Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Đèo heo hút gió.



Người ta hay dùng thành ngữ "Đèo heo hút gió" để nói về một nơi hoang vu, vắng vẻ, ít người qua lại, điều này thì đã rõ, tất cả các từ điển về thành ngữ, tục ngữ xưa nay đều giải thích như thế. Chẳng hạn Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (NXB Văn Học-2010), ghi: đèo heo hút gió, Nói những nơi rừng núi xa xôi, hẻo lánh. Hay Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1998): Đèo heo hút gió, Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ. Những quyển từ điển này chỉ giải thích ý của thành ngữ, chứ không đi sâu vào giải thích từ nguyên.

Tôi thử xem những ý tứ gì trong thành ngữ "Đèo heo hút gió" để cho ta hiểu, hay để những từ điển giải thích là "Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ". Trước hết đây là một thành ngữ gồm bốn từ, khá thông dụng trong thành ngữ Việt Nam, chẳng hạn như "Mưa thuận gió hòa", "Quạ tha diều mổ", "Giấy trắng mực đen", "Con dại cái mang", "Bỏ mồi bắt bóng"... và còn rất nhiều nữa. Những đặc trưng của thành ngữ này là "ý nghĩa đi từng cặp từ", đối nhau, bổ túc nghĩa cho nhau, như "Mưa thuận (thì) gió hòa", "Quạ tha (lại bị) diều mổ", "Giấy trắng (thì có) mực đen", "Con dại (thì) cái (phải) mang", "Bỏ mồi (để) bắt bóng"... Nếu thành ngữ "Đèo heo hút gió" mà phân tích như thế sẽ ra sao? "Đèo heo - hút gió", "Đèo heo" có nghĩa là gì? để "dẫn tới" "hút gió"? "Đèo" có phải là "ngọn đèo (núi)" hay không? Hình như khi ta hiểu cả thành ngữ "Đèo heo hút gió" là "Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ", có vẻ như ta đã bị ảnh hưởng của hai từ "heo hút" (chữ thứ nhì và thứ ba trong thành ngữ), có nghĩa là nơi xa xôi, vắng vẻ. Như vậy thành ngữ này khi đọc phải ngắt quãng "Đèo heo hút - gió", chứ không phải là "Đèo heo - hút gió" nữa. Nếu đọc "Đèo heo hút - gió", nghe như một bài Haiku của Nhật vậy... Như bài thơ "Trên cành khô - cánh quạ đậu - chiều thu", hoặc "Trong thinh lặng - tiếng một con ếch nhảy xuống ao - tõm"...

Quyển Từ điển Thành ngữ Việt Nam của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1994), đi sâu vào chi tiết hơn, giải thích: Đèo heo hút gió, Nơi rừng núi hoang vắng, ít người qua lại, hoặc nơi xa xôi cách trở, ở các vùng miền nói chung. (heo: gió; hút: luồng xoáy gió). Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích từ Heo. Gió lạnh mùa thu. Heo may. Gió tây-bắc. Như vậy ta có thể hiểu theo cách giải thích của Từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý, Đèo heo: đèo gió, hút gió: luồng gió xoáy, Đèo heo hút gió, Đèo gió có luồng gió xoáy.

Trong tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư số 4(12) tháng 7-2011, có bài ĐÈO HEO HÚT GIÓ HAY ĐÈO NEO HÚT GIÓ? Của tác giả Đỗ Thị Thu Hương (ThS Ngôn ngữ học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội). Trong bài viết có đoạn: "Trong Tiếng Việt tinh nghĩa, tác giả Trịnh Mạnh đã giải thích thành ngữ này như sau:  "Chinh là "đèo neo hút gió" bị nói chệch đi. Ngày trước, đường quốc lộ đi từ Thăng Long lên ải Nam Quan phải đi qua đèo Neo (một đèo gần thị xã Bắc Giang bây giờ). Tiễn người đi sứ sang Trung Quốc, bạn bè dù thân thiết cũng chỉ đi tiễn đến đèo Neo, đặt rượu tiễn hành rồi quay về. Người đi sứ phải đi vào đoạn đường rừng hoang vắng để lên cửa ải".

