Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Hai ngôi chợ xưa tiêu biểu ở Sài Gòn.



Những ai đã từng ở Sài Gòn lâu năm rồi đi xa, hoặc nay vẫn còn ở lại, chắc chắn sẽ nhớ đến một vài ngôi chợ xưa ở Sài Gòn, mà tôi liệt kê sau đây:

- Chợ Bến Thành:

Đây là ngôi chợ có nguồn gốc lâu đời, và cũng nổi tiếng nhất. Cho đến tận ngày nay vẫn là một trung tâm mua bán, du lịch của thành phố, được rất nhiều du khách biết đến, có lẽ một phần cũng là nhờ chợ ở ngay trung tâm thành phố, một vị trí không thể có nơi nào "đắc địa" hơn (trung tâm quận 1 hiện nay).

Chợ Bến Thành thời kỳ mới xây dựng, trước chợ còn trống trải chưa thành đường, với người đi bộ, xe kéo, xe ngựa hòm kiếng chở khách. Ảnh Internet.

Thoạt đầu chợ Bến Thành được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm ở khu vực bây giờ được gọi là Chợ Cũ, Chợ Bến Thành thời ấy rất sầm suất, vì nằm dọc theo bến sông để dễ tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa đi các nơi bằng ghe thuyền. Chợ cũng gần bên Thành Gia Định, còn được gọi là Thành Quy, nên được gọi là chợ Bến Thành. Sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, Thành Quy bị vua Minh Mạng ra lệnh phá hủy, việc buôn bán của chợ Bến Thành không còn được như truóc.

Năm 1859, người Pháp đánh chiếm Thành Gia Định, cuộc chiến đã thiêu hủy chợ Bến Thành. Một năm sau, người Pháp đã cho xây lại chợ Bến Thành trên khu vực cũ, cũng bằng gạch, sườn gỗ, lợp lá. Đến tháng 7-1870 chợ bị cháy mất một gian. Người Pháp cho xây cất lại thành năm gian, cột gạch, sườn sắt, lợp ngói. Trong năm gian hàng đó có gian hàng bán cá, thịt được lát đá xanh, lợp tôn.

Chợ Bến Thành thời vua Bảo Đại (chân dung nhà vua treo trước chợ), đã có đường xá, xe thổ mộ chở người, hàng hóa, và xe xích lô đạp. Ảnh Internet.

Chợ Bến Thành buôn bán nhộn nhịp trở lại. Đến năm 1911, ngôi chợ xuống cấp, cũ kỹ có thể sụp đổ. Người Pháp phải phá bỏ những gian chợ lợp ngói nặng nề, chỉ giữ lại gian lọp tôn vì nhẹ. Diện tích bị thu hẹp, chợ Bến Thành không còn đáp ứng được nhu cầu mua bán, người Pháp chọn một địa điểm khác để xây một chợ mới, đó chính là ngôi chợ Bến Thành ngày nay.

Chợ Bến Thành thời trước năm 1975, trên đường phố đã có các loại xe. Mặt tiền chợ có những biển quảng cáo của hãng giày Bata. Ảnh Internet.

Chợ Bến Thành ngày nay được xây dựng bởi hãng thầu Brossard et Maupin. Khởi công từ năm từ năm 1912, đến cuối tháng 3-1914 thì hoàn thành. Dịp khánh thành, chính quyền thành phố lúc đó tỏ chức ăn mừng liền trong 3 ngày cuối tháng 3-1914, với pháo bông, xe hoa diễu hành, có cả trăm ngàn người hiếu kỳ từ các tỉnh đổ về tham dự.

Ngoài tên gọi là chợ Bến Thành, người dân Saigon còn có những tên gọi khác để gọi, đó là tên Chợ Mới (để phân biệt vói chợ Bến Thành cũ như đã viết bên trên, khu vực ngôi chợ cũ còn 1 gian này sau đó được gọi là Chợ Cũ, tên gọi vẫn còn tồn tại đến ngày nay). tên gọi Chợ Mới có lẽ chỉ phổ biến lúc chợ mới xây. Chợ cũng còn một tên gọi khác mà người dân Sài Gòn quen gọi, đó là chợ Sài Gòn.

