Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Cuối tháng, những ý nghĩ rời.


Ở bài viết trước tôi đi khám cái chân đau bị sưng (may nhờ gặp thày gặp thuốc chân hôm nay đã xẹp). Anh xe ôm trong xóm chở ngang qua đường Ng.T.M. Khai, chỗ có tiệm bán sách cũ quen ghé mua được dăm quyển, trong đó có được 2 quyển tự điển* cũ của một GS. Saigon năm xưa (GS. Lê Ngọc Trụ, người mà cụ V.H.S hay nhắc đến). Hai quyển tự điển này tôi để ý kiếm đã lâu nhưng không gặp, nay tự nhiên thấy, mừng quá. Qua những lần ghé mua nói chuyện, chị bán sách cũ trông tuổi cũng đã trộng, có lần nói chuyện chị đã bán sách ở Saigon một hai năm trước giải phóng ở lề đường Công Lý gần nhà sách Khai Trí (nay là đường N.K.K.N.). Tôi cũng nói với chị là tôi đi mua sách vỉa hè từ thời đó, sách hồi đó mới toe trong Khai Trí bán đúng giá bìa, cách ba bước chân ra lề đường đã giảm 30% giá. Tôi cũng đã mòn gót nơi mấy sạp sách này có khi đã mua sách của chị từ đó rồi cũng nên.  Thế là quen, thỉnh thoảng có sách hay chị giới thiệu bán nới cho đôi chút.

"Chiến lợi phẩm" hôm ấy tôi đi về là một bịch thuốc (một ngày uống 15 viên mà 6 ngày), một túi bự sách. Kể ra vừa tiền khám, tiền sách, tiền xe ôm cũng khá khá, nhưng không sao, miễn là ta khỏi bệnh và tìm được thứ ưng ý. Mấy tháng nay chủ yếu bó chân bó cẳng trong nhà, cũng là dịp để xài bớt cái lương hưu còm cõi...

Anh xe ôm chở tôi đi ngang cái trụ sở của Hội Chữ Thập Đỏ. Aha, thời tôi còn đi học trung học đạp xe ngày ngày ngang qua 2 lần thì nó tên là Hội Hồng Thập Tự. Sau giải phóng thì thấy đổi lại là Chữ Thập Đỏ, cũng kiểu như hỏa tiễn thành tên lửa. Hồng Thập Tự nghe nó chữ nghĩa, văn vẻ, còn Chữ Thập Đỏ nghe dân dã, bình dị, nhưng cũng đích một thứ chứ chẳng khác. Chỉ có cái bệnh viện của quý bà gần kề bên đó là có chuyện không rõ thực hư, vì chỉ nghe đồn chứ không được tận mắt "mục sở thị". Đó là bệnh viện Từ Dũ, ngày xưa thơ phú hoa mỹ những nơi này người ta gọi là Bảo sanh viện. Cái bệnh viện này sau giải phóng người ta đồn có lúc được đổi tên thành "Xưởng đẻ", không biết có bảng hiệu gọi thế không? Hay chỉ là giai thoại khôi hài, chuyện "Phong thần" nói chơi cho vui lúc "nông cổ mính đàm".

Có chuyện khác trong dân gian ngược lại, cao hứng quá đâm lộng ngôn, một cái tiệm uốn tóc cho phụ nữ trong xóm mà ngày đó gọi là "phi dê" (friser, uốn tóc quăn, tiếng Lang Sa), cũng đề bảng hiệu "Viện uốn tóc" hay "Thẩm mỹ viện". Rồi đến cái tiệm chụp ảnh đen trắng đầu phố của ông Tàu, chuyên chụp ảnh cỡ nhỏ cho con nít dán thẻ học sinh, mấy cô trong xóm đến tuổi làm duyên, hay cho các cụ gần đất xa giời muốn có tấm ảnh dối già, may lâu có bà mẹ bế đứa bé đầy năm bụ bẫm ra chụp một tấm dựng ngồi thu lu trên cái ghế đan bằng mây kiểu con sò làm kỷ niệm (tôi có một tấm như thế), cũng ghi "Viện nhiếp ảnh". 