Trong bài viết có nói tác giả Trịnh Mạnh đã cất công đến tận đèo Neo, nằm ở huyện Yên Dũng tĩnh Bắc Giang. Bây giờ tuy không còn hoang vu hiểm trở như xưa, nhưng vẫn còn là một nơi vắng vẻ, ít người qua lại, và từ "đèo Neo hút gió" đã chuyển thành "đèo heo hút gió". Đây cũng là một cách giải thích nguồn gốc của thành ngữ.

Trong hai cách giải thích như trên thì "trật tự" thông thường của thành ngữ "Đèo heo hút gió" đã được "phục hồi", nghĩa là thành ngữ bốn từ (chữ) này được chia làm hai vế "Đèo heo" và "hút gió".

Qua những lý giải trên, như trong từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý, và bài viết của tác giả Đỗ Thị Thu Hương, ý nghĩa nguồn gốc của thành ngữ "Đèo heo hút gió" đã khác nhau, nhưng từ "Đèo" vẫn được hiểu là "ngọn đèo". Nhưng trong quyển Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (NXB Khai Trí Saigon-1970), trong phần phụ lục, giải thích tục ngữ, thành ngữ, đã giải thích thành ngữ "Đèo heo hút gió" như sau: thng. Tức Đìu hiu hắt gió, trên núi cao vắng vẻ, lúc nào cũng có gió. Tuy nghĩa tổng quát của thành ngữ vẫn có nói tới "núi cao vắng vẻ", nhưng khi chuyển "Đèo heo hút gió" thành "Đìu hiu hắt gió", thì ta có hai vế "Đèo heo - Đìu hiu", và "hút gió - hắt gió". "Đìu hiu" là tính từ, Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích là "vắng vẻ và buồn bã", ở đây đã mất hẳn ý nghĩa của từ "Đèo" có nghĩa là "ngọn đèo" (ở vùng núi).

Một thành ngữ chỉ gồm có bốn chữ "Đèo heo hút gió", nghĩa tổng quát ai cũng hiểu như nhau, nhưng khi đi vào phân tích từ nguyên, thì mỗi nơi lại giải thích mỗi khác, thật thú vị.











37 nhận xét :

  1. Lại thêm một ...dĩa mồi cho ta quây quần lai rai.
    Lão không hề có cảm tình với cách giải thích của ths Thu Hương về "Neo" thay cho " heo"trong câu thành ngữ. Dùng câu thành ngữ " Đèo heo hút gió " thoáng và rộng hơn cho người sử dụng trong viết lách hơn.
    Ừ , thì thử uống mật gấu nói chuyện chữ nghĩa ...một lần xem sao .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thì cách giải thích "Đèo heo" là "Đèo Neo" (Neo là tên gọi của ngọn đèo) được nhắc đến trong bài viết của ThS Thu Hương, nhưng là ý của tác giả Trịnh Mạnh, chứ không phải ý của ThS Thu Hương. Điều này tôi cũng đã ghi rõ trong bài viết.

      Ở đây tôi chỉ đưa ra cách giải thích khác nhau của mỗi sách, và để cho các bác tùy ý "bình lựng". Tôi cũng như Lão Tân, có thể nghiêng về cách giải thích này hơn cách giải thích kia.

      Xóa
  2. Vậy ta nên hiểu "đèo heo" thì "hút gió" hay là "đèo heo" nên "hút gió" vậy bác Hiệp?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Muốn hiểu rõ như bạn NT bên trên, ta phải giải thích được từ "đèo heo" nghĩa là gì? Nếu hiểu theo từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý, "heo" có nghĩa là "gió", và "hút gió" là "luồng gió xoáy", thì nghĩa sẽ là "đèo gió (nên có, hoặc thì có, bởi có) luồng gió xoáy", ta có thể hiểu "được gọi là đèo gió bởi có gió xoáy". Nhưng nếu giải thích như thế có liên quan gì tới nghĩa "vắng vẻ"? Tương tự như thế, nếu hiểu "đèo Neo hút gió" (rồi chữ Neo chỉ địa danh bị nói chệch thành chữ heo), thì nghĩa ban đầu là "ở đèo tên Neo có gió xoáy (hoặc có nhiều gió)". Một cái đèo như ta đã biết (bất cứ cái đèo nào, ở đâu) cũng là một nơi có nhiều gió, hút gió, có lẽ nó cũng không phải là cái đặc điểm nổi bật. Thành ngữ thì được hình thành lâu rồi, những nơi có đèo (núi) từ xưa cho đến tận ngày nay, thường rất vắng vẻ, ít có người ở.

