn này để bác đọc. Con thích cuốn này ngay khi đọc hết chương đầu tiên, và chỉ 3 đêm con đã đọc hết. Chắc chắn sẽ còn đọc lại nhiều lần.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết ngay là HT sẽ tốn bộn bạc cho hội sách này, nhưng như thế là hay quá. Những loại sách mà HT nói, từ sách kiến thức thường thức, phổ thông.... đến nhiều loại sách khảo cứu đều đã nằm trên kệ sách của tôi lâu nay. Ít năm nữa bảo đảm tủ sách của HT sẽ là niềm mơ ước đối với nhiều người mê sách.
      A, quyển nói về bà Trần Lệ Xuân tôi có nghe nói, rất cám ơn HT có nhã ý tặng, cón quyển hồi ký của bà này nữa không biết đã in chưa?
      Để hôm nào phải thu xếp gặp HT mới được.

      Xóa
    2. Ồ. Vậy bà Nhu này cũng có viết cả hồi ký hả bác? Con không biết để hỏi. Nhưng con nghĩ chắc nó chưa in ra. Có thể do chuyện bên trong nó có nhữbg chi tiết mà nhà nước không thích nên ít nhiều bị cản trở chăng?
      Bữa nào bác khoẻ thì cafe liền liền chứ trước vẫn ngắt quãbg quá. Hihi.
      Chúc bác ngày mới vui khoẻ.

      Xóa
    3. Theo thông tin tôi mới tìm hiểu thì quyển sách "Quyền lực bà rồng" của Monique Brinson Demery là một quyển sách nói về cuộc đời của bà Nhu. Có vẻ đã rõ là một quyển sách viết về một người rất nổi tiếng ở VN. Nhưng một vài thông tin trên mạng (báo mạng như TT Oline) lại viết là "Phát hành Hồi ký bà Nhu-Trân Lệ Xuân".
      Tôi cũng đọc được một trang khác hình như ở nước ngoài, khẳng định là bà Nhu không hề viết Hồi ký.

      Không rõ chuyện này ra sao? Nhưng nếu qua quyển sách HT đã mua và đọc thì đây có lẽ không phải là hồi ký của bà ấy, má chỉ là một quyển sách tác giả dựa trên những tư liệu để viết về cuộc đời của một nhân vật.
      Có những nhân vật nổi tiếng viết hồi ký rồi nhờ người khác hiệu đính trước khi in, nhưng trường hợp này có lẽ không phải.

      Xóa
    4. Như bác nói là đúng ở vế đầu. Con quên mất ko giới thiệu kỹ.Tác giả cuốn sách là một người nước ngoài - Monique Brinson Demery. Có lẽ cô này là người duy nhất tiếp xúc nhiều với bà Nhu khi bà lưu vong ở châu Âu. Bà này chỉ viết lại thôi. Đúng như bác nhận định. Chỉ làphân tiwch những góc cạnh của một nhân vật nổi tiếng như các nhân vật của công chúng khác.

      Xóa
    5. Một vài thông tin trên mạng cho biết Monique Brinson Demery là mọt tác giả trẻ tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ Đông Á học Harvard năm 2003. Trước khi viết cuốn sách trên cô đã làm quen và tiếp xúc với bà Nhu bắt đầu từ năm 2005 (bà Nhu mất vào năm 2011). Bà Nhu (Trần Lệ Xuân) cũng thuộc dòng dõi Trâm anh thế phiệt. Theo thông tin trên terang Wikipedia ông nội bà Nhu là Tổng đốc Nam Đinh Trần Văn Thông. Vợ ông Trần văn Thông là em gái Bùi Quang Chiêu, là tên con đường trước dây ở quận 1 chuyên bán sách cũ, mà cụ Vương Hồng Sển gọi là đường Cá Hấp, nay là Đặng Thị Nhu.

      Có lẽ đây chỉ là quyển sách của một tác giả viết về bà Nhu, dựa theo những tư liệu tiếp xúc, và những tư liệu ngoài đời, không phải là hồi ký của bà Nhu.