Nếu kể từ năm hoàn thành (1914), đến nay (2015), chợ Bến Thành tính ra đã được 101 tuổi. Hình ảnh của chợ Bến Thành đối với người dân Sài Gòn, là hình ảnh tiêu biểu cho thành phố Sài Gòn năm xưa.


- Chợ Bình Tây:

Cũng như chợ Bến Thành tọa lạc nơi trung tâm quận 1, chợ Bình Tây cũng có nguồn gốc lâu đời, nhưng nằm trong khu vực trung tâm quân 5, 6, nơi xưa nay có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống. Chợ Bình Tây khi mới xây dựng, và một thời gian dài sau đó được gọi là Chợ Lón Mới, để phân biệt với Chợ Lón (cũ), nằm ở gần đó, phiá bên Bưu điện quận 5 hiện nay.

Hình ảnh Chợ Lớn (cũ) ngày xưa. Ảnh Internet.

Thoạt đầu tên gọi Chợ Lón là để chỉ một ngôi chợ của người Minh Hương lập ra để làm ăn buôn bán, đã có từ rát lâu đời. Trước năm 1698 đã có những nguòi Hoa không thần phục nhà Thanh đến đây sinh sống. Cho đến khoảng năm 1776, sau khi Cù Lao Phố (Biên Hòa) bị quân Tây Sơn tàn phá, người Hoa ở đó đã chạy về đây lánh nạn, khiến vùng này trở nên đông đúc. Họ đã lập ra ngôi Chợ Lớn kể trên. Ít năm sau khi về định cư tại khu vực Chợ Lớn, sử sách có chép những người Hoa lại bị quân Tây Sơn tràn tới giết hại lần nữa, bởi ở miền Nam họ đã giúp quân của Nguyễn Ánh.

Thời đó, ở khu vực Chợ Lớn có một nhà tư sản người Hoa là Quách Đàm, chủ nhà buôn Thông Hiệp (lấy từ câu "Thông thương sơn hải/ Hiệp quán càn khôn", đại khái có nghĩa là "Bán buôn khắp chốn/ Thâu tóm cả đất trời" của một ông thày Tàu cho chữ. Xét thấy cái chí kinh doanh của ông Quách Đàm không hề nhỏ. Từ câu đó mà nhà tư sản này còn được gọi là Thông Hiệp. Ông Quách Đàm được coi là một trong những nhà tư sản giàu có tiếng lúc bấy giờ.

Công việc làm ăn phát đạt, nhà tư sản Quách Đàm bỏ tiền ra mua đất xây dựng một ngôi chợ mới, trên một khu đất nông ngiệp cách không xa ngôi Chợ Lớn (cũ). Tiền mua đất, xây chợ Quách Đàm hoàn toàn tự bỏ và hiến tặng không cho nhà nước lúc bấy giờ. Ông ấy nhiều tiền của quá nên làm việc nghĩa chăng? Có lẽ không phải, bên cạnh đó ông Quách Đàm cũng xây những dãy phố lầu chung quanh chợ. Sau đó ông vận động các quan chức cao cấp Nam kỳ dời ngôi Chợ Lớn về đây. Khi chợ đã được dời về, mục đích của ông là bán, hoặc cho thuê những căn phố lầu quanh chợ. Khi ông mua là đất nông nghiệp rẻ mạt, tiền xây không bao nhiêu, nhưng khi bán những căn phố chợ tấp nập thì một vốn đến mười lời. Tầm nhìn của ông chủ Thông Hiệp thật đáng nể. Dĩ nhiên là ông lời to, thu về được những khoản tiền lớn

Hình ảnh chợ Bình Tây ngày xưa, phía trước có xe ngựa (xe thổ mộ), xe kéo. Ảnh Internet.

