Đấu vật trong hội làng. ẢnhInternet.
Lễ Phật quanh năm,
Không bằng hội rằm tháng Giêng.
Mồng bốn là hội Kéo Co,
Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về.
Mồng sáu đi hội Bồ Đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao.
Mồng bảy hội Khám,
Mồng tám hội Dâu.
Mồng chín đâu đâu,
Trở về hội Gióng.
Ai ơi mồng chín tháng Tư,
Không đi hội Gióng cũng hư một đời.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Ngày hội xưa là của làng xóm, của dân làng. Làng, nhất là làng ở miền Bắc cách nay chỉ mới bảy tám chục, một trăm năm nay thôi, là đơn vị cơ bản của xã hội. Đó là một không gian khép kín được bao bọc bởi lũy tre xanh, ngoài luật lệ của triều đình, làng còn có những tục lệ của riêng một cộng đồng - Phép vua còn thua lệ làng (lệ làng thường thông qua bản hương ước, hoặc những tục lệ bất thành văn truyền từ đời này sang đời khác). Làng ở miền Nam có khác làng ở miền Bắc, bởi làng miền Nam người dân ở rải rác không họp thành xóm, không có lũy tre xanh bao quanh làng. Với đặc điểm như thế nên hội làng ngày xưa ở miền Bắc phong phú hơn hẳn hội làng ở miền Nam, và chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những câu ca dao nói về hội làng, là hội làng ở miền Bắc trước đây.
Sống trong một không gian khép kín là làng xóm, ngày xưa người dân ít khi có dịp đi ra khỏi lũy tre làng, họ chỉ quanh quẩn trong làng của mình, hay với một vài làng xóm lân cận. Ngoại trừ một thiểu số con nhà gia thế được học hành, hay giàu có do buôn bán, có điều kiện đi ra khỏi lũy tre làng, còn đa số họ được sinh ra, lớn lên trong làng xóm, may thì được học hành dăm ba chữ thánh hiền với một nhà Nho là cụ đồ trong làng, rồi làm lụng đồng áng, mới mười mấy chưa đến hai mươi tuổi đã lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái đầy nhà, đời này qua đời nọ, Cho nên hội làng, được mở vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ), là hai mùa rảnh rỗi việc đồng áng, mà nhiều nhất là dịp xuân về, để người dân nghỉ ngơi, gặp gỡ, vui chơi thỏa thích, kể cả cải thiện việc ăn uống, cho bõ những ngày tháng quanh năm cơ cực. Nói theo từ ngữ bây giờ, là dịp để người dân làng xả "stress"...
Một ngôi làng quê sung túc khi xưa ở Việt Nam thường có đủ cả chùa, đền và đình. Chùa thờ Phật, còn đền, đình thờ thần, thánh. Những ngôi làng nghèo có thể không có chùa hay đền, nhưng thường không thể thiếu ngôi đình, bởi ngôi đình ở làng quê ngày trước không chỉ là nơi thờ thần thánh, là vị thần bảo trợ cho làng còn gọi là Thành hoàng, mà đình còn là nơi của cộng đồng, nơi làm việc của các Hương chức, nơi hội họp, tổ chức hội hè của toàn thể dân làng.
Theo tin tưởng dân gian, đức Thành hoàng ngự tại đình làng, chứng kiến đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng được yên lành, thịnh vượng. Ngược lại dân làng phải tuân theo luật lệ, đạo đức, hằng năm dân làng tổ chức hội làng nhân ngày kỷ niệm đức Thành hoàng (thường là kỵ nhật). Thành hoàng có thể là một nhân vật lịch sử có công với đất nước như Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng..., cũng có thể là một nhân vật truyền thuyết, thần tiên, hoặc có nguồn gốc từ tự nhiên như thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Thần núi, Thần sông, Thần biển... Những vị thần này gọi chung là Phúc thần, nhiều Phúc thần có sắc phong của triều đình. Xưa cũng có nơi thờ những Thành hoàng không rõ nguồn gốc, là tên ăn trộm, ăn cướp, kẻ ăn mày, người gắp phân, kẻ dâm đãng... sách vở chép khi chết gặp giờ linh được dân làng thờ (thường do sợ hãi mà thờ), những thần này được gọi là Tà thần, không được triều đình công nhận.
Cũng có những nơi thờ Thành hoàng là người có công khai khẩn một vùng đất hoang, lập nên những làng xóm mới, hoặc Thành hoàng là những Tổ nghề, có công dạy cho dân làng rành rẽ một nghề truyền thống như dệt lụa, làm giấy, đúc đồng, làm gốm...