      Còn câu "Đèo heo hút gió" trở thành "Đìu hiu hắt gió" của Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, cũng có cái hay, nguyên thành ngữ có thể giải thích "nơi vắng vẻ, buồn bã (đìu hiu) có nhiều gió (hắt gió)".

      Xóa
    2. NT chưa thông đâu bác Hiệp. Tục ngữ là truyền đạt một kinh nghiệm, một tư tưởng triết lí, một bài học....mới thường có quan hệ nhân quả ở các về trong tiểu đối. Còn nếu là thành ngữ thì nó chỉ là một cụm từ cố điịnh, là một cách diễn đạt thôi chứ chẳng đưa ra một kết luận gì. Chình vậy mà ở trên: Con dại cái mang được xếp vào tục ngữ (Con dại thì thường mẹ phải chịu trách nhiệm), các trường hợp khác nêu ra trong bài viết là thành ngữ. Đèo heo hút gió là thành ngữ thì khong tách thành về như thế để giải thích vì nghĩa của thành ngữ do cả tổ hợp từ trong thành ngữ đó tạo thành. Vì dụ : "mưa to gió lớn"là thành ngữ miêu tả diễn đạt hiện tượng thiên nhiên, không thể nói là mưa to (thì) gió lớn được. Hoặc thành ngữ diễn đạt bằng lối ẩn dụ: "vắt cổ chày ra nước" để chỉ kẻ keo kiệt, bủn xỉn, ta cũng không tách ra mà lí giải từng từ. Nói như thế để thấy rằng, việc tách thành ngữ "đèo heo hút gió" ra hai vế có lẽ không nên.
      Hì...hôm nay có uống chút chất cay, tranh luận với bác cho vui vậy nha.
      Chạy thôi!

      Xóa
    3. NT chưa thông là đúng rồi, bởi đã căn cứ theo một lý giải về thành ngữ. Tôi có vài quyển sách của những cây đa cây đề viết về tiếng Việt thấy vẫn có những cách lý giải khác nhau về thành ngữ. Chẳng hạn như trong bài viết của ThS Thu Hương có viết (đại ý), theo Hoàng Văn Hành, thành ngữ Đèo heo hút gió gồm bốn yếu tố, chia thành hai vế đăng đối, cân xứng với nhau. Giữa hai vế có sự đối ý (đèo heo - hút gió), và đối lời (đèo - hút, heo - gió)... Hoặc theo như Nguyễn Thiện Giáp, trong "Từ vựng học Tiếng Việt" (NXB Giáo Dục-1998), có viết về thành ngữ (Trích đại ý): Thành tố cấu tạo của thành ngữ có quan hệ đẳng lập gồm nhiều từ, có cấu trúc riêng của mình, hoặc cả hai thành tố đều có quan hệ chính - phụ, như: am thanh / cảnh vắng; ăn chay / niệm Phật...

      Nói chung chưa có một ý kiến thống nhất về những vấn đề này.

      Xóa
  3. Có khi nào "đèo" không phải là núi, mà là một động từ có nghĩa là "mang, chở" đi cùng với "hút" cũng là một động từ.
    Để chỉ nơi hoang vắng, lồng lộng gió.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Nô đưa ra một ý tưởng mới, nhưng như thế "Đèo heo" sẽ có nghĩa là gì? Cụ đừng giải thích là "chở con heo (con lợn)" đi ra nơi hoang vắng, lộng gió nha, hì hì!

      Xóa
    2. heo vẫn là gió lạnh.
      Tương tự: ăn thùng uống vại. Thùng và vại là hai từ cùng loại. Heo và Gió cũng vậy.

      Xóa
    3. Nơi có thể mang gió lạnh tới = đèo heo. Nơi có thể hút gió tới = hút gió.

      Xóa
    4. Đây cũng là một ý của cụ Nô để giải thích từ nguyên của thành ngữ "Đèo heo hút gió".
      Hoan hô cụ Nô.

