Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Đọc sách.


Sách Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802.


Tôi đọc sách Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (*), của tác giả Tạ Chí Đại Trường, trong sách có nhắc đến câu ca dao:

Ai về nhắn với nậu nguồn,
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

Có lẽ cũng như đa số ca dao, tục ngữ, câu ca dao này cũng không biết ra đời từ thời nào. Nhưng qua một số từ ngữ trong ca dao, như nậu nguồn, măng le, cá chuồn, và việc tác giả đưa câu ca dao này vào sách nói về cuộc nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, là cuộc chiến tranh giữa anh em nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn, bắt nguồn từ vùng rừng núi Tây Sơn (Bình Định). Tôi đoán có thể câu ca dao có từ khoảng trước cuộc nội chiến, và ra đời ở vùng Bình Định.

Sách viết về lịch sử thời chúa Nguyễn như Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, có nói đến anh em Tây Sơn, nhưng không thấy chép rõ gốc tích của họ. Trong sách của tác giả Tạ Chí Đại Trường có ghi rõ, đại ý: Anh em Tây Sơn thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly, nguyên quán ở đất Hưng Nguyên (Nghệ An). Đời ông bà của họ (đến đời anh em Tây Sơn là ba đời), bị quân chúa Nguyễn bắt vào Nam thời Thịnh Đức nhà Lê (1653-1657). Trong những người bị bắt có thể có Hồ Phi Phúc, một nhân vật trong Liệt truyện có nhắc tên Phúc (cha của anh em Tây Sơn), ở ấp Kiên Thành sinh ra ba anh em, lấy họ mẹ để gọi, là Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Huệ (em nhỏ nhất). Nhưng sách Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô gia văn phái, một quyển tiểu thuyết lịch sử của những tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (Hà Nội), viết Nguyễn Nhạc là anh cả, đến Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là em nhỏ nhất. Và theo sách của tác giả Tạ Chí Đại Trường, thì việc ghi nhận Nguyễn Huệ là em út hợp với nhiều sử sách, và những bức thư viết tay của các giáo sĩ người Tây phương đương thời.

Trong câu ca dao trên tôi chú ý đến những chữ nậu nguồn, măng le, cá chuồn, cũng có dị bản thay chữ măng le bằng mít non (có lẽ từ măng le hợp lý hơn mít non, vì măng le có vẻ là "đặc sản" của vùng cao, mít non thì miền xuôi không thiếu), ở đây tôi cũng chọn theo sách của tác giả Tạ Chí Đại Trường là măng le.

Trước hết là từ nậu nguồn. Như đã nói, câu ca dao trên có thể bắt nguồn từ vùng Bình Định, trước thời Tây Sơn, khi người Việt được chúa Nguyễn đưa vào định cư ở vùng rừng núi phía tây Bình Định, giáp với vùng cao nguyên (Tây nguyên), nơi anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa. Chữ nậu trong nậu nguồn có nghĩa là gì? Phải nói tôi khá mù mờ về từ ngữ miền Trung. Tuy trước năm 1975, tôi đã có thời gian sống ở vùng Bình Định, Phú Yên, tiếp xúc khá nhiều với những người dân, từ vùng quê đến thành thị, nhưng thú thật hồi đó khi mới đến những vùng quê này, nhiều khi nghe người dân nói tôi còn không hiểu họ nói gì. Thoạt đầu rất khó nghe và khó hiểu, bởi vì ngoài giọng nói, còn những từ ngữ địa phương nghe thật lạ, ở một thời gian, tiếp xúc nhiều, chịu khó tìm hiểu, mới có thể hiểu được tàm tạm.

Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, giải thích:

- Nậu: Bọn, lũ. Đầu nậu: Kẻ làm đầu trong một bọn làm công.

- Nguồn: ngọn suối. Lên nguồn:  đi lên các xứ Mọi ở trên nguồn.

- Măng le: thứ măng nhỏ, thổ sản Biên Hòa.

- Cá chuồn: loại cá biển thường bay sà sà trên mặt nước.

