Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Một số tên gọi, địa danh ở Sài Gòn mang tên Bà, Ông.


Trong entry trước có anh bạn "nick" là Alaykum Salam, vào hỏi về những tên gọi, địa danh mang những thành tố Ông, Bà thường thấy. Bạn hỏi (đại ý), ý nghĩa thế nào về tên những dịa danh ấy? Chẳng hạn có những cầu, những chợ mang tên Bà có phải mấy Bà bỏ tiền xây cầu, chợ. hay mấy Bà hiển linh? Về tên gọi, hay địa danh có thành tố Ông như cầu Ông Dầu (trên quốc lộ 13 từ Sài Gòn đi Bình Dương), hay cầu Ông Tố (ở quận 2), bạn cũng hỏi thế.

Tôi cũng thường hay tìm hiểu về những vấn đề này, qua thực tế sống, và phần nhiều qua sách vở, xin chép ra ở đây để tạm gọi là trả lời câu hỏi của bạn Salam, và cũng là để trao đổi với các bạn, có thể các bạn sẽ có những hiểu biết khác, hoặc căn cứ những sách vở đã đọc mà có những ý kiến khác thì thật hay. Cái khó khi viết về những vấn đề có tính chất chữ nghĩa này là không thể viết theo kiểu văn chương, tùy bút, tùy cảm hứng, mà cần phải có nhiều nguồn tham khảo: tham khảo thực tế (đi điền dã tìm hiểu), tham khảo tư liệu sách vở... Càng có nhiều nguồn tham khảo để so sánh, ta càng đến được gần cái đúng.

Tôi sẽ viết về một số tên, địa danh như thế ở Saigon, là nơi tuy không sinh ra, nhưng có lẽ sẽ gắn bó với nó cả đời, để lý giải phần nào.

Ở Saigon như ta đã thấy có khá nhiều tên gọi, địa danh có từ Bà, Ông trong chữ, tôi xin kể về từ Bà trước, hì hì!  Xin kể một số từ, chẳng hạn, về từ Bà có: chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hoa, chợ Bà Điểm, rạch Bà Nghè (tên cũ của rạch Thị Nghè), cầu Thị Nghè, rạch Bà Môn, rạch Bà Bèo, Bà Quẹo, cống Bà Xếp, Bà Hom (địa danh)... Về từ Ông có: cầu Ông Dầu, cầu Ông Tố, Ngã ba Ông Tạ, cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Lãnh,  rạch Ông, cầu Ông Lớn, cầu Ông Bé, vườn Ông Thượng, đình Ông Súng... 

1/- Một số tên gọi, dịa danh mang tên Bà:

- Chợ Bà Chiểu, Bà Chiểu: là chợ và vùng đất ở quận Bình Thạnh, khu Lăng Ông, chợ có thể mang tên một người phụ nữ.

- Chợ Bà Hoa: chợ ở phường 11, quận Tân Bình, lập năm 1967, trong một khu vực có rất nhiều cư dân đến từ Quảng Nam (chợ có bán nhiều đặc sản vùng Quảng Nam). Nhưng theo người địa phương, thì người lập chợ là một người miền Bắc di cư, tên là Nguyễn Thị Hoa, hiện bà sinh sống tại Mỹ.

- Chợ Bà Điểm, Bà Điểm: để chỉ chợ và vùng đất thuộc huyện Hóc Môn, tương truyền bà Điểm là tên bà chủ quán nước chè  tại vùng này.

- Rạch Bà Nghè, cầu Thị Nghè, chợ Thị Nghè: rạch, cầu, và chợ để chỉ phụ nữ. Sách vở chép, tương truyền cầu Thị Nghè ban đầu bằng gỗ, do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái Khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây dựng, cho chồng là một thư lại qua lại khi đi làm việc (người dân gọi chồng bà là ông Nghè), khúc sông ở đây cũng được gọi là rạch Thị Nghè theo tên cầu. Ngôi chợ Thị Nghè bên dưới cầu phía bên Bình Thạnh cũng được gọi thế. gần đó còn có nhà thờ Thị Nghè.

- Rạch Bà Môn: ở huyện Bình Chánh, người địa phương (ông Nguyễn Văn Trấn) cho biết âm gốc là Bàu Môn (cái bàu có trồng cây môn nước), đọc trại mà thành.