Đánh cờ người trong hội làng. Ảnh Internet.
Hội làng được tổ chức trong không gian là làng xóm, nơi sân đình. Trong hội làng có phần lễ, là những nghi thức do những bô lão, kỳ mục trong làng đảm trách, để tôn vinh Thành hoàng với sự tham gia của dân làng. Nhưng phần hấp dẫn nhất đối với dân làng là những trò vui trong ngày hội làng. Những trò vui có thể là chọi trâu, đánh vật, kéo co, đánh cờ người, thi thả chim, thả diều, thi thổi cơm, làm bánh trái, cỗ bàn, đánh phết, cướp cầu, cướp kén, hoặc là những tục mang ý nghĩa phồn thực như tục tắt đèn, bắt chạch trong chum, rước sinh thực khí... Cũng có thể là hát quan họ, hát trống quân, hát dặm, hát ví... Thường trong hội làng có nhiều trò chơi như thế, diễn ra trong suốt thời gian hội.
Hội làng ngày xưa diễn ra trong không gian của làng, giữa những người làng với nhau, hoặc cùng lắm chỉ thêm người của làng lân cận. Người trong làng xóm ngày xưa quen biết nhau bao đời với quan hệ huyết thống, xóm giềng, họ hiền hòa, chất phác. Nho giáo với đủ mọi lễ nghi phép tắc chiếm ưu thế trong dân chúng, cho nên hội làng luôn diễn ra trong tình thân mật, vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau. Những hội có những trò chơi mang tiếng là cướp như cướp cầu, cướp kén, hay những trò chơi phải dùng đến sức mạnh như đánh vật, kéo co... cũng không bao giờ xảy ra bạo lực. Trò chơi cướp cầu, cướp kén mang danh "cướp", nhưng thực ra chì là nhanh tay nhanh mắt mà chộp lấy vật được ông tiên chỉ tung ra sau khi đã làm xong phần nghi lễ, ai nhanh tay nhanh mắt hơn thì lấy được, chứ không có cảnh cố ý ẩu đả để cướp lấy cho kỳ được như trong lễ hội bây giờ (mà có người ví von là "cướp có văn hóa"). Nếu trong giành giật có lỡ bươu đầu, sứt trán cũng chỉ là vô tình, chứ không do cố ý. Người dân trong làng vừa là người đi xem hội, nhưng cũng là người đi chơi hội, họ là chủ, là người đã tạo nên lễ hội chứ không chỉ là khách vãng lai.
Hát quan họ trong hội Lim ngày trước là do những người làng đi hội cùng hát với nhau. Trai gái trong làng lập thành những nhóm gọi là liền anh, liền chị, họ mời nhau trầu cau, rồi mời nhau hát, nơi hát là sân đình, sân chùa, nơi những đám ruộng lúa mới gặt, ở trên đồi. Có những liền anh liền chị mời nhau về nhà để hát, họ hát say sưa, đến bữa mời nhau cơm nước, cỗ bàn tươm tất, có khi họ hát suốt đêm, bởi say hát, bởi say tình, với sự đồng ý của cha mẹ đôi bên, cho đến hôm giã bạn (rã đám) bịn rịn chia tay hẹn nhau năm sau. Người xem hát quan họ trong hội làng cũng chính là người làng chứ không phải ai xa, cho nên hát quan họ ngày xưa không có cảnh hát xong ngửa nón, hay ngửa tráp, ngửa cơi đựng trầu để nhận tiền của du khách như bây giờ...
Hay như hội chùa Hương mà ta được biết qua bài thơ Chùa Hương của nhà thơ yểu mệnh Nguyễn Nhược Pháp:
...
Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.
...
Người ta đi hội đông thế, nhưng trong bài thơ vẫn đượm một cảnh sắc thanh bình, yên ả, cái tâm thành của những người đến lễ chùa, chứ không chen chúc, xô bồ như lễ hội Chùa Hương ngày nay.
Hội làng ngày xưa với những con người, với cuộc sống, với không gian và thời gian như thế, là nét văn hóa của một thời, đã mất, không bao giờ có thể tìm lại được. Khác quá xa với những lễ hội phục dựng ngày nay. Bị đứt quãng trong một thời gian khá dài, thời thế, con người đã đổi khác, lễ hội bây giờ chỉ còn mang tính cách "diễn", không còn nhiều tính chất "hội", mà người ta vẫn luôn cố nói là lệ làng, là truyền thống...