Từ điển Bách Khoa Việt Nam giải thích từ Cá chuồn rõ hơn:

- Cá chuồn: (tóm tắt nội dung), loại cá biển có vây ngực dài, lượn xa được 40m, 50m trên mặt nước. Sống thành đàn tập trung ở vùng biển miền Trung, từ Đà Nẵng vào đến Bình Thuận. Thịt trắng, ngon, trứng có mùi vị hấp dẫn.

Về từ le, măng le thì hơi lạ, trong nhiều quyển từ điển tiếng Việt tôi tra chỉ có từ le, với nghĩa là thè ra, đưa ra, không có từ măng le, chỉ có quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị như tôi vừa kể có giải thích từ Măng le:  thứ măng nhỏ, thổ sản Biên Hòa. Còn trong từ le đứng riêng biệt cũng chỉ giải thích là đưa ra, giơ ra, như các quyển từ điển tiếng Việt khác. Như vậy, suy từ chữ măng le ta có thể hiểu, từ le, ngoài nghĩa thông thường như vừa kể, còn để chỉ một loại cây như tre, trúc... là cây cho măng để ăn, như măng tre, măng trúc.

Qua câu ca dao này có thể hiểu, người ở vùng dưới miền xuôi (vùng biển Bình Định), nói với ai đó khi về xuôi nhắn với bọn người (nậu) ở trên nguồn (xứ Mọi vùng cao), gởi xuống cho măng le (là thổ sản của vùng cao), còn cá chuồn, một thứ cá ngon của vùng biển sẽ được gởi ngược lên nguồn. Có thể xem như đây là câu ca dao nói về việc trao đổi, buôn bán hàng hóa ngày xưa giữa các vùng, miền.

Về từ nậu, tôi thử tra trên mạng thì thấy ngoài nghĩa là bọn, lũ, nhóm, còn cho biết dưới thời chúa Nguyễn, trong buổi đầu khai phá Đàng Trong thì từ nậu là để chỉ một đơn vị hành chánh trong dân chúng, như phường, nậu, man, đó là những đơn vị hành chính nhỏ hơn thôn. Nậu, cũng sử dụng để chỉ một nhóm người làm cùng một nghề, khi đi kèm theo từ ngữ chỉ nghề ấy, như nậu rớ (nhóm người đánh cá bằng rớ), nậu nại (nhóm người làm muối), như từ phường nghề ngày xưa. Từ đầu nậu cũng được hiểu như người đứng đầu một nhóm nghề.

Ngày nay ta thấy có từ đầu nậu, được dùng với nghĩa là một người, hoặc một nhóm người có hành vi thường không lương thiện, hay gặp trong buôn bán, chẳng hạn như trong kinh doanh, đầu nậu được hiểu như kẻ, hoặc bọn người thu gom, đầu cơ hàng hóa. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích. Đầu nậu: kẻ cầm đầu một nhóm người làm một việc gì, thường không lương thiện.

Trong sách Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, tác giả có chú thích: "Chỉ ở Bình Định (nhất là ở miền Nam), chữ "nậu" trở thành một danh từ phổ thông, dùng chỉ một tập hợp ("nậu nguồn" ở câu ca dao trước) và đã tổng quát hóa để trở thành đại danh từ chỉ "họ", "người ta" ("nẫu")".

Tôi sẽ không bàn tiếp đến từ "nẫu", vì hình như đây là một từ khá "nhạy cảm". Tôi còn nhớ, ngày xưa trước năm 1975, khi ở Bình Định, Phú Yên, tiếp xúc với những người dân địa phương, hoặc nghe họ nói chuyện với nhau, họ vẫn dùng từ "nẫu" (theo âm địa phương là "nẩu"), để nói về chính mình, nhưng nếu là một người ở xứ khác đến nói chuyện với họ, hoặc những người xứ khác nói chuyện với nhau, mà sử dụng từ "nẫu" để chỉ những người vùng này, nghe được có vẻ như họ không bằng lòng.

Điều này hình như cũng giống từ Bắc kỳ trước đây, người miền Bắc với nhau khi nói chuyện vẫn tự xưng là "dân Bắc kỳ", hoặc gọi nhau là "Bắc kỳ" thì không sao, nhưng người miền khác gọi họ như thế họ cũng thường không bằng lòng. Sống hơn nửa thế kỷ tại Saigon tôi thấy người Saigon không "kỵ húy" khi có ai gọi họ là "dân Nam kỳ". Tôi là người miền Bắc, lúc còn nhỏ đi học mà có chuyện, bạn miền Nam nói "đồ Bắc kỳ" thì cảm thấy tức giận, nhưng mình nói lại "đồ Nam kỳ", thì chẳng thấy bạn tức giận gì cả.