- Rạch Bà Bèo: cũng tương tự như rạch Bà Môn, có thể là từ Bàu Bèo mà ra (bàu nước có nhiều bèo).

- Bà Quẹo: địa danh ở quận Tân Bình đi Hóc Môn. Con đường tại khu vực này có khúc quẹo rất rõ, có thể do từ Bàu Quẹo, hoặc Bờ Quẹo mà ra.

- Cống Bà Xếp: địa danh ở quận 3 khu vực có ga xe lửa Hòa Hưng, nơi có một cái cống chính của khu vực ăn thông ra kênh Nhiêu Lộc. Không rõ nguồn gốc chữ Xếp có phải là từ tên phụ nữ hay không? Nhưng có từ "Xếp" cho nên có sách giải thích "Bà Xếp" đây có thể là bà vợ ông "Sếp ga xe lửa" (Chef de gare). Có thể ngày trước ở đây có cái cống, nơi đó có nhà một bà mà ông chồng là sếp ga  xe lửa nên gọi  thế? Nhưng tại sao không gọi là "Cống Ông Xếp"? Hay "Bà Xếp" này là người bỏ tiền ra làm cái cống đấy? Như Bà Nghè làm cầu Thị Nghè? Dù sao cũng có thể xem như một cách giải thích.

- Bà Hom: địa danh ở quận 6, Bà Hom có lẽ là từ Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói trại mà thành, như Bà Môn, Bà Bèo, Bà Quẹo...

2/- Một số tên gọi, địa danh mang tên Ông:

- Cầu Ông Dầu: cầu thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức trên quốc lộ 13 đi Bình Dương (Thủ Dầu Một). Không rõ có phải cầu mang tên người không? Từ tên Thủ Dầu Một (chữ Dầu ở đây để chỉ loại cây gỗ to), cũng có người suy đoán chữ Dầu là để chỉ cây, nhưng tại sao lại là "Ông Dầu"? Chữ Ông Dầu này có giống như Ông Súng viết phía dưới không?

- Cầu Ông Tố: tên đầy đủ là cầu Giồng Ông Tố ở quận 2 (Giồng Ông Tố là một địa danh). Sách vở viết Ông Tố có tên thật là Trương Vĩnh Tố, mộ ông còn ở gần chợ Bình Trưng, quận 2. không thấy chép lịch sử bản thân ông Tố.

- Chợ Ông Tạ, Ngã ba Ông Tạ: chợ và địa danh ở quận Tân Bình, nơi này có một ngã ba giao giữa 2 đường Cách Mạng Tháng 8 và Phạm Văn Hai, nên ngã ba này được gọi là Ngã ba Ông Tạ. Ông Tạ tên thật là Trần Văn Bỉ (1918-1983), lấy hiệu là "Tạ Thủ" (cánh tay nâng đỡ người bệnh), sinh thời là một nhà sư và thày thuốc nam nổi tiếng trong vùng.

- Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Lãnh: cây cầu một bên là quận 1, một bên là quận 4, cầu do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng thời triều Nguyễn xây dựng, cũng có một con đường mang tên Lãnh Binh Thăng ở quận 11. Trước đây dưới chân cầu phía bên quận 1 có một cái chợ, chợ được lấy tên cầu để gọi là chợ Cầu Ông Lãnh, phường ở khu vực này cũng gọi là phường Cầu Ông Lãnh, như vậy chợ Cầu Ông Lãnh và phường cầu Ông Lãnh là từ tên cầu Ông Lãnh mà ra.

- Rạch Ông, cầu Ông Lớn, Cầu Ông Bé: là con rạch giáp ranh quận 7 và quận 8, nguyên tên là rạch Ong Lớn (con ong), vì ngày trước 2 bên rạch có nhiều cây cối thành rừng ong đến làm tổ, người dân lấy mật ra bán cạnh cầu, nói trại thành rạch Ông. Hiện nay có 2 cây cầu ở khu vực này tên là cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé, từ tên gốc rạch Ong Lớn mà ra.

