Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Chợ.

Một khu phố chợ xưa của người Hoa trong quận 5. Ảnh Internet.

Người ta hay nói Sài Gòn là xứ sở của ăn uống, đi đâu cũng gặp quán ăn. Người ta ăn uống mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ giấc, và mọi thời tiết luôn. Quán ăn mọc lên cùng khắp, có khi ngay trên... nắp cống vỉa hè, hay kế cả cạnh... bô rác, thực khách vẫn cứ hồn nhiên mà đánh chén. Nhưng có lẽ ai ở Sài Gòn lâu chắc biết Sài Gòn cũng là xứ sở của... chợ, loại chợ truyền thống buôn thúng bán mẹt, chưa nói đến những loại hình chợ cao cấp như siêu thị, thương xá, hay những trung tâm thương mại.

Sài Gòn là xứ ra khỏi nhà là đã có thể gặp chợ, từ một cái chợ rất nhỏ nơi vỉa hè đầu hẻm, chỉ có một chị nhập cư, đạp cái xe đạp cà tàng đằng sau đằng trước gồng gánh treo lủng lẳng đủ mọi thứ rau củ, thịt thà tôm cá. Sáng sớm chị ta đã ngồi đó và thành một cái chợ siêu nhỏ, ta có thể mua được ở đây mọi thứ đủ để nấu một bữa ăn. Đến những ngôi chợ nhỏ không tên trong những xóm nghèo, cho đến loại chợ chồm hổm ven đường, nơi đầu cầu, nơi khu có nhiều công nhân làm việc. Cho đến những ngôi chợ lớn danh tiếng có nhiều du khách ghé thăm.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, Sài Gòn có khoảng trên 200 ngôi chợ lớn nhỏ, đa số nằm trong nội thành (hơn 160 chợ). Các chợ buôn bán đủ thứ các mặt hàng, nhưng cũng có những chợ chuyên bán một loại hàng hóa, hay một chủng loại hàng hóa, như chợ Trần Chánh Chiếu ở quận 5 chuyên về nông sản (người dân gọi là chơ gạo), chợ Hòa Bình quận 5 chuyên về hoa quả, cá biển, chợ Soái Kình Lâm quận 5 chuyên kinh doanh vải, chợ Hà Tôn Quyền quận 5 chuyên sắt thép, phế liệu, chợ Kim Biên quận 5 chuyên mặt hàng hóa chất, đồ chơi trẻ em, hàng gia dụng, chợ Tân Thành quận 5 chuyên phụ tùng xe gắn máy, xe đạp, chợ Bình Tây quận 6 chuyên về hàng tiểu thủ công nghiệp nội địa, chợ Hồ Thị Kỷ quận 10 chuyên kinh doanh hoa, chợ Nhật Tảo quận 10 chuyên linh kiện điện tử... Sài Gòn cũng có những khu vực buôn bán những mặt hàng cũ, linh tinh, phế thải ở ngoài trời gọi là chợ trời...

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận 10, hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Ảnh Internet.

Có những ngôi chợ chuyên bán những mặt hàng truyền thống của một địa phương, như chợ Bà Hoa ở Tân Bình chuyên bán những sản phẩm của Quảng Nam, hay chợ Ông Tạ cũng ở Tân Bình chuyên cung cấp sản phẩm của người gốc Bắc... Ở Sài Gòn cũng có những chợ như chợ chó, chợ chim chuyên bán chó kiểng, chim kiểng, ngày xưa bán ở khu Chợ Cũ quận 1, sau dời về khu Cầu Mống, ở đường Lê Hồng Phong quận 10 cũng có một khu vực chuyên bán chim, chó.

Chó kiểng bán ở khu Lê Hồng Phong quận 10. Ảnh Internet.

Ở Sài Gòn cũng có một ngôi chợ từ trước năm 1975 gọi là Chợ Dân Sinh ở quận 1, bán đủ mọi thứ trên đời, kể cả hàng quân trang quân dụng cũ mới. Có những du khách ngoại quốc đến đây tìm mua những đồ dùng cùa của lính Mỹ ngày xưa, như hộp quẹt zippo cũ có khắc chữ, hay hình ảnh Sài Gòn xưa, nón sắt, la bàn, ống nhòm, cuốc xẻng, bi đông (bình toong), gà mên... ngày xưa của Mỹ sản xuất... Sài Gòn cũng có những ngôi chợ chuyên bán về ban đêm phục vụ khách hàng, gọi là chợ đêm, như khu chợ đêm ở những con đường chung quanh chợ Bến Thành, hoặc trước đây ở khu đường Kỳ Hòa quận 10. Qua một số chợ tiêu biểu vừa kể, ta thấy phần lớn chợ tọa lạc ở khu vực quận 5 nơi có nhiều người Hoa sinh sống, để thấy rằng từ xưa đến nay người Hoa tại Sài Gòn rất năng động về những hoạt động kinh tế.