      Xóa
  4. Ừ nhỉ - sao không mạnh dạn mà hiểu ý như cụ Nô nhẩy ?
    Đèo Heo hút gió - Chở Heo thì đã rõ rồi , còn mỗi hút gió. Lão thử liều xem .
    Ở quê , từ " hút" dùng theo hoàn cảnh - ý quên , ngữ cảnh. Ví dụ -" Thịt lợn hôm nay ở chợ hút hàng " được hiểu là hiếm và đắt hàng .
    Hây dzà - ĐÈO HEO HÚT GIÓ - nghĩa là...Chở heo chạy bay như gió trong lúc hút hàng ! hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay là "đèo heo.. lậu nên mới phải chạy hút gió" vì sợ Quản lý thị trường đó Lão Tân? Haha!

      Xóa
  5. Mạng mẽo gì đáu , mất hết còm
    " Đèo heo hút gió " ý nghĩa tổng thể hì thành ngữ này đơn giản dễ hiểu . Người Việt mình thừng dùng thành ngữ này để chỉ nơi rừng núi hoang vu , vắng bóng người qua lại . Còn có thể hiểu nghĩa xa xôi cách trở giũa những vùng miền , đường đi khó khăn hiểm trở . Tuy nhiên muốn hiểu rõ từng từ , từng chữ thì lại không đơn giản
    Phần lớn mọi người đều nhận thức heo , hút là hai yếu tố của một từ phức " heo hut " với nghĩa ở nơi vắng khuất , gây cảm giác buồn và cô đơn . Theo đó đèo heo hút gió là kết quả của 3 từ đeo - heo - hút - gió , ưu điểm của cách hiểu này là giải thích hết mọi từ trong thành ngữ , nhưng ở đáy vũng bộc lộ bất hợp lý
    Trước hết trong tiếng Việt Heo hút không có khả năng kết hợp với gió . Heo hút thường đi sau các danh từ chỉ vị trí , địa danh chứ không thể đứng trước hoặc sau các danh từ để chỉ hiện tượng thiên nhiên như mưa gió sấm chớp . Để bổ nghĩa cho tính cách trở xa xôi , người ta không giải thích được dạng thức " hút gió đèo heo " vốn là biến thể của thành ngữ " đèo heo hút gió "
    ( Còn nữa )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoan hô bác Salam giải thích rất chuyên nghiệp, nhưng bác copy - paste ở đâu trong phần tiếp theo nhớ dẫn nguồn. Trong câu bác viết bên trên "Phần lớn mọi người đều nhận thức heo , hút là hai yếu tố của một từ phức " heo hut " với nghĩa ở nơi vắng khuất , gây cảm giác buồn và cô đơn . Theo đó đèo heo hút gió là kết quả của 3 từ đeo - heo - hút - gió". Bác ghi 3 từ nhưng khi viết "đèo - heo - hút - gió" thì đã thành 4.

      Trong sách của tôi có thì ghi như thế này: "Phần lớn mọi người đều cho rằng heo, hút là hai yếu tố của một từ phức heo hút với nghĩa "ở nơi nào vắng và khuất, gây cảm giác buồn và cô đơn". Theo cách hiểu này, thành ngữ đèo heo hút gió là kết quả của sự giao kết ba từ đèo / heo hút / gió". Hì hì!

