Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Chuyện cung tên.


Hình 1: Bức phù điêu bên nhà ông bạn Bulukhin. Ảnh Bulukhin.

Bên nhà ông bạn Bulukhin đưa ra một entry, có hình bức phù điêu được câu con trai mang về từ Yangon (Myanmar) tặng. Bức phù điêu mang hình ảnh một vũ nữ Apsaras (tạm cho là như thế), như những vũ nữ Apsaras của Cambodge, tay cầm một chiếc cung trong tư thế đang giương bắn, nhưng cung không có dây và cũng không có tên, còn chân của vũ nữ bắn cung lại đang giẫm lên mũi tên. Bức phù điêu bằng bạc nổi bật trên nền nhung đen, ông bạn Bulukhin nói mặt trước, sau không hề có một hàng chữ nào chú thích cho hình ảnh. Nhìn trang phục như áo giáp, tay cầm cung, chân giẫm lên mũi tên, tuy hình ảnh trông như vũ nữ, nhưng với trang phục áo giáp, cung, tên, cho ta cảm tưởng là một chiến binh hơn là vũ nữ. Ông bạn Bulukhin nhờ các bạn đặt tên cho bức phù điêu này. Thật là khó.

Tấm hình cho ta thấy vũ nữ Apsaras trong tư thế cầm cung đã bắn mũi tên đi, vì tay đã buông lỏng đưa lên cao khỏi đầu, chứ không phải hình ảnh cánh tay nằm ngang với tâm điểm cây cung, và bàn tay nắm lại, trong tư thế nắm mũi tên chuẩn bị bắn. Một chân của bức phù điêu co lên cao, còn chân kia nhón gót, cả hai chân đều cong trong tư thế nơi những điệu múa mà ta thường thấy ở những bức tượng vũ nữ Apsaras. Toàn hình ảnh bức phù điêu cho ta cảm giác vũ nữ Apsaras sau khi bắn đi mũi tên, thì "cỡi" lên mũi tên, lướt đi và "múa" cùng mũi tên đang bay, chứ không phải đang giẫm đạp lên mũi tên nằm dưới đất.

Myanmar ngày trước được gọi là Miến Điện, Diến Điện (緬甸) theo cách gọi của người Trung Hoa, là một quốc gia vùng Đông Nam Á có đến khoảng gần 90% dân số theo Phật giáo hệ phái Theravada (Phật giáo Nguyên thủy), như các nước lân bang Thái Lan, Cam Bốt, Lào... Tấm hình bên trên mang tính đặc trưng của Phật giáo Nguyên thủy, bởi hình ảnh của vũ nữ Apsaras này khi đến những chùa ở Thái Lan, Cam Bốt, và cả những ngôi chùa Khmer ở vùng Sóc Trăng Nam bộ tôi đều nhìn thấy.


Hình 2&3: Ảnh nơi những ngôi chùa Khmer Nam bộ, trông giống như vũ nữ bắn cung trong bức phù điêu của ông bạn Bulukhin. Ảnh Internet.

Hình 4: Lễ hội ở một ngôi chùa Nam bộ, bên tay trái là một vũ nữ, mặc như trong bức phù điêu, bên tay phải có lẽ là hình ảnh Ông Tà (Neak Ta) của người Khmer. Ảnh Internet.

Trước khi thử diễn giải về bức phù điêu của bác Bulukhin, tôi cũng thử tìm hiểu về motif cung, tên trong văn hóa ở một vài nơi trên thế giới. Ở phương Đông (Trung Quốc), ta thấy có điển tích Hậu Nghệ dùng cung tên bắn rơi chín mặt trời, chỉ còn để lại một mặt trời như ta thấy ngày nay. Thần thoại Hy Lạp phương Tây có thần Eros, được coi như vị thần của tình yêu, là một vị thần sáng thế con trai của thần Hermes. Thần có hình dạng một cậu bé xinh xắn, có khi có đôi cánh. Với những mũi tên luôn luôn bắn trúng đích, thần Eros đã gây ra những đau khổ và vui sướng của tình yêu cho cả các vị thần lẫn người trần.

Hình 5: Hậu Nghệ bắn mặt trời. Ảnh Internet.

Hình 6: Thần Eros, thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp. Ảnh Internet.