Thoạt đầu chợ có tên là chợ Quách Đàm theo tên gọi của ông chủ hãng Thông Hiệp. Trong dân gian cũng gọi là Chợ Lớn Mới, để phân biệt với Chợ Lớn (cũ), cũng tựa như người ta gọi chợ Bến Thành khi mới xây dựng là Chợ Mới, và chợ Bến Thành cũ là Chợ Cũ. Chợ được xây dựng vào những năm 20 của thập kỷ XX, bằng xi măng cốt thép theo kiến trúc Á đông, hài hòa, trên một diện tích hơn 17.000 mét vuông. Trong chợ có một hoa viên đặt bức tượng toàn thân của ông Quách Đàm. Tượng được đúc bằng đồng trông nho nhã, kẻ sĩ, chứ không giống như những tay tư bản đầu nậu bung phệ lắm tiền nhiều của ta thường thấy ngày xưa trong Chợ Lớn. Sau ngày 30-4-1975 tượng được dời đi. Hiện nay được dựng trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật thành phố ở quận 1. Theo tôi, nên "trả" bức tượng Quách Đàm lại về chỗ cũ, cho người đã bỏ công, bỏ của ra xây ngôi chợ Bình Tây là hay nhất. Ông Quách Đàm mất vào năm 1927, đám ma của ông khi ấy rất lớn, người ta nói bất cứ ai ghé lại viếng, hoặc đưa đám, dù chỉ đi một đoạn, cũng có người bưng tới ly nước dừa hay la ve (bia), cùng chiếc quạt giấy và tờ giấy bạc năm đồng có hình con công thời đó, một món iiền lớn.

Tượng của ông Quách Đàm khi còn ở hoa viên chợ Bình Tây. Ảnh Internet.

Tượng hiện nay trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP. Ảnh Internet.

Theo thời gian, tên gọi chợ Quách Đàm, Chợ Lớn Mói xưa đã dần mai một, nay được gọi là chợ Bình Tây, là một ngôi chợ lớn của Sài Gòn, Một dạng chợ đầu mối chuyên bán sỉ, lẻ các mặt hàng gia dụng, và cũng như chợ Bến Thành, luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé xem, mua sắm.

Chợ Bình Tây trước năm 1975. Ảnh Internet.

Trong một bài trước tôi có viết về Chợ Lớn Mới, bạn NangTuyet có vào xem và ngỏ ý muôn được biết thêm về ngôi chợ này. Nay tôi viết lại về những gì cơ bản liên quan đến ngôi chợ, và người có công lập ra chợ là ông Quách Đàm. Hy vọng bạn NangTuyet, và các bạn khác vào đọc sẽ rõ hơn về ngôi chợ khá nổi tiếng ở Sài Gòn này. Nhân tiện tôi cũng viết lại về chợ Bến Thành, một ngôi chợ xưa khác của Sài Gòn mà ai cũng biết.


  
Ghi chú:

- Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn.






32 nhận xét :

  1. Theo Salam thì kiến trúc chợ Bình Tây đẹp và bề thế hơn chợ Bến Thành . Chợ phảng phất một ngôi chùa cổ , mái lợp bằng ngói âm dương rất đẹp , chợ cũng mang dấu ấn của Trung Hoa
    P / s : Hôm nọ có đọc một bài viết nói ông Lãnh binh Thăng xây 5 ngôi chợ cho 5 người vợ trong đó có chợ Bà Chiểu , Bà Điểm vvv để cho các bà khỏi cãi nhau ... Salam không tin

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kiến trúc chợ Bình Tâyđẹp và bề thề hơn chợ Bến Thành là đúng rồi Salam. Trông như một "Tự viện" lớn, với hệ thống mái cầu kỳ, cũng bởi người bỏ tiền xây dựng là nhà tư sản người Hoa Quách Đàm. Còn chợ Bến Thành do người Pháp xây dựng, nó đơn giản, hợp lý với công năng của một ngôi chợ hơn.