      Xóa
    2. Bác Hiệp nói đúng rồi
      Từ " Heo hút " không thể tách rời nhau , vì thế 3 từ mà Salam đưa ra thành 4 từ , cảm ơn nhiều nghen . Cách đây 2 năm cũng vì câu " Đèo heo hút gió " của một nhà ngôn ngữ học mà Salam lao vào tranh luận , sau đó là Salam thua . Hiện tại giờ không nhớ là trang nào nữa , vì thông tin cứ dồn dập . Nhưng Salam có trí nhớ rất tốt về những điều mà mình nghe và học hỏi được .. Giờ nỏ nhớ nguồn
      ( Tiếp )
      Ở đây là phải dựa vào luật Đối và Điệp , vốn rất phổ biến trong cấu tạo trong thành ngữ tiếng Việt . Ở đáy nên xem như Đối ý Đối lời , có sự đối ý giữa " Đèo heo " và " Hút gió " , giũa Đèo - Hút và giữa Heo - Gió . Ở cặp đối Heo - Gió ta dễ thấy Heo và Gió cùng nghĩa và có thể đi chung với nhau ví dụ : Gió heo may đã về
      Ở cặp cặp đối Đèo - Hút thì từ " Hút " lại là một chuyện khác à nghen . Trong tiếng Việt " Hút " là động từ như Hút nước , Hút cát , nhưng ở đây trong ĐHHGI thì " Hút " lại được chuyển thành danh từ
      Vậy căn cứ theo thành ngữ " Đèo heo hút gió " là tuân thủ theo luật đối điệp về từ loại cũng như về ý nghĩa . Đáy là dạng thứ hay gặp trong cấu trúc thành ngữ tiếng Việt ví dụ như : Khỉ ho Cò gáy , hay Nhật Thành Đèo heo , Salam Hút gió hì hì hì
      P / s : Ủa ! Sao hôm nay Salam hiền vậy ta .. không xoay bác Hiệp ???

      Xóa
    3. Ngay trong một lời com mà ông thong gia Salam đã "tiền hậu bất nhất" thế mà bảo không xoay cho bác Hiệp chóng mặt mới lạ!
      Lúc đầu thì bảo: "Từ " Heo hút " không thể tách rời nhau", nhưng một lát sau lại cho rằng:"Ở đáy nên xem như Đối ý Đối lời , có sự đối ý giữa " Đèo heo " và " Hút gió " , giũa Đèo - Hút và giữa Heo - Gió" Và do cho nó là thành ngữ có sử dụng đối nên "đèo" là danh từ thì "hút" cũng phải là danh từ! À, hóa ra "hút" là danh từ thì ta có thể hiểu là "ống hút"(tức là cái điếu thuốc lào! Hiểu như thế cũng có lí, vì điếu thuốc lào mà không có gió thì làm sao cháy thuốc đươc? Không cháy thuốc được thì làm sao có khói? Vậy, ta có thể giải thích: "Trên đèo cầm điếu thuốc lào thở ra ...gió!" He he...
      (Bác Hiệp đừng thắc mắc về thời gian com của NT nha. Ngày mới của NT bắt đầu từ 4h30, đi bộ về không có việc gì thì coi mạng vậy)

      Xóa
    4. Hì hì, tại thấy bác Salam dùng những từ như "ý nghĩa tổng thể", "bổ nghĩa", "dạng thức"... là những từ ngữ mà khi đọc sách tôi hay thấy nên... nghi nghi vậy thôi.
      Cám ơn bác Salam đã không xoay, chứ bác mà xoay nữa thì tăng xông lại lên, mệt rồi :-)))

      Xóa
    5. À, à, hơi ganh với bác Salam chút xíu khi thấy anh xui được chị xui "để ý" kỹ.
      Ậy, lên đèo mà mang theo cái điếu cày hút thuốc lào vừa hút thở ra gió (khói) và ngắm cảnh thì còn gì bằng.
      4h30 sáng dậy rồi, tưởng là nhà cô giáo ở gần đường rầy xe lửa chứ...

      Xóa
    6. Bác Hiệp ơi - Chuyện tụi nhỏ chưa biết thế nào , chứ anh xui và chị xui có nguy cơ...bụp trước tui nó là cái chắc rùi! hehe

      Xóa
    7. Bà sui nhắc đến thuốc lào và điếu cày thì có điếu cày tặng bác Hiệp cùng Lão Tân

      ĐIẾU. CÀY

      Điếu cày em được lắm chàng yêu
      Kề cận nâng niu suốt sớm chiều
      Mồm há tênh hênh chờ miệng ấp
      Nõ im khép nép đợi tay khều
      Hít hà kéo ráng kêu òng ọc
      Hổn hển tuôn ra thở phập phều
      Sứt trán nhiều phen Chàng bổ ngửa
      Lại còn mê mẩn ép em kêu

      ( Vũ quang Huy )

      Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện
      Đỡ tốn tiền lại lắm người yêu
      Giơ điếu lên rồng bay phượng múa
      Hạ điếu xuống Triệu Tử múa đao
      P / s : Chúc mọi người hút ngon miệng .. Hè hè hè