Bắn cung ở Nhật Bản đã được nâng lên hàng Đạo, họ gọi là Cung đạo (Kyudo), như nhiều môn thể thao, nghệ thuật khác, Kiếm đạo, Nhu đạo, Trà đạo, Hoa đạo... Đối với người Nhật, Cung đạo rèn luyện cho con người phẩm chất kiên nhẫn, sức mạnh tinh thần, sự am hiểu, lòng kính trọng con người, việc bắn cung phải hoàn hảo trong từng động tác.

Hình 7: Cung đạo Nhật Bản. Ảnh Internet.

Ở Việt Nam ta có truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, một phát bắn được cả chục mũi tên, nhưng đây là cái nỏ, một loại "máy bắn tên" trong truyền thống giữ nước, chứ không phải chuyện cung, tên trong nghệ thuật hay triết lý tôn giáo.

Trở lại chuyện bức phù điêu của ông bạn Bulukhin. Tôi cũng tìm được một tấm hình khác, cũng có những vũ nữ Apsaras tương tự như trong bức phù điêu của ông bạn Bulukhin, đó là tượng của 2 vũ nữ đang gánh một chiếc chuông, chiếc chuông cỡ trung bình ta thường thấy nơi những ngôi chùa Phật giáo.

Hình 8: Hai vũ nữ gánh chiếc chuông. Ảnh Internet.
Như thế ta có thể khẳng định, đây là một vũ nữ Apsaras quen thuộc của Phật giáo Nguyên thủy, có trang phục trông như áo giáp thời xưa (trông như áo giáp chứ không phải là áo giáp), bởi hình ảnh bên trên là khiêng quả chuông, chứ không phải với cung tên. Vậy vũ nữ Apsaras này là ai trong Phật giáo Nguyên thủy? mà ta đã thấy hình ảnh khá nhiều nơi chùa của họ ở các nơi. Đây có phải là một vị thần của Phật giáo Nguyên thủy hay không?

Hình 9: Những vũ nữ Apsaras của Cambodge. Ảnh Internet.

Trong những sách vở về Phật giáo tôi có, do các vị Đại đức, Thượng tọa của mình viết, những quyển sách nói về những bức tượng, thần, pháp khí... lạ thay tôi không hề thấy một hình ảnh, hay một bài viết nào nói về vũ nữ Apsaras, và cũng khá lạ nữa, có vài quyển sách nói về các pháp khí trong Phật giáo, nhưng chỉ nói về những vật thông dụng, như chuỗi hạt, bình bát, chuông, mõ, khánh, tích trượng, thiền trượng... chứ không hề thấy nói đến các lọai binh khí như cung, tên, đao, kiếm... Kể cả tra trên các trang mạng của Phật giáo cũng thế. Những binh khí mà Phật giáo gọi là pháp khí như đao, kiếm, thương... trong các đình, đền người ta cũng hay trưng bày với tên gọi là lỗ bộ.

Trong một buổi đi nghe Thượng Tọa Thích Lệ Trang (*) nói chuyện về đề tài Phật giáo ở chùa Phật Học Xá Lợi. Thượng tọa có kể câu chuyện, đại ý: một lần Thượng tọa có nghe một anh hướng dẫn viên du lịch dẫn một đoàn khách vào chùa, anh chàng đã thuyết minh cây kiếm cầm trên tay một vị thần Phật giáo đặt trong chùa là "vũ khí" thay vì phải nói là "pháp khí", ("weapons" thay vì là "Buddhist  weapons").

Hình 10: Ông Tiêu (Tiêu Diện Đại Sĩ), một Hộ pháp của Phật giáo Đại thừa tay cầm kiếm. Ảnh Internet.

May thay, trên kệ sách có một quyển sách khác cho tôi những thứ mình muốn tìm. Đó lại là quyển sách của một tác giả người Pháp Louis Frédéric có tựa Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo (**). Tôi có thể tìm thấy rất nhiều những vị thần mang hình ảnh phụ nữ của Phật giáo Đại thừa ở các quốc gia như Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa... Về bức tượng vũ nữ, sách viết: 

"Apsaras là những thiên nhân, không được thờ phượng như là các thần linh, mà chỉ là những tòng nhân của các Devas (Devas là những vị thần chính thức cư ngụ nơi các tầng trời). Phần lớn đó là các nhạc công hoặc các vũ nữ, và được sử dụng rộng rãi trong việc trang trí các đền chùa, nhất là ở Thái Lan, Myanmar và Lào. Họ thường được biểu thị theo chính diện, đầu đội mũ miện, tay chắp lại, hoặc trong tư thế nhảy múa, hay đang sử dụng các loại nhạc khí. Ở Campuchia, họ thường là những vũ công được trang điểm kỹ lưỡng với nhiều vàng ngọc, châu báu và khỏa thân ở bán thân trên. Xuyên qua nghệ thuật Đông Nam Á có lẽ họ tượng trưng cho những thần đất đai và thần bảo trợ".