Tôi bổ sung thêm một cách hiểu khác về câu ca dao:

Ai về nhắn với nậu nguồn,
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

Từ nậu nguồn cũng được hiểu là nhóm (bọn) người đi khai thác lâm sản (như gỗ, trầm...) trên nguồn, như cách hiểu của nậu rớ, chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, nậu nại, chỉ nhóm người làm nghề muối. Như vậy ta có thêm một nghĩa khác để hiểu câu ca dao trên:

Người nhắn ở miền xuôi (có thể là vợ, người yêu, người thân), của một người trong nhóm người là nậu nguồn (đi khai thác lâm sản trên nguồn), nói với ai đó từ trên nguồn về (nơi có nậu nguồn đang khai thác lâm sản), là gửi măng le về, và sẽ gửi cá chuồn từ miền xuôi lên cho người thân của họ trong nhóm nậu nguồn, măng le và cá chuồn có thể thấy là "đặc sản", là món ngon của nguồn và miền xuôi.

Như vậy câu ca dao trên nếu hiểu như thế, sẽ có ý nghĩa của tình cảm trong đó, còn hiểu theo cách giải thích thứ nhất, thì câu ca dao nói về việc trao đổi hàng hóa giữa vùng cao và miền xuôi.




(*) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường, NXB Tri Thức & Nhã Nam - 2015.
Sách được ấn hành lần đầu tại Sài Gòn năm 1973, đến nay đã được tái bản.



31 nhận xét :

  1. Câu này, lại có thuyết cho rằng ra đời ở Quảng Ngãi bác ạ. Nói về mối quan hệ giữa người man Đá Vách với người Kinh.

    Em cũng từng có bàn về hai câu này. Đợi em đi chụp tài liệu cái đã (cái bài in cái đó còn nằm trong sách vở, phải đi chụp).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về từ ngữ miền Trung thì tôi khá dở, theo sách của Tạ Chí Đại Trường, và mấy quyển từ điển giải tích về từ ngữ thì mình hiểu vậy vậy, chứ vẫn ngờ có những giải thích khác rõ hơn.
      Rảnh bác Giao cho xem bài bác viết in trong sách thì hay quá.

      Xóa
  2. Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm
    Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo
    Chào bác Hiệp đọc bài bình luận của Bác hay quá rất chân thật tôi hiểu thêm được nhiều điều
    Nói như bác Giao cũng có phần đúng .Hai câu thơ Bác trích dẫn có xuất từ Quảng Ngãi hay Quảng Nam thì phải

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn Salam, cám ơn bạn. Tôi viết, phần từ ngữ thì theo sách vở đã giải thích (nhiều khi ngoài đời từ ngữ lại hiểu khác sách vở, vì còn phải theo hoàn cảnh nói), nên có khi trật với cái hiểu trong cuộc sống.
      Còn mấy chuyện về mấy chữ nghĩa ở cuối bài là theo "kinh nghiệm" sống đã trải qua, trải nghiệm sao thì nói vậy chứ không phải ý kiến cá nhân, những chuyện như thế này có khi tế nhị, đưa ý kiến cá nhân vào dễ mích lòng người khác.

      Xóa
  3. 肉chữ nhục (thịt) này còn đọc là nậu
    Vậy đầu nậu 頭肉cóthể là thế này không
    Đụng đến ngôn ngữ là mệt rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong Đại Nam Quấc Âm Tự vị, Huình Tịnh Của dùng chữ nậu 耨 có nghĩa là cái cuốc (cỏ), làm cỏ, để viết, chứ không dùng chữ nậu 肉 là nhục (thịt) như bác Bu trích dẫn.
      Tôi thử tra vài quyển từ điển Hán-Việt, trong đó có cả từ điển của Đào Duy Anh, Tự điển từ Hán-Việt, Từ điển Hán-Việt trích dẫn trên mạng khá lạ là không có từ "đầu nậu" 頭 耨 chỉ người đứng đầu một nhóm người, mà chỉ có từ "đầu mục" 頭 目 với ý nghĩa tương đương.
      Đúng là đụng đến ngôn ngữ mệt thiệt.