- Cầu Ông Lớn: cầu bắc qua kênh Chợ Lớn (kênhTàu Hũ) ở quận 6, khác với cầu Ông Lớn, Ông Bé vừa kể, Ông Lớn ở đây là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (người dân quen gọi là Tổng đốc Phương, trước năm 1975 có đường Tổng đốc Phương ở quận 5 nay là Châu Văn Liêm), một trong bốn người giàu có được truyền tụng ở Saigon đầu thế kỷ 20, qua câu "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định". Chữ Lớn trong từ Ông Lớn chỉ để nói về chuyện làm chức lớn của Tổng đốc Phương, không có nghĩa tôn kính như Ông Thượng.

- Vườn Ông Thượng: tên cũ dân gian gọi vườn Tao Đàn ở quận 1, Ông Thượng là tên người dân gọi Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Trước năm 1975 con đường Cách Mạng Tháng 8 thuộc quận 1 chạy ngang qua vườn Tao Đàn được gọi là đường Lê Văn Duyệt. Lăng Ông ở quận Bình Thạnh trên cổng có dòng chữ Nho "Thượng Công Miếu" (  ). Có người cho rằng tên gọi vườn Ông Thượng, do tại vườn hoa này trước đây có gánh hát bội của Tổng trấn Gia Định lập, thường hát cho quan lại và dân chúng xem. Sinh thời Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt rất thích hát bội, đá gà. Tên gọi Ông Thượng (Thượng Công), với ý tôn kính như "chúa thượng". Thượng không phải chức vụ như tên gọi Ông Lãnh (Lãnh là chức Lãnh binh). Ở miền Tây có Cù lao Ông Chưởng, thì Chưởng là chức Chưởng cơ, để chỉ Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

- Đình Ông Súng: tại quận 3 gần khu đối diện nhà thờ Vườn Xoài, trên đường Lê Văn Sỹ đi ngang còn thấy tấm bảng đề tên Đình Ông Súng, có một cái giá để một cây súng nhỏ đã bị gãy, kiểu súng thần công ngày trước. Như vậy có thể thấy Ông Súng, tên gọi của ngôi đình này là một khẩu súng thần công ngày xưa chứ không phải tên người.

Trên đây là một số tên gọi, địa danh có thành tố Bà, Ông ở Saigon. qua những tên gọi, địa danh này ta có thể thấy:

a/ Tên gọi mang tên Bà, Ông:

- Như chợ, cầu do những người mang tên xây dựng hay lập ra, như cầu Thị Nghè (Bà Nghè), hay chợ Bà Hoa, hoặc cầu Ông Lãnh do Ông Lãnh, như đã dẫn. Những tên gọi xác định này thường được chép trong sách vở, hoặc trong dân gian biết rõ còn lưu truyền. 

- Để chỉ người, nhưng không phải lập ra nơi có tên gọi, chẳng hạn như chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Ông Tạ, vườn Ông Thượng, chợ Thị Nghè, nhà thờ Thị Nghè... Trong khi nhà thờ Huyện Sĩ do ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt bỏ tiền xây dựng. Có những tên gọi khác mà ta có thể đoán để chỉ người, như rạch Ông Cai (quận 2), rạch Ông Đội (quận 7), cầu Ông Nhiêu (quận 9), những tên Cai, Đội, Nhiêu ngày trước để chỉ chức vụ của người. Kênh Nhiêu Lộc, thì Nhiêu là Nhiêu học, Lộc là tên người.

- Cũng có những tên có thể để chỉ người (Bà) nhưng không xác định được rõ ràng, như tên gọi Bà Điểm, Bà Chiểu, hoặc như tên cống Bà Xếp.

b/ Tên gọi mang tên người (Bà) nhưng có thể do gọi trại từ nghĩa khác, như Bà Môn, Bà Bèo, Bà Quẹo, Bà Bướm (rạch ở quận 7), có thể từ Bàu Bướm nói trại ra (Bàu nước có nhiều con bướm)...

c/ Tên gọi có từ Ông, nhưng không phải chỉ người, mà để chỉ vật, như Đình Ông Súng. Dầu trong Cầu Ông Dầu có phải như trường hợp này?

Còn nhiều những tên gọi, địa danh ở Saigon mang yếu tố chỉ người, nhưng không xác định được rõ ràng có phải là để chì người hay không, vì những tên tuy gọi là Bà, Ông nhưng rất chung chung, không có thông tin từ sách vở, từ dân gian, bản thân tên gọi không gợi lên được những ý nghĩa có thể suy đoán như Bà Xếp, Bà Môn, Bà Bèo, Bà Bướm, hay như Ông Cai, Ông Đội... Ta có thể kể: rạch Bà Tàng (quận 8), rạch Bà Đô, cầu Bà Đô (quận 5), rạch Ông Cốm (Bình Chánh), sông Ông Tiêu (Cần Giờ)...