      Xóa
    6. Đúng đó bác. Chỉ là viết theo những gì tiếp xúc bác ạ. Hoàn toàn không phải bà Nhu hồi tưởng lại. Dẫu sao nó cũng râdt chân thực. Bởi đây là người nước ngoài đầu tiên sau hơn 20 năm rời xứ bà Nhu mới cho phỏng vấn.
      Bà Nhu con còn đựoc biết qua hồi ký ns Phạm Duy là học cùng lớp với ns.PD, nhà thơ Quabg Dũng...học trò của cụ Giáp khi cụ còn dạy trường Bưởi.
      Đại để như bác nói thì đây là một con người có căn bản, con ông cháu cha. Ngoài ông bà như bác đưa tin thì trobg sách nói bố mẹ bà Nhu là dòng dõi quyền quý. Bố là Trần Văn Chương- một đại địa chủ, là luật sư đầu tiên của VIỆT NAM có bằng tiến sỹ luật do Pháp cấp..
      Mẹ là Thân Thị Nam Trân, là một quận chúa. Cháu ngoại của Kiên Thái Vương - em trai vua tự Đức.
      Và dòng dõi thế nên bà làm dâu nhà Ngô Đình cũng không có gì lạ bác ha. :)))

      Xóa
    7. Ông Trần Văn Chương thân phụ của bà Nhu là một trí thức lớn của miền Nam. Vụ đàn áp Phật giáo thời TT Diệm khi đang làm đại sứ VN tại Hoa Kỳ ông ấy đã từ chức để phản đồi, và hình như có "từ" luôn bà Nhu. Tiếc rằng cuộc đời của ông bà TVC cuối cùng thành bi thảm vì bị chính người con trai ruột bệnh tâm thần giết.
      Bà Nhu làm dâu họ Ngô theo chính trường thời đó là do tính toán.

      Tôi cũng chờ để xem tập sách viết về "Đệ nhất phu nhân VN" một thời của Monique, người ngoại quốc viết có lẽ trung thực hơn là người trong nước.

      Xóa
    8. Dạ. Bác đọc là bác mê và phải đọc đi đọc lại vài lần. Viết chân thực vì nó là do chính Bà Nhu kể lại. :)))).

      Xóa
    9. Vậy thì hôm nào phải mau mau cafe để nhận sách :-)))

      Xóa
  3. Đọc giòng cuối của bác Phạm, tặng bác ảnh cháu ngoại tại đường sách NVB:
    [img]https://3.bp.blogspot.com/--V6-uK4FL84/VvfjXtBnkvI/AAAAAAAAF78/hj4mkYvz_oILj2idEzwgPaCQIq0lklPmw/s1600/z5.jpg[/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cụ Nô đã gởi cho tấm hình cháu ngoại ở đường sách NVB rất hay, người chụp "có tay nghề" (chắc bố mẹ chụp?).

      Xóa
  4. Tiếc cho bác Hiệp quá! Nếu trực tiếp đi dự sự kiện văn hóa này chắc bác sẽ có thêm nhiều cảm xúc để viết!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc thật NT à, tôi ở cách nơi tổ chức hội sách này có 2 cây số mà không sao đến được.

      Xóa
  5. Hihi , cái vụ cân sách ở một gian hàng của hội sách , thấy hơi lạ thôi , chứ thật ra trên mỗi cuốn sách bày bán đã có dán miếng giấy nho nhỏ ghi giá bán quyển sách rồi . Và đúng như bác nói, trên bìa sách có ghi " Sách nhà nước tài trợ " , không in giá bán .
    Đi hội sách ngoài mua sách cho mình , còn có cái thú chọn sách cho người khác nữa . Hôm đó còn tha về loại sách tiểu luận và tư liệu về lịch sử cho OX , sách nói về Khởi nghiệp cho cô con gái , sách hình thiếu nhi của nước ngoài cho mấy đứa cháu họ gọi mình bằng bà, hihi

    Nghe bạn trẻ HT nói chọn bộ sách Khoa học , kiến thức phổ thông để dành dạy con sau này , thật có lý lắm đó . Hồi thằng con trai mình còn nhỏ , nhà toàn mua loại sách đó cho nó , nó đọc say mê lắm , không những giúp nó có kiến thức mà còn hình thành tư duy khoa học , kể cả say mê khoa học kỹ thuật . Vừa rồi , tuy không phải chuyên môn , nhưng nó đã mày mò lắp ráp một con robot để phục vụ cho việc nghiên cứu chuyên ngành của nó , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy cô bán sách cân lên lại cho nó "chắc cú" ấy mà :-)

      Vậy là cũng như anh bạn trẻ Huy Trường, bạn Marg. cũng phải dốc hầu bao cho lần hội sách này đây.

