Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Hồn phố.


Chiếc ghế đá nhìn ra Hồ Gươm khi chưa bị vỡ. Ảnh Dân Trí ngày 6-2-2015.


Cách nay hơn một tháng tôi đọc trên mạng thấy nói về chiếc ghế đá cổ nằm bên hồ Gươm Hà Nội, được cho là từ đời Lê đã bị vỡ (*). Không biết thực hư ra sao, nhưng theo nhiều người dân đã đứng tuổi ở Hà Nội thì chiếc ghế đá đặc biệt nhìn ra bờ hồ này đã nằm ở đó từ lâu lắm rồi. Chiếc ghế đá được gọi là ghế, nhưng trông lại giống như tấm phản hơn là ghế. Nguyên nhân chiếc ghế đá bị vỡ này là do một chiếc xe hơi leo lên lề đâm phải. 

Chiếc ghế đá bị xe hơi húc vỡ. Ảnh Kênh14.vn


Khi chiếc ghế đá bị vỡ thì rất nhiều người dân Hà Nội nuối tiếc, nay có nhiều người thích thú khi thấy chiếc ghế đá đã được phục dựng tại vị trí cũ. Phục dựng theo nghĩa thay mới bằng một phiến đá khác, hình dạng, màu sắc na ná như phiến đá cũ.

Chiếc ghế đá được phục dựng (mới) tại vị trí cũ. Ảnh Kênh14.vn.

Đây có thể nói là một điều khá hay (so với rất nhiều cái dở) của những người quản lý Hà Nội gần đây. Thay vì người ta đem đặt ở đó một ghế khác, bằng xi măng, bằng đá, hay ghế làm bằng sắt kiểu giả cổ, như ta thường thấy. Nhưng tôi vẫn có một chút suy nghĩ trong việc phục dựng này.

Nếu tôi có được cái quyền đặt lại chiếc ghế đá ở đó, hì hì, cứ giả dụ như thế. Tôi sẽ sửa chữa lại chiếc ghế đá cũ để đặt lại ở đó chứ không thay bằng phiến đá mới theo hình dạng chiếc ghế đá cũ. Như ta đã thấy hình ảnh chiếc ghế đá khi mới bị xe đâm vỡ. Tuy bị vỡ nhưng phiến đá cũng chưa đến nỗi vỡ nát. Ngay sau khi bị vỡ như thế ta có thể mang những miếng đá vỡ về chắp nối lại, để cho chắc có thể nẹp bốn góc cạnh bằng thanh sắt, thép hay inox chữ L. 

Một điều nữa là tôi sẽ làm thêm hai tấm biển nhỏ viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh ngắn gọn, gắn nơi chiếc ghế này, nói sơ lược về lịch sử của chiếc ghế, kể cả ngày, tháng, năm bị xe đâm vỡ, và ngày, tháng, năm phục dựng bằng phiến đá cũ. Tôi có thể đoan chắc rằng, những chuyện có vẻ nhỏ như thế này, sẽ làm nhiều người thích thú hơn, kể cả thu hút khách du lịch. Thay vì làm lại một chiếc ghế mới toanh, và cũng chẳng có một chút thông tin nào về chuyện ghế cũ, ghế mới. Tôi cũng có một chút thắc mắc là phiến đá cũ làm ghế đã bị vỡ không biết "số phận" giờ đây ra sao? Nó có bị đập nát như xà bần rồi quẳng vào đống rác hay không? Hay ít ra cũng được chắp nối lại mang vào bảo tàng thành phố? Vì dù đã vỡ, phiến đá vẫn mang một phần hồn xưa nay của Hà Nội.