      Chợ Bình Tây cộng với những dãy phố lầu chung quanh chợ, tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa nhưng tiếc rằng những dãy phố này đã hư hỏng theo thời gian đã bị phá bỏ.

      Còn chuyện Ông Lãnh (lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng) xây 5 cái chợ cho 5 bà vợ (như chợ Bà Chiểu, Bà Điểm, bà Quẹo...), hình như trước đây có tay nào viết sách báo lấy chuyện này minh chứng cho người miền Nam làm kinh tế giỏi, tào lao hết mức. Nó chỉ là chuyện của mấy ông nhậu nói tầm phào bên bàn nhậu, vì có một ngôi chợ ở quận 1 tên là chợ Cầu Ông Lãnh, mới ra cớ sự.

      Chỉ có Ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866) là tướng của nhà Nguyễn kể trên, là người đã có công xây dựng cái cầu Ông Lãnh, mới đầu bằng gỗ, sau đúc bê tông, nên gọi là cầu Ông Lãnh. Rồi chợ mọc lên ở gần bên cầu nên chợ được gọi luôn là chợ Cầu Ông Lãnh.

      Vụ này trong sách Sài Gòn năm xưa cụ Vương Hồng Sển đã lên tiếng.

      Xóa
  2. Bài viết thật hay và thật bổ ích về những kiến thức mà bản thân em đã không hề biết đến bao giờ . Với hai chợ thật nổi tiếng ở Sài Gòn với những biệt danh cũ và mới như thế đã gợi lại cho những thế hệ có từ những thập niên 60 càng bâng khuâng khi nhìn lại những hình ảnh cũ mang đầy ký ức của một Sài Gòn xa xưa . Còn đối với thế hệ trẻ ngày nay thì đó là một kho tàng kiến thức vô cùng quý báu để có thể được học hỏi thêm về nền văn hóa của nước nhà .

    Với khu chợ Bình Tây trông hình ảnh thật hoành tráng cũng chẳng kém gì chợ Bến Thành anh Hiệp hén ? Về lai lịch của khu chợ này thật là thú vị . Em không hiểu sao họ lại di dời bức tượng của ông Quách Đàm đi ? Đúng như anh nói bức tượng của ông : người sáng lập ra khu chợ này nên được đặt trong khuôn viên chợ là hay nhất vì như vậy du khách đến tham quan họ có thể biết rõ về lai lịch của cái chợ này một cách rõ ràng .Điều đó là điều cần phải làm để đáp ứng được niềm đam mê của các du khách muốn tìm hiểu về nền văn hóa ở đất nước mà họ đang đặt chân đến .

    Em cảm ơn anh Hiệp rất nhiều vì qua bài viết này , em đã được học hỏi thêm về những kiến thức rất bổ ích mà với những người sống tha phương như em việc tìm về cội nguồn của mình là một điều rất quý .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, NangTuyet thấy tôi có thể dắt khách du lịch đi thăm Saigon được không? Những ngôi chợ, nhà thờ, chùa, đình, đền... nổi tiếng ở Saigon hầu như tôi đều tìm hiểu, có tài liệu, sách vở, và đã ghé thăm. Sanh ở miền Bắc, nhng đã gắn bó cả đời với Saigon rồi.

      Về bức tượng, nghe nói bây giờ họ cho đặt lại một bức tượng bán thân của ông Quách Đàm ở chỗ tượng cũ nơi chợ Bình Tây (chẳng biết tượng ấy ở đâu ra). Nếu là tượng của ông ấy, được lấy từ ngôi nhà cũ của ông trong Chợ Lớn còn đỡ. Nhưng hay nhất vẫn là mang bức tượng ngày xưa trả về chốn cũ, bởi bức tượng ấy, cùng với ngôi chợ nó 9ã trở thành một di tích lịch sử của Saigon. Hình như bây giờ ở những nơi công cộng, chỉ có tượng lãnh tụ, và nhóm tượng với motif Công - Nông - Binh + Mẹ VN anh hùng,

      Xóa
    2. Ôi ! Nhất rồi anh Hiệp ơi ! Có lẽ anh nên mở một đại lý của ngành du lịch thì chắc chắn sẽ " phát tài " lắm đó . Mà vợ chồng em sẽ là người đầu tiên đăng ký các tour đi thăm những khu di tích lịch sử ở Sài Gòn mình đó nha ...