      Xóa
  4. Tôi mong bạn Giao sớm lục được tài liệu. Cứ theo thiển ý thì "Nậu Nguồn" là danh từ chỉ người hoặc một làng nào đó trên nguồn ( cách xa bể, nghĩa là nguồn chỉ vùng thượng du một con sông, con suối, vùng rừng núi). Nhắn điều gì thì quá rõ rồi. Vậy nậu nguồn có thể là nhắn với "những người (trên) nguồn". Theo các từ ngữ mà bác Hiệp đã tra cứu thì nghĩ câu ca cũng khá rõ. Cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng có ý nghĩ như bác Vũ Nho khi bác viết "theo thiển ý thì "Nậu Nguồn" là danh từ chỉ người hoặc một làng nào đó trên nguồn". Có thể chăng hai câu ca dao này là một câu chuyện của một người dưới miền xuôi, muốn nói với ai đó trên nguồn khi về xuôi, là nhắn với một người (hoặc một làng nào đó trên nguồn) gởi những "đặc sản" cho nhau, trên phương diện tình cảm, chứ không phải là một câu ca dao chỉ nói về chuyện buôn bán ngày xưa giữa miền xuôi và miền cao, như ta hiểu theo diễn giải từ ngữ?

      Chẳng hạn như câu ca dao: "Ai về tôi gửi buồng cau/ Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thày". Ta hiểu ngay "Ai" đây là người được "để ý" (chứ không phải bất cứ người nào), và câu ca dao nói lên chuyện tình cảm.

      Cũng chờ bác Giao cho xem những tư liệu, nếu theo hướng ấy thì hay quá.

      Xóa
    2. Tôi tra trên mạng thấy từ "Nậu nguồn" còn có một ý nghĩa khác bác Vũ Nho, đấy là một từ chỉ "một nhóm người khai thác lâm sản trên nguồn", tương tự như "Nậu rớ" chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, "Nậu nại" chỉ nhóm người làm nghề muối.

      Như vậy câu ca dao trên cũng có thể hiểu theo nghĩa như thế này:

      Người ở miền xuôi (có thể là vợ, hoặc người yêu, người thân) của một người đi khai thác lâm sản trên nguồn (trong nhóm người đi khai thác lâm sản, có thể là gỗ, trầm hương...), nói với ai đó từ nguồn về là nhắn giúp với (người) trong nhóm người khai thác lâm sản (nậu nguồn), gửi sản vật vùng nguồn là măng le về, còn người miền xuôi sẽ gửi lên cá chuồn, là món ngon của vùng biển miền xuôi.

      Nếu hiểu như vậy, thì câu ca dao trên mang ý nghĩa tình cảm chứ không phải nói về việc mua bán giữa các miền. Có thể thêm cách giải thích này nữa cho câu ca dao trên.

      Xóa
  5. Con đọc bài của bác và các còm nữa. Phải chăng tên Dị Nậu - xã nhà con có chút liên quan tới chữ "nậu" trong này chăng? Đây là thiển ý của riêng cá nhân con thôi. :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi tìm hiểu về chũ "nậu" trong entry, tôi cũng đã nhớ về chữ "Nậu" trong "Dị Nậu" tên làng của HT. Tên Dị Nậu làng của HT là tên chữ, tức là tên Hán-Việt, còn tên Nôm là làng Núc. Theo như tôi hiểu thì từ "nậu" trong entry là chữ Nôm mượn chữ Hán để ghi âm, nên không liên quan gì đến tên làng của HT.

      Xóa
    2. Dạ. Cám ơn bác đã chỉ bảo. Vụ Hán - Nôm là con mù hoàn toàn. Chắc con phải đi học bổ túc thôi.