Như vậy chúng ta đã thấy, đây là những vũ nữ Apsaras được sử dụng để trang trí các đền chùa ở Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam (như trong 3 tấm hình 2, 3, 4 ở những ngôi chùa Khmer Nam bộ bên trên), hoặc trong hình 8 có hai vũ nữ khiêng quả chuông. Những vũ nữ này không phải là những vị thần chính thức nơi các tầng trời, mà chỉ được sử dụng trong việc trang trí nơi các đền, chùa (như trong hình 2, 3), hoặc tượng trưng cho những thần đất đai, thần bảo trợ, như tác giả Louis Frédéric đã viết bên trên.

Còn về những binh khí, mà Phật giáo gọi là pháp khí, tác giả Louis Frédéric có đề cập đến trong sách đã dẫn. Các loại vũ khí (Ayudha) gồm có: Gươm (Khadga), Kiếm thẳng 2 lưỡi sắc, Kiếm cong, Giáo và Đinh ba, Rìu, Cung tên. Ý nghĩa của những loại vũ khi mà ta gọi là pháp khí này là tượng trưng cho cuộc chiến đấu chống lại những thế lực xấu như ma quỷ, tham, sân, si, sự vô minh, mê muội,  và cho việc bảo vệ Phật pháp. Đặc biệt nơi Cung tên còn tượng trưng cho sự tập trung tinh thần và minh triết, sự kết hợp giữa cung và tên có thể còn tượng trưng cho tình yêu.

Đến đây tưởng chừng đã hé lộ được hai phần ba đoạn đường, đã biết được ý nghĩa của vũ nữ, biết được ý nghĩa của vũ khí (Pháp khí) là cây cung và mũi tên trong tấm phù điêu ở hình 1. Nhưng than ôi, một đoạn văn khác cũng trong sách của tác giả Louis Frédéric trong chương viết về những vũ khí của Phật giáo, đã đưa những suy đoán tiếp theo của tôi vào ngõ cụt. Tác giả viết: "Những vũ khí này không bao giờ được tìm thấy nơi những biểu tượng thuộc về các phái Phật giáo Nguyên Thủy. Trái lại, chúng được sử dụng rộng rãi để biểu thị các vị thần thuộc về các phái Mật tông, ở Tây Tạng cũng như ở Trung Hoa và Nhật Bản". Những pháp khí dưới dạng vũ khí, chỉ được thấy ở những nơi thờ tự của Phật giáo Đại thừa, mà các vũ nữ Apsaras lại là một trong những biểu tượng của Phật giáo Nguyên thủy.

Hình 11: Hộ pháp Đa văn Thiên Vương (多闻天王), tay phải cầm Bảo tháp, tay trái cầm thương 3 chĩa trong một ngôi chùa ở Nhật Bản. Ảnh Internet. 

Hình 12: Một Hộ pháp tay cầm cung, tên được thờ trong chùa Đại thừa ở Trung Hoa. Ảnh Internet.

Từ điều khẳng định này, tôi chợt nhớ trong chính điện của những ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy chỉ thờ mỗi bức tượng Đức Phật Thích Ca, tượng phụ nữ chỉ có mỗi biểu tượng Apsaras nhưng không được thờ trong chính điện. Còn trong những ngôi chùa thuộc Phật giáo Đại thừa mới có tượng những vị thần hộ pháp khác trên tay mang những vũ khí (pháp khí), như kiếm, đao, thương, cung, tên...

Tôi tiếp tục thử đi tìm những hình ảnh của những vũ nữ Apsaras trên mạng, quả là tôi không thể tìm thấy ở đâu có hình ảnh vũ nữ Apsaras với những vũ khí nói chung, hoặc với cung tên nói riêng, như bức phù điêu đã dẫn. Như vậy tại sao lại có bức phù điêu mang hình ảnh Apsaras với cung tên mà ông bạn Bulukhin đã có, do con trai mang từ Myanmar, một đất nước của Phật giáo Nguyên thủy về tặng?