      Nghe anh nói mà em nghĩ đến khu trung tâm của Sài Gòn mình ngày nay bây giờ đang bắt đầu đổi mới , thế nhưng những di tích để tượng trưng cho Sài Gòn xa xưa cũng dần mất trong ánh mắt nuối tiếc của những người sinh và lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn này anh Hiệp hén ?

      Xóa
    3. Đi du lịch, tôi thấy ở VN ít có hướng dẫn viên du lịch giỏi (kiến thức phổ thông và chuyên ngành cao), chủ yếu họ lo vấn đề đi đứng, ăn ở cho đoàn, còn khi giới thiệu di tích thường họ theo một khuôn mẫu được định sẵn, nhàn nhạt, nhiều khi sai lệch... Cũng có khi họ lên mạng lấy đại những thông tin mà thiếu chọn lọc, xét đoán, cũng có những người thích nói, nhưng lan man không nhấn mạnh được những nét chính của di tích mình đang giới thiệu.

      Saigon đang mất dần những di tích có tính chất lịch sử, chẳng hạn lăng Cha Cả (lăng Giám mục Bá Đa Lộc ở vành đai sân bay Tân Sơn Nhất - Tân Bình), mới đây thì Thương xá TAX, Thương xá đầu tiên ở Saigon bị đập bỏ, thật tiếc...

      Xóa
    4. Ôi ..ôi ...nếu thế thì thật là tội cho ngành du lịch của mình , mà nói đi nói lại người bị thiệt thòi vẫn là du khách vì họ không biết gì nên nghe hưu với vượn mà thôi anh Hiệp hén ?

      Kỳ về VN vừa rồi , em phải công nhận SG mình thay đổi nhiều . Cũng vui vì đất nước mình cũng đã theo kịp đà phát triển nền kinh tế như nước ngoài với bộ mặt mới mẻ và hiện đại . Thế nhưng phải chi đừng đập phá cái cũ mà nên xây ở một khu vực khác vẫn hay hơn anh Hiệp nhỉ ?

      Xóa
    5. Ai đã từng đi du lịch nhiều với các hãng du lịch VN, kể cả những hãng lớn, có tiếng (nhất là khi đi cùng với cơ quan), chắc hẳn đã thấy HDV du lịch nhiều khi "tấu hài" cho du khách nghe nhiều hơn là giải thích ý nghĩa di tích, thắng cảnh...

      Đất nước bây giờ thay đổi nhiều, nhung có vẻ như bây giờ người ta ít phân biệt được cái cũ kỹ, lạc hậu, cần phải thay thế, với cái cũ nhưng đã trở thành di tích, thành chứng tích của một thời, mất nó là không bao giờ tìm lại được nữa.

      Sau cùng là về chữ viét tắt SG, Ngày xưa người ta viết tắt chữ Saigon là SGn có thêm chữ "n" sau SG, có lẽ để phân biệt với chữ viết tắt của Singapore là "SG" đó NangTuyet :-)))

      Xóa
    6. Hihi ...chời ơi vậy là em phải cảm ơn anh Hiệp nhiều nhiều ..lắm nè vì đã được học hỏi thêm một kiến thức về chữ nghĩa nữa . Thật hay nếu không sẽ hiểu nhầm là Singapore ! Ui ..ui ..lần nữa em cảm ơn anh Hiệp nhé .