Ghi chú:
* Một thời gian dài từ sau Cách mạng Tháng 8 (1945) đến trước thời kỳ Đổi mới (1986), hầu hết các hội làng ở miền Bắc bị xóa bỏ. Những năm trở lại đây, bắt đầu từ sau thời kỳ Đổi mới 1986 nhiều lễ hội đã được phục dựng, có lễ hôi mới được phục dựng vài năm trở lại đây, hoặc tổ chức lần đầu trong năm 2015, như hội chọi trâu ở Bắc Ninh.
Tham khảo:
- Làng xóm Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.
- Hội hè đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.
- Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin - 2003.
- Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Hồng Dương, NXB Văn hóa Thông tin - 2013.
Trả lờiXóaBãi bỏ hoàn toàn lễ hội là bất cập, nhưng chơi "8000 lễ hội mỗi năm khiến người Việt tụt hậu" như báo chí đưa là thái quá. 8000 lễ hội là một con số khổng lồ, nếu chia trung bình mỗi ngày nước ta có đến hơn 20 lễ hội. Con người nếu chỉ ăn rồi đi chơi hội cũng không đủ thời gian chứ đừng nói đến việc đi làm.
Để khỏi bất cập và thái quá thì Bộ văn hóa và Nhà nước phải biên tập lại thôi
Đúng là không đâu bằng xứ mình, 8.000 lễ hội một năm, mà chỉ mới là những lễ hội đã thống kê được, không kể "ba cái lễ hội lẻ tẻ" không ghi vào sổ sách.
XóaBiên tập lại lễ hội (bỏ đi những lễ hội tầm phào, bạo lực, mê tín... không còn hợp thời) là việc làm cấp bách như bác Bu nói là chỉ có Bộ Văn Hóa, Nhà nước mới làm được, nhưng có lẽ sẽ vấp phải những vấn đề lớn khác, chẳng hạn như "tâm và tầm" để làm việc này, rồi chắc chắn sẽ có chuyện "chạy lễ hội", như nhà thầu "chạy dự án" vậy.
Ngay cả chuyện "Trả lễ hội lại cho dân" (nhà nước không "ôm" nữa), mà nhiều nhà nghiên cứu hô hào, tôi thấy cũng khó khả thi, bởi "dân" ở đây là ai? Nhà đền ư? Trong khi chuyện lễ hội bây giờ báo chí cho thấy chỉ còn là chuyện "kinh tế" chứ không phải là tâm linh nữa.
Cái cốt lõi là không gian lễ hội, con người lễ hội đã không còn thì cách chi mà phục dựng, hu hu!
Nghĩ mà buồn thiệt anh Hiệp nhỉ ? Đời xưa tuy cuộc sống rất đơn giản , mộc mạc và bình dị nhưng vẫn toát lên một nền văn hóa cổ truyền thật hay và rất có ý nghĩa qua những lễ hội dân gian như thế ! Còn bây giờ ....sao mà cảm thấy hình như thông qua mọi hình thức đều mang tính vụ lợi là chính đó cơ . Trong khi ở nước ngoài họ vẫn duy trì nền văn hóa , tập tục và lễ hội của họ rất chân chính và tuyệt vời lắm ...nghĩ mà buồn cho đất nước mình ....
Trả lờiXóaXã hội VN hằng ngàn năm nay, từ thời Lý, Trần ảnh hưởng Phật giáo, sang đến thời Lê, Nguyễn... ảnh hưởng Nho giáo, thời cận đại kể từ nhà Nguyễn ảnh hưởng thêm Thiên Chúa giáo... con người không đến nỗi tệ, vậy mà bây giờ thì tệ quá, chúng ta có thể thấy rõ điều này trong những hình ảnh lễ hội, rất nhiều trên mạng xã hội.
XóaNangTuyet ở nước ngoài, có điều kiện đi đây đó, nên những điều nói về lễ hội của nước người đáng tin. Đúng, thật là buồn cho một đất nước luôn tự hào có đến bốn ngàn năm văn hiến!
Híc ...buồn thiệt đó anh Hiệp ạ ! Để khi nào có Lễ Hội Truyền Thống ở bên đây , em sẽ tranh thủ sắp xếp thời gian đến đó và chụp hình để giới thiệu cho cả nhà của mình xem Lễ Hội của người ta như thế nào anh Hiệp nhé !
XóaRất muốn được đọc bài viết và xem những hình ảnh về lễ hội của Tây phương qua ngòi bút (quên bàn... phím), và tài chụp ảnh của NangTuyet. Hihi!
XóaXem hình ảnh người ta đi lễ đền Trần ở Nam Định, chen chúc, giẫm đạp, leo lên cả bàn thờ thánh chỉ để sờ vào kiếm, hoặc giật lấy hoa, quả (đúng nghĩa là giật) trên bàn thờ... Khi kiệu thánh rước ngang thì vo tiền lẻ (tiền thật) ném như mưa vào kiệu...