      Xóa
    8. Ấy, cùng quê cùng quán nên dễ thông cảm, dễ gần mà Lão Tân :-)))

      Xóa
    9. Cám ơn bài thơ kiểu Hồ Xuân Hương bác Salam gởi :-)

      Xóa
    10. Bác Hiệp nghi cũng đúng thôi , nhưng Bác biết không , Salam rất rành về ngữ pháp , cấu trúc câu , động từ , trạng từ , tính từ , tu từ , các dạng thức vvv và cũng hiểu nhiều về niêm luật của các dạng thơ ví dụ như các thể thơ : Thất ngôn bát cú , Thơ lục bát , Song thất lục bát , Song tứ lục bát , Song tứ song thất , thể thơ Bát ngôn , thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt ..dạng thơ thuận nghịch độc đường thi vvv là do Má Salam chỉ dạy , vì thế nên rất tự tin khi tranh luận về văn chương nhưng lại ghét làm thơ ( Vì sợ ghẻ )
      Cho nên khi đàm luận Salam hay dùng những thuật ngữ của văn học . Salam rất lựu đạn .. Hì hì hì

      Xóa
    11. Tôi biết chứ, theo như chị sui của bác trong một cái còm của entry trước thì cái gì bác cũng rành mà. Rất tiếc bác không đi về văn chương, hội họa, hay âm nhạc... Thật là uổng phí :-)))

      Xóa
    12. Trong một còm trước Salam đã nói Má của mình rất nhiều bạn văn chương . Nhưng Salam thấy họ rất nghèo . Mà tính Salam sống rất thực tế , mọi con đường đều dẫn tới cái Bao Tử . Văn chương chỉ làm cho cuộc sống thêm thi vị mà thôi , chứ không ai sống nhờ vào văn chương cả
      Kể bác Hiệp nghe hồi xưa cả dòng họ Salam đều biết kinh doanh , Ba Má Salam cũng vậy , nhưng vì hồi đó Phe Phẩy bị xã hội xem thường nên hai ông bà vào làm nhà nước để lý lịch con cái sau này không bị ảnh hưởng . Sau khi về hưu thì Má lại tiếp tục kinh doanh . Bốn đứa con đều thoát ly vào làm các công ty của nhà nước . Báy giờ thì cả 4 chị em lại trở lại nghề kinh doanh như Má . Mỗi lần về quê chỉ cần ra chợ là gặp đày đủ anh em họ hàng ở đấy .. vui lắm
      Cơm áo không đùa với khách thơ , vì thế Salam không muốn theo đuổi các môn nghệ thuật dù trong lòng rất thích . Mấy đứa con của Salam cũng theo học nhạc hoạ nhưng chỉ để cho vui mà thôi , nhà có ghi ta và cả ocgan lâu lâu gặp bạn bè chúng đưa ra " Bật Bông " nghe cũng vui ra phết hì hì hì

      Xóa
    13. Tôi lại nghĩ từ phức "heo hút" là một dạng rút gọn [nghĩa là có sau] của thành ngữ "đèo heo hút gió".

      Xóa
    14. Gia đình bác Salam hay quá, đi về kinh doanh nhưng cũng rất yêu nghệ thuật, văn võ song toàn đây

      Xóa
    15. Vì rành về ngữ pháp nên salam "nhốt" động từ, tính từ cùng nhóm với trạng từ, rồi nhốt luôn tu từ vào một chuồng luôn.
      Vì rành về văn chương nên Salam có nhắc đến mấy thể thơ hơi...lạ tai! Bà sui chịu luôn!
      Thật tiếc là ông sui không theo nghề văn chương, nếu không văn học nước nhà đã có thêm những tên tuổi khả kính! He he...
      Lão Tan dùng từ chi mà lạ, sao lại bảo "bụp"? Bà sui đang "chăm sóc" ông sui đó chơ!

      Xóa
    16. Cũng có thể "heo hút" là dạng rút gọn, có sau "đèo heo hút gió" như cụ Nô nghĩ lắm chứ. Điều này tôi thấy không loại trừ.

      Xóa
    17. Hà hà, NT không thấy anh sui nhà mình nói bên trên "Salam rất lựu đạn", sao? Lựu đạn thì phải nổ chớ.