      Xóa
    7. Hì hì, về chữ viết tắt của Saigon là SG không hiểu sao bây giờ quen viết thế, chứ như NangTuyet thấy đất, ngay từ trước 1975 Saigon đã viết tắt là SGn, để phân biệt với chữ viết tắt SG là để chỉ nước Singapore. Bây giờ người Việt mình đi chơi Singapore hay mua những cái ao thun trước ngực đề I + hình trái tim + SG.

      Xóa
  3. Ở Sài Gòn bu có đến hai chơ, Chợ Bến Thành và chợ Hàng Xanh gần nhà bu ở.
    Chợ Hàng Xanh lèo tèo mà hàng chi cũng có thuận tiện ghê,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu thấy ngay gần chỗ nhà con trai bác Bu ở Hàng Xanh có ngôi chợ nhỏ trong cái hẻm. Tôi có nhà Ông Cậu phía bên bà xã ngay gần đầu hẻm trong chợ. Saigon năm xưa có rất nhiều chợ, từ chợ lớn, tên tuổi, đến những ngôi chợ nhỏ trong xóm lao động, phải nói buôn bán rấy nhộn nhịp, thuận tiện cho người dân.
      Điều này mới nói lên là dân Saigon thật năng động, làm kinh tế giỏi, chứ không phải cái chuyện tầm bậy Ông Lãnh xây 5 cái chợ cho 5 bà vợ bên trên.

      Xóa
    2. Chợ Hiệp Thành ( Q.12) là Chợ bác Hiệp dựng lên mà thành - nôm na gọi là chợ Hiệp Thành !

      Xóa
    3. Hah, chính xác luôn Lão Tân.

      Hiệp Thành là tên địa danh hành chánh (phường Hiệp Thành, quận 12) rồi thành tên chợ, Còn Bình Tây nguyên là địa danh của khu vực, bên kia sông đối với Bình Tây là Bình Đông, có Bến Bình Đông.

      Xóa
    4. Chơ Hiệp Thành họp ban ngày nên còn gọi là chợ Hiệp - Nhật Thành! He he...

      Xóa
    5. Haha, chợ Hiệp - Nhật Thành, nghe hay nhỉ?

      Xóa
  4. Trong tháng 9 đọc trang nhà bác Giao thấy có nói đến ông Lương ngọc Huỳnh võ sư có tài hô phong hoán vũ . Ổng tự nhận là đã đuổi mưa cho ngày quốc khánh 2 - 9 thành công tốt đẹp . Chưa hết đâu Ổng còn khoe là năm 2014 đã lái cơn bão Hải Yến đáng lý ra đổ bộ vào Đà Nẵng nhưng ổng lái ngược ra phía Bắc . Chưa hết đâu cũng trong năm 2014 ông cũng lái 3 cơn bão đổ bộ vào Tung Chảo , tránh cho người dân Việt thoát khỏi hoạn nạn ... He he he ... sao người Việt mình lại có người giỏi bá đạo như vậy bác Hiệp hè . Bác có tin nhân tài thời nào cũng có
    P / s : Con Dể cụ Huy Trường của Salam đâu ta ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha! Giỏi như Khổng Minh Gia Cát Lượng ngày xưa mà cũng chỉ bấm độn, xem thiên văn, rồi lợi dụng những hiện tượng thiên nhiên có thể xảy ra để đánh đối phương, chứ cũng chẳng có tài thánh "hô phong hoán vũ" như những ông phét lác này. Có lẽ đây là cái thói thích "nổ" của dân ta, cũng có thể họ tạo Scandal để gây tiếng tăm.

      Nó cũng tựa như loại bài và những tranh cãi về ngoại cảm, nó là những thông tin "rác", ta có thể đọc (để biết) nhưng không nên quan tâm làm gì cho mất thời giờ. Bác Salam khuyến cáo mọi người hãy thận trọng chọn lọc thông tin, mà nghe chừng bản thân bác hay bị những thông tin tầm phào, vô bổ cuốn hút, hì hì!

