Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Kiếm được quyển sách ưng ý.

Từ điển KhMer-Việt và Việt-Khmer.

Từ điển Việt-Chăm.


Kể ra tôi là một người khoái sách, khoái thôi chứ không dám nói là mê. Kệ sách trong nhà "gom góp" suốt nửa thế kỷ, từ hồi còn đi học trung học, đến nay đã kha khá, gồm nhiều thể loại, có lẽ tạm đủ để thỏa mãn cái nhu cầu thỉnh thoảng cần tìm hiểu, dĩ nhiên chẳng sâu xa gì. Thời còn trẻ đi học, hoặc lớn hơn đi làm, còn nhiều chuyện để lo, nhiều cái vui để quan tâm, cho nên cũng chỉ mua sách đọc chơi vậy vậy, bây giờ đã nghỉ hưu, về già, có thời giờ đọc kỹ hơn. Đó cũng là "niềm vui của tuổi già".

Trước hết tôi muốn nói về "sách". Dĩ nhiên ai cũng hiểu sách là gì. Bây giờ là một tập giấy in ấn của một tác giả nào đó, trong đó có nội dung viết về một vấn đề gì, được bày bán, hay in ra chỉ để tặng. Gốc gác của từ sách là từ chữ Hán, Sách, ngày xưa chưa có giấy người ta chép hoặc khắc chữ lên trên những thẻ tre, mỗi tấm thẻ tre có chữ này được gọi là "giản" , nhiều giản (tương đương như những trang giấy) ghép lại được gọi là "sách". Cứ nhìn chữ Sách tiếng Hán  ta hình dung ra ngay có hình dạng những tấm thẻ tre ghép lại.    

Các cụ nổi tiếng về sách vở, chữ nghĩa ở Saigon ngày trước, như Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê... có viết đại khái, dù mê sách nhưng không nên mượn sách của người khác, và cũng không nên cho người khác mượn sách, vì nhiều lý do tế nhị, cũng như ngày xưa không nên cho mượn cây viết máy (tiếng của dân Nam bộ gọi cây viết bơm mực ngày trước, cũng như gọi chiếc xe đạp là xe máy, thường có mấy hiệu thông dụng, trung bình có viết Pilot của Nhật, bình dân hơn có viết Hero của Trung Quốc, cao cấp có viết Paker của Mỹ), vì mỗi người có một thế viết (cầm đứng cây viết, cầm ngang, nghiêng bên phải, bên trái), người khác cầm viết ở thế khác có thể làm hỏng ngòi viết. Cho mượn sách (thường người mượn chọn sách hay), dễ bị không trả lại (vô ý quên, hoặc cũng có khi "cố tình" quên), nhiều khi người mượn sách không giữ, làm hỏng sách (khi đọc gập sách lại, có khi đánh dấu trang sách đang đọc bằng cách gập trang sách đó, tệ hơn khi cho mượn quyển sách "câng", cưng, chữ của cụ Vương, khi trả sách đã xộc lệch, mất trang...).

Vậy thì muốn đọc sách chỉ còn có cách là đi... mua sách. Nhiều người nói đi Shoping là một cái thú, thú mua sắm, có khi mua cả những thứ mình không cần, chỉ vì thấy thích món hàng đó. Còn tôi thì đi mua sách, ngắm sách là một cái thú, dĩ nhiên là tôi luôn chọn những quyển sách hợp với sở thích của mình, hầu như không mua những quyển sách thời thượng mà mình không cảm thấy muốn đọc. Với tôi có ba nơi để mua sách. Đầu tiên là những nhà sách, quốc doanh hoặc tư nhân, nơi bán những quyển sách mới, với giá ghi trên bìa sách. Nơi này thì tôi thường đi ngắm sách là chính, nhất là nơi nhà sách quốc doanh, những người đứng bán sách nhiều khi mù tịt về sách, hiếm khi trao đổi được với họ về sách, tác phẩm, tác giả, họ chỉ có nhiệm vụ đứng coi sách.

Thứ nhì là những tiệm bán sách cũ, có khi có cả sách mới, nhưng thường đã qua sử dụng, giá cả có nới hơn nơi nhà sách lớn bán sách mới. Nhưng những quyển sách cũ, quý hiếm, khó kiếm vì đã tuyệt bản, nếu có thường được bán với giá khá cao, hoặc rất cao, nó cũng tựa như món đồ cổ hay con tem xưa đối với dân chơi tem vậy. Chủ tiệm sách cũ thường là những người rất rành về sách, họ biết rất rõ giá trị của từng quyển sách, từng tác phẩm, tác giả. Ta có thể trò chuyện, trao đổi với họ về sách. Hay đi mua sách, tôi quen được với một vài chủ tiệm như vậy, họ nắm bắt được ngay cái "gu" đọc sách của mình, có sách gì "độc" thường họ báo cho biết.

