Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Đầu năm nói chuyện nhạc.

Bản Nhạc tiền chiến "Thu quyến rũ" của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Ảnh Internet.

Trước hết xin nói ngay "nhạc" ở đây là có dính líu tí chút tới âm nhạc, về âm nhạc nói chung tôi cũng không rành rẽ gì cho lắm, tuy cũng có biết chơi chút đỉnh guitar classique. Chẳng qua tết ngồi nhà không biết làm gì, đọc được một bài báo trên một trang mạng của một nhà thơ, nhà văn trước năm 1975 ở Sài Gòn*, viết về Nhạc sến. Trong đó có đoạn ông viết:

Không biết do đâu, sau năm 1975 gu thưởng thức nhạc đã chia ra 3 loại hình âm nhạc: Nhạc đỏ, Nhạc vàng, và Nhạc "sến". Nhạc đỏ là những bản nhạc cách mạng với giai điệu hùng tráng, ca từ mạnh mẽ, lạc quan mang tính chiến đấu cao từ trong chiến tranh, phổ biến ở cả miền Bắc lẫn miền Nam (thời kỳ tạm chiếm). Nhạc vàng, được hiểu là nhạc "tiền chiến", là những sáng tác âm nhạc trước năm 1945, hầu hết là những ca khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng, trầm buồn, ca từ trau chuốt, lãng mạn thể hiện tình yêu đôi lứa. Nhac "sến", phổ biến trong giai đoạn chiến tranh ở miền Nam trước năm 1975, hầu hết những ca khúc này từ ca từ đến giai điệu đều rất buồn, thể hiện tình yêu đôi lứa trong cảnh chia ly, tan vỡ hoặc nỗi buồn về thân phận, quê hương chia cắt, một số ca khúc nói về đời lính, tình yêu lính trong bối cảnh chiến tranh, nhìn tương lai u ám, nuối tiếc dĩ vãng, kỷ niệm...

Trong bài tác giả lý giải về Nhạc sến:

"Nhạc sến" được quy cho cái mác "nhạc não tình". Nhưng thế nào là "Nhạc sến"? Có nhiều cách giải thích, nhưng theo tôi cách giải thích thuyết phục nhất, do đây là dòng nhạc sáng tác cho đại chúng, theo giai điệu Boléro, Hambanera, Slow rock... mà hầu hết lấy điệu Boléro làm chủ đạo, ca từ dễ hiểu, dễ thuộc, từ trong sinh hoạt đời thường, mang nặng tâm trạng của số đông kể cả thành thị lẫn nông thôn, nên khi được các ca sĩ có chất giọng phù hợp phổ biến trên các phương tiện truyền thông thời bấy giờ, rất dễ đi vào lòng người, lan tỏa nhanh thành một xu hướng nhạc thị hiếu, tạo thành phong trào, gu âm nhạc đáp ứng cho số đông.

Phải nói rằng, gạn lọc từ trong dòng nhạc này cũng có nhiều ca khúc phù hợp với tâm trạng của nhiều người và chính vì thế nó được hát mọi lúc mọi nơi. Không chỉ với người lớn tuổi mà cả giới trẻ, đặc biệt là giới "bình dân". Giới "bình dân" thời đó là ai? Đó là giới có trình độ văn hóa thấp, xuất thân từ nông thôn, do chiến tranh loạn lạc rời bỏ quê nhà lên thành phố Sài Gòn làm nghề ở mướn, giúp việc cho các gia đình người Mỹ có vợ Việt, hoặc gia đình người Việt giàu có.

............................

Trên đây là đoạn mở đầu bài viết bàn về " Nhạc sến" của tác giả. 

