Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Ca khúc Phạm Đình Chương.

Phạm Đình Chương và tác phẩm Mộng dưới hoa (phổ thơ Đinh Hùng). Ảnh Internet.

Nhân bài viết trước bạn Marguérite có nhắc tới bài hát Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mới được cho phép hát trở lại. Hôm gần đây tôi xem được trên tivi một chương trình âm nhạc,  có tên là "Những khúc vọng xưa", giới thiệu về nhạc sĩ Phạm Đình Chương và một số tình khúc nổi tiếng một thời của ông.

Nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương có lẽ các bạn nào ở miền Nam trước năm 1975 hay nghe nhạc hẳn sẽ nhớ đến tên của ông. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc tại Há Nội, hoạt động về âm nhac rất sớm. Ông cùng với những anh em lập nên một ban nhạc nổi tiếng thời đó là Ban hợp ca Thăng Long*, với nghệ danh là Hoài Bắc, mà ông là nghệ sĩ trụ cột. Bản nhạc nổi tiếng của Ban hợp ca Thăng Long chắc các bạn không quên là Ngựa phi đường xa. Trong kháng chiến chống Pháp, các anh chị em của ông gồm, ông (Hoài Bắc), anh trai cùng cha khác mẹ của ông là Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), chị của ông là Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy), và em gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh), hoạt động khi còn rất trẻ trong Ban văn nghệ quân đội Liên khu IV gồm các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991) bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi ông mới 18 tuổi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Thời gian đầu nhạc của ông mang âm hưởng dân ca Bắc bộ, ca tụng nét đẹp thôn quê dân dã như những bài "Được mùa", "Khúc giao duyên"... Và những sáng tác theo thể loại hùng tráng như "Bài ca tuổi trẻ", "Ra đi khi trời vừa sáng", "Hò leo núi... Sau một thời gian ông "dinh tê"** về thành (trở về Hà Nội), và cùng những anh chị em vào Nam năm 1951.

Ban hợp ca Thăng Long (hàng trên từ trái qua: nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc) Phạm Đình Viêm (Hoài Trung). (Hàng dưới từ trái qua: ca sĩ Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh). Ảnh Internet.

Sau khi vào Nam Ban hợp ca Thăng Lonh vẫn tiếp tục hát cùng nhau một thời gian dài, những ca khúc của ông trong thời kỳ này vẫn mang những âm hưởng quê hương như Ly rượu mừng, Đón xuân, Xóm đêm... Bước ngoặt trong sáng tác của ông là khi cuộc hôn nhân với vợ là ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Những bản tình khúc bắt đầu từ giai đoạn này mang nặng những đau thương, mất mát như Thuở ban đầu, Đêm cuối cùng...

Nói về tình ca có lẽ những ai thường xuyên nghe nhạc ở miền Nam trước năm 1975 sẽ dễ dàng đồng ý, nhạc sĩ Phạm Duy là người đứng đầu, cả về số lượng và chất lượng bài hát. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là người phổ nhạc nhiều bài thơ hay nhất. Nhưng nếu có ai hỏi tôi thế người thứ nhì là ai? Tôi sẽ không ngần ngại khi trả lời đó là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ông phổ nhạc những bài thơ cùa những tác giả Tiền chiến như nhà thơ Quang Dũng (Đôi mắt người Sơn Tây), Lưu Trọng Lư (Mắt buồn), Huy Cận (Buồn đêm mưa), Đinh Hùng (Mộng dưới hoa)... Những nhà thơ sau này ở miền Nam như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (Nửa hồn thương đau, Dạ Tâm khúc, Đêm màu hồng), nhà thơ Du Tử Lê (Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi cuộc tình đã chết, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển), nhà thơ Nguyên Sa (Màu kỷ niệm), nhà thơ Hoàng Anh Tuấn (Mưa Sài Gòn mưa Há Nội), nhà thơ Kim Tuấn (Ta ở trời Tây)... và nhiều nhà thơ khác... Những bài thơ phổ nhạc của ông tất cả đều là những ca khúc nổi tiếng trong lòng người nghe nhạc một thời.