Qua những gì vừa kể, ta có thể thấy việc đặt tên gọi, địa danh ngày trước ở Saigon không theo một nguyên tắc nào cả. Bản thân tên gọi, địa danh khi có tên như thế cũng chẳng theo nguyên tắc nhất định. Cho nên khi xét ý nghĩa, nguồn gốc của tên gọi, địa danh, cần phải xem xét từng trường hợp (chẳng hạn để phân tên gọi đó vào nhóm nào trong mấy nhóm kể trên để xem xét), không thể mang cách giải thích (dù hợp lý) này để giải thích trường hợp kia (như tôi đã từng nghe có người nói Lê Văn Duyệt xưa làm chứcThượng thư, chắc họ lầm chữ Thượng trong Thượng Công Lê Văn Duyệt là chức vụ Thượng thư).

Nhân đây xin nói vui, dân nhậu có thể tếu táo nói chơi cầu Bà Đô, thì bà Đô là một bà tập... Gym (thể hình), hay cầu Bà Tàng, thì bà Tàng là một bà... dở hơi. Vậy mà đã có trường hợp tương tự được trích dẫn viết trên sách báo hẳn hoi, ấy là chuyện ông Lãnh và các bà vợ. Có thể ban đầu như đã nói, là chuyện tếu táo của mấy ông nhậu, hay chuyện tán dóc của dân lê la cà phê vỉa hè. Người ta viết như thế để minh chứng cho người dân Saigon ngày trước rất giỏi về làm kinh tế (làm ăn buôn bán). Chuyện đại khái bản thân ông Lãnh lập ngôi chợ Cầu Ông Lãnh, ông này có tới bốn, năm bà vợ, lập cho mỗi bà vợ một ngôi chợ đứng tên các bà để buôn bán, như chợ Bà Chiểu, chợ Bà Điểm, chợ Bà Hom, chợ Bà Rịa... Đến nỗi học giả Vương Hồng Sển, một người cố cựu Saigon, từng viết 2 quyển sách về Saigon là Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn tả pín lù phải cười ngất.



Tham khảo:

- Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.

- Sổ tay Địa danh TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Lê Trung Hoa - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn hóa Văn Nghệ - 2012.






24 nhận xét :

  1. quá hay luôn bác Hiệp ơi. Phải nói là cháu học đc quá nhiều từ bác đó :)

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá bác Hiệp tôi sinh sống lập nghiệp ở mảnh đất náy mấy chục năm ,mà không hiểu rõ lắm về lịch sử của nó , chỉ hiểu lơ mơ chẳng khác gì người mù
    Văn phong , diễn đạt khúc chiết ,ngắn gọn dễ hiểu . Hồi trước đưa sắp nhỏ đi học ở trường Lê quý Đôn gần dinh Độc Lập có hỏi mấy người sống gần đó sao lại gọi vườn Ông Thượng ? Họ bảo vì ông tổng thống Ngô đình Diệm hồi xưa làm quan trong triều Nguyễn nên gọi vậy tôi nghe và cũng tin như vậy , tôi còn nghĩ Tao đàn là nơi tao nhân mặc khách gặp nhau thơ ca thi phú đúng là ( Nhân bất học ,bất tri lý ) Nay có Bác chỉ dạy mới ngộ ra nhiều điều
    Qua Bác mới biết người dân Nam Bộ ngày xưa họ sống phóng khoáng như thế nào , người giàu cũng như người nghèo họ rất rộng lượng ,diểm nhấn ở đây là họ rất có trách nhiệm với cộng đồng
    Cũng qua Bác mới thấy người Nam Bộ họ giản dị và chất phác qua cách đặt tên những địa danh như cuộc sống hàng ngày vẫn gọi nhau như vậy
    Điều thú vị nhất ở đây là địa danh mang tên Người mà lại không phải Người như đền Ông Súng hay cầu Ông Dầu. Chắc vẫn còn nữa bác Hiệp ạ. Cảm ơn Bác nhiều