Trước năm 1975, sống ở Sài Gòn tôi nhận thấy có mấy khái niệm chính để phân biệt về tính chất của những bài hát lúc bấy giờ:

1. Nhạc tiền chiến:

Là những bài hát được sáng tác trước năm 1945 (nếu hiểu theo đúng nghĩa của từ "tiền chiến"), như của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Quý, Lê Trạch Lựu, Hoàng Giác, Thẩm Oánh, Văn Phụng, Nguyễn Thiện Tơ, Lưu Hữu Phước, Vũ Thành, Phạm Duy... Cũng có thể thêm một số ca khúc được sáng tác sau thời gían 1945 ít lâu (khoảng chừng 5, 10 năm). Nhạc tiền chiến như thế bao gồm cả loại nhạc kêu gọi lòng yêu nước của thanh niên, giai điệu mạnh mẽ, nhưng đa số là những ca khúc nghiêng về tình cảm lứa đôi, giai điệu nhẹ nhàng.

Nhạc tiền chiến được ưa thích và phổ biến trong giới trí thức thời đó, bao gồm giới trí thức lớn tuổi và giới sinh viên, học sinh. Vào khoảng nửa đầu của thập niên 1975 trên truyền hình có nhạc sĩ Vũ Thành**, đảm trách một chương trình nhạc có tên là Nhạc thính phòng, thường giới thiệu những chương trình nhạc tiền chiến.

Bìa bản Nhạc tiền chiền "Em tôi" của nhạc sĩ Lê Trạch Lựu. Ảnh Internet.

2. Nhạc sến:

Là loại nhạc như ta đã thấy giải thích bên trên, được giới bình dân ưa thích, đa phần là những bản nhạc dựa trên nền nhạc Boléro. Ngoài ca từ dung dị dễ hiểu, đặc điểm nổi bật nhất của dòng Nhạc sến, là ở "chất giọng" của người hát, hát cho ra chất "sến" ngày xưa chắc ai ở Sài Gòn cũng phải đồng ý, không ai qua được nam ca sĩ Chế Linh. Riêng về việc ưa thích Nhạc sến là giới "bình dân" có lẽ phải nói thêm, không chỉ là những cô giúp việc nhà mà thời đó người ta gọi là những cô "sen", hoặc "Mari sến" (thời nay gọi là ô sin), có lẽ đây là một từ khôi hài vì thời đó giới nhà giàu lắm tiền của thường có tên Tây bên cạnh tên Việt, như tác giả bài báo đã viết.

Thực ra những cô sen hay "Mari sến" thời đó chỉ là một thành phần của giới "bình dân" lúc bấy giờ. Giới "bình dân" ở thời đó nói chung là những người ít học, còn ở nông thôn hay đã ra thành thị (thường do hoàn cảnh chiến tranh), và những người đã ở lâu nơi thành thị. Nét chung ở giới bình dân nữa là họ thường làm những công việc tay chân, buôn bán lặt vặt ở chợ, nghề tiểu thủ công, thợ thuyền lao động...

Như vậy ta thấy Nhạc sến thời đó là loại nhạc được ưa thích trong quảng đại quần chúng.

Bìa của một bản Nhạc sến trước năm 1975. Ảnh Internet.

3. Nhạc phản chiến:

Ngoài hai loại Nhạc tiền chiến và Nhạc sến ghi trên, trước năm 1975 còn một loại nhạc nữa ta thường nghe nói tới, thậm chí loại nhạc này bị chính quyền thời đó cấm phổ biến, đó là Nhạc phản chiến. Nhạc phản chiến là loại nhạc nói lên cái vô lý, tàn bạo của chiến tranh, hoặc phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình, loại nhạc kêu gọi "Dậy mà đi" trong giới học sinh, sinh viên... Điển hình lúc bấy giờ có "Ca khúc da vàng", "Kinh Việt Nam" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoặc những ca khúc "phản chiến" được lưu hành trong giới học sinh, sinh viên của các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh... lúc bấy giờ...