      Xóa
    3. Nếu HT có thời giờ rảnh thử ghi tên ở đâu đó học chữ Hán đi, chữ Hán mà trước đây gọi là chữ Nho ấy (viết là chữ Hán nhưng đọc theo âm Hán-Việt), đừng học tiếng Trung (chữ giản thể). Phải biết chút chút chữ Hán rồi mới tìm hiểu chữ Nôm được. Hiểu được ít ít chữ Hán ta có thể giỏi được tiếng Việt.
      Tên làng xưa ở miền Bắc thường được diễn giải bằng tên chữ (tên Hán-Việt), và tên Nôm (theo âm Việt cổ), như trường hợp làng của HT.

      Xóa
  6. Về vấn đề (Bắc kỳ hay Nam kỳ ) như đoạn cuối của bài bình của Bác
    Tôi sẽ kể Bác nghe . Hồi năm 1980 học xong ra trường nhà có điều kiện có thể ở lại quê làm việc nhưng tuổi trẻ mà Bác thích khám phá thích phiêu lưu . Cầm một ba lô lộn ngược xuôi tàu vào nam . Khi nhận công tác ở công trường Dầu Tiếng Tây Ninh ,tôi có dịp gặp những người đi làm kinh tế mới . Tôi cũng từng bị chửi dân Bắc Kỳ hai nút (sau 1975 ) khác với dân Bắc Kỳ chín nút ( 1954 ) hồi đầu cũng giận lắm nhưng qua thời gian sống với họ , tôi mới thấu hiểu được nỗi khổ của họ tôi giúp đỡ họ rất nhiều với khả năng của mình .. Bây giờ họ đã xuất cảnh hết rồi mừng cho họ
    Còn khi về Sài Gòn sinh sống ,mảnh đất này dạy cho tôi rất nhiều điều .Lòng vị tha ,lòng bao dung Sài Gòn sẵn sàng dung nạp bất cứ mọi thành phần trên mọi miền đất nước Nhưng mọi thành phần đó sẽ hoà tan trong trong nó , phải sống trong phong cách Sài Gòn
    Xa quê đã lâu bác Hiệp biết không nhiều khi hai vợ chồng nhìn tụi sắp nhỏ ,muốn tìm lại hồn quê trong chúng nhưng không hề tìm được ,đó là điều nên mừng hay nên lo ?
    Hồi trước do duyên kỳ ngộ hay sao đó tôi gặp được bác soạn giả Văn hồng Cẩm thỉnh thoảng qua lại ghé chơi Bác nói chuyện vui lắm vì cuộc sống cơm áo gạo tiền cứ lấy hết thời gian của mình có mấy lần cố gắng tìm nhà Bác Cẩm nhưng vô vọng vì Gò Vấp bây giờ khác trước
    Hôm nay vào nhà Bác tôi vui lắm lát nữa sẽ khoe với tụi nhỏ
    Tôi mới vào đọc bloger mới đây (từ hôm tết tới giờ ) có nhiều comment của mình nhiều khi đọc lại thấy vô duyên xấc xược mong các Bác bỏ qua
    Vào nhà Bác tôi gặp những người đáng kính. Bác Nho ,bác Giao bác. Bulukhin nguyễn ( mấy lần có ghé nhà bác Bu không dám comment vì hãi )
    Bác còn nợ tôi câu hỏi địa danh mang tên các Bà còn câu hỏi nữa qua cầu Bình Triệu đi nghược quốc lộ 13 Có mấy cây cầu mang tên mấy ổng cầu Ông Dầu cầu Ông Tố. vvv sao lại gọi như vậy ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, chuyện tên vùng, miền để gọi người hồi trước tôi nghe các cụ kể cũng vui lắm.

      Về tên gọi, địa danh có chữ Ông, Bà, tôi sẽ viết một entry ngắn, bạn chờ xem.

      Xóa
  7. Có bác Nho tham gia bình luận hai câu ca dao này vui lắm ,quá vui Mọi điều nhận xét của các Bác rất đúng .Nhưng hãy đọc kỹ câu hai (Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên ) đó mới là điều đáng bàn Theo tôi trong câu ca dao này có một tình yêu trong đó Một tình yêu trong sáng rạch ròi sòng phẳng ,cô gái trong câu ca dao là một người con gái có cá tính ( Anh gửi măng tôi gửi cá )
    Cũng như Lạc long Quân và mẹ Âu Cơ một người sinh ở rừng một người sinh ở biển kết hợp với nhau tạo thành người Việt bây giờ
    Những câu ca dao tục ngữ người xưa. Đã gửi gắm những ước mơ khát khao cho thế hệ mai sau hiểu hay không tuỳ mỗi người