    Trả lờiXóa
  3. Cách giải thích trong dân gian về Vườn Ông Thượng như bạn Salam đã viết, để chỉ TT Ngô Đình Diệm (1901-1963), thoạt nghe rất có lý, bởi TT NĐD từng làm Thượng thư Bộ Lại lúc 33 tuổi (1933) dưới triều vua Bảo Đại. Nhưng sách vở chép tên Vườn Ông Thượng đã có từ thời Minh Mạng lúc Tả quân Lê Văn Duyệt còn sống (khi ông lập gánh hát tại đây), thì không thể để chỉ ông Diệm, cho nên cách hiểu này đã không có ở sách vở sau này.
    Tên gọi Tao Đàn trước năm 1975, lấy từ tên Hội tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Thời Pháp vườn Tao Đàn dân chúng còn gọi là vườn Bờ Rô, cái tên phiên âm từ chữ Pháp này khá rắc rối, chưa có giải thích thống nhất.
    Cám ơn bạn Salam, tìm hiều được một nào những gì quanh ta thôi cũng thấy thú vị rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé ! Càng ngày càng được học hỏi thêm nhiều kiến thức như thế này quả là rất quý ! Chỉ mong sao những địa danh này sẽ còn sống mãi trong lòng người dân Nam Bộ ....

    Trả lờiXóa
  5. Coi chừng vài chục năm sau có... vườn ông Hiệp! keke...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, viết... khô khan như thế này mà có được NangTuyet vào xem là mừng rồi. Những địa danh nôm na lại có sức sống rất lâu. Chẳng hạn cái tên Công viên văn hóa thành phố để thay cho vườn Tao Đàn chẳng có ai thèm nhớ, hì hì!

      Xóa
    2. Haha, nếu có được thì sướng quá Giáo :-))

      Xóa
  6. Bác Hiệp rủ bố Su Su đi uống cà phê dzợt có phải là ( Vợt ) không ? Tự dưng lại nhớ hồi xưa ,hàng quán ở Sài Gòn bàn toàn bằng gỗ , còn ghế toàn bằng song , mây rất đẹp rất trang nhã còn cà phê thì pha bằng vợt đun trực tiếp trên bếp ,vừa nóng vừa ngon .không biết bây giờ có còn quán nào không ? Bác chỉ giùm ,hồi xưa mua trái cây tính bằng chục ,một chục là 12 trái về miền quê còn một chục là 14 , 16.rất hay ,rất sòng phẳng , còn bây giờ tất tật cứ đặt lên cân nhiều khi một ký chỉ còn tám trăm gam
    Sài Gòn đã mất đi nhiều thứ ,nhưng tôi tin có nhiều cái không thể mất ,đó là tính cách của người Sài Gòn và những địa danh , bởi vì những địa danh đó sinh ra từ dân giã nó sẽ mãi trường tồn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng cà phê "dzợt", nói theo giọng miền Nam là cà phê vợt, còn gọi là cà phê "kho", cà phê "bít tất", được pha bằng cái vợt vài đun trên bếp, chứ không pha bằng phin như bây giờ. Ngày xưa là cách pha phổ biến nơi quán cà phê, hủ tíu.

      Bây giờ bạn Salam muốn uống lại cà phê vợt, có 2 nơi đã được đưa lên báo chí, một là ở ngay đầu một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng, gần ngay ngã 4 Phú Nhuận, nều đi từ hướng chợ Phú Nhuận xuống thì thuận tay phải, cách ngã 4 đèn xanh độ hai chục thước, hẻm này to xe hơi vào được.

      Một quán khác trong quận 11 đường Tân Phước, cũng trong hẻm của người Hoa, quán này còn nhiều nét cà phê vợt hơn. Bạn có thể lên mạng gõ cà phê vợt sẽ thấy thông tin.

      Ở gần hết đời Saigon, tôi đâm ra thích tính cách của người Saigon nói riêng và miền Nam nói chung.

