Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Tục đốt hương và giấy tiền, vàng mã.


Người mình có tục đốt hương (người miền Nam gọi là đốt nhang) và đốt giấy tiền, vàng mã (gọi chung là đốt vàng mã bao gồm tiền giấy, áo, mũ, cả nhà cửa, xe cộ... làm bằng giấy) trong những dịp cúng giỗ, lễ tết, nhất là dịp tết khi đến viếng những đền, chùa. Mỗi lần tết theo bà xã đến đền, chùa, tôi khá sợ chuyện đốt hương, và đốt vàng mã, cả một vùng khói lửa mù mịt, người người thi nhau đốt hương và vàng mã. Đốt hương và vàng mã là một tập tục và nghi thức trong tín ngưỡng, nhưng có lẽ ít người biết nguồn gốc.

Đây là một tập tục bắt nguồn của người Tàu từ xa xưa. Trong Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn soạn ở thế kỷ 18 có chép về nguồn gốc của tập tục này:


Đốt hương. Ảnh Internet.

1- Tục đốt hương:

 Sách Vân Lộc Man sao chép: Sách Lễ Ký có nói: đốt củi ở Thái Đàn (1) để tế Trời.

 Sách Chu Lễ có nói: Tế Trời thì thui con vật hy sinh.

Kinh Thi có câu: Thủ tiêu tế chi (lấy cỏ tiêu mà cúng với mỡ).

Sách Minh Chí chép: Minh Thái Tổ xuống mệnh lệnh khiến mỗi tháng vào ngày mùng một và ngày rằm, từ quan Tế tửu trở xuống phải làm lễ Thích thái (2) ở bộ Lễ, từ chức Huyện trưởng trở xuống phải đến chỗ học sở làm lễ hành hương (3).

Theo Tống Liêm, một nhà nho đời Minh có nói: Đời xưa cầu thần, khi đã dâng bày lễ vật thì đốt cỏ tiêu hợp với mỡ dê. 

Nay người ta xông hương thay cho việc ấy để giản tiện.

Khi Hồn Da (rợ Hung Nô) đầu hàng, Hán Vũ Đế lấy được tượng bằng vàng của Hồn Da đem đặt ở cung Cam Tuyền, lúc cúng tế không dùng trâu bò làm vật hy sinh mà chỉ đốt hương để lễ bái mà thôi.

Việc đốt hương lễ bái bắt đầu từ đấy.


Đốt vàng mã. Ảnh Internet.

2- Tục đốt vàng mã:

Sách Mộng Hoa Lục chép: tiết Trung nguyên (rằm tháng bảy) người ta bày đồ mã, áo bằng giấy màu, lấy tre làm cái giương ba chân hình trạng giống như cái bầu dầu trong cây đèn, gọi đó là Vu Lan Bồn, người ta treo áo giấy và đồ mã ở trên mà đốt.

Sách Thông Giám đời nhà Đường chép: Vua Túc Tông nhà Đường cho Vương Dư làm chức Từ Tế Sứ (quan coi giữ việc cúng tế). Lúc cúng tế, Vương Dư có khi đốt giấy tiền giống như những người đồng bóng.

Sách Vương Dư Truyện chép: Từ đời Hán trở về sau khi chôn cất người chết, người ta đều chôn tiền theo.

Đời sau, tục quê lấy giấy làm tiền mà cúng quỷ thần.

Chu Tử nói: Người đời xưa dùng ngọc và lụa để cúng tế. Người đời sau lấy tiền mà thay vào. Đến đời vua Huyền Tông nhà Đường, việc thờ phụng quỷ thần thật phiền phức, không có nhiều tiền, Vương Dư làm giấy tiền mà thay vào.

Tiền giấy để cúng tế có từ đời vua Túc Tông (756-762) nhà Đường, do Thái Ất Sứ Vương Dư làm ra.

Còn mũ áo giấy có từ đời Ngũ Đại (4).

Trên đây là nguồn gốc tục lệ đốt giấy tiền, vàng mã được chép trong sách Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Ngày tết có dịp ghé đền, chùa, có lẽ ai trong chúng ta cũng chứng kiến cảnh những bó nhang được người đi lễ cắm vào lư hương, chưa kịp quay đi đã có người nhổ bỏ, nhiều đền, chùa phải xây một cái lò khá to để làm nơi đốt vàng mã, và người dân thì đốt thoải mái. Đã có nhiều nơi kêu gọi người đi lễ hạn chế việc đốt này, bởi vừa tốn kém, vừa ô nhiễm môi trường (người đi lễ ghé dăm ba phút nhiều khi đã không chịu nổi, huống chi những vị tu hành ở đó làm sao chịu thấu suốt một mùa tết), đôi khi còn gây tai họa cháy nhà, cháy chợ do bất cẩn.

Hình ảnh đốt vàng mã ngoài đường rất nguy hiểm. Ảnh Internet.


Chú thích:

(1) Thái Đàn: Đàn đắp bằng đất để tế Trời của người xưa, bên trên chất củi rồi đặt ngọc và con vật hiến tế lên trên mà đốt, để hơi khói bốc lên trời.

(2) Thích Thái: làm lễ dâng rau tảo cúng tế Tiên sư.

(3) Hành hương: lệ nhà Phật, đốt hương ở lò và đi quanh trong đạo tràng.

(4) Ngũ Đại: một thời kỳ trong lịch sử Trung Hoa, bắt đầu từ khi nhà Đường suy tàn cho đến khi đời Tống thống nhất Trung Hoa (907-960), gồm 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu.


Tham khảo:

- Vân Đài Loại Ngữ, tập 2, quyển IV, Lê Quý Đôn, NXB Văn hóa Thông tin - 1995.



6 nhận xét :

  1. Tục này không đến nỗi rùng rợn như chém lợn nhưng tốn kém và dễ gây hỏa hoạn. Tục bắt đầu khi dân Nam còn thưa thớt đô la địa phủ chưa có .... Nay dân ở chung cư có máy ngửi khói, ai đốt vàng mã nó báo động liền. Tốt nhất là nên bỏ tục này thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở nhà, hay đến đền, chùa đốt hương (nhang) một hai cây còn chấp nhận được, chứ kiểu đốt của dân mình cả bó thì đáng sợ, khói nhang có tẩm hóa chất rất độc, còn đốt vàng mã thì nên bỏ, đây thực sự là một tục mê tín của người Tàu ngày xưa.

      Xóa
  2. Kể ra dân mình cũng lạ. Cứ đốt Vàng hay Đô la là các cụ tha hồ mua sắm. Trần gian có câu : Có tiền mua tiên cũng được! Nhưng cảm thấy biếu tiền chưa yên tâm, phải biếu cả ô tô, máy tính, nhà lầu, lò vi sóng...Vừa cồng kềnh, vừa tốn kém, và tất nhiên những thứ to lớn đó khi cháy, dễ gây hỏa hoạn hơn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết ở Hà Nội đốt vàng mã ra sao, chứ ở Saigon người ta đốt ngộ lắm, xe hơi, nhà lầu đủ cả, có bà mẹ quý tử đua xe té chết, đốt cho nó cái xe hàng mã xịn để xuống âm phủ cậu ta đua tiếp, còn đốt nhà lầu thì to cao tới mấy mét, trong nhà đầy đủ tivi, máy điều hòa, máy giặt, máy hát, và cả mấy nàng hầu, dĩ nhiên cũng hàng mã.
      Còn đô la âm phủ, đồng Euro thì vô tư... Nhiều vụ cháy chợ, cháy nhà cũng do đốt vàng mã mà ra.

      Xóa
  3. Ở Hà Nội nói riêng, và miền Bắc nói chung, người ta đốt vàng mã dữ hơn cả người SaiGon bác H à! đi các đền, chùa, miếu mạo thấy lúc nào cũng sương khói huyền ảo. Không hải suowng khói đâu, mà là do khói đốt vàng mã và đốt nhang quá mức đó bác. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở miền Bắc tôi xem hình thấy việc cúng lễ nhang khói ăn đứt Saigon, đến đền Đức Thánh Trần Saigon