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hiệp phân tích như thế cũng có lí. Nhưng hình như nếu có chuyện tình cảm thì nó chỉ là điều kín đáo ngụ trong câu ca dao này. Cái ý rõ nhất là trao đổi đặc sản, hàng hóa. Bạn Alaykum Salam nhấn mạnh khía cạnh tình cảm có lẽ là thiên về cách hiểu người thân đi khai thác lâm sản. Với chứng cớ văn bản thì không có gì đảm bảo. Nậu nguồn là người trên nguồn, hoặc người khai thác trên nguồn thì điều nhắn gửi trực tiếp mà chúng ta thấy được là MĂNG LE gửi xuống, CÁ CHUỒN gửi lên. Nếu có chuyện tình cảm thì chỉ là kín đáo kèm theo những đặc sản đó. Một điều thú vị là NGUỒN bao giờ cũng ở cao, ở trên. Nhưng tác giả dân gian lại dùng VỀ, chứ không dùng LÊN. Vì từ LÊN ở câu tám tạo hai về tiểu đối : Măng le gửi XUỐNG- Cá chuồn gửi LÊN. Bởi thế mà ở câu sáu nó được thay bằng VỀ để không trùng lặp. Mới thấy các cụ ngày xưa cũng rất tinh tế khi dùng từ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây bác Vũ Nho nêu thêm một ý nữa từ chữ "Ai về", về này là đi ngược lên vùng cao, chứ không phải "về từ vùng cao" như cách hiểu tôi đã dẫn giải. Thú vị là ở chỗ này, cái từ "đi, về", "vào, ra" nhiều khi không chỉ nơi chốn cố định (phương hướng cố định), mà tùy ở "ngữ cảnh", tùy ở người nói. Khi nói "Ai về" là từ miền xuôi "về" lại miền nguồn, ta có thể hiểu, "ai" (bất cứ người nào), là người có gốc gác ở nguồn đang ở miền xuôi sẽ "về lại" nguồn. Cũng như bản thân tôi tuy quê quán miền Bắc, nhưng từ nhỏ đã ở miền Nam, tôi nói với bạn "Tết này tôi tính "ra" Bắc chơi". Người bạn có cha mẹ, anh em ở miền Bắc vào Sài Gòn làm việc mấy năm nay nói lại "Vậy hả, tết này tôi cũng tính "về" Bắc". Cũng đang ở miền Nam nói chuyện đi Bắc, một người nói "ra Bắc", còn người kia nói "về Bắc".

      Còn chuyện gởi măng le, cá chuồn qua lại (ngoài chuyện hiểu theo nghĩa trao đổi hàng hóa vùng, miền), tôi nghĩ là chuyện gởi quà cáp biểu lộ tình cảm xưa nay của người Việt với người thân ở xa, mà quà cáp qua lại như thế người ta thường chọn thổ sản, món ngon có tại địa phương. Như bạn bè ngoài Bắc có khi gởi cho bánh cốm, trái sấu, trà Thái Nguyên. còn bạn bè miền Nam gởi cho bạn miền Bắc bánh Pía (một loại bánh của người Hoa ở Sóc Trăng), hay đến mùa gởi trái xoài cát miền Tây.

      Xóa
  9. Cám ơn bác Hiệp ,cám ơn bác Nho ,các Bác nhận xét rất đúng về dẫn chứng văn bản tôi không dám cãi .nhưng tôi vẫn thấy phảng phất tình cảm lứa đôi ở trong hai câu ca dao trên ,tôi cảm nhận được một lời trách móc đáng yêu ở trong đó. ( Ờ có về trển nói với ổng gửi măng xuống rồi tôi gửi cá lên cho ) đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi thôi
    Về những câu ca dao ,tục ngữ nói như bác Nho (cha ông mình rất tinh tế khi dùng từ ) đó là những tài sản vô giá mà cha ông đã gửi lại cho hậu thế ,càng đọc càng càng ngẫm càng thấy hay
    Với một ngàn năm Bắc thuộc và một trăm năm bị đô hộ với những chính sách ngu dân mà cha ông mình vẫn để lại cho chúng ta những câu ca dao tục ngữ rất hay rất nhân văn .Vậy thỉnh thoảng nghe mấy ông to to phát biểu nào là ( Dân trí Việt còn thấp dân Việt còn lạc hậu vvv ) nghe muốn tăng xông luôn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm nhận về tình cảm lứa đôi của bác Salam (có lời trách móc) đúng lắm chứ, còn tôi nói chuyện gởi quà cũng có tình cảm, nhưng theo cách bình thường.