Bìa bài hát Xuân tha hương in tại miền Nam trước năm 1975 của Phạm Đình Chương. Ảnh Internet.

Nói về tác phẩm để đời, nếu nhạc sĩ Lê Tbương có trường ca Hòn vọng Phu, nhạc sĩ Phạm Duy có trường ca Con đường cái quan, thì nhac sĩ Phạm Đình Chương có trường ca Hội trùng dương. Trường ca Hội trùng dương của ông được sáng tác trong thập niên 1960, gồm 3 phiên khúc về ba con sông nổi tiếng của ba miền đất nước, có tựa Tiếng sông Hồng, Tiếng sông Hương, Tiếng Cửu Long.

Những ca khúc nhất là những tình khúc phổ thơ về sau này của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thật sự không dễ nghe và cũng không dễ hát, cũng tựa như những ca khúc của Cung Tiến. Thế ai là người hát nhạc của ông hay nhất? Về nam thì có những Anh Ngọc, Duy Trác, Sỹ Phú. Nhưng theo tôi người hát nhạc của ông hay nhất, chính là người em út của ông trong Ban hợp ca Thăng Long, đó là ca sĩ Thái Thanh. Những tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Đình Chương, không ai hát qua được ca sĩ Thái Thanh...

Tuy những nhạc phẩm của ông được bắt đầu viết từ sau thơi kỳ Tiền chiến, nhưng do tính chất lãng mạn trữ tình, nên được giới yêu âm nhạc của miền Nam trước năm 1975, xếp vào dòng nhạc Tiền chiến

Trước khi chấm dứt entry này, tôi cũng xin được nhắc lại ở entry trước nhắc tới bài hát Ly rượu mừng của nhạc sỉ Phạm Đình Chương đến nay mới được cho hát lại, tuy lời của bài hát không có gì "đồi trụy" hay "phản động". Bạn Marguérite nói có lẽ do trong bài hát có nhắc tới từ "binh sĩ", mà binh sĩ ở đây là người lính VNCH nên mới bị cấm. Một nhạc phẩm khác của ông phổ thơ của Hoàng Anh Tuấn, là bài Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội, trong bài hát có câu còn "nhạy cảm" hơn "năm Cửa Ô buồn hắt hiu trong ngục tù"... Có thể những điều trên nắm trong sự cấm kỵ. Nhưng trên hết tôi nghĩ chính là "lý lịch nhân thân" của ông. Như ta đã thấy, ông cùng các anh chị em thoát ly theo kháng chiến chống Pháp, hoạt động trong văn nghệ lấy lời ca tiếng đàn làm vũ khí từ rất sớm, sau đó trở về thành vào Nam... và sau biến cố 1975 thì ông đã sang Mỹ.

Có lẽ chính những điều này mới làm cho những ca khúc của ông trở nên lận đận....




Ghi chú:

* Ban hợp ca Thăng Long, gồm 6 thành viên, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc), ca sĩ Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), ca sĩ Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy), ca sĩ Phạm Thị Băng Thanh (Thái Thanh), ca sĩ Khánh Ngọc (vợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương). Trong sáu thành viên của Ban hợp ca Thăng Long có nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Khánh Ngọc là người ngoài (là rể và dâu). Bốn người còn lại lá anh chị em trong một nhà. Trong đó có ba người theo thứ tự là chị em ruột, là Thái Hằng, Phạm Đình Chương, và Thái Thanh. Phạm Đình Viêm là anh lớn nhưng thuộc dòng trước (cùng cha khác mẹ).