Lan man nghĩ đến câu "Vật đổi sao dời", vật đổi là chuyện thường, đến sao cũng còn phải dời nữa là vật, ngay cái tên đường Ng.T.M. Khai (đoạn thuộc quận 3) nơi tôi mua mấy quyển sách cũ hôm nọ xưa nay đã đổi tên biết bao nhiêu lần? Sách vở còn ghi rành rành:

Xưa thời nhà Nguyễn mang tên đường Thiên Lý phía Nam, Tây nhà đèn đến đổi thành Stratégique. Sau Tây quy hoạch ghi đường số 25. Ngày 1-2-1865 cũng Tây đặt lại Chasseloup Laubat. Tây chạy mất dép sang đến đời cụ cố nhà Ngô Đình ngày 22-3-1955 đổi thành Hồng Thập Tự, vì trên đường có cái trụ sở Hồng Thập Tự. Đến thời Tân trào, ngày 14-8-1975 chính quyền mới gom chung với đường Hùng Vương ở Thị Nghè và đường Hùng Vương ở Hàng Xanh làm một, đặt thành Xô Viết Nghệ Tĩnh. Rồi nhân quốc khánh 1991, UBND. TP. cắt đoạn đường này, từ quận 3 đến cầu Thị Nghè đổi thành Ng.T.M. Khai đến nay.

Nói theo dân gian là đã qua thời Vua chúa phong kiến (thời đạo Nho của ông Khổng lên ngôi). Sang thời Tây, đến thời Cộng hòa (thời Mỹ), bắt qua thời Cách mạng (khi đó tưởng là thời Liên Xô, gia đình liên lạc được với ông chú ruột ở ngoài Bắc làm nghề dạy học, tôi nhờ gởi vào cho một quyển Tự điển Nga-Việt, không hiểu có phải do mấy ông Liên Xô khoái nốc vốt ca hay sao mà khi giở sách ra thấy chữ viết ngược ngạo lạ hoắc không cách chi học được, nay vẫn còn trong tủ thành sách xưa). Bao nhiêu thời và bao nhiêu lần thay đổi...?

Đường Nguyễn Huệ thời Tây ở giữa là con kênh. Ảnh Internet.

Đường Nguyễn Huệ thời Cộng hòa (thời Mỹ). Trên đường đậu những chiếc xe Huê Kỳ cho thuê chạy đám cưới (rước dâu) màu đò. Ảnh Internet.

Cận ảnh một xe Huê Kỳ chạy đám cưới trước năm 1975 ở Saigon. Ảnh Internet.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay. Ảnh Internet.

Nói về đường xá thì có lẽ Saigon là nơi có nhiều đường xá nhất nước. Đủ mọi con đường to nhỏ, dài ngắn, cũ mới, thẳng tắp, ngoằn ngoèo, cong queo uốn lượn... Saigon một năm nay có con phố đi bộ nguyên là con đường Nguyễn Huệ nổi tiếng ngày xưa. Khởi thủy nó là một con kênh ăn từ sông Saigon chạy thẳng đến thành Gia Định, để tàu bè ra vào thành, gọi là kênh Lớn, tiếng Tây gọi là kênh Charner, hai bên là con đường đất như ta thấy trên hình dành cho người đi bộ, xe kéo trâu bò, thuyền bè ra vào tấp nập một thời. Tàu bè hết thời con kênh bị lấp (dân gọi là đường Kênh Lấp), kênh thành đường nhường chỗ cho xe cộ chạy máy bon bon. Bạn nào ở Saigon lâu chắc nhớ có lúc trên con đường này là chỗ đậu của những chiếc "xe Huê Kỳ", dài ngoằn đỏ chót chuyên cho thuê làm xe đám cưới. Cạnh đấy hai bên đường có những kiosque tư nhân mở quày chụp hình, bán bưu thiếp, hàng lưu niệm, và có những kiosque bán hoa tươi, kết hoa cho những xe đám cưới, mần luôn nghề kết vòng hoa đi điếu đám tang, có lẽ do đó là thời chiến tranh cho nên nghề này làm ăn phát đạt, 