      Xóa
    2. Salam gần thành " Yêu quái " rồi làm răng mà tin được những tin ba láp như vậy mới là lạ , nhắc lên đây cho vui mà thôi
      Ngoài những ngôi chợ lớn thì Sài Gòn còn vô số chợ cóc trong các khu phố . Salam một mình nên cả tháng không đi chợ , bỏi vì cứ sáng , chiều thì đã có mấy xe thực phẩm rau củ đến bán tận nhà . Mình cần mua gì thì dặn ngày mai họ mang tới rất là tiện . Hồi trước còn đi làm nên có điều kiện đi đây đi đó , giờ thì chịu rồi .
      Nhớ hồi mới vào SG có mấy ông bạn trong Chợ Lớn nên thứ 7 hay vào đó chơi , hay kéo nhau ra cầu Nhị Thiên Đường xem người ta cá độ mưa , nắng cũng rất là vui . Không biết bây giờ có còn không ?

      Xóa
    3. "Salam một mình nên cả tháng không đi chợ", chà chi tiết này hay đây, thảo nào 11 giờ khuya "yêu quái Salam" còn đi "quậy" được (chuyện chếc quần tà lỏon bên nhà NT đó), hì hì!, nghe nói có tới 4 quý tử cơ mà, bà xã nữa?

      Biết đến cả cá độ mưa nắng trên cầu Nhị Thiên Đường thì đúng là yêu quái Saigon rồi. bây giờ cá độ nhiều thứ quá chắc cá độ mưa nắng này dẹp rồi. Dân cá độ mưa nắng này phải giỏi ngắm trời đoán thời tiết gực kỳ.

      Xóa
    4. Nói một mình là từ sáng đến 11 giờ đêm là mình ên thôi . Mấy đứa con của Salam đứa nào cũng có cửa hàng riêng , vì thế tầm đó chúng dọn dẹp cửa hàng xong thì mới về nhà . Hôm gặp bà Sui cũng vậy , chờ chúng về trông nhà thì mới đi được vì thế nên đi trễ . Còn bà xã thì dễ ẹt , lừa bà lên trông căn nhà ở Tân Bình thì đi đến sáng ... he he he

      Xóa
    5. Vậy là không phải gia đình Ông Lãnh và 5 bà vợ cùng 6 cái chợ (chợ Cầu Ông Lãnh của ông Lãnh + 5 cái chợ của 5 bà vợ), làm ăn giỏi, mà phải tuyên dương gia đình Salam làm kinh tế cừ, ông bố Salam một cửa hàng, 4 đứa con mỗi đứa một cửa hàng riêng, và bà vợ chỉ phải làm mỗi một việc là ngồi... đếm bạc.

      Hì hì, hỏi thật Salam, một tháng bà xã của Salam đi trông nhà mấy lần? Có thế chứ, hôm rày tôi cứ thắc mắc mãi chuyện kể bên nhà NT, là tại sao giờ ấy Salam còn ra khỏi nhà được, và còn bật mí là tính ô vờ nai nữa :-)))

      Xóa
    6. Thế hai hộp ...cháo là mua để ăn ở đâu?
      Hóa ra hôm đó ông sui đấy con rô đi mà con diếc thì nỏ bắt được nên đành nhịn à?

      Xóa
    7. Bỏ con tép mà chẳng bắt được con tôm nào cả, chỉ tại mấy Ả Hoe Ả Hòe gì đó đi cùng... cản mũi kỳ đà, lần sau mà có vào Saigon NT nhớ vào một mình, hì hì!