      Xóa
    2. nhân bác H nói về cách pha cà phê , kể bác nghe , con gái M đi Ý về , mang theo một cái dụng cụ pha cafe , một gói càfe bột Ý , gói càfe bột uống cũng thơm . Riêng dụng cụ pha thì cũng gồm cái ''nồi'' đặt trên cái ''cốc'' , một cái phễu đựng ca fe đặt ở giữa . Chi" khác là nước sẽ cho vào cốc , rôi cho lên bếp đun , nươc sôi , sẽ theo một ống dẫn lên cai nồi bên tren và cho thành phẩm là ca fe . Sáng nay , M đang đun thì ÕX thấy và la ầm , tại sao ko pha ca phe phin của mình , của Ý có gì hay , hihi . May là ông ko đòi M pha ca phe dzơt , hihi

      Xóa
    3. xin lỗi bác H đánh telex bỏ dấu không quen ; Laptop laị sắp hết pin

      Xóa
    4. Cà phê pha kiểu ý, bằng dụng cụ pha của Ý uống cũng "bá cháy" lắm đó. Hì hì! Ông Xã đúng là "người của muôn năm cũ, trời sinh sao để vậy", thói quen khó bỏ.

      Không sao không sao, cứ tưởng Marg. sử dụng chữ Việt thời Cố đạo Alexandre De Rhodes chớ, tôi viết một đoạn: Tau rữa mầi nhân danh Cha, uà Con... Blai có ba hồn bãy uía... (Tao rửa mày nhân danh Cha, và Con... Bay có ba hồn bảy vía...), đoạn văn nói về phép rửa tội cho trẻ mới sinh bên đạo Thiên Chúa.

      Xóa
  7. Cám ơn bác Hiệp về một bài viết thú vị!
    Tất cả đều rõ ràng, có sách vở kèm việc tìm hiểu thực tế của người viết. Riêng có tên THỊ NGHÈ thì tôi có chút băn khoăn. Nếu bà Nghè xây cầu, thì cầu phải được gọi là cầu BÀ NGHÈ. Chữ THỊ phổ biến là tên đệm của phái nữ, nhưng đem tên đệm ( lót) gắn với danh vị của ông chồng ( Nghè, ông Nghè, ông Cống, ông Tú...) thì có vẻ khập khễnh quá. Bác thử tra lại xem. Hay đó là cách gọi ghép đặc biệt của Nam Bộ? Tôi nghĩ khó có thể đem chữ THỊ ( tên đệm) gắn với tên danh vị, ví như : Thị Nghè, Thị Trạng, Thị Cống, Thị Tú...Hay người phụ nưa xây cầu có tên là ( Ngô, Nguyễn, Trịnh, Lê...) THỊ NGHÈ, Người ta rút gọn, bỏ họ đi, chỉ còn giữ lại hai chữ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho có một nhận xét rất xác đáng, thực ra chữ Thị trong Thị Nghè sách vở cũng có chép là tên gọi về sau này, còn tên gọi xưa trong dân gian là Bà Nghè, như trong bài Gia Định phú còn truyền tụng:

      Kẻ vào Chợ Quán, ra Bến Nghé,
      Người xuống Nhà Bè lên Đồng Nai.
      Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải,
      Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai.

      Trong sách Gia Định Thành Thông Chí cũng có chép: "Sông Bình Trị (tục xưng là sông Bà Nghè), ở đất tổng Bình Trị".

      Như vậy ta thấy xưa người ta gọi tên Bà Nghè chứ không phải Thị Nghè như ngày nay.


      Xóa
  8. Có lẽ còn có nhưng từ Bà phiên âm từ âm Chăm, âm Khmer, không có nghĩa là Ông, Bà chăng bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thêm một nhận xét rất có lý của Toro, ở miền Nam nói chung có những tên gọi, địa danh, bắt nguồn từ tiếng Chăm, Chân Lạp, Mã Lai... đã được Việt hóa bây giờ nhiều khi không còn hiểu nghĩa là gì (trong tiếng Việt). Chẳng hạn chữ Bà La Môn (tôn giáo), là âm Hán Việt của chữ 婆羅門, tiếng Phạn là brāhmaṇa, thì chữ Bà không liên quan gì đến phụ nữ.

      Xóa
  9. Miền Trung như Quảng Bình ít có địa danh Ông, Bà mà là Mụ,Mẹ
    Đèo Mụ Giạ giáp Lào, cầu Mụ Kề ở Đồng Hới. chùa Thiên Mụ ở Huế.
    Lý Hòa có cầu Mẹ Còm. Hồi chiến tranh cạnh dòng suối này có quán một bà gìà lưng còng bán kẹo vừng, kẹo lạc, nước chè xanh. Bu đã nhiều lần vào quán bà. Bà chết đi người ta chính thức gọi cầu ở đó là cầ Mẹ Còm có bảng ghi tên và lý trình hẳn hoi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngôn ngữ miền Trung dùng chữ Mụ, Mẹ (Mệ). Những cái tên như cầu Mẹ Còm do dân gian đặt từ tên một bà già bán nước chè xanh, có khi dễ nhớ hơn là tên một anh hùng ở nơi xa mang đến. Ở miền Nam hình như cách đặt tên trong dân gian như thế khá phổ biến đó bác Bu.