Thứ ba là những chiếu sách vỉa hè, nơi bán những quyển sách "lạc xoong" thường được lựa ra từ những vựa ve chai, hoặc những người đi mua ve chai, sách báo cũ. Giá cả nơi chiếu sách này rất mềm, may mắn thì ta sẽ chớp được những quyển sách cũ, quý hiếm, mà người bán không biết giá trị... Túi không rủng rỉnh, nên đa số sách trên kệ sách của tôi xưa nay đã được mua ở những tiệm sách cũ, những nơi bán sách giảm giá, hoặc chiếu sách vỉa hè... vậy mà tôi thường kiếm được những quyển sách hay mà mình ưng ý, hơn nơi những nhà sách lớn.

Cũng có một nơi khác nữa tôi kiếm được sách hay, ấy là ở những Hội sách, nhưng những Hội (chợ) sách này thỉnh thoảng mới mở nhân ngày lễ, hoặc khai giảng niên học mới. Trong những Hội sách ngoài sách mới, thường có một số lượng sách cũ khó bán, sách tồn kho của những nhà xuất bản được tung ra. Những sách này thường được bán đồng giá (5.000, 10.000, 20.000... đồng, hoặc giảm mấy chục phần trăm trên giá bìa), tôi cũng thường chọn được nhiều sách mình cần như thế với giá rẻ.

Mua sách khó lòng mua nhiều một lúc được, tôi cứ mua theo kiểu "kiến tha lâu đầy tổ", mấy chục năm cũng có được một kệ sách "coi được". Hồi mấy năm trước có dịp ra Quảng Bình ghé nhà bác Bu, lúc đó bác còn an cư tại quê nhà. Hôm ấy xui sao không gặp được bác ấy vì bác Bu cũng đang đi du lịch Lào, tôi đã được chiêm ngưỡng tủ sách của bác Bu, một người phải nói là "mê sách" còn hơn tôi. Tủ sách của bác Bu trông nghiêm túc hơn kệ sách của tôi nhiều, phải nói tôi rất ngưỡng mộ cả chủ nhân lẫn tủ sách.

Có lần bác Bu ghé nhà tôi chơi, nhìn kệ sách của tôi nói chắc đến một nửa là từ điển. Đúng là như thế, từ điển các loại của tôi khá nhiều, cùng với sách về lịch sử, những sách về văn hóa, Phật giáo... và nhiều thể loại khác... Mấy hôm trước, đi ngang qua một tiệm bán sách cũ thường hay ghé, thấy có mấy quyển từ điển cũ nay không thể kiếm đâu ra, đó là 2 quyển từ điển Khmer-Việt, và Việt Khmer của NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội, in từ năm 1978, và quyển từ điển Việt-Chăm, cũng của NXB này in từ năm 1996. Đây là 3 quyển từ điển tôi tìm đã lâu mà không gặp. Tôi đã có những quyển từ điển của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam của người Mường, H'Mong, Tày Nùng, nên khi gặp được 3 quyển từ điển này khoái quá. Những quyển từ điển như Khmer-Việt, Việt-Khmer, hay Việt-Chăm rất có ích trong việc tra cứu, bởi như ta đã biết, nguyên một dải đất miền Trung trước đây là của người Chăm, và Nam bộ là của người Khmer, những tên gọi, tên đồ vật, địa danh tiếng Việt hiện nay được phiên âm rất nhiều từ tiếng Chăm và tiếng Khmer. Giá cả của 3 quyển từ điển này được người chủ tiệm quen biết bán với giá tương đương sách mới, coi như mình mua sách cũ với giá sách mới. Không đến nỗi đắt.

Kiếm được một quyển sách mình "ưng cái bụng" (như cách nói của người thiểu số Tây nguyên), và nói theo như người dân Nam bộ, thấy "phái" (khoái), "phẻ" (khỏe) trong người.