Đang phân vân, thì nơi một trang khác của quyển sách, tác giả Louis Frédéric có một tấm hình chụp một tượng Phật tại Myanmar, bức tượng Phật chụp trong tư thế Tọa thiền, hai chân xếp bằng, bàn tay phải trong tư thế ấn Xúc địa (Xúc địa ấn, tay tiếp xúc với mặt đất). bàn tay trái trong tư thế Thiền định. Nhưng điều đặc biệt nơi bức tượng Phật này là cặp kính trắng mạ vàng trên khuôn mặt. Phật đeo kính thì quả thật trên thế giới chắc chỉ có ở Myanmar.

Hình 13: Sách Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo của Louis Frédéric.

Hình 14: Tượng Phật đeo kính ở Myanmar. 

Apsaras cầm vũ khí (pháp khí), hoặc Phật đeo kính, có lẽ hình ảnh này ngoài đất nước Myanmar thì không đâu có, nhưng nó có ý nghĩa gì? Hay chỉ là một sự kết hợp có tính cách đơn thuần về nghệ thuật trang trí của họ? Có một điều ta cũng đừng quên, là bức phù điêu vũ nữ Apsaras với cung tên chỉ là một sản phẩm mỹ nghệ, như những sản phẩm mỹ nghệ khác chỉ có tính chất kỷ niệm, không phải là một cổ vật tôn giáo trong bảo tàng, hoặc là hình ảnh chính thức được đặt trong chùa (có phải thế mà bức phù điêu không hề có một dòng chữ chú thích?). Cho nên họ có cách điệu so với truyền thống tôn giáo chắc cũng không lạ, chẳng thấm vào đâu với cách điệu của tượng Phật thờ trong chùa được đeo kính. Sách vở hoặc những thông tin về nền văn hóa Myanmar có quá ít. Điều này chắc chỉ người dân Myanmar mới có thể giải thích được.

Đúng là bó tay chấm cơm với việc đặt một cái tên ý nghĩa cho bức phù điêu, khi ta chưa thể hiểu được hình ảnh trên tấm phù điêu nói lên điều gì? Tôi chỉ có thể tạm gọi tấm phù điêu của ông bạn Bulukhin là "Vũ nữ Apsaras bắn cung", theo đúng như hình ảnh của tấm phù điêu đã thể hiện.

Điều sau cùng tôi muốn nói trong bài viết này, là cám ơn ông bạn Bulukhin về tấm phù điêu thú vị của Myanmar. Nhờ có nó tôi mới thử tìm hiểu, và biết thêm được ít nhiều về Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Nguyên thủy, và về nền văn hóa của đất nước Myanmar còn khá xa lạ.

Bổ sung theo gợi ý của ông bạn dungNobita:

Trên trang mạng Wikipedia viết về đất nước Myanmar, có chép, nền văn hóa Myanmar ảnh hưởng bởi Phật giáo và Braman (Ấn giáo Bà La Môn). Thần Rama là một vị thần quan trọng của đạo Hindu), tôi chép theo trang Wikipedia:

"Rama (राम, Rama) là avatar (hóa thân) thứ bảy của vị thần Hindu Vishnu, và một vị vua của Ayodhya trong kinh Hindu. Rama cũng là nhân vật chính của sử thi Hindu Ramayana, trong đó kể lại uy quyền của mình. Thông thường người ta cho rằng Rama được sinh ra khoảng 1,2 triệu năm trước, trong Treta Yuga, tuổi kéo dài 1.296.000 năm. Rama là một trong những nhân vật và vị thần nổi tiếng nhiều nhất trong Ấn Độ giáo. đặc biệt các kinh điển Tỳ-thấp-nô và Vaishnava ở Nam và Đông Nam Á. Cùng với Krishna, Rama được coi là một trong những đại diện quan trọng nhất của Vishnu."

Tượng mỹ thuật thần Rama của đạo Hidu (Ấn Độ giáo). Ảnh của trang Ebay.

Ảnh thần Rama cầm cung tên trên trang mạng Wikipedia.