      Xóa
    18. Tôi rất dốt về thơ, tính hỏi anh sui nhà NT xem có thể thơ "song mã lục bát không"?

      Xóa
    19. Ủa sao cụ Nô lại bảo Từ phức " Heo hút " là là rút gọn của cụm từ " Đèo heo hút gió " nghe không ổn rồi
      Một đèo , một đèo lại một đèo .. Là danh từ chỉ một quả núi nhỏ trong quần thể núi non , vì thấp hơn nên gió ở trên cao đổ xuống , theo phong thuỷ thì không ai làm nhà ở đó để ở . Còn " heo hút " là một từ cảm thán không xác định được là ở trong rừng , ngoài biển hay trong sa mạc và đảo xa ví dụ : Nhà NT ở nơi " heo hút " rứa , thì hỏi các bác thì nhà NT ở rừng , đồng bằng hay trên đò ?
      P / s. : Không có Song Mã lục bát mô bác Hiệp chỉ có thể thơ Nhất Mẹ Nhất Con của NT thôi . Bà sui mà chịu Ông sui thì bữa mô chỉ cho mấy dạng thơ trên nghen

      Xóa
  6. "Đèo heo hút gió." quả là thiên nan vạn nan
    Nếu công nhận lập luận của bà "Đỗ Thị Thu Hương (ThS Ngôn ngữ học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội)" đèo heo là biến thể của Đèo Neo ở Bắc giang thì mọi việc mới được giải quyết . Con nếu không thì các học giả phác họa ra rồi để đó chớ không thấy ai khẳng đinh được gì cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác Bu nói, nếu công nhận "Đèo Neo", Neo là tên ngọn đèo thì mới giải quyết được gốc rễ vấn đề, nhưng (lại có chữ nhưng), muốn xác nhận có phải "Đèo heo", gốc của nó là "Đèo Neo" hay không? và có đúng là thành ngữ "Đèo Neo hút gió" là gốc ban đầu khi người thân tiễn các quan đi sứ Trung Hoa, đến "Đèo Neo" rồi quay về hay không? lại phải chứng minh được là thời gian đi sứ nào thì có thành ngữ này. Tức là thành ngữ này ra đời vào thời điểm nào? Điều này lại là không thể...

      Cho nên tất cả chỉ là những giả thuyết để thuyết minh.

      Xóa
  7. Nếu PNH chưa đọc bài này thì cũng nên tham khảo vậy

    Đèo heo hút gió
    Nếu chỉ xem xét ý nghĩa chung, ý nghĩa tổng thể thì thành ngữ đèo heo hút gió là một thành ngữ đơn giản, dễ hiểu. Trước hết, người Việt thường dùng thành ngữ này để chỉ nơi rừng núi hoang vu, thiếu vắng người qua lại.

    “Cái Xuân gặp anh bộ đội nào đó ở chốn đèo heo hút gió này là một điều mừng, hãy để cho họ tận hưởng niềm vui nghiêm chỉnh ấy nên thôi không úm nữa”. (Xuân Thiều/ Trời xanh).