      Xóa
  10. Giáo tuy ko rành về Hán ngữ và tra sách để có nhiều nghĩa như các bác. Nhưng nếu những người bình thường như Giáo, chỉ cần đọc trọn vẹn 2 câu là có thể hiểu ngay tức khắc người ta muốn nói gì và gởi gắm điều gì. Ở quê Giáo cũng có cá chuồn, nhưng hình như có nhiều thứ cá ngon hơn nên cá chuồn ko được coi là đặc sản, chỉ có làm khô tẩm ướp 1 nắng là ngon. Còn măng le thì có nhiều vào dịp Tết, ở vùng nào mang xuống thì Giáo ko rành nhưng ở chợ thì có bán, dành cho người sành ăn. Vì quê Giáo có một món ngày Tết ko thể thiếu là nồi thịt kho măng. Và măng le là loại măng nhỏ, khi hầm thì mau mềm nhưng ko nát (cũng do cách kho có nghề của bà nội trợ), ăn ngon hơn loại măng to. Có lẽ nhờ vậy mà 2 câu ca dao trên dễ hiểu với Giáo chăng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn bè vào đây ai cũng nói lên suy nghĩ của mình về câu ca dao trên, nếu Giáo cho biết 2 câu ca dao trên gởi gắm điều gì, theo suy nghĩ của Giáo thì hay quá.

      Nghe Giáo nói về "cá chuồn một nắng" (nghĩ ngay đến món "Mực một nắng" mấy ông nhậu rất hảo), và nồi thịt kho măng le thấy hấp dẫn. Có lẽ con cá chuồn tuy không ngon bằng cá khác, nhưng vì "vần" với chữ "nguồn" nên mới được đưa vào ca dao chăng? Vì người ta không thể đưa vào từ cá thu, cá ngừ...

      Xóa
    2. Không phải bác à, cá chuồn rất được chuộng ở miệt ngoài (Quảng Nam, Quãng Ngãi), có thể do con nước ngoài đó nên cá chuồn ngon hơn, cũng có thể do cách kho nấu của họ đặc biệt hơn. Thì Giáo cũng nghĩ như các bác, nhưng ko hề théc méc gì thôi mà.

      Xóa
    3. Hà hà, Giáo suy nghĩ rất phải, có thể do cách chế biến, nấu nướng món ăn của từng miền. Nêu lên để "bình loạn" cho vui, chứ cứ thấy chặt cây với lấp sông, máy bay rơi thì ngán quá, hì hì!
      Cám ơn Giáo đã vào xem ủng hộ. Chừng nào có dịp ra PT sẽ tìm ghé cái chỗ gần chợ kiếm cà phê :-))

      Xóa
  11. Hihi, để thử hôm nào chọc ghẹo bác H nổi sùng lên , bác mắng '' đồ Nam kỳ'' , xem tui có giận không nghe ((-:
    Còn 2 câu ca dao , cũng có thể là hàm chứa một tình cảm , và các món gửi xuống , gửi lên chẳng qua để chỉ mối liên lạc qua lại , M nghĩ vậy .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ối trời, hồi xưa cãi lộn với bạn nó nói Bắc kỳ ăn cá rô cây nữa chứ. Không tức sao được, cá rô cây làm sao mà xơi, vậy mà bây giờ ở HN họ ăn cả đống cây cổ thụ, ghê thiệt!
      Hàm chứa tình cảm nam nữ trong đó là chắc cú :-)