Mới giải phóng xong tôi có một anh bạn lúc ấy thất nghiệp như tôi. Ông cụ thân sinh anh ta lúc trước có chút đỉnh chức tước trong chính quyền cũ nên phải đi học tập, đồ đạc trong nhà đội nón ra đi, nhà cửa tanh banh. Một hôm anh ta lang thang ra đường Nguyễn Huệ, buồn tình đứng ngắm mấy người kết vòng hoa, nảy ra ý định xin làm, trước hết là để kiếm chút cháo qua ngày, kế đến là mong học được lấy cái nghề đặng độ thân. Học vài tháng thành tài nhưng rồi cuộc sống lúc ấy càng ngày càng khó khăn, chẳng có ngày tình nhân, ngày phụ nữ, ngày thày cô... để mà tặng hoa như bây giờ, đám cưới thì xe Huê Kỳ đã dẹp, đám tang thì chết là hết, mọi thứ cứ xuê xoa xính xái cho xong, cái ăn còn không có lấy chi mà lễ nghi hoa cỏ?

Bây giờ thì đường Nguyễn Huệ trở thành con phố đi bộ. Từ con kênh hết thời đến con phố đi bộ hiện đại, dịp tết đêm giao thừa người người đông nghẹt đứng ngóng pháo hoa, bày thêm ra đường hoa vui mắt mấy ngày tết cho thiên hạ đến chụp hình đăng Facebook... Thay đổi biết chừng nào.

Quên, hôm ngồi uống nước nghe anh xe ôm trong xóm nói chuyện, anh này còn bàn về chính trị nữa mới ghê, ấy là anh ta tám chuyện sau Đại hội quan trọng của đất nước cụ này đi, cụ kia ở. Dĩ nhiên là tôi vẫn chỉ gật gù nghe anh nói, anh cũng nói chuyện người đứng đầu chính phủ đương nhiệm đi phó hội bàn đào nơi xứ người, mời được ông Tổng Cờ Hoa hứa vài tháng nữa ghé thăm. Chuyện này qua báo chí tôi cũng biết. Nếu ông Tổng da màu này giữ lời thì hình như đây là vị Tổng Cờ Hoa thứ nhì đến Việt Nam hữu hảo, và các lãnh đạo cao cấp nhất của ta cũng đã đến xứ này.

Tây qua để lại những Mobylette, Solex, Gobel..., xe xì cút tơ Vespa, Lambretta... Sang thời xe Nhật Honda, Yamaha, Suzuki... đầy đường. Đến thời Babetta của Tiệp, xe Simson của Đông Đức, xe mô tô Milsk Liên Xô lên ngôi. Rồi xe Nhật lại tái xuất...

"Mã qui, "Qui mã", rồi lại "Mã qui"... Lịch sử chỉ là một sự lập lại? Cuộc đời gẫm lại như có người nói, đúng như chiếc đèn cù.


Ghi chú:

* Quyển Việt ngữ Chánh tả tự vị, và Tầm nguyên tự điển, cùng của GS. Lê Ngọc Trụ.




24 nhận xét :

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Bữa ni mới là ngày cuối tháng, Ngọc Hiệp Phạm ạ.
    -Nói chuyện "xưởng đẻ", ba tôi và những người bạn của ba cũng nói y bạn vậy, nhưng tôi nghĩ là chọc quê thôi.
    - Đọc hết bài, thấy cứ nao nao "mã qui' "qui mã"...
    Còm trên, tôi sơ ý gõ sai chính tả nên xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, bữa ni thì đúng là "ngày" cuối tháng hai, 29-2-2016, bốn năm mới có một lần ngày 29-2. Nhưng cách nói "cuối tháng" của người mình thì chỉ là ước lệ, không xác định là "ngày cuối". Tỉ như ta nói "Cuối năm đưa Ông Táo về trời", là ngày 23 tháng Chạp chứ không phải 30.

      Cám ơn bạn đã vào xem và để lại "còm" :-)

      Xóa
    2. Nhân chuyện nói ngày cuối tháng 29/2, em muốn hỏi bác Hiệp vậy năm nay có phải năm nhuận không? Em rà trong lịch tờ không thấy (trong đó chưa có tháng 12 âm.) Năm 2014 cũng nhuận, đúng không bác?