Chợ Dân Sinh ở quận 1 bán đủ thứ linh tinh, quần áo, bình toong, giày nhà binh... Ảnh Internet.

Nếu có ai hỏi "ngôi chợ có tiếng nào lâu đời nhất ở Sài Gòn đến nay vẫn còn hoạt động?", chắc sẽ có nhiều người trả lời là "chợ Bến Thành", là ngôi chợ đã có tuổi đời cả trăm năm nay, một ngôi chợ có tiếng khác là chợ Bình Tây, còn gọi là Chợ Lớn Mới cũng có tuổi đời gần một trăm năm. Đây là hai ngôi chợ nổi tiếng nhất xưa nay ở Sài Gòn được nhiều người biết, nếu nói xưa và nhiều người biết ta có thể thêm vài ngôi chợ nữa, chẳng hạn như chợ Tân Định ở quận 1, chợ An Đông ở quân 5, chợ Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh...

Theo sách Hỏi đáp về Sài Gòn - Thành phố Hố Chí Minh (tập 4 - Kinh tế - Nhiều tác giả, NXB Trẻ 2007), ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn đến nay vẫn còn hoạt động là chợ Kim Biên, chứ không phải là chợ Bến Thành. Chợ Kim Biên nằm trong khu vực rất cổ xưa của vùng Chợ Lớn, có con đường cùng tên là đường Kim Biên. Đường này thời Pháp tbuôc mang tên là đường Cambodge. Từ ngày 19-10-1955 đường Cambodge được đổi tên thành đường Kim Biên. Sách viết khu vực chợ Kim Biên này buôn bán đông đúc, sầm uất vào khoảng năm 1778, do những người Hoa từ Cù Lao Phố (Biên Hòa) và Mỹ Tho đến sinh sống lập phố chợ.

                                                       Chợ Kim Biên  Ảnh Internet.

Sách viết thế thì biết thế chứ sách cũng không nói rõ ràng là cái tên chợ Kim Biên có từ bao giờ? Theo tôi thì có lẽ tên chợ Kim Biên có từ sau năm 1955, là thời điểm chính quyền bấy giờ đổi tên đường Cambodge thành đường Kim Biên. Nhìn kiến trúc của ngôi chợ Kim Biên ta thấy đây là kiến trúc tương đối mới không có gì đặc sắc, chỉ khoảng độ một nửa, hoặc hơn nửa thế kỷ nay, chứ không xưa như chợ Bình Tây hay chợ Tân Định. Nói chợ Kim Biên là chợ xưa nhất thành phố Sài Gòn còn hoạt động đến nay, có lẽ là nói đến ngôi chợ gốc (lịch sử) có từ trước thời được đặt tên là Kim Biên, từ thời năm 1778 do những người Hoa đến đây thành lập như ở trên. Điều này có lẽ tương tự như sách vở có nói nhà thờ Chợ Quán là nhà thờ xưa nhất của thành phố, Thực ra nhà thờ Chợ Quán ta thấy hiện nay được xây dựng từ năm 1887 và khánh thành năm 1896, trong khi nhà thờ Đức Bà xây dựng và khánh thành trước đó (năm 1880). Nhưng họ đạo Chợ Quán là một họ đạo lâu đời nhất Sài Gòn (và ở cả miền Nam), thành lập từ năm 1723, và từ khi thành lập, họ đạo đã xây cất ngôi nhà thờ bằng vật liệu nhẹ, sau đến năm 1896 được thay bằng ngôi nhà thờ kiên cố như ta thấy ngày nay.

Như vừa nói, đường Kim Biên xưa thời Pháp là đường Cambodge, người Pháp đặt tên đường như thế là để tỏ "tình thương mến thương" với nước Kampuchia, thời đó dinh của Thống đốc Nam kỳ được đặt tên là dinh Norodom (tên của Quốc vương Cambodge lúc đó), và con đường trước dinh cũng mang tên này. sau này là dinh Độc Lập, rồi dinh Thống Nhất.

Đến năm 1955, thời TT Ngô Đình Diệm tuy đổi tên đường Cambodge thành đường Kim Biên, nhưng "tình thương mến thương" với nước bạn vẫn còn đó, bởi tên gọi Kim Biên  là tên Hán-Việt của thủ đô Phnom Penh - Cambodge, phiên âm tiếng Việt là Nam Vang. Cũng cùng trên một địa bàn (phường 13 quận 5), còn có một con đường mang tên Vạn Tượng 萬象  là tên gọi Hán-Việt của thủ đô nước Lào Vientiane, phiên âm tiếng Việt là Viên Chăn. Đường Vạn Tượng thời Pháp thuộc tên là Yunnam, cũng từ ngày 19-10-1955 chính quyền lúc ấy đổi tên thành đường Vạn Tượng. Như thế ta cũng thấy thời TT Ngô Đình Diệm cũng đã tỏ tình thân hữu với hai nước láng giềng này.