Trên trang Wikipedia cũng không có thông tin gì nhiều về vị thần Hindu này, có lẽ cung tên là vũ khí của vị thần Rama. Trang Wikipedia có nhắc đến sử thi Raman. Tôi thử tìm trên mạng, có trang chép về Sử thi Ramayana. Tôi copy lại dưới đây:

"Thataka ném chiếc đinh ba về phía Rama. Trong khi chiếc đinh ba đang bay tới, rừng rực lửa hồng, Rama giương cung lên, bắn một mũi tên dập tan chiếc đinh ba ra làm trăm mảnh. Sau đó, mụ ta hốt luôn tất cả sỏi đá ném đi mong đè bẹp kẻ thù. Rama lại bắn mấy mũi tên nữa và biến tất cả những thứ đó thành ra vô hiệu. Cuối cùng một mũi tên của Rama xuyên qua họng con quỷ dữ và chấm dứt cuộc đời của nó; và cũng từ đó Rama bắt đầu nhận lấy sứ mệnh của mình là diệt trừ quỷ dữ và tội ác trong cõi trần này. Các thần tụ hợp trên trời bày tỏ nỗi vui mừng và niềm sảng khoái, rồi nói với Vivamitra: "Ôi, tôn sư, người là bậc thầy của các thứ vũ khí, xin người hãy đem tất cả hiểu biết và quyền lực của người truyền lại cho cậu bé này không chút e dè. Cậu ta là một vị cứu tinh". Vivamitra làm đúng theo lời dặn này là đã dạy cho Rama tất cả những môn cần thiết cho việc sử dụng vũ khí. Sau đó ít lâu, các vị thần đứng đầu từng loại ashiras (vũ khí) kính cẩn hiện lên trước mặt Rama và tuyên bố: "Giờ đây, chúng tôi là người của Ngài, xin Ngài cứ ra lệnh cho chúng tôi, không kể ngày đêm".

Như vậy đã rõ, đó là hình ảnh của thần Rama dùng cung tên giết chết con quỷ dữ Thataka. Bức phù điêu Apsars của bác Bu có thể là sự kết hợp giữa Phật giáo Nguyên Thủy (với hình ảnh Apsaras, dáng điệu của người bắn cung trong phù điêu rất giống tư thế múa của Apsaras), và sử thi về vị thần Rama của đạo Hindu (Ấn giáo). Hoặc đây là hình ảnh của thần Raman chứ không phải là vũ nữ Apsaras, và ý nghĩa bức phù điêu của bác Bu là diễn tả lại chiến tích của thần Rama giết quỷ dữ.

Rất cám ơn ông bạn dungNobita đã tìm ra manh mối để có thể "giải mã" cho bức phù điêu của bác Bu. Nhưng tên gọi có thể đặt cho bức phù điêu xin vẫn giữ nguyên theo đề nghị của ông bạn Bulukhin là "Vũ điệu bắn cung".


Ghi chú:

(*) Thượng tọa Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo Trung Ương, Trưởng Ban Nghi lễ Phật giáo TP. HCM, Trong sách viết về Âm nhạc, GS. Trần Văn Khê khi viết về Âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo có viết, đã tham khảo nơi Thượng tọa Thích Lệ Trang.

(**) Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo, Louis Frédéric, Phan Quang Định dịch, NXB Mỹ Thuật - 2005. Bạn nào muốn tìm hiểu về những Tranh, tượng & Thần phổ của Phật giáo nên đọc quyển sách này.







34 nhận xét :

  1. 1- Bạn PNH bỏ nhiều công sức về bức phù điêu. Tuy bó tay chấm com nhưng cũng được hiểu ra nhiều việc, Mà cứ được hiểu biết là thú vi rồi
    2- Để khẳng định pháp khí trong Phật giáo không nói đến cung tên, bu tui ghi lại vắn tắt định nghĩa pháp khí trong Phật quang đại từ điển
    Nghĩa I
    Người có khả ngăn tu hành Phật đạo
    Nghĩa II
    Tất cả những dụng cụ dùng cho các loại Phật sự như trang hoàng Phật đản, pháp hội, cầu nguyện, cúng dường, hoặc đem theo bên mình như tràng hạt tích trượng,,,.
    3- Tên gọi cho bức phù điêu bu tui kiến nghị VŨ ĐIIỆU BẮN CUNG

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về chuyện những binh khí mà các vị thần Phật giáo cấm trên tay tôi cũng không để ý, nhưng bởi có lần đi nghe Thượng tọa Thích Lệ Trang nói chuyện trong một buổi triển lãm những đồ dùng của chư tăng nhân ngày Phật đản ở chùa Xá Lợi, thì ngài có giảng như thế, những binh khí của các vị thần Phật giáo cũng được gọi chung là Pháp khí (những dụng cụ, khí cụ nói chung trong Phật pháp), cũng như tích trượng, thiền trượng... Ngài giảng thế mình cũng biết thế, vụ này đúng là không rành.