** Dinh tê, tiếng được dùng để chỉ những người thoát ly theo kháng chiến chống Pháp nhưng sau vì một lý do nào đó trở lại về Hà Nội. Có nguồn gốc từ tiếng Pháp "rentrer" có nghĩa là "trở về", âm đọc là "răng trê" = "dăng trê" = "dinh tê". Một từ khác cũng khá phổ biến khoảng thời gian này là "Vẹm", chỉ những người theo cách mạng, là từ viết tắt của Việt Minh (V. M.). Khi đọc nhanh 2 chữ VM thành Vem = Vẹm.







17 nhận xét :

  1. Là thế hệ sau này nên em không biết gì nhiều về các nhạc sĩ hay nhà thơ ...nhưng được học hỏi thêm kiến thức về nền âm nhạc cổ điển của nước nhà thì quả rất là thú vị ! Em cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ thế hệ của tôi, trước năm 1975 đã trưởng thành mới biết nhiều về dòng nhạc này. Cũng may là hiện nay số người yêu thích loại nhạc này bắt đầu tăng, trên tivi đã phát nhiều.

      Xóa
  2. "Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
    Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng "
    Bài hát Mộng dưới hoa của Vũ Đình Chương , một thời được yêu thích ở Sài gòn , nhớ những đêm lửa trại , mọi người ngồi quây quanh đống lửa gần tàn , anh bạn nam ôm đàn guitar hát bài này thật tuyệt .
    Nhân thân của Vũ Đình Chương thì cũng có những điểm gần giống như Phạm Duy , nhưng nhiều bản nhạc của PD được xét cho hát lại khá nhiều, còn bài Ly rượu mừng của VĐC đến giờ mới được phép

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Marg. nhắc chợt nhớ ngày trước đi trại sinh hoạt hướng đạo, thanh niên tôi cũng thế, đêm sau khi lửa trại vài người bạn thức khuya bên đống than hồng ôm đàn hát, tuổi trẻ tuyệt vời...

      Có mấy trường hợp "quy cố hương" thời đó được ưu ái, có lẽ vì đây là những "điển hình", đó là tướng Kỳ râu về nước (chính trị), thiền sư Nhất Hạnh (tôn giáo), GS. Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy (văn nghệ). Rốt lại có lẽ chỉ có GS. Trần Văn Khê và nhạc sĩ PD là "êm"...

      Xóa
    2. Nhạc sỹ Phạm Đình Chương , ở trên còm Marg đã gõ nhầm là Vũ Đình Chương

      Xóa
    3. Nhạc sỹ Phạm Đình Chương , ở trên còm Marg đã gõ nhầm là Vũ Đình Chương

      Xóa
    4. Tôi gõ nhầm kiểu này hoài :-)

      Xóa
  3. Nhân tài người Việt không thiếu nếu được sống trong môi trường xã hội tự do, khai phóng và nhân bản. Các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Lam Phương,... hoặc thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Tạ Ký,...là những điển hình tại miền Nam VN trước năm 1975. Có một từ Hán Việt mà tôi vẫn phân vân là "nhân tài" hay "tài nhân", có lẽ phải nhờ đến Bác Hiệp ra tay vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Việt Nam ra nước ngoài rất nhiều người thành danh trong mọi lãnh vực, đúng như bác Trọng Toàn nêu bên trên.

      Nhân tài 人才 là danh từ chung hiểu nôm na là người có tài năng, các từ điển hán Việt, tiếng Việt đều có giải nghĩa chữ nảy, nhưng còn từ tài nhân 才人 lại không thấy từ điển nào ghi nhận. Tác giả Kim Vân Kiều của Trung Quốc có bút hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân 青心才人 mà Nguyễn Du đã phóng tác thành truyện Kiều. Tài nhân có thể cũng được hiều như nhân tài, nhưng nhân tài là tiếng người đời chỉ chung người tài, còn tài nhân là tiếng để tự xưng chăng?