Đâu lại có thứ đi lễ thánh quái đản thế :-(
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaTheo thống kê mà tôi đọc được thì đến 2009, nước mình có 7.966 lễ hội. Tính đến năm 2014 có 27 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì có quá nhiều lễ hội cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã như thế nên việc tổ chức, quản lí khá phức tạp. Không khỏi có nơi chỉ vì mục đích kinh tế, kinh doanh nên phần Lễ làm sơ sài, phần Hội cũng mang tính thương mại... Tranh cướp lộc, hoa tre hay tranh cướp quả phết..., tranh cướp ấn; chen chúc, xô lấn; lợi dụng bài bạc, sát phạt; xả rác bừa bãi sau khi "thụ lộc"; lập tràn lan hòm công đức; nhét tiền vào tay tượng, vào gốc cây có bát hương...Đó là những biểu hiện thiếu văn hóa trong các lẽ hội. Các bác Ban bí thư Trung ương có chỉ thị 41 để chấn chỉnh... Chắc là cũng còn lâu mới khắc phục được vì...người mình, nước mình nó thế...
Trả lờiXóaVới gần 8.000 lễ hội thống kê được trong 1 năm, thì có lẽ nước mình là xứ sở nhiều lễ hội vào bậc nhất trên thế giới. Những lễ hội "chính thống" như phát ấn đền Trần chẳng hạn mà chủ yếu là phần lễ, xem trên báo chí, hình ảnh, video clip thấy quá "phản cảm", không còn một chút gì nghiêm trang của một buổi lễ. Người đi lễ có lẽ chỉ còn mang suy nghĩ làm sao có được cái ấn cầu quan, cầu may, cầu tài, cầu lộc... Nhà đền thì có lẽ cũng chỉ nhắm đến cái mức mười mấy tỷ một mùa lễ... Mất hết ý nghĩa thiêng liêng.
XóaBây giờ tất cả đền, chùa nào vào cũng thấy giăng giăng hòm công đức đủ loại to nhỏ, có những hòm công đức là cái két sắt to như két sắt ngân hàng, có két bằng inox, bằng gỗ có khóa hẳn hoi... Chưa hết, trong mùa tết vừa rồi đền chùa nào cũng tổ chức đội sớ cúng sao, cầu an, đàn dược sư cầu sức khỏe. Đến một ngôi chùa khá lớn ở Saigon tôi thấy một gia đình năm sáu người đóng mấy triệu đồng mua sớ cúng sao giải hạn...
Tôi nghĩ muốn khắc phục được những điều này không phải chỉ ra mệnh lệnh về phía chính quyền, mà phải ở dân trí. Chừng nào dân trí mình cao lên (ở tất cả các cấp), người dân tự ý thức được việc mình đang làm (như đa số các nước văn minh trên thế giới), thì mọi việc mới giải quyết được phải không bác Vũ Nho?
Hoành toàn nhất trí với bác Hiệp! Không thể ra mệnh lệnh trong quản lí, nhất là quản lí Lễ hội. Báo chí than phiền về chuyện thiếu minh bạch trong sử dụng tiền công đức. Cũng có thể thấy người ta mượn Lễ hội để kinh doanh, kể cả lễ hội tôn giáo. Chỉ khi nào người dân ý thức được nét văn hóa và thái độ văn hóa trong lễ hội thì các nét xấu mới được khắc phục.
Trả lờiXóaNếu làm được việc này thì chắc chắn những chuyện khác trong xã hội chúng ta sẽ khá hơn, cũng có thể nói ngược lại, nếu những chuyện khác trong xã hội khá hơn, thì việc tín ngưỡng, lễ hội sẽ đi vào tốt đẹp.
XóaVà nói như GS. Ngô Đức Thịnh đây là việc lâu dài, 10, 20 năm hay hơn nữa... cũng phải vậy thôi, vì đây không phải là chuyện sản xuất hay hô khẩu hiệu, miễn là xã hội phải đi đúng hướng.
Vì bị triệt phá dẫn đến đứt quãng, mất gốc... nên phục dựng một cách vô lối, mất hết cái tinh hoa, cái lễ nghĩa cha ông vun bồi từ đời này qua đời khác mất rồi bác ạ.
Trả lờiXóaĐứt quãng một thời gian dài, cộng thêm cái kiểu "ăn xổi ở thì", chỉ thấy cái lợi trước mắt nên mất hết tinh hoa, ý nghĩa như Toro nói rồi.
Xóa