      Marg. đầu tư cho con cái thế cho nên giờ đứa nào cũng giỏi giang, hì hì, thật là mừng. Con cái nên người là cái vui lớn nhất của cha mẹ.

      Xóa
    2. Cám ơn bác . Cũng chẳng đầu tư gì lớn lao bác à . Tương tự như trường hợp bạn trẻ HT, cái gì mình thích thì mình dành cho con cái , may là nó cũng thích giống mình, và cũng may là mình không áp đặt cho nó những điều nó không thích .

      Xóa
    3. Cám ơn cô Marg quá khen. :))). Xưa con chỉ vì quậy quá mà mỗi lần ba con đi làm, là đưa ra một cuốn sách, bắt con đọc. Đọc một chương là phải nhớ nó viết gì. Tối về là ba con kêu con ra, "khảo" những gì trong sách viết. Vì vậy nên con phải đọc và nhớ. Hihi. Không thì "ăn lươn" nát mông.
      Cũng nhờ vậy mà con sớm biết đọc sách. Học cấp 2 là con bắt đầu biết cầm sách đọc ngoài sách giáo khoa trong nhà trường
      Về bộ sách con mua để dành dạy trẻ sau này. Con rút kinh nghiệm từ chính con. Xưa ba và anh trai con kèm con học. Thay vì giảng giải dài dòng, tốn thời gian, khó hiểu. Thì ba và anh cũng kể những câu chuyện thực tế, ví dụ dễ hiểu xen chút tếu táo, hài hước. Con sẽ "bê" nguyên kiểu hành văn như thế từ sách khi con chỉ con nít học. :).

      Xóa
    4. @ Marg. Hihi, vậy là quá ngon rồi, con cái bây giờ nên "hướng" nó thôi chứ thật ta cũng khó áp đặt được nó, miễn là nó sống vui với những gì nó thích, không tai hại cho người khác và bản thân là được :-)

      Xóa
    5. @ Huy Trường, ba và anh trai coi thế mà có cách dạy hiện đại quá xá :-)

      Xóa
  6. Quên , khen ké cháu ngoại của bạn dungNobita dễ thương quá chừng !

    Trả lờiXóa
  7. Bà già tui cũng không về mà ghé Hội sách năm nay. Sáng đọc báo Tuổi Trẻ thấy hình ảnh về hội sách thấy thích quá, nhưng có một bạn bình luận rằng "vợ bạn ấy hỏi giá của một quyển sách, bà bán sách trả lời "giá 200k, sáng sớm có mua không.." vì vợ bạn ấy có bầu, ban ấy nói rằng đó chỉ là chút sạn, cho nên kg nên làm ảnh hưởng đến HỘI SÁCH hôm ấy quá vui quá hay."

    Đọc xong còm của bạn ấy bà già tui thấy cũng dzui đó anh Hiệp ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu tuần lễ vừa qua chị M. có ở Saigon hẳn chị sẽ đến hội sách và chấc chắn chị sẽ mua được nhiều sách hay.

      Cái bà hay cô bán sách ấy chắc quen bán thứ khác rồi chứ không phải bán sách, hihi!

      Xóa
  8. Thích thật ! Một điểm đích thật tuyệt vời cho những người yêu thích đọc sách ! Em mà ở bên đó em cũng bon chen ghé qua một chuyến đó anh Hiệp uiiiii ....

    Tiếc cho anh chưa đến đó , nhưng rồi cũng sẽ có dịp khác thôi anh hén ? Nhìn mấy nhóc ngồi đọc ké sách thật dễ thương gì đâu á !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu có ở Saigon chắc chắn NangTuyet sẽ đến đây lựa sách thôi. Marg. đến đây khuân về bộn.
      Vẫn còn nhiều người mê đọc sách, thật may, hihi!

      Xóa
  9. Bây giờ nhiều người làm cũng lên mạng xem Google nói thế nào, từ lễ nghi, phong tục đến mọi thứ... Họ không biết trên mạng thật giả lẫn lộn. Tra sách chắc chắn hơn nhiều, đó là tri thức gốc, dù sách cũng không tuyệt đối nên phải có nhiều sách.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro nói đúng lắm, nhiều người bây giờ cái gì cũng Google mà không biết thật giả lẫn lộn (nhất là về lễ nghi, phong tục...). Còn đọc sách thì khi đọc nhiều, có một tri thức tối thiểu, ta dễ dàng phân biệt...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))