      Xóa
  4. Trả lời
    1. Thực ra tôi cũng có hơi phân vân. Như ta đã biết "thiên tài" được hiểu là người có tài năng xuất chúng (nghiêng về do trời phú), thì "nhân tài" được hiểu là người có tài năng (do tự rèn luyện). Từ "danh nhân" được hiểu là người có danh tiếng, thì "tài nhân" sẽ được hiểu là người có tài (nói chung, có thể do trời phú, có thể do tự rèn luyện). Đấy là theo cách suy luận của tôi.

      Xóa
  5. Nói về nhạc PĐC thì con đồng ý với bác là chia theo 2 giai đoạn, trước và sau kỳ án "Quán chè Nhà Bè".Và giai đọan sau thì tên tuổi ông nổi hơn giai đọan trước. Ít nhiều thì tình yêu trai gái người ta thích hơn tình yeu quê hương đất nước.
    Riêng cá nhân con, ns PĐC, con "cảm" nhất 3 bài "Nửa hồn thương đau, Đôi mắt người Sơn Tây và trường ca Hội trùng dương". Trong điện thoại của con có cả thảy 19 bản cho 3 bài hát này. Cứ ca sỹ nào hát là con tải về điện thoại để nghe. Con bổ sung thêm một bài có thể nói là tiêu biểu của PĐC là bài "Người đi ngang đời tôi".
    Trong bài bác có nhắc đến ns Cung Tiến. Khó hát và khó nghe, nhạc Cung Tiến phải nói là "thầy". Hihi. Con biết hai bài "Hoài cảm", "Hương Xưa". Riêng bài Hương Xưa con vẫn cho rằng nó là bài hát hay và ĐẲNG CẤP nhất của tân nhạc VIỆT NAM bên cạnh bài "Tình Ca - Phạm Duy".
    Nãy giơ con huyên thuyên nhiều, đọc bài của bác lại nhìn ra một khía cạnh khác của những bài tình ca pĐC - Đồng hương Sơn Tây với con. Chuyện thân nhân thì con hoàn toàn đồng ý với bác và bác Toàn (Invanban) bên trên. Ns Phạm Duy và GS Trần Văn Khê quay về nên người ta nhìn nhận dễ dãi hơn. Con nghĩ mốc năm 1995, Mẽo bỏ lệnh cấm vận với ta nên phần nào cũbg tác động lên đời sống văn hoá, văn nghệ ở ta. Cám ơn bài viết của bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cung Tiến thực sự là một trí thức viết nhạc, ông viết nhạc từ rất sớm, bài Thu vàng, Hoài cảm ông viết từ năm 1953 khi đó mới 14, 25 tuổi. Là một nhạc sĩ được đào tạo tương đối bài bản (ông có dịp học nhạc ở nước ngoài). Ông viết không nhiều nhưng chất lượng tuyệt hảo. Những bài khó nghe, khó hát của ông chẳng hạn như Nguyệt cầm (ý thơ Xuân Diệu), Lệ đá xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền), Thuở làm thơ yêu em (thơ Trần Dạ Từ)... Tôi thích nhạc Cung Tiến từ khi còn đi học trung học.

      Về tình cảm lăng nhăng thì PD là số một. Bài Người đi qua đời tôi cũng là một bài hát hay của Phạm Đình Chương.

      Nhạc sĩ PD về nước ở luôn, "chịu phép" cho nên dễ được "xính xái".

      Xóa
    2. 14, 15 chứ không phải 14, 25 :-)

      Xóa
    3. Bài Lệ đá xanh thì được ns PĐC lấy câu cuối làm kết cho bài "Nửa hồn thương đau". Mỗi lần con nghe ca sỹ hát, họ hát câu cuối là chịu con theo không nổi. Chắc vì thế mà họ là ca sỹ, còn con là công nhân. Hì hì.

      Xóa
  6. Phạm Đình Chương phổ nhạc lấy tên Nửa hồn thương đau, bài này còn dễ nghe dễ hát, còn Cung Tiến phổ nhạc giữ nguyên tên bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, bài này khó nghe và khó hát, biết chơi đàn, nghe được hát mới thấy hay đó HT.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))