Nếu Nhạc tiền chiến và Nhạc sến có những đối tượng ưa thích được phân biệt rõ ràng, thì Nhạc phản chiến lúc ấy không phân biệt rõ như vậy. Trong giới nào, trí thức cũng như bình dân cũng đều có người yêu thích Nhạc phản chiến, kể cả một giới ta tưởng là "chiến" thời đó là quân nhân, cũng có rất nhiều người thích dòng Nhạc phản chiến (đấy cũng có thể là một lý do nhỏ để làm nên Bên thua cuộc và Bên thắng cuộc).

Bìa tập nhạc Ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh Internet.

Ngoài ba dòng nhạc chính kể trên, ta không thể không kể đến một dòng nhạc thời thượng lúc bấy, được phổ biến ở miền Nam nhất là trong thập niên của thời Đệ nhị Cộng hòa (khoảng từ 1965 đến 1975). Đó là những ca khúc được giới trí thức ưa thích, dòng nhạc này không có tên gọi rõ ràng như ba dòng nhạc trên, tiêu biểu là những ca khúc của những nhạc sĩ gạo cội như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9... và những nhạc sĩ trẻ hơn như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, những ca khúc của cặp đôi Lê Uyên & Phương... Những bài hát này được gọi là Tình khúc, đó là những bản nhạc về tình yêu đôi lứa, phảng phất một triết lý nhân sinh của xã hội bấy giờ, và dĩ nhiên thời gian này chiến tranh đang nổ ra ác liệt tại miền Nam, cho nên trong nhiều bài hát là Tình khúc vẫn luôn mang âm hưởng và những mất mát do chiến cuộc mang lại...

Bìa nhạc phẩm Hoài cảm của Cung Tiến. Ảnh Internet.

Cũng xin nhắc thêm trước năm 1975 tại miền Nam, cụ thể tại Sài Gòn cũng phôi thai một dòng Nhạc trẻ mà nổi bật hơn hết có ban nhạc  Phượng Hoàng, với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, ca sĩ Elvis Phương của nhóm Rockin' Stars, hoặc nhóm Strawberry Four gồm Tuấn Ngọc, Đức Huy, Tiến Chinh, Tùng Giang... Và một dòng nhạc nữa gồm những bài hát được hát trong các buổi sinh hoạt Hướng đạo, sinh hoạt tập thể của thanh niên, trong đó bao gồm cả những bài hát của nhóm Nhạc Du ca do Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Đức Quang... khởi xướng.

Như chúng ta đã thấy những dòng nhạc chính kể trên sau một thời gian bị cấm đoán, thì nay đã trở lại mạnh mẽ, được nhiều người ưa thích hiện nay... Những bản Nhạc sến Boléro một thời được cho là ủy mị, văn hóa đồi trụy... nay đã phổ biến trên truyền hình...

Tuyển tập Nhạc trẻ trước năm 1975 tại Sài Gòn. Ảnh Internet.

Nhân đây tôi cũng xin nói về Nhạc đỏ, Nhạc vàng, và Nhạc Sến như tác giả bài viết đã đề cập. Nhạc đỏ và Nhạc sến tác giả nói đã rõ, riêng về Nhạc vàng có lẽ cũng xin nói thêm chút đỉnh. Theo trang Wikipedia, trước năm 1975 chia thành 2 dòng Nhạc vàng, một là dòng Nhạc vàng của miền Bắc (từ vĩ tuyến 17 trở ra), đại khái từ Nhạc vàng này bắt nguồn từ khái niệm "nhạc màu vàng" (Hán ngữ gọi là hoàng sắc âm nhạc), là loại nhạc tình phổ biến ở Thượng Hải vào thập niên 1930, và từ ngữ này du nhập vào miền Bắc vào thập niên 1950.

Còn từ Nhạc vàng gọi ở miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) từ thập niên 1960, nhạc sĩ Phó Quốc Lân đã lập ban "Nhạc vàng" thuộc đài Truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ. Sau từ Nhạc vàng được dùng để chỉ chung những ca khúc tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, lính chiến, thân phận con người trong chiến tranh... nói chung ta có thể hiểu Nhạc vàng là để chỉ chung cho loại nhạc tình cảm, ủy mị, trong đó có Nhạc tiền chiến, Nhạc sến (phổ biến trong giới bình dân), những ca khúc phổ biến trong giới trí thức... ở vào thời điểm trước năm 1975 tại miền Nam.