Người ta hay nói đến "Hồn phố", phố xá xem thế nó cũng có cái "hồn", "hồn phố" không phải là những cái gì to tát, như những ngôi nhà chọc trời vài ba chục tầng, hay sân vận động hiện đại năm bảy chục ngàn chỗ ngồi... những con đường cao tốc hiện đại, hay cầu vượt vài ba tầng... Hồn phố chính là những thứ nho nhỏ đó, là hàng cây cổ thụ gốc xù xì trên con phố, là chiếc ghế đá phơi nắng phơi sương trải qua mấy thế hệ đón người nghỉ chân, là những cành lá cong queo rủ bóng xuống một mặt hồ... là "cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...", là "mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ..." (**), là tiếng rao của một chị có gánh chè đậu xanh trong khu xóm ngoại ô, là mùi hoa ngọc lan buổi tối phảng phất trên một con đường nhỏ... Là rất nhiều thứ nhỏ bé không tên khác...

Cho nên chỉ có những "con người máy", mới có những hành động chỉ trong vài ngày mà chặt đến mấy ngàn gốc cây, trong đó có những gốc cây cổ thụ còn xanh tồt, đã mấy đời rủ bóng mát, che mưa nắng trên những con đường, và cũng thật buồn cười, khi nghe kẻ có trách nhiệm nói (đại ý), "Không ngờ tấm lòng của người dân Hà Nội đối với cây cối lại như vậy".

Một thành phố cũng giống như một con người, nếu không còn cái hồn, cái phần hồn linh thiêng qua từng gốc cây ngọn cỏ, từng phiến đá, thì có lẽ cũng chỉ còn là một thành phố... ngơ ngáo.


Ghí chú:

(*)

Thứ Sáu, 06/02/2015 - 09:55

Ghế đá cổ thời Lê lớn nhất Hà Nội bị vỡ tan tành

Dân trí Chiếc ghế đá có giá trị lớn về văn hóa-lịch sử bên bờ hồ Gươm, được coi là ghế đá lớn nhất Hà Nội, đã bị phá vỡ tan tành.
 >>   Chuyện chưa kể về chiếc ghế đá lớn nhất Hà Nội

Rạng sáng nay (6/2), nhiều người dân Hà Nội đi qua ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) vô cùng ngỡ ngàng khi thấy chiếc ghế đá đang giữ “kỷ lục” lớn nhất Hà Nội, bị vỡ tan thành nhiều mảnh. 
Nhiều người cho rằng phải có một ngoại lực rất lớn tác động mới có thể khiến cả khối đá dày hơn 20cm và rộng hơn 2 m2 rơi xuống khỏi bệ đỡ và vỡ tan tành như vậy. 
................
Theo các chuyên gia nghiên cứu, chiếc ghế trên có từ đời Lê. Khi bà Tư Hồng phá thành Hà Nội năm 1897 đã đem chiếc ghế kê từ điện Kính Thiên ra Bờ Hồ. Trải qua bao biến thiên, chiếc ghế vẫn nằm đó và trở thành một phần kỷ niệm với bao người Hà Nội.
Rất nhiều bài báo đã viết về chiếc ghế này gắn với bao kỷ niệm đẹp về danh thắng hồ Gươm. Dù không được xác lập là một kỷ vật quan trọng của Hà Nội nghìn năm nhưng chiếc ghế đá vẫn đựoc nhắc tới nhiều và được người Hà Nội vô cùng trân trọng. 
(**) Trong nhạc của Trịnh Công Sơn.

20 nhận xét :

  1. Chào Bác . Đây là trách nhiệm của mấy ông làm văn hoá , nghe những lời phát biểu vô cảm của mấy Ổng gần đây ,người dân có quyền nghi ngờ vê năng lực và trình độ của họ
    Nếu họ có một phần nhỏ cái tâm , cái tầm như bác Hiệp thì xã hội không rối như bây giờ
    Đồng ý với Bác hồn phố không phải là những cao ốc chọc trời , những nhà hàng khách sạn nguy nga , mà rất giản đơn là nhưng hàng cây góc phố ,những vật dụng hàng ngày gắn với bao thế hệ
    Cũng như hồn quê ngoài cây đa giếng nước mái đình còn có những địa danh mang mang theo với những người đi xa, hay người ở lại
    Cảm ơn Bác nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn Salam, ôi bạn quá khen, tôi chỉ là một người rất bình thường trong xã hội, quản lý một thành phố Thủ đô như Hà Nội, cần phải có cái tâm và tầm lớn lao. Nhưng qua nhiều chuyện, xem ra chưa đáp ứng được yêu cầu.
      Bạn đi đâu xa mà nhớ về chốn ở cũ, nhiều khi ta sẽ nhớ một góc phố quen, nơi buổi sáng trước khi đến nơi làm việc ghé uống ly cà phê, đọc tờ báo, chứ ta chẳng nhớ cái tòa nhà cao nhất thành phố mấy chục tầng. :-))