      Xóa
  12. Nay vui quá vì Bác trả lời commemt của tôi về địa danh mang tên mấy ông mấy bà
    Tôi vấn thắc mắc ám ảnh vì hai câu thơ trích dẫn của Bác
    Tại sao. Ở trên rừng thiếu gì đặc sản mà lại gửi măng le ? Tại sao ở dưới biển thiếu gi cá ngon mà lại gửi cá chuồn . Hai món ăn dân dã mà đã lột tả được tình cảm của người dân bình thường
    Từ măng le cũng như Bác nói ( măng le là cây măng của cây trúc ) mà trúc ở đây ( Lá trúc che ngang mặt chữ điền ) là biểu trưng cho người người đàn.ông tháo vát ngược xuôi buôn bán
    Còn về con cá chuồn ,duy nhất ở biển loài cá này bay được có thể bay qua những con sóng cao nhất cá chuồn ở đây được ví như người phụ nữ đảm đang , tần tảo vượt qua sóng gió của cuộc đời
    Có lẽ thông điệp của câu ca dao muốn gửi tới là : Dù cho mảnh đất miền trung có khô cằn sỏi đá, dù cho khí hậu có khắc nghiệt bao nhiêu ,thì người xứ Quảng vẫn vượt qua để sinh để sinh tồn
    Ở trong câu hai còn có môt ý nữa là chữ " Tín ' trong kinh doanh đã tin tưởng nhau rồi (hàng gửi qua gửi lại ) không cần chủ đi theo Điều đó là cần thiết trong cuộc sống hiện tại
    Bình luận về mấy câu ca dao tục ngữ của các cụ ngày xưa đúng là mêt thiệt đó nghen cảm ơn bác Hiệp
    Xin lỗi bác Hiệp theo suy nghĩ của tôi trong cuộc sống. Một trăm người nói cùng một giọng nghĩ chung về một điều chưa hẳn là đúng ! Một người nói điều ngược chưa hẳn đã sai cuộc sống có cái nhìn đa chiều Một bài viết bằng công sức , bằng bao tâm huyết của mình khi đưa ra xã hội gặp được nhiều ý kiến phản hồi nhiều góc cạnh đó là điều nên mừng. Chúc mừng Bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ca dao tục ngữ Việt Nam tuy dân dã, nhưng do đặc điểm của ngôn ngữ (và cũng có thể do tính cách, tính tình), nên rất súc tích, "nói ít hiều nhiều", tùy theo "ngữ cảnh".

      Rất vui khi được bạn Salam và các bạn vào xem và có cảm nhận, bày tỏ cảm nghĩ của mình. Khi xét đến ý nghĩa của từ ngữ trong tiếng Việt, tôi cố gắng theo sách vở để thử xem từ ngữ nói gì? Nhưng khi xét đến toàn văn của một câu ca dao như trên thì lại tùy người cảm nhận. Đấy chính là cái hay của ca dao, tục ngữ nói chung của ông bà ta.

      Cám ơn bạn Salam lần nữa đã quan tâm đến bài viết. Chỉ mong những bài viết nhỏ này có thể làm bạn và các bạn khác vào đọc tạm quên đi phần nào những mệt mỏi khác của cuộc sống.

      Xóa
  13. Hôm nay mới thật rõ nghĩa "đầu nậu" đó bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì ra từ đầu nậu ban đầu không có nghĩa xấu.

      Xóa
  14. Hello Everyone, i am from Florida USA. I want to share my testimonies to the general
    public on how this great man called Dr OLOKUN who cure my herpes. I have been a HERPES patient for over 9 Months and i have been in pains until i came across this lady when i traveled to Africa for business trip who happer and she told me that there is this great herbal doctor that help her tocure her herpes and she gave me his email address for me to contact and i did as she instructed. The man Dr OLOKUN told me how much to buy the
    herpes herbal medication and how i will get it, which i did. And to my
    greatest surprise that i took the Herpes herbal medicine for just two week as he
    instructed and behold i went for a herpes test, to my greatest surprise for the
    doctor confirmed me to be herpes free and said that i no longer have
    herpes in my system and till now i have never felt any pains nor herpes again, so i
    said i must testify the goodness of this man to the general public. So if
    you are there surfing from this Herpes problems or any deadly disease or
    other disease for i will advice you to contact him on his working
    email: drolokuntemple@gmail.com OR whatsapp hem on this very numberor +2348132537313


    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))