Ghi chú:

* Bài có tựa Nhạc sến là nhạc gì? đăng trên trang Một Thế Giới ngày 08-02-2016 của tác giả Từ Kế Tường.

** Vũ Thành: theo trang Wikipedia, nhạc sĩ Vũ Thành sinh năm 1926 tại Hà Nội. Trước năm 1954 ông là công chức và là nhạc trưởng ban nhạc "Việt nhạc" của đài phát thanh Hà Nội. Sau năm 1954 vào miền Nam ông phối âm lại nhiều ca khúc thời bấy giờ, và có làm chương trình Nhạc thính phòng được nhiều người yêu thích trên đài truyền hình, cùng một chương trình ca nhạc khác được yêu thich không kém, là chương trình nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng.






14 nhận xét :

  1. Trước Tết có nghe nói bài hát " Ly rượu mừng " của nhạc sỹ Phạm Đình Chương , sáng tác năm 1952 , sau năm 1975, bài hát đã không được lưu hành .Đến nay , sau 41 năm mới được nhà nước chính thức cấp phép phổ biến trở lại .
    Cuối cùng "Ly rượu mừng" lai được rót tràn để chúc " Nước non thanh bình , Muôn người hạnh phúc chan hòa " , bất chấp những suy nghĩ hẹp hòi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong tất cả bài hát về tết từ trước đến nay, có lẽ bài Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương là hay nhất. Nội dung chẳng có chút gì là "phản động" cả. Sau hơn nửa thế kỷ từ khi bài hát ra đời nay được chính thức cho hát trở lại cũng mừng, nhưng để ý trên tivi vẫn chưa thấy hát lại bài hát này. Nhiều khi cấm lâu quá nay được phép vẫn thấy ngại...
      Như chuyện kỷ niệm những con dân VN (VNCH) đã hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974, ở HN đã bớt khó dễ, nhưng ở Saigon vẫn cái mửng rất kém văn hóa là cho công nhân vệ sinh đến phá. Nhỏ nhen như thế làm sao mà nói chuyện hòa hợp hòa giải...

      Xóa
  2. Dòng nhạc sến là dòng nhạc mà em thường hay nghe mẹ của em hát lắm ! Sau năm 1975 thì em vẫn còn bé nên mẹ em thường hát để ru mấy đứa em kế của em , do đó em cũng nghe mang máng cái tên ca sỉ Chế Linh , Phương Hồng Quế , Khánh Ly ....rồi tụi em cũng bắt chước hát theo chứ không hiểu đầu đuôi tai ngheo về nội dung của các ca khúc gì hết ...hihi ..Giờ nghe anh Hiệp phân tích 3 dòng nhạc ngày xưa , em thích thật !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày trước người ta phân chia thành Cổ nhạc và Tân nhạc, Cổ nhạc là Vọng cổ, Cải lương, Tân nhạc là những bài hát mà ta thường nghe, bao gồm cả Nhạc sến của giới bình dân và nhạc của giới trí thức. Có một điều ta dễ nhận thấy là giới thích Cổ nhạc cũng thường thích Nhạc sến.
      Ngày trước đặc biệt ngoài bài hát, thì chất giọng trong Nhạc sến rất quan trọng, chẳng hạn nếu ca sĩ Tuấn Ngọc mà hát một bản Nhạc sến nó sẽ không ra được "chất sến", những ca sĩ như Chế Linh, Duy Khánh, Hương Lan... ngày xưa hát Nhạc sến "bá cháy", còn Tuấn Ngọc, Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu... thì hát dòng nhạc giới trí thức hay nghe..