      Xóa
    3. Năm nay là năm nhuận hoặc nhuần dương lịch (có 366 ngày thay vì 365). năm nhuận dương lịch thì tháng 2 có 29 ngày thay vì 28. và 4 năm nhuận một lần Năm nay 2016 nhuận dương lịch thì năm nhuận trước phải là 2012 đó NT.

      Xóa
    4. Bác Hiệp ơi,thông thường khi âm lịch có 13 tháng thì năm đó dương lịch có 366 ngày, và 4 năm lặp lại 1 lần. Thế nhưng năm 2014 âm lịch có 13 tháng, nghe bảo do lịch bị sai (thông tin được thông báo trên ti vi thì phải, NT nghe nói thế). Vậy nên thấy tháng 2 năm nay 29 ngày, em mới rà xem âm lịch nhuận tháng nào.
      Biết là nó xa chủ đề bài viết, nhưng cứ...thắc mắc nên em phải hỏi bác.

      Xóa
    5. Năm nhuận dương lịch và âm lịch không phải lúc nào cũng trùng nhau đâu NT. Năm nay nhuận dương lịch, và dương lịch thì cứ đều đều 4 năm nhuận một lần, vậy năm tới nhuận sẽ là 2020.

      Còn tôi xem cách tính năm nhuận âm lích thì thấy năm nhuận không chính xác là mấy năm mới nhuận một lần. Chẳng hạn 2001 nhuận âm lịch có 2 tháng 4, tiếp đến 2004 nhuận có 2 tháng 2 (cách 3 năm), tiếp 2006 nhuận 2 tháng 7 (cách 2 năm), kế 2009, 2012 nhuận (cách 3 năm). Tiếp lại là 2014 nhuận (cách 2 năm), năm âm lịch nhuận tiếp theo là 2017 (cách 3 năm). Người ta tính được năm nhuận âm lịch trong khoảng thời gian rất dài, không có chuyện tính sai đâu.

      Xóa
    6. Ồ ra thế. NT chỉ biết dương lịch tính theo sự di chuyển của Trái Đất quanh Mặt Trời, mỗi vòng được chia ra 365 ngày 6 giờ nên 4 năm sẽ thừa ra 1 ngày. Còn âm lịch được tính bằng sự di chuyển của Mặt Trăng quanh Trái Đất, nên sự chia thời gian nó cũng có quy luật. Những kiến thức phổ thông này NT chỉ nhớ mang máng nên cứ nghĩ năm nhuận nó trùng nhau cả âm và dương. Hóa ra không phải vậy. Cảm ơn bác Hiệp nhé.

      Xóa
    7. Dương lịch theo mặt trời (ban ngày) khá đơn giản, cứ mỗi vòng trái đất xoay quanh mặt trời là 365 ngày dư ra 6 giờ, nên 4 năm lại tính thêm một ngày vào tháng 2, vậy ai sinh vào 29-2 thì phải 4 năm mới có một lần sinh nhật.
      Âm lịch theo mặt trăng (ban đêm) nên hình như cách tính khá rối, hình như cái gì lấy ban đêm làm gốc nó cũng rối thế đó NT :-)))

      Xóa
    8. Hì...một nhận xét thú vị và hóm hỉnh vô cùng: cái gì lấy ban đêm làm gốc nó cũng rối! Bác Hiệp ơi, nó không chỉ rối mà còn thiếu tính quy luật, cứ hứng lúc nào thì cho nhuận lúc đó, bác nhỉ?