      "Vũ nữ Apsaras bắn cung", "Vũ điệu bắn cung", đồng ý :-)

      Xóa
    2. Bu tui chắc chắn PNH không nghe nhầm. Vậy tại sao Phật Quang đại từ điển trong mục Pháp khí không nói gì đến ba vụ cung tên ấy. Hay là từ điển thiếu, hoặc là thầy Lệ Trang thừa hihi . Chịu !!

      Xóa
    3. Bạn tìm ra ông Phật đeo Kính thì quá độc đáo
      Bu tui ở bên đó một tuần lễ vào bao nhiêu chùa mà không thấy
      Có lẽ phải đi sâu tìm hiểu vụ này chăng hehe

      Xóa
    4. Bởi thế tôi tìm trong khắp các sách Phật giáo mình có, chẳng thấy sách nào nói những binh khí các vị thần cầm là pháp khí. Thượn tọa Lệ Trang là người rất giỏi về nghi lễ, nghi thức, âm nhạc, đồ dùng của Phật giáo. Hôm đó ngài còn giảng về một cây đèn dầu cổ được trưng bày, cùng những lư xông hương trầm, khánh, thiền trượng... dùng trong nghi lễ Phật giáo. Tôi hiểu là ngài muốn nói, khi những binh khí thông thường ngoài đời mà được sử dụng nơi những vị thần Phật giáo, thì sẽ trở thành Pháp khí với nghĩa thông thường là "khí cụ của Phật pháp", chứ không còn đơn thuần là vũ khí.

      Xóa
    5. Theo hình chụp ghi chú là Đại Phật, thì ta thấy đây là bức tượng Phật khá lớn. Đúng cái độc đáo là ngài có thêm cặp mục kỉnh. Dĩ nhiên thời Đức Phật làm gì có kính cận với kính lão. Một sáng kiến của người Myanmar.
      Ngoài hình chụp ở quyển sách tôi có thì tôi thử tìm trên mạng không thấy có hình nào khác tương tự. Vụ Phật đeo kính này thì thật sự bó tay luôn.

      Xóa
    6. Tôi xin nói thêm về những binh khí dùng trong tín ngưỡng, chẳng hạn giàn đao, thương, giáo... ta thường thấy nơi các đình đền, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị gọi là Đồ Lỗ Bộ (鹵簿), giải thích là "Đồ nghi trượng". Còn Việt Nam Tự điển của Khai Trí Tiên Đức, giải thích Lỗ bộ là "Đồ binh khí dùng làm nghi trượng". Trong tín ngưỡng họ tránh dùng từ binh khí, vũ khí, có lẽ nghe có vẻ sát thương, giết chóc. Thày Lệ Trang xếp những loại binh khí sử dụng trong hình tượng Phật giáo vào Pháp khí, có lẽ cũng ở ý này chăng?

      Xóa
  2. Hình tượng này tôi nghĩ có nhiều khả năng là Vua Rama trong truyền thuyết sử thi... của đạo Hindu. Các cô Apsara cũng vậy. Những hình tượng này hòa quyện với Phật Giáo trong trang trí các chùa Phật của người Khmer - Campuchia, Thái lan, Miến điện.
    Bác Phạm thử vài link này xem thử:
    http://www.ebay.vn/san-pham/antique-siam-bronze-statue-of-prince-rama-thailand-30-inches-sculpture-350850381145.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Lord Rama with his Bow

      [img]http://cdn-4.kamat.com/kalranga/kaviart/4328.jpg[/img]

      Xóa
    3. Từ comment của cụ Nô, tôi thử "mở thêm hướng" tra sang đạo Hindu. Trên trang mạng Wikipedia nói về nước Myanmar có viết là nền văn hóa chiếm vị trí trọng yếu ở Myanmar là Phật giáo và Braman (Ấn giáo), có một sản phẩm khác có hình ảnh tương tự như vũ nữ Apsaras bắn cung của bác Bu. Trên trang Wikipedia cũng có nói về vị thần Rama, hóa thân thứ bảy của vị thần Vishnu, hình ảnh vị thần này là cầm cây cung và tên. Tôi sẽ bổ sung vào bài viết.
      Cám ơn cụ Nô nhiều.

      Xóa
    4. Tôi đã bổ sung thêm cả sử thi về chuyện thần Rama dùng cung tên giết chết quỷ dữ.

      Xóa
  3. Oh ! Hôm nay lại được học hỏi thêm về nét văn hóa thật độc đáo qua các hình tượng nhìn thật đẹp và thật hay ! Cảm ơn anh Hiệp nhiều nha ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NangTuyet đã vào xem một bài viết "khá nhức đầu" này, hì hi!