36 nhận xét :

  1. Hồi nhỏ ở ngoài quê ! Mẹ Salam thú vui thỉnh thoảng khi đêm đến lại tụ tập mấy ông mấy bà uống rượu ngâm vịnh rồi bình luận thơ phú , khi hứng lên lại chơi bài tứ sắc và tổ tôm . Còn Ông Già thì lại có thú uống chè xanh rồi cùng bạn bè đàm luận về những tích xưa cũ , đông tây kim cổ . Hồi đó chưa có phương tiện nghe nhìn như báy giờ nên Salam lại có nhiều thời gian nghe mọi người bình luận rât nhiều điều .
    Mỗi một con người ta đều có một đam mê của riêng mình . Người thì mê đĩa hát cổ , người thích tem , có người lại thích cây kiểng vvv như bác Bu lại thích nghiên cứu về Phật Giáo . Còn bác Hiệp lại đam mê sách , đó là những thú vui thanh cao mà ít người có được , trong cuộc sống xô bồ , bon chen như hiện nay .. Chúc mừng Bác giư mãi niềm đam mê như vậy nghen !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cha, các cụ của bác Salam văn nghệ quá, sống như thế rất hay. Ở quê mà có tâm hồn như thế không nhàm chán.

      Không vướng "tứ đổ tường", nhưng rồi cũng phải "bùa" một cái gì đó. Nói như bác Bu bên nhà bác í, mỗi khi vác một quyển sách nặng ký về phải tìm cách giấu vợ, bởi bà vợ biết giá cả sách, nói mua gì mà lắm thế, chẳng thà ông ăn uống tẩm bổ cái thân cò ma, phí tiền. Hì hì!

      Xóa
  2. Hôm bữa con đi trên hiệu sách cũ. Con có gặp bộ 2 cuốn từ điển Việt -Khmer y chang của bác. Con thích lắm. Lúc sờ tới hỏi giá thì họ bảo 2 triệu. Con lạnh sống lưng mà từ bỏ ý định. Hic. Nghĩ lại cũng tiếc lắm bác à. Đúng là chủ các hiệu sách cũ họ là người rành về sách hơn ai hết. Nói cái gì họ cũng biết. Vậy thì làm sao mà qua mặt dược họ. Hiểu biết + chút máu con buôn thì mình không lại họ được. :)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai quyển này chủ tiệm lấy tôi giá bằng 30% giá mà bạn HT bị nơi nào đó hét (mỗi quyển từ điển dày gần 2.000 trang giấy chỉ 300.000 đồng, tương đương với giá sách mới), còn quyển Việt-Chăm dày 500 trang giấy mới đầu nói 100.000 đồng, nhưng khi trả tiền chắc thấy tội nghiệp, bà chủ tiệm bớt cho còn 50.000).

      Tôi quen được với vài chủ tiệm sách cũ rất dễ chịu, họ rành và thích sách cũng như mình vậy, có khi bán đi một quyển sách hay họ cũng tiếc lắm.

      Xóa
    2. Con thì chưa được cái duyên nặng với sách vở như bác.
      Còn chuyện gặp chủ tiệm dễ tính thì con càng không. Mua sách của mấy tiệm này toàn phải chơi bài "lườm rau gắp thịt" bác à. Để lộ ra mình thích quyển nào là sẽ "bay đầu", biết mình thích nên họ sẽ lần lữa và mài dao chờ sẵn mình. Hu hu.

      Xóa
    3. Những tiệm sách cũ này có 2 loại chủ, thứ nhất là những người rành về sách, tính tình đàng hoàng, dễ thương, dĩ nhiên bán sách (cũ) là nghề kiếm cơm của họ, nhưng họ bán sách không theo kiểu chặt chém, có giá nhất định, phải chăng, gặp khách quen họ sẵn sàng bớt. Thứ nhì là những người rành về sách nhưng thuần túy mua bán lợi nhuận, những người này hay lắm, họ có thể nắm bắt tâm lý khách "mê" quyển sách ấy đến bực nào mà hét giá. Tôi hiếm khi đến những tiệm sách này.

      Xóa
  3. thấy bác Hiệp khoe sách, con thèm đc một ngày sẽ giống bác :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng để "một ngày nào' Bố susu. Hình như bà xã Bố susu trong ngành Giáo dục? Lại có 2 nhóc tì, trong nhà nên lập một tủ sách nho nhỏ, trước mắt cho nghề nghiệp của bà xã, cho tri thức của mình, sau nữa để tụi nhóc làm quen với sách.
      Có thể bắt đầu bằng những quyển sách thông thường, về lịch sử, văn học, du lịch, sách dành cho thiếu nhi về khoa học... vài quyển từ điển tiếng Việt, Anh, Pháp thông dụng, sách không thể mua ngay một lúc, mỗi tháng rảnh dắt tụi nhóc ghé nhà sách mua một hai quyển. Bố susu còn trẻ, nếu có kế hoạch sẽ lập được một tủ sách co được.
      Tôi có thể "tư vấn" trong chuyện lựa sách, hì hì!