      Xóa
  3. Nói về nhạc Sến, như ý kiến của bác thì đúng là ở SGn xưa không ai "sến" qua ca sỹ con cháu dòng vua Chế người Chăm. :). có vẻ thuở trước, mỗi nhạc sỹ đều có một giọng ca "đóng đinh" với các ca khúc của mình. Văn Cao có Ánh Tuyết, Phạm Duy có Thái Thanh, Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, Lê Uyên - Phương là một cặp... Còn về khái niệm "nhạc Sến" con hoàn toàn đồng ý với bác. Bởi có lần con có đọc một bài báo như bác viết về từ "Sến". Vì chỉ đọc và hiểu theo nghiên cứu của người khác nên con tin về những giả thuyết đó lắm!
    Con cũng định còm bài hát "Ly rượu mưng" mà ở trên cô BangTam đã nhắc đến. Sau 41 năm mới được cấp phép lại. Mới nhất có ca sỹ Đức Tuấn hát lại bài này. Đúng là một bài hát hay. Nghe là thấy hơi hướm Phạ Đình Chương. Bây giờ, ca sĩ trẻ con hay nghe ông Đức Tuấn này. hát mà chính nhạc sỹ Phạm Duy phải thừa nhận "người trẻ hát được, đẹp, giữ được chất nhạc nhưng vẫn sáng tạo để làm sao có chất hiện đại, trẻ nhưng không "mất hồn" bài hát". Vậy nên nhạc Phạm Đình Chương, Phạm Duy ngoài Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Ý Lan thì con nghe thêm Đức Tuấn. Con chỉ thắc mắc bài "Ly rượu mừng" nó không có chút gì là đụng chạm mà sao lại bị cấm phổ biến. Hay người ta cũng "quy kết đại" kiểu như bài hát "Mùa thu chết - Phạm Duy" hay "Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh công Sơn" về ý nghĩa tên gọi.
    Năm mới chúc bác Mạnh khỏe, bình an và hanh thông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa ở Saigon hát sến bậc nhất là Chế Linh, không ai qua được con cháu "Chế Bồng Nga" này, sau này có Tuấn Vũ ở hải ngoại có chất giọng sến không kém. Ngày trước mỗi nhạc sĩ có cái "air" riêng, cũng như mỗi ca sĩ có một chất giọng phù hợp với những bài hát của một nhạc sĩ.
      Chẳng hạn trước năm 1975 Thái Thanh phù hợp với những nhạc phẩm Tiền chiến (Văn Cao, Đặng Thế Phong, Lê Trạch Lựu, Hoàng Giác, Hoàng Quý...), đặc biệt là những sáng tác của Phạm Duy, Phạm Đình Chương. Khánh Ly với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly hát nhạc Tiền chiến hay nhạc của Phạm Duy nghe không hay bằng Thái Thanh.

      Có lẽ bài hát Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương bị cấm lâu quá không phải ở nội dung bài hát (cũng như những tình khúc khác của ông), trước năm 75 anh em nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trong đó có Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy lập nên ban nhạc Thăng Long, hình ảnh ban nhạc Thăng Long hát trên chuyến tàu đưa người di cư vào Nam của Pháp trong phim Chúng tôi muốn sống chắc không làm mấy ông này thích...

      Sau này ca sĩ trẻ có Đức Tuấn hát nhạc PD hay.