      Xóa
    2. Không tâm , không tầm , vô cảm , vô hồn và nhiều thứ vô khác nữa nó mới thành cớ sự;
      Đúng là nhìn phiến đá cũ khoác màu thời gian đen bóng ( nói nôm na là lên nước ) , góc cạnh ghế mòn nhẵn so với phiến đá mới cạnh sắc lẻm . Thôi đành chờ 100 năm nữa để cái ghế đá mới ... có hồn ( chỉ e là trong một đợt chỉnh trang đô thị nào đó , người ta thấy cái ghế đá to bè , xấu xí mà cũng chả có ý nghĩa gì thì lại đập bỏ thôi )

      Xóa
    3. Không biết những lần ra Hà Nội có bao giờ Marg. ngồi trên cái ghế đá "như cái phản" này chưa (nó giống như bộ ngựa ở miền Nam hơn cái ghế). Thằng điên nào đó đã chạy xe hơi lên hè phố mới húc phải và làm vỡ nó (xin lỗi đã phải gọi tay lái xe thế). Nhìn tấm đá vỡ hoàn toàn có thể gắn và niềng lại được. Đúng như bạn Marg. nói chiếc ghề cũ đã lên nước bóng láng.

      Cái điệu này có thể một vài mùa rồi người ta sẽ thay cái ghế đá khác, như những hàng cây cổ thụ. Bạn nhìn hình xem, chiếc ghế đá cũ bên những gốc cây gốc u nần rất hợp, nó chính là cái hồn phách của Hà Nội. May mà mấy cái cây chưa bị chặt.

      Xóa
    4. Ah , có đó bác H , M đi quanh hồ Gươm , nhìn thấy cái băng đá cũ kỹ , khác các ghế đá khác, nhưng lúc đó đâu biết lai lịch của nó . Hình như cũng có ngồi nghỉ chân , không nhớ có chụp hình ko , để hôm nào lục lại hình xem thử

      Xóa
    5. Vậy hay quá, rất thú vị. Đấy chính là cái dở của những người quản lý Hà Nội, chỉ cần tấm bảng nhỏ gắn ở cái ghế đá viết về lai lịch của nó, thì du khách sẽ thích thú hơn nhiều khi có dịp ngồi lên nó. Một thành phố có cả ngàn năm ký ức như Hà Nội mà không biết giữ gìn và khai thác hợp lý, có hiệu quả thì quá tệ.
      Nếu bạn Marg. có chụp được tấm hình nào ở chiếc ghế đặc biệt này thì hay lắm đấy.

      Xóa
  2. " Chuộng mới quên cũ " hoặc " Có trăng thì quên đèn " ...chắc đó là cái suy nghĩ thời đại nhất của người dân hiện nay chăng ? Hay là bởi vì họ không có cái nhìn sâu sắc về quan niệm phải bảo tồn những gì được gọi là di tích của từng thời đại đã đi qua ....nghĩ cũng buồn , nhưng biết làm sao hơn anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói như NangTuyet là đúng quá, đấy chính là cái thói "Ăn xổi ở thì" của xã hội ngày nay, nó gấp gáp, vội vàng, hời hợt, qua quít... Sao cho mình có lợi trước mắt là được.
      Biết làm sao hơn!