      Xóa
  4. Chu choa, chữ Chăm viết loằng ngoằng làm sao biết mà tra bác Phạm hè?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, chữ Khmer và chữ Chăm được phiên âm theo Latin như chữ Việt mình, chẳng hạn co-ngook: con công, co-đam: con cua (tiếng Khmer, tiếng Khmer thì có thêm cái chữ loằng ngoằng). Arieng, đọc là Ariêng tiếng Chăm là con cua...
      Cũng dễ biết cụ Nô.

      Xóa
    2. Ở miền Tây Nam bộ có con "cua đinh", không biết có liên quan gì đến chữ "co-đam" là con cua của tiếng Khmer không?

      Xóa
    3. Con cua đinh là con ba ba thuộc họ Rùa bác H ơi.

      Xóa
  5. Hỏi bác Hiệp
    Salam nghe nói người Chăm theo đạo Balamon , thì có phải cùng chi phái đạo Balamon Ấn độ không ? . Bởi vì Salam xem mấy ký sự trên Tivi thấy có nhiều điều giống nhau ví dụ : Như chôn cất chẳng hạn , ngôi mộ bằng phẳng , chỉ để một hòn đá ở đầu mộ . Còn như khi làm lễ cúng các loại sao thấy rất giống người Ấn ( Vì Salam đã từng qua Indian )
    Nhân chuyên bác Dung Nobita nói đến chữ Chăm loằng ngoằng thì Salam kể cho các Bác nghe :
    Hồi trước đi công tác ở Trung Đông , tiếng Anh thì mình đã học ở Việt Nam . Khi ở đấy muốn học thêm tiếng Ả Rập . Chu choa cha mệ nội ơi , học nói thf dễ còn học viết thì bó tay , Mấy người Việt như Salam hay đùa nhau là chữ gì mà như giá đỗ , loằng ngoằng rất khó viết . Thế là cứ hàng ngày đi làm muốn diễn đạt trao đổi gì thì tiếng Anh hay tiếng Ả Rạp mà phang vui lắm . Néu nói không hiểu thì dùng tay mấy ông Việt nhà mình múa tay còn dẻo hơn Xuân Hinh nữa đó , vui lắm
    P/s Vào nhà Trường không được , cho lại đường link đê

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://huytruongqha.blogspot.com/?m=1
      Dạ. Đây bác Salam ơi. Chúc bác vui. :))

      Xóa
  6. Vẫn còn đó những niềm vui nho nhỏ ha bác , chúc mừng bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng phải ráng vui thôi bạn Marg. Chúc khỏe.

      Xóa
  7. Người Chăm ở VN (đa số ở Ninh Thuận) theo đạo Bà La Môn, gốc từ Ấn Độ, những tháp Chăm có nhà nghiên cứu cho rằng do nghệ nhân Ấn Độ sang xây cất chứ không phải do người Chăm xây. Nói chung người Chăm ở VN chịu ảnh hường của văn hóa Ấn Độ rất rõ rệt.

    Trả lờiXóa
  8. Trung thư hữu mỹ nhân - trong sách có người đẹp - chúc mừng hạnh phúc của PNH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người đẹp này cho ta biết nhiều điều mà lại chẳng nói năng gì cả :-)))

      Xóa
  9. Bác Hiệp kiếm được hai cuốn Từ điển độc quá, trong đó sẽ có nhiều bất ngờ thú vị vì từ ngữ Khmer, Chăm hòa vào tiếng việt chắc chắn là không ít.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, chủ tiệm biết tôi có quan tâm đến tiếng của các dân tộc khác, nên mới nhắn có thêm quyển từ điển tiếng người Jarai Tây nguyên, giá cũng rẻ họ giữ lại cho, để mai mốt rảnh ghé coi xem sao Toro.

      Kể ra mấy quyển từ điển này đôi khi cũng giúp ích cho mình, không đắt lắm cũng nên có trên kệ sách.