      Xóa
    2. Trong bài hát Ly rượu mừng có đoạn :
      "Rót thêm tràn đầy chén quan san
      Chúc người binh sĩ lên đàng
      Chiến đấu công thành
      Sáng cuộc đời lành
      Mừng người vì Nước quên thân mình "
      Đây là lời chúc dành cho người lính ,thời đó hẳn là dành cho người lính VNCH rồi , có thể do vậy mà bài hát bị cấm , mình nghĩ vậy .
      Đọc lại lời chúc , tuy dành cho người lính nhưng lời lẻ hiền hòa , đầy tính nhân văn . Đoạn tiếp theo là :
      "Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
      Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
      Chúc bà một sớm quê hương
      Bước con về hòa nỗi yêu thương

      á a a a
      Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
      á a a a
      Chúc mẹ hiền dứt u tình "

      Dẫu sao đây là một bài nhạc xuân gợi nhiều cảm xúc

      Xóa
    3. Cũng có thể chuyện cấm đoán như Marg. nói, trong bài hát có đoạn:
      "Rót thêm tràn đầy chén quan san
      Chúc người binh sĩ lên đàng
      Chiến đấu công thành
      Sáng cuộc đời lành
      Mừng người vì Nước quên thân mình "
      Trong đó có câu: "Chúc người binh sĩ lên đàng". Tuy "binh sĩ ở đây chỉ là một danh từ chung, như chiến sĩ, quân nhân, người lính... chứ không ám chỉ bên nào hết.

      Cái thời này nó thế, chuyện cấm rất tùy hứng, tùy tiện, nói một đàng làm một nẻo. Hiến pháp ghi như vậy, luật nói khác, rồi Nghị định (dưới luật) lại khác nữa... Trong Văn hóa có những biểu hiện như một tác phẩm được tuyên dương, nhưng khi in ra lại bị cấm đoán mà không rõ lý do. Điều này có lẽ do "nội lực" kém, không đủ tự tin, dẫn đến "cái gì cũng nghi kỵ"...

      Nói nhạc xuân, cũng nên nói đến nhạc Trung thu thiếu nhi, bài gì đó "Tết Trung thu rước đèn đi chơi" cũng là một bài hát rất hay, bân giờ khó có bài hát mới nào qua mặt.

      Xóa
  4. Tết bận bịu, đọc bài mà không được hầu chuyện với bác Phạm. Hihi, ấm ức lắm.
    1. Nô thì không thích khái niệm "nhạc sến". Khái niệm này mãi sau 1975 mới phổ biến. Theo Nô nên gọi là "dòng nhạc bolero miền Nam" thì sát hơn. "Sến" là một từ có hơi hướm miệt thì, xem thường. Trong khi, những nhạc phẩm thuộc dòng này đều có giá trị về âm nhạc và ca từ. Chúng cũng chứa đầy những triết lý về nhân sinh, về xử thế và quan trọng hơn, chúng mô tả một cuộc sống và tâm tình cụ thể của đời sống người dân miến Nam lúc đó (điều rất mờ nhạt trong các nhạc phẩm "cao cấp").
    2. Dù biết đây chỉ là bài điểm qua về các dòng nhạc miền Nam (như bác Phạm đã phi lộ), nhưng Nô cũng muốn bổ sung thêm 2 mảng ca khúc thời đó, "Ca khúc nước ngoài lời Việt" (Trở về mái nhà xưa, Vĩnh biệt tình em, Love Story, Giàn thiên lý đã xa...) và mảng nhạc hài của ban AVT, Văn Hường, Trần Văn Trạch.
    Chúc bác cùng quý bloggers những ngày đầu năm vui vẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là khái niệm Nhạc sến đã có từ trước năm 1975, nhưng không rõ ràng, thực ra thì ta có thể nói không có dòng Nhạc sến, mà chỉ có "những giọng hát sến" (như tôi đã nhấn mạnh trong entry). Tôi không biết diễn tả thế nào cho đúng với một chất giọng sến, nó nhừa nhựa, uốn éo... Mấy hôm nay trên tivi tôi nghe những bài nhạc xuân trước năm 1975 rất hay, vậy mà do một vài giọng ca nam trẻ bây giờ hát theo "kiểu sến", cho nên nghe rất sến.
      Cái từ Nhạc sến bây giờ được hiểu bao gồm tất tần tật những bài nhạc tình trước năm 1975, kể cả nhạc tièn chiến và nhạc Phạm Duy.
      Cám ơn cụ Nô đã bổ sung thêm một vài giòng nhạc của miền Nam trước năm 1975. Năm mới xin chúc cụ Nô nhiều sức khỏe, tài lộc dồi dào để thỉnh thoảng lai rai cùng bằng hữu.