Hóa chất thực phẩm bán bằng can nhựa tại chợ Kim Biên  Ảnh Internet.

Nói tới chợ Kim Biên là phải nói tới... hóa chất. Từ trước năm 1975 nơi đây đã là một chợ đầu mối về buôn bán các loại hóa chất, không rõ thời đó ra sao chứ hiện nay tình trạng buôn bán này đã đến lúc đáng báo động do không kiềm soát nổi, nhất là những loại hóa chất phụ gia cho vào thực phẩm. Báo chí đã nói đến rất nhiều về vấn đề này có lẽ các bạn đã biết.

Cuối năm sắp tới Giáng sinh, Tết tây, Tết ta, việc buôn bán đang nhộn nhịp khởi sắc. Một vài nét chấm phá về chợ ở Sài Gòn.






14 nhận xét :

  1. Trong các chợ này thì bây giờ có chợ Kim Biên được mệnh danh là chợ Thần......Chết. Bất kể thứ phụ gia gì dùng trong ngành thực phẩm lên dây đều có. Ngán ngại nhất là việc phụ gia công nghiệp thì lại bỏ vô thực phẩm. Thế nêb nói đến chợ Kim Biên là con ớn lạnh.
    Chợ chó kiểng, chiêm kiểng bác nói ở khu vực Cầu Mống thì nay con mới biết. Chứ trước giờ Cầu Mống như con biết là địa điểm ngắm cảnh, đi bộ cho giới trẻ hịen nay. :).
    Chợ hoa Hồ Thị Kỷ có điểm đặc biệt nữa là ngoài bán hoa ra, chợ này là "trùm" về bán đồ ăn của người Miên. Các loại khô, chè, mắm, món ăn của người Miên, muốn ăn thì xin mời lên đây. Hì hì.
    Chúc bác cuối tuần khoẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May quá, buổi sáng tôi không sao vào được blogspot bằng tài khoản của mình, đánh vật cả buổi sao tự nhiên đến trưa lại vào được.
      Hồi này ít thấy HT trên blog, cuối năm bận làm việc hay bận chuyện gì khác?
      Chợ hóa chất Kim Biên thì kinh lắm, hóa chất độc hại bán tràn lan mua thứ gì cũng có, rất rẻ, nhất là những loại cho vào thực phẩm, thảo nào người mình không bệnh sao được.
      A, chơ hoa HTK lại bán các loại khô, mắm Miên nữa hả, giờ tôi mới biết.

      Xóa
    2. Dạ. Hôm qua con cũng ko vào blog được như bác. Con vào blog bằng điện thoại thôi bác à. Chứ máy tính của con dùng mạng là bị chặn à! Con vẫn vào blog của bác xem hàng ngày. Con không thích bạ cái nào cũng còm nếu mình không biết gì. Hì hì.
      Chợ HTK hay còn gọi chợ Lê Hồng Phong thì con hay ghé đó ăn hồi còn ở trong Chợ Lớn. Chè của người Miên ăn thì ngon bá cháy. Con ăn lần là ăn hoài ở đó. Con thích ăn cơm.với khô, con thường ghé đây mua khô về để ăn. Bỏ vô lò nướng nướng giòn lên. Ăn tốn cơm lắm! :))))

      Xóa
    3. Vậy hôm qua mạng có vấn đề hả? Hì hì, coi bộ anh chàng trẻ tuổi này có suy nghĩ... già nhỉ? Cũng đúng thôi, tôi cũng thế, có nhiều cái mình không biết ở trang nhà bạn bè thì cũng chỉ vào xem chứ không dám nói tầm bậy.

      HT chịu khó đi ăn hàng dữ ha, trời lạnh lạnh, có mưa mà ăn cơm với khô là bá cháy :-)))

      Xóa
    4. Con vốn ko hạp với nhũng đồ ăn....sang chảnh. cứ đơn giản, dân dã thì con lại ăn được nhiệt tình. Vô mấy nhà hàng sang trọng là con ăn không thoải mái lắm! Chứ ăn ở vỉa hè thì vui và ăn được nhiều hơn. Con ăn khô riết giờ người con cũng sắp thành khô rồi. Khô cá còn có giá chứ khô con mang ra cho không chắc người ta còn....tế cho. :((((

      Xóa
    5. Bình dân vậy là sống khỏe. Không sao, giống khô cá hố cũng được miễn bác Salam và con gái bác ấy ô kê :-)))

      Xóa
  2. Ngoài bắc có chợ tình, chợ trời, chợ âm phủ.
    Chợ tình có lẽ ở đâu cũng có. Tình này không bán ở lều quán mà bán trong nhà cửa sang trọng. Có siêu thị sách, siêu thị bách hóa, thì phải có siêu thị tình chớ sao. Siêu thị này nhà nước cấm nhưng người ta cứ hoạt động. Cấm tham nhũng, cấm bán tình mà đâu có được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đọc Tô Hoài thấy ngày xưa ở Hà Nội có cả Chợ Hôm, Chợ Mai, Chợ Đuổi...