      Xóa
  4. Tên đã thoát ra khỏi cung lại còn mang người vũ nữ lao sầm sập tới nữa thì chắc chắn sẽ có một trái tim tan chảy mất thôi . Hihi , đùa với bác cho vui , chứ cũng có đọc entry dài này để biết được một số thứ , còn có nhức đầu không thì để xem (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn thấy entry dài, lại viết về một bức phù điêu liên quan đến tôn giáo nên có khi thấy... ngán, hihi! Hình ảnh vũ nữ lướt đi trong gió với vũ điệu Apsaras trông hay chứ.

      Xóa
    2. Hihi , M thì cũng không quan tâm lắm khía cạnh tôn giáo của bức phù điêu , thấy cung với tên thì cứ liên tưởng đến cung tên của thần tình yêu Eros thôi (-:

      Xóa
    3. Cũng có thể vì là hàng mỹ nghệ nên người ta cho vũ nữ Apsaras bắn tên tình yêu lắm chứ :-)

      Xóa
  5. Tui cũng cảm ơn bác Bu giúp bác Phạm lục tìm, nghiên cứu sách vở để cho ra một bài viết hay. Còn cá nhân tui thì cảm ơn cả hai bác! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn tui cảm ơn bạn Giáo đã cất công vào xem :-)))

      Xóa
  6. "Tượng mỹ thuật thần Rama của đạo Hidu (Ấn Độ giáo). Ảnh của trang Ebay."

    Tượng này giống phù điêu bu tui đưa lên.Chỉ khác là Vũ nữ một chân đứng trên mũi tên còn tượng này một chân đứng trên bệ.
    Phù điêu vũ nữ từ Myanmar đưa về, không hiểu Myanmar có nhập từ Ấn Độ sang không, Và Myanmar có mấy phần trăm dân theo đạo Hinđu
    Chúng ta không phải là những nhà dân tộc học, sử học, tôn giáo học, nên chỉ xáo xới thế thôi chớ khó tìm ra sự thực cuối cùng lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là quá khó để nói lên sự thực cuối cùng, nhưng với những gì tìm tòi được nhờ bức phù điêu của bác Bu cũng đủ thấy "phái" rồi :-)))

      Xóa
    2. Nhìn kỹ bức phù điêu của bác Bu và bức tượng có khác nhau, khác ở chỗ bức phù điêu ĐÃ bắn mũi tên đi (căn cứ trên vị trí và động tác của tay như đã phân tích trong entry), nên vũ nữ Apsaras (hoặc thần Rama) mới có thể LƯỚT đi cùng mũi tên đang bay.
      Còn ở nơi bức tượng là động tác ĐANG giương cung bắn tên, cũng căn cứ trên vị trí và tư thế của ngón tay (ngón trỏ và ngón cái đang nắm lấy đuôi mũi tên căng trên dây cung). Một bên ĐÃ bắn tên còn một bên ĐANG chuẩn bị bắn.

      Xóa
  7. Cung trên bức tượng không dây, hay là bắn xong thì tháo dây luôn hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi nghĩ cái dây cung thì không quan trọng, bởi nó mảnh quá, động tác đang bắn cung thì cả bàn chân đặt trên mặt đất, để có điểm tựa vững. Mình không chuyên về nghiên cứu, cũng không phải dân Myanmar mà hiểu được đến đây là cũng khá rồi đó bác Bu :-))

      Xóa
  8. Một bài viết tương đối đầy đủ , dẫn chứng sinh động chứng tỏ Bác đã mất nhiều thời gian nghiên cứu . Biết thêm một điều mới là một niêm vui . Cám ơn bác Hiệp và bác Bu đã cho một đề tài hay ,bắt mọi người phải " Động não " mấy ngày nay khi rảnh rỗi tôi lại tìm hiểu về đất nước Myanmar .hoá ra khong đến nỗi bí hiểm như ta từng nghĩ
    Myanmar có 5% người theo đạo Hindu ,vì thế các Bác nhận xét rất đúng là bức phù điêu cáchđiệu " Vũ nữ bắn cung " là biến tấu của bức tượng thần Ramma giệt quỷ dữ
    Một lần nữa cảm ơn Bác và bác Bu cùng bạn DungNobita

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Salam đã vào xem và nhận xét. Tuy không phải là những gì to tát, nhưng tôi có thói quen khi bàn đến những chuyện chữ nghĩa, hay như thế này thì thường tra cứu nơi sách vở, những thông tin đúng đắn trên mạng, ý kiến bạn bè... rồi cố gắng tìm hiểu, đưa ra một nhận xét trên những thông tin đó. Chuyện đúng sai mình không thể khẳng định được, nhưng qua đó mình có thể hiều thêm nhiều điều.