      Xóa
  3. Chào bác Hiệp!
    Rất cảm ơn bác quan tâm đến Hà Nội. Tôi cũng loanh quanh bờ hồ Gươm không ít lần, nhưng chưa bao giờ để ý đến chiếc ghế này. Có thể là do khi tôi qua đó, trên ghế có nhiều người ngồi nên không thấy. Việc thay thế này lại gợi nhớ chuyện thay cây của thành phố. Có nhẽ nếu làm như bác Hiệp thì chỉ tốn ít keo gắn, làm sao kiếm chác được? Cũng như nếu chỉ thay các cây cong queo, sâu mọt, sắp đổ gẫy thì... làm sao có cái DỰ ÁN to ăn từ rễ lên ngọn cây được?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác Vũ Nho ngày cuối tuần, cũng là dịp cuối tháng, hì hì! Bác nói phải. Thế ra câu nói của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, bây giờ cái gì người ta cũng ăn, cũng kiếm chác được là đúng quá.
      Sáng nay tôi đọc báo thấy cái dự án lấn sân Đồng Nai cũng đã phải tạm dừng. Những vụ này đúng là kinh thật bác ạ, người ta làm mà bất chấp, cái gì "có ăn" là lao vào làm. Cũng may là còn có dư luận.

      Xóa
  4. Cái ghế đá nói vậy chớ còn may. Vụ chặt cây mới là kinh động đất trời bác Phạm à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vụ chặt cây coi bộ vượt khá xa khỏi tầm kiểm soát của mấy nhà quản lý HN rồi, nhưng mà rồi cũng huề cả làng thôi, may ra chỉ vài con tép riu sẽ bị mang ra tế thần.

      Xóa
  5. Saigon cũng sắp phải chia tay một hàng cây đó bác Hiệp. hix, nhìn hàng đó đó mà cháu ko tưởng tượng đc khi nó bị xóa sổ thì nó sẽ ntn nữa!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy Bố susu chuẩn bị tấm bảng ra dán ở mấy gốc cây đó đi :-((

      Xóa
    2. Đường Tôn Đức Thắng đó bác Hiệp, hy vọng chỉ những cây nào ảnh hưởng đến dự án tàu điện ngầm mới bị đốn bỏ thôi :(

      Xóa
    3. Hy vọng là như thế, không như Hà Nội 9 cây xà cừ ảnh hưởng tuyến tàu điện trên cao, họ chặt... trừ hao 500 cây luôn, hichic!

      Xóa
  6. Người có linh hồn thì phố xá làng mạc cũng có linh hồn. Cái ghế đá đời Lê ấy là hồn Hà Nội và cũng là hồn đất nước Việt Nam. Bây giờ người ta vô đạo, chỉ biết có hưởng thụ vất chất chớ không quan tâm đến linh hồn. Có lần bu tui bàn đến chữ Xã 社, bộ kỳ chỉ phần hồn, phần tâm linh, chữ thổ chỉ phần vật chất. Hồn và xác phải có nhau, phải cân đối thì xã hội mới có đạo lý. Người ta chặt cây là phá bỏ phần hồn, thay đá đời Lê bằng đá đời Nguyễn (phú Trọng) là chỉ nghỉ đến ghế ngồi chớ không nghĩ đến linh hồn Hà Nội. Nói trắng ra chúng nó vừa ngu vừa không chịu tham bác ai. Phương án của PNH quá hay, làm được thế thì khách trong ngoài nước biết người Việt Nam tôn trong di vật cha ông, tôn trọng quá khứ. PNH bảo cha Khiêm ở báo công lý nên nói vụ này trên báo chí, chớ chúng ta nói với nhau thì không đi đến đâu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng quá, đất nước cũng phải có hồn và xác như con người, các ông ấy xưa nay bỏ quên mất phần hồn nên cái xác nó cứ lêu bêu.
      Để tôi nhắn ông bạn Toro vào xem rồi có ý kiến trên báo, chỉ sợ cái phiến đá ghế ngồi thời Lê bị vỡ nó đập tan làm xà bần rồi.

      Xóa
  7. Đúng là câu hỏi lớn, cái ghế cũ tương truyền xuất thân từ điện Kính Thiên giờ ở đâu? Em sẽ tính để hỏi han chuyện này ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro xuất hiện đúng lúc, ít nhất cũng phải cứu mảnh vỡ của cái ghế cổ này đưa vào bảo tàng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))