      Xóa
  10. Chào bác, bộ từ điển Khmer - Việt & Việt - Khmer bác mua có được đủ bộ không? Xem ảnh thì thấy bác mua được cuốn "Việt - Khmer (Tập 2)" và "Khmer - Việt (Tập 1)" trong khi tôi đang có "Việt - Khmer (Tập 1)" và "Khmer - Việt (Tập 2)", nếu bác lẻ bộ thì khong biết có thể nhượng lai cho tôi được không? Tôi kiếm 2 cuốn trong ảnh của bác để ghép bộ mà khó quá :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi mua được đúng 2 quyển như trên hình chụp, Khmer-Việt là quyển số 1, và Việt-Khmer là quyển số 2 (đủ bộ 2 quyển, chẳng hạn quyển Viet-Khmer là từ A đến V-U).

      Xóa
    2. Cuốn tôi có là:
      - "Việt - Khmer (Tập 1)" từ A - G: Như vậy chắc chắn phải còn có tập 2
      - "Khmer - Viêt (Tập 2)" từ pho - o: Như vậy chắc chắn phải có tập 1
      Tôi đoán khả năng là cuốn của bác là người chủ trước đã ghép 2 tập 1, 2 của "Việt Khmer" lại với nhau

      Hình 2 cuốn của tôi ở đây, giống hệt 2 cuốn của bác (trừ số tập). Bác có thể giúp kiểm tra lại sách của bác giúp được không.

      https://photos.google.com/photo/AF1QipPnhv1dzc1AGYzmAVOyZwRbV4fDhWtin1gS09nm

      Cảm ơn bác.

      Xóa
    3. Bây giờ giở sách kiểm tra kỹ lại mới hay tôi có một nửa và bạn có một nửa, đúng, quyển Việt-Khmer của tôi là tập 2, từ H đến Y, hôm mua tôi không coi kỹ. Tuy nhiên tôi cũng không có ý định bán nó, tôi nghĩ bạn cũng thế.

      Xóa
  11. Cảm ơn bác đã xác nhận. Ít nhất tôi và bác đều xác nhận được chính xác thôngb tin về nửa bộ sách mà mình có là mỗi bộ đều có 2 tập :)

    Cảm ơn bác, rất vui được biết blog của bác :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, mỗi người có một nửa, nhưng tôi nghĩ sẽ tìm được đủ bộ, hoặc ít nhất là thêm quyển một của cuốn Việt-Khmer.
      Vậy mời bạn thỉnh thoảng ghé qua chơi.

      Xóa
  12. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  13. Bộ của tôi không biết đến bao giờ ghép được vì ngoài Hà Nội ít người có nhu cầu. Nếu bác cần tôi sẽ nhượng lại cho bác, email của tôi là hongha@gmail.com (không tiện đưa số điện thoại lên nơi công cộng)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sáng nay tôi ghé một tiệm sách cũ quen, rất may là chủ tiệm có quyển Việt-Khmer tập 1, họ nói để mấy năm nay chẳng có ai hỏi, bán cho tôi với giá rẻ hơn tôi mua 2 quyển trước, họ nói nếu anh cần luôn quyển Khmer-Việt quyển 2 còn đang thiếu ít hôm nữa ghé lại, họ kiếm cho. Những chủ tiệm buôn bán sách cũ ở Saigon rất hay trong những chuyện như thế này, bởi họ có cả một hệ thống mua bán sách cũ quen biết, và dễ dàng tìm được quyển sách ta cần, sáng nay tôi cũng mua được luôn cả quyển Tự điển VN của Đào Văn Tập, bản gốc của nhà sách Vĩnh Bảo - Saigon in năm 1951, cũng với giá rất rẻ (rẻ hơn quyển từ điển tiếng Việt in mới bây giờ), quyển này tôi tìm mua bấy lâu nay, không phải nó giải thích hay, mà nó là một cột mốc về từ ngữ tiếng Việt.

      Xóa
  14. Hay quá, chúc mừng bác. Sau này nếu thấy 2 cuốn tôi thiếu, nếu được nhờ bác hỏi giúp giá và nhắn giúp tôi thông tin. Ngoài ra tôi cũng đang tìm từ điển Jrai - Việt của Rơmah Del.

    Cảm ơn bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đang viết một entry về chuyện này sẽ đưa lên, cả hình ảnh của 2 quyển từ điển này. Tôi cũng có quyển Việt-Gia Rai của Rơmah Dêl, cũng sẽ chụp và đưa lên.
      Cám ơn bạn, tôi sẽ nhờ người bán sách cũ để ý hộ.

      Xóa
  15. Chú cho con hỏi muốn từ điển viet -campuchia la mua o đâu con đang cần gấp mà tìm hoài không có

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ điển này xuất bản đã lâu nay rất khó kiếm. Bạn thử đi tìm tại các nhà sách cũ đường Trần Nhân Tôn quận 10 xem sao.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))