      Còn Chợ Tình thì khỏi nói rồi, bất cứ ở đâu, xó xỉnh nào cũng có, từ ngàn xưa rồi. Chợ này chắc lâu đời nhất trong các loại chợ.

      Xóa
  3. Ah, vậy là bác H đã vào được nhà blogspot của bác rồi . Ở quận 1 có một chợ ngày xưa khá nổi tiếng , nay đã bị xóa sổ là chợ Cầu Ông Lãnh chuyên bán cá , hải sản, gần đó có chợ Cầu Muối bán trái cây , rau ,củ , gạo , đậu ... giờ không biết còn không , ít còn nghe ai nhắc tới

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, nguyên buổi sáng hôm qua đánh vật với cái máy tính, không hiểu sao không thể vô blogspot được (vào bật cứ trang nào của bạn bè chứ không riêng trang của mình), nhưng nếu lấy địa chỉ của cu cậu con trai thì lại vào thoải mái. May mà tới trưa thì... trèo vào nhà mình được.

      Chợ Cầu Ông Lãnh xưa là một chợ đầu mối về thủy sản, rau củ, thì xóa xổ khi làm cây cầu mới, hôm nọ lại cháy khu nhà ổ chuột ở đây, nhưng chợ Cầu Muối gần đó thì vẫn còn, chỗ chợ Cầu Muối có ngôi chùa Bà Thiên Hậu đó.

      Không biết Marg. có nhớ chợ cá Trần Quốc Toản không?

      Xóa
  4. Ôi giào ....nếu kể trên đầu ngón tay là có bao nhiêu chợ ở Sài Gòn , kể cả lớn , nhỏ luôn thì vô số kể anh Hiệp nhỉ ? Một góc nhỏ để đủ nhóm thành một cái chợ chồm hổm thì cũng đã được gọi là chợ rồi ! Lần này về VN , em lại có dịp đi chợ gần sát nhà : chợ không lớn nhưng cũng đủ bán các thức ăn để phục vụ cho giới công chức ghé tạt qua mua vài món cho bữa ăn của gia đình rồi , thế nên không cần phải đi xa ...em nghĩ cũng tiện lợi ghê ! Nhưng cứ mọc lên như thế , đường xá mình cũng gặp khó khăn về vấn đề giao thông anh Hiệp hén ?

    Em nghe nói đến chợ Kim Biên rất nhiều , nhưng lại chưa có dịp để đến tham quan lúc còn ở VN , giờ được anh Hiệp dẫn đi tham quan thế thì cũng quá tuyệt rồi ! Em cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho nên ở VN người ta nói có một thứ văn hóa là... văn hóa chợ, hì hì! Thật ra thì loại chợ truyền thống chắc còn lâu mới hết dù đã có biết bao nhiêu siêu thị lớn nhỏ, bởi cái tiện dụng của nó, cũng là... một hãng... thông tấn tự nhiên, loan truyền nhiều tin tức đủ loại.

      Chợ Kim Biên bây giờ là nơi phát tán... tử thần, khi người ta mua được ở đấy đủ thứ cho vào thực phẩm giá rẻ rề mà không có nhãn mác, xuất xứ. NangTuyet thử nhìn tấm hình cuối cùng thì biết, hương cafe gì cũng có, chỉ cần bột bắp cho hương này vào là có cafe sữa uống ngon lành, cho nên có nhiều phần chắc là khi uông cafe vỉa hè, cả trong quán ta uống loại hóa chất này.

      Bởi thế dân VN mới bệnh quá xá. Dân ta tự hại dân mình.

      Xóa
  5. Cóc đơi ! Ai mua cóc vàng làm chà bông không , cóc đơi , ai mua cóc của Thím Salam hôn ... he he
    Có nhiều chợ lạ lắm nghe :
    Chợ Cóc mà không bán cóc
    Chợ giời mà không họp trên trời
    Chợ chồm hổm mà không ngồi chồm hổm
    Chợ âm phủ mà không bán cho ma
    Chợ cây Quéo mà không bán quả Quéo
    Chợ cây thị mà không bán quả thị
    Chợ gà móng đỏ mà không bán gà

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, bác Salam là người kinh doanh cho nên khá rành các loại chợ :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))