      Xóa
  5. Đã có vài ý kiến gọi loại nhạc này là "nhạc muồi". Muồi chứ không phải mùi, tương tự chín "muồi". Tôi vẫn thích nghe một số bài hát thuộc loại nhạc này vì dễ đi vào lòng người, ví dụ như bản Nỗi buồn hoa phượng (để nhớ thời học sinh), Căn nhà ngoại ô, Đêm buồn tỉnh lẻ (lúc trưởng thành)...v.v...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ "Nhạc muồi" bây giờ tôi mới được biết. Loại nhạc này có nhiều bản rất hay như bạn đã viết, qua tiếng hát của Phương Dung, Hoàng Oanh, Giao Linh... Tôi cũng thích như bạn vậy.

      Xóa
  6. 1- Chương Nhạc ký của Kinh lễ đề cao nhạc đến độ coi nó là bản thể luận của triết học. khác hẳn với ngày nay người ta chỉ coi nó như một bộ môn nghệ thuật để giải trí. Mỗi nốt trong năm âm (Cung , thương, giốc chủy, vũ ) mang một ý nghĩa xã hội, chẳng hạn: cung là vua. thương là tôi thần, giốc là dân…Cung mà loạn thì (chính trị) tan hoang, thương mà loạn thì (chính trị) đảo lộn, giốc mà loạn thì dân chúng oán hận…Cả năm âm ấy mà loạn thì trật tự đảo lộn, tình trạng như vậy xẩy ra nhất định quốc gia có ngày diệt vong
    2- Ngày nay ở Việt Nam ta xuất hiện nhạc Rap nhập khẩu từ Mỹ. Rap không có cao độ trường độ, người ta không hát mà đọc, hoặc gào thét cùng với múa may, nhảy nhót. Hai thằng cháu ngoại của bu (8 tuổi và 5 tuổi) cửu chương chưa thuộc hết nhưng lại thuốc và trình diễn rất điệu nghệ một bản Ráp có đoạn thế này:
    Cô ấy mới hôm qua không ai nhớ khuôn mặt
    Chỉ một xì – căng - đan,
    khóc lóc về chuyện tình dở dang
    Lên báo hình thì đầy một trang
    Ôi dễ dàng để đời ta tươi sáng…
    Thế nên, bây giờ, điều quan tâm nhất là:
    Anh kia cặp với chị này
    Anh kia lừa dối chị này,
    Anh kia đập đánh chị này,
    Và chị ngã xuống đây
    Cư dân cùng với đồng bào
    Thông tin miệng đói cồn cào
    Ba hoa lời ra lời vào
    Một ngày mới nhốn nhao, nhốn nhao, nhốn nhao ao ao ao ao...
    3- Nhạc không trường độ, cao độ, là loạn cả 5 âm: Cung, thương, giốc, chủy, vũ như cách nói của Nhạc ký, thế thì quốc gia sắp diệt vong sao…. huhuhu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái nhạc Rap này theo tôi còn thua cả loại "vè" xướng lên khi chơi trò chơi lô tô ngày tết "Con gì ra đây, con gì ra đây, cờ ra con mấy... Tề Thiên Đại Thánh, ở động Thủy Liêm, học được phép tiên, càn khôn quấy phá, gặp Phật Như Lai, hóa phép bàn tay, hóa núi Ngũ hành, đè con khỉ đột, đè con khỉ đột, là con số Một...", Đại khái người chơi hò như thế, nhịp nhàng, lớp lang, có tuồng tích hẳn hòi.

      Nhưng mà biết sao được bác Bu, thời buổi "điện tử" nó phài thế thôi :-(

      Xóa

:) :( :)) :(( =))