      Xóa
    8. À căn nhà trên Tân Bình để cho nhỏ gái đầu ở , nó hay đi công tác ở nước ngoài lắm , tuỳ thời gian 1 tháng , 3 tháng mà bà xã phải lên trông nhà
      Bà xã Salam hay ghen vớ vẩn lắm ,cũng bởi tính mình tếu táo hay trêu chọc mấy bà hàng xóm . Mấy đứa con của Salam rất thương Ba , thấy Ba bị Má theo dõi kìm kẹp nên đồng loã với Ba . Mỗi lần có cuộc gặp với bạn bè thì đt cho chúng gọi Má lên , khi thì trông nhà , khi thì trông của hàng . Vì thế cứ vô tư đi gặp bạn bè ... Bác Hiệp thấy Salam lựu đạn chưa ... hì hì hì

      Xóa
    9. Phải nói là cha con Salam "bọc lót" cho nhau thật kín kẽ, :-)))

      Xóa
    10. Thêm, cha con Salam xứng đáng làm trợ lý cho HLV Miura trong trận đội tuyển VN đá với Thái Lan sắp tới.

      Xóa
  5. Lâu quá, cứ bỏ bê blog, nay chạy qua thăm bác Hiệp, mừng thấy bác giàu đề tài, giàu tư liệu nên bài ào cũng vui và giá trị, vui nữa là có một diễn đàn để cô bác lên tiếng. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nô thỉnh thoảng còn thấy ghé qua, chứ bác HN hồi này thất mất biệt, gặp lại bác rất mừng. Hì hì, quả là tôi nhiều tư liệu nên dễ viết, cũng là một nơi để vài người bạn đấu láo cho vui. Bác HN hồi này vẫn khỏe chứ?

      Xóa
  6. Bác Hiệp ơi, bác giải thích nguồn gốc cụm từ "ba đồng ba cọc" cho NT hiểu rõ với.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. A câu hỏi này hay đây. Thường thường ta hay nghe cụm từ này dưới dạng "ba cọc ba đồng", và tôi nhớ đã được nghe từ xưa rồi, hồi tôi còn nhỏ, bây giờ ít khi nghe ai nói nữa.

      Đây là cụm từ để nói về tiền bạc, về nghĩa tổng quát (nghĩa bóng) có thể hiểu dùng để chỉ một số tiền ít, không nhiều, chẳng hạn như trong câu: "Lương của tôi chỉ ba cọc ba đồng". Còn nếu phân tích nguồn gốc, xuất xứ,có thể hiểu như sau:

      Trong khi cả cụm từ "Ba cọc ba đồng" bây giờ ít dùng, nhưng có một từ trong đó ta thấy vẫn hay được nói, đó là từ "đặt cọc", đặt cọc có nghĩa là người mua đặt một số tiền thường không lớn trong một giao dịch mua bán để làm tin. Bây giờ đi mua máy móc (xe cộ, tivi, tủ lạnh...) nơi cửa hàng hay các tung tâm điện máy, sau khi ưng ý món hàng, ta phải "đặt cọc" một số tiền, sau đó cửa hàng sẽ giao hàng đến tận nhà và lấy hết tiền món hàng sau.

      Ta hay nói "một bọc tiền", "một cục tiền", "một cọc tiền", và từ "cọc" này đã có từ xưa, thời còn dùng tiền đồng (xu) có lỗ ở giữa. Tiền đồng (xu) này hay được luồn (xỏ) dây thành "từng cọc", mỗi cọc như thế trị giá là "một đồng". Trong ca dao ngày xưa có câu "Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi". Ta thấy "một quan trị giá đến sáu tăm đồng" thì một đồng có lẽ không phải là số tiền lớn lắm.

      Về nghĩa đen, thì "ba cọc ba đồng", ngày xưa dùng để chỉ "ba cọc tiền đồng,(xu)", mà mỗi cọc như thế trị giá "một đồng". Như vậy cụm tù "ba cọc ba đồng" vừa là thành ngữ (hiểu theo ghĩa bóng là một số tiền không nhiều), vừa có thể là tục ngữ (ba cọc tiền với tổng trị giá là "ba đòng").

      Không rõ có giải thích nào hợp lý hơn nữa không? Hy vọng với giải thích này NT sẽ tạm hài lòng.

      Xóa
    2. Cảm ơn bác Hiệp nhé. Em tạm hiểu thế đã. Vì lúc tối viết bài có dùng cụm từ này nên sang hỏi bác.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))