      Xóa
  10. Bác Hiệp đã dẫn sách rõ ràng. Như vậy ngày trước vốn là Bà NGHÈ, sau mới gọi là Thị NGHÈ như hiên nay. Nhưng tôi vẫn cứ có chút băn khoăn. Có thể là một câu hỏi khó cho bác Hiệp. Ấy là tại sao đang là BÀ NGHÈ, lại đổi thành THỊ NGHÈ? Phải có lí do gì chứ? Sao tất cả các Bà khác, như Bà Điểm, Bà Chiểu, Bà Hoa...không chuyển thành THỊ? ( Tất nhiên không kể các tên Bà do đọc trại BÀU mà thành). Việc này biết là khó cho bác Hiệp, nhưng cũng xin nêu ra đây như một băn khoăn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một câu hỏi rất thú vị nữa của bác Vũ Nho. Tại sao đang từ BÀ NGHÈ là được dân gian chuyển qua thành THỊ NGHÈ. Theo tôi nó nằm trong nguyên nhân sau:
      Đại đa số những tên gọi có chữ Bà mà sách vở cho là có thể là tên phụ nữ, như Bà tên Điểm. Bà tên Chiểu, hoặc Bà Xếp... Nhưng sách chỉ nói đến thế, không nói rõ hơn về họ tên thật. Trong tên BÀ NGHÈ, sách vở còn chép rõ là cầu được làm do bà NGUYỄN THỊ KHÁNH, con gái Khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây dựng cho chồng được gọi là ông Nghè đi làm việc cho thuận tiện. Có lẽ từ tên NGUYỄN THỊ KHÁNH (xưa hay gọi theo kiểu THI KHÁNH, như Thị Mầu, Thị Kính...), mà dân gian đổi thành THỊ NGHÈ chăng?

      Ta có thể suy nghĩ tiếp, thế sao chợ BÀ HOA cũng do người phụ nữ tên NGUYỄN THỊ HOA lập, mà vẫn được giữ tên gọi BÀ HOA chứ không chuyển thành THỊ HOA? Như ta đã thấy việc đặt tên gọi, địa danh ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, gần như chẳng theo một nguyên tắc nào cả. Người dân gọi sao nó thành như thế.

      Xóa
    2. Tôi bổ sung thêm, chợ BÀ HOA theo người dân địa phương được lập năm 1967, do bà Nguyễn Thị Hoa. Tính theo thời gian thì chỉ mới gần 50 năm, mà thời 50, 70 năm trước ở Sài Gòn thì người ta thường dùng chữ CÔ, BÀ đứng trước tên. Như trước đây có Xà bông thơm CÔ BA nổi tiếng, chứ không gọi THỊ này THỊ kia như ngày xưa.

      Xóa
  11. Cám ơn bác Hiệp về lời giải đáp thú vị. Lại biết thêm họ tên của Bà Nghè là bà Nguyễn Thị Khánh! Tôi hoàn toàn đồng ý với bác là có khi có những sự ngẫu nhiên, không theo quy luật nào về việc đặt tên. Ví như ở Hà Nội, có ngõ TẠM THƯƠNG. Tại sao lại là TẠM THƯƠNG? Các nhà Hà Nội học đau đầu mà chưa có ai đưa ra được cách giải thích thuyết phục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải nói là cám ơn những "thắc mắc" rất khoa học của bác Vũ Nho, bản thân tôi cũng không để ý như bác thắc mắc, nhưng khi câu hỏi được nêu ra mình thử đi tìm lời giải đáp mới vỡ thêm nhiều điều thú vị :-)
      Ngõ TẠM THƯƠNG, a, cái ngõ này nghe hay quá, có vẻ văn học? Bác ở ngoài ấy thử tìm hiểu xem sao. nếu bác viết một entry ngắn về tên gọi này thì hay quá.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))