      Xóa
  9. Đêm chủ nhật chúc Bác vui vẻ, có chuyện này tính ngày mai mới nói ,nhưng lại là ngày đầu tuần lại làm phiền Bác , giờ nói luôn coi như là The end
    Vừa rồi đọc ở nhà bác Giao có một bài về chữ viết ,trong lòng cảm thấy lấn cấn không hài lòng lắm trong lòng tôi giờ chỉ có Bác , bác Bu , bác Nho là có thể giải toả những ấm ức lòng tự tôn dân tộc trong tôi mà thôi .Sau đây là đoạn trích
    Chúng ta đều biết ở vùng đông á , chỉ có hai dân tộc đã tạo ra được hệ thống chữ viết là người Hán của Trung Quốc ( Chữ hán ) và người Hàn Quốc - Triều Tiên ( Chữ Hàn - Triều Tiên ) Nhật Bản thì kém hơn Triều Tiên một chút, , nhưng vẫn bắt chước ( hoặc nhận sự hướng dẫn nào đó của người Triều Tiên ) mà tạo được bộ chữ riêng để ghi âm
    Đọc đoạn này mới cực phê các Bác ạ
    Việt Nam thì kém hơn cả, chỉ làm ra được hệ thống chữ nôm, tức chỉ thông minh ngang với người Choang ở Trung Quốc . Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy là người Kinh còn kém hơn người Choang , vì chữ nôm ra đời rất muộn so với chữ Thổ của Choang , Lủng củng và lung tung, thì hai loại chữ này ( Nôm Việt và Nôm Choang ) là như nhau
    Các Bác nghĩ sao về bài viết trên ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra đọc đoạn viết trên của bạn Salam, tôi không hiểu rõ lắm muốn nói điều gì? Muốn nói về những vấn đề này chắc phải cần đến một quyển sách dày ít nhất năm bảy trăm trang, và do những nhà chuyên môn, chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ viết. Một ít dòng không hề có dẫn chứng như thế quả thật chẳng nói lên được điều gì cả.
      Đây là một vấn đề quá lớn bạn Salam. Đêm cuối tuần chúc bạn ngủ ngon.

      Xóa
  10. Có thể coi bức phù điêu là sản phẩm của văn hóa dân gian và là kết quả của sự tiếp thu trên tinh thần sáng tạo văn hóa bác học / chính thống được không ạ? Thưa bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó bạn CT, tôi nghĩ vì đây chỉ là bức phù điêu mỹ nghệ (không có ý nghĩa nhiều về mặt nghiên cứu tôn giáo), họ làm theo motif tín ngưỡng của đất nước họ (hình ảnh Apsaras, chuyện dùng cung tên diệt ma quỷ của thần Hindu).
      Nhưng từ bức phù điêu mỹ nghệ của bác Bu mà tôi có thể hiểu thêm một số điều liên quan cũng rất hay.

      Xóa
  11. Vâng, và trong dân gian có khi cũng gồm cả những bậc đại trí ẩn dật. Tác phẩm vô danh của họ đã và sẽ được tiếp nhận rất khác với những tác phẩm có ghi rõ tên tuổi của họ..

    Trả lờiXóa
  12. Bác Hiệp đã làm một khảo cứu công phu về Vũ điệu bắn cung. Đọc mới vỡ ra, nếu không lại nhầm là có sự kết hợp Nguyên thủy và Đại thừa. Có lẽ nghệ nhân dân gian dựa trên những motif truyền thống để sáng tạo sản phẩm, không hẳn chuyển tải một thông điệp đặc biệt nào.

    Theo chân cụ VK, tặng bác đôi "đôi cấu"

    Thu hết tinh hoa kim cổ lại
    Giải cho sáng tỏ bắn cung này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng nghĩ đây là một sự kết hợp giữa mỹ thuật và truyền thống của họ, để tạo ra một sản mỹ nghệ mang tính cách dân gian hơn là họ muốn nói điều gì nơi sản phẩm.

      Cám ơn Toro về câu đối mang "hơi hướm" VK :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))