    Trong tiếng Việt, thành ngữ đèo heo hút gió còn biểu hiện ý nghĩa “xa xôi, cách trở của những vùng, miền, của những đường đi lối lại nói chung”. Thí dụ: “Hiện nay bát hoa men đã tới quê tôi nhưng một số nơi quá đèo heo hút gió hãy còn dùng bát vỡ, móng tre” (Văn nghệ 9-1960). “Trước kia tôi hoàn toàn không biết rằng đi trên những thiên lý đường đi, dù đường đèo heo hút gió xa lắc mấy trùng cũng không ai bỏ đường ra đấy cho thiên cho địa” (Xuân Diệu. “Đi trên đường lớn”). Dù hiểu với ý nghĩa nào thì thành ngữ đèo heo hút gió đều được nói về sự xa vắng, cách trở, gây cảm giác hoang sơ, buồn lặng và cô đơn. Tuy nhiên, muốn hiều rõ từng từ từng chữ trong thành ngữ thì lại không đơn giản. Cho đến nay, cách nghĩ các chữ heo, hút trong đèo heo hút gió chưa thống nhất. Phần lớn mọi người đều nhận thức heo, hút là hai yếu tố của một từ phức heo hút với nghĩa “ở vào nơi vắng và khuất, gây cảm giác buồn và cô đơn”. Theo đó, thành ngữ đèo heo hút gió là kết quả của sự giao kết ba từ đèo-heo hút-gió. Ưu thế của cách hiểu này là giải thích rõ được hết mọi từ trong thành ngữ. Nhưng, ở đây cũng bộc lộ những bất hợp lý, khó có thể biện minh được. Trước hết trong tiếng Việt, heo hút không có khả năng kết hợp với gió. Heo hút thường đi sau các danh từ chỉ vị trí, địa danh chứ không thể đứng trước hoặc sau các danh từ chỉ hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm, chớp,... để bổ nghĩa về tính chất “xa vắng cách trở, cô đơn”. Hơn nữa, nếu xem heo hút là một từ như cách hiểu này, người ta không giải thích được dạng thức hút gió đèo heo vốn là một biến thể của thành ngữ đèo heo hút gió. Thí dụ: “Họ tống đến nơi quân dịch đang gào, nơi hút gió đèo heo” (Trinh Đường. “Hoa gạo”).

    Từ những bất hợp lý trên, chúng ta phải nghĩ đến hướng tìm tòi khác để giải thích các chữ heo, hút cho hợp lý. Điều cần được chú ý trước nhất là phải dựa vào luật đối và điệp, vốn rất phổ biến trong cách cấu tạo thành ngữ tiếng Việt. Theo hướng này, đèo heo hút gió được xem xét trên cơ sở đối ý đối lời. Ở thành ngữ này có sự đối ý giữa đèo heo và hút gió và đối lời giữa đèo và hút, giữa heo và gió. Ở cặp đối heo và gió, chúng ta dễ nhận ra heo và gió cùng nghĩa. Ta có thể nhận thấy heo có nghĩa như gió trong heo may, trời hanh heo. Heo chính là gió lạnh mùa thu – đông, một thứ gió hanh khô, gây cho da nứt nẻ. Ở cặp đèo và hút thì chỉ có từ hút là phải làm rõ nghĩa. Như đều biết, trong tiếng Việt vốn có từ hút với nghĩa động từ chỉ “hoạt động cuốn theo luồng, theo dòng, làm cho nước và khí, gió xoay tròn”. Động từ hút được chuyển thành danh từ chỉ luồng nơi tập trung dòng chảy, luồng xoáy như hút nước, hút gió. Chữ hút trong thành ngữ đèo heo hút gió là từ hút danh từ này. Vậy là, nhờ có những cứ liệu trên, chúng ta đều thấy rõ thành ngữ đèo heo hút gió hoàn toàn tuân thủ theo luật đối điệp và tương hợp về từ loại cũng như về ý nghĩa. Đây là dạng thức thường gặp trong cấu trúc thành ngữ tiếng Việt, lệ như chân lấm tay bùn, lòng chim dạ cá, lòng son dạ sắt. Điều đó càng được khẳng định chắc chắn hơn khi nhận thấy một biến thể khác của thành ngữ đèo heo hút gió là đèo mây hút gió hoàn toàn hiện rõ nguyên hình là một thành ngữ đối và điệp. Ví dụ: “Có người bị giặc truy bức đành bỏ quê hương, lạc loài đến vùng đèo mây hút gió để kiếm sống như nghệ sỹ Ngọc Cần ở Plâyku” (Văn học nghệ thuật 11-1976).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong sách tôi có, cũng có phần giải thích về thành ngữ "Đèo heo hút gió" như bác Bu đã viết bên trên ở phần sau, tôi cũng đã đọc kỹ.
      Còn về phần đầu, là người Việt mình thường dùng thành ngữ này để chỉ nơi rừng núi hoang vu, thiếu vắng người qua lại, là bởi ý nghĩa của thành ngữ đã được mọi người hiểu là nơi rừng núi heo hút vắng vẻ, hay nơi xa xôi cách trở... Từ cách hiểu này mà khi muốn diễn tả nơi nào có núi non, xa xôi, vắng vẻ, cách trở... thì người ta lại dùng thành ngữ này.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))