      Xóa
    9. Haha, cái nhuận lúc hứng này mà nó sanh ra nhiều chuyện rối beng đó NT :-)))

      Xóa
  3. Ôi chao bài viết của anh Hiệp thật hay . Điểm qua các thời đại : từ thời phong kiến , rồi đến thời Pháp thuộc , rồi đến thời đại của ông Hoa Kỳ và cuối cùng là thời đại bây giờ . Cái nào cũng có cái hay riêng theo nhịp sống thích nghi của nó . Hay nhất là con đường Nguyễn Huệ : nhìn hình ảnh của anh đã minh họa theo từng thời kỳ mà thích thật ! Cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn để thích nghi với trào lưu tân tiến và văn minh trên thế giới . Thế nhưng hình như cuộc sống con người càng văn minh , càng hiện đại thì con người cũng lắm phức tạp vô cùng ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường Nguyễn Huệ ở Saigon có lẽ là con đường mang nặng dấu ấn qua các thời kỳ, từ thời vua chúa sang đến thời hiện đại.

      Cuộc sống đã, đang, và sẽ luôn thay đổi theo cái cách của nó phải không NangTuyet? :-)

      Xóa
  4. Những ý nghĩ rời nhưng lại có sự liên kết do cách tư duy rất...bác Hiệp! He he... NT nhận ra rằng bác và anh xe ôm kia đã bén duyên nhau rồi thì phải.
    Trong bài bác có dùng từ "trộng":"chị bán sách cũ trông tuổi cũng đã trộng". Vậy "trộng" có nghĩa là: già? đứng? cứng? Có phải không bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hí hí, một sự liên kết rời. Anh xe ôm này để lại cho tôi ấn tượng, anh ta cho tôi số điện thoại, mai mốt muốn đi đâu sẽ gọi. Từ "trộng" là của miền Nam, không xác định rõ nghĩa, tùy theo người nói ý muốn diễn đạt cái gì. Chẳng hạn ra chợ lựa cá "trông con cá này trộng hơn con kia" thì có nghĩa là con cá này lớn hơn. "Chị ta trông khá trộng", có nghĩa là là trông chị ta tuổi đã khá lớn, cũng có thể hiểu là già, cứng.

      Xóa
  5. Góp với bác Hiệp tí cho vui. Vì chưa có chuyện đánh thuế danh xưng cho nên các bác chủ cửa hàng, hiệu ảnh, tiệm uốn tóc kia mới tha hồ xưng : Thẩm mĩ viện, Ảnh viện, Viện uốn tóc...Mấy bác chơi Blog nhà mình cũng coi như Tổng biên tập báo mạng... Tiếc là tôi không khoái cái "cạc- vi -dit" nên không in; lí do nữa là nếu in thì chả có chức danh gì nổi bật (Có nhiều vị chức danh in gần hết tấm các: ủy viên, Thường vụ, Phó chủ tịch, Trưởng ban, Trưởng đại diện, Cố vấn trưởng...). Bây giờ thì tôi có thể yên tâm để in các rồi ( nếu muốn). Tổng biên tập Blogspot; Tổng biên tập kiêm Thư kí tòa soạn G+; Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị báo FB cá nhân...Cũng đủ giải quyết khâu oai chứ bộ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước đây trong Nam hình như người ta khoái những danh xưng sao cho kêu như thế bác Vũ Nho. Danh thiếp là tấm giấy để giới thiệu ngắn gọn về bản thân trong giao tiếp, làm ăn, ngày xưa thường thấy ghi chức vụ, bằng cấp, số điện thoại, địa chỉ, những thông tin chính cần thiết nhất của một con người, nhưng có người lạm dụng ghi đủ thứ trong đó, như là một cách "khoe mẽ".
      Hehe, vậy thì tôi với bác Vũ Nho cũng thử mần mốn hộp "cạc" như thế đi đâu trưng ra cho thiên hạ lé mắt chơi :-)))

      Xóa
  6. Trong bài Bác Hiệp nhắc đến nhà sách Khai Trí, nếu ai đã từng sống ở SG có lẽ đều nghe, biết hoặc đã có lần bước chân vào nhà sách nổi tiếng này, địa chỉ 62-64 Lê Lợi SG, chủ nhân là Ô. Nguyễn Hùng Trương (đã từ trần). Riêng tôi tự xem mình có món nợ với nhà sách này, vì thời học sinh trước năm 1975, vẫn thường xuyên vào đây "đọc cọp" sách (lấy sách trên kệ đứng tại chổ đọc rồi trả lại mà không mua) vì không đủ tiền để mua. Sau ngày 30/4/1975, nhà sách được nhà nước tiếp quản, vài năm sau khi trở lại đây mua sách tôi đã chạnh lòng với khung cảnh của "cửa hàng mậu dịch", không còn những kệ sách mà chỉ là những "vật phẩm văn hóa" được in ấn sơ sài trên giấy vàng ố, cũng lâu lắm rồi tôi không còn quay lại nhà sách này nữa. Một thời đã qua, nhắc nhau để nhớ Bác Hiệp hỉ!

    Trả lờiXóa
  7. Trước năm 1975 thì nhà sách Khai Trí là nổi tiếng nhất ở Saigon, nói ông Nguyễn Hùng Trương ít ai để ý, nhưng nói nhà sách Khai Trí thì ai cũng biết, không những chỉ là nhà sách mà còn là nhà xuất bản in ra nhiều sách đủ mọi thể loại thời đó. Ông Trương này cả đời gắn bó với sách, ít năm sau ông có về nước tính dựng lại Khai Trí mà không được.
    Trước năm 1975 tôi chỉ vào Khai Trí để xem coi có quyển nào mới không, rồi ra vỉa hè mua vì giảm đến 30%, ngoại trừ quyển nào vỉa hè không có mới phải mua trong Khai Trí. Bác Toàn nhắc làm tôi nhớ hồi đó Khai Trí có bố trí những cô mặc áo dài đứng coi sách và hướng dẫn khách. Chuyện sinh viên học sinh không có tiền vào xem cọp là vô tư.

    Trả lờiXóa
  8. CHuyện của bác từ sách sang đến tên đường nhưng cuối cùng xem ra là vận mệnh của thành phố, của đất nước mình nó gian nan, lận đận.

    Không hiểu sao bác làm em chợt nhớ đến câu thơ của Tiết Đào:

    Chi nghinh nam bắc điểu
    Diệp tống vãng lai phong.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái chuyện đời thường phải không Toro? Ông Tổng Mỹ sang ta là chuyện to, nhưng chuyện lề đường đi bộ hay giữ xe lấy quá giá 1.000 đồng có phải là chuyện nhỏ?

      Xóa
    2. Mã qui , qui mã rồi lại mã qui ... Đúng là y như Toro cảm nhận thật !

      Xóa
  9. Bác H có nói ngày xưa được đưa ra Ảnh viện , ngồi trên chiếc ghế mây con sò để chụp ảnh , Marg đồ là chụp ảnh "nuy" , đúng không bác ? Marg vẫn còn giữ một tấm hình chụp ở Ảnh viện Thái Bình Dương , ảnh đen trắng , nước thuốc rửa ảnh đến nay vẫn còn đẹp y như xưa , ở góc tấm ảnh có ghi dòng chữ Ảnh viện Thái Bình Dương . À , tấm hình do người chị hàng xóm dẫn Marg đi chụp cùng , lúc đó khoảng 6 tuổi , mặc áo đầm .
    Chữ "viện" ngày xưa hình như không có liên quan gì tới những nơi có tính cách nghiên cứu , học thuật . Chẳng hạn người ta gọi Bảo sanh viện , Viện tế bần ... rất bình thường ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, đúng là hồi bé chụp ảnh "nuy" trăm phần trăm luôn, có nhiêu chụp hết bi nhiêu.

      Chữ "viện" (院), tiếng Hán thì có nhiều nghĩa, xưa thường chỉ những nơi to lớn, quan trọng (tu viện, hí viện, viện cơ mật...). Theo Từ điển trích dẫn thì "viện" cũng để chỉ những nơi bình thường, như phòng ở, nhà ở, chái nhà (thư viện 書院 phòng đọc sách).
      Nếu xét trên góc độ này thì tên gọi "viện uốn tóc", "ảnh viện" hồi đó cũng không đến nỗi sai. Nhưng khi xã hội đã có những phân biệt rõ ràng trong những trường hợp này, giữa "viện" và "tiệm", thì một tiệm uốn tóc tư nhân vài cô thợ cũng đề bảng "viện" kể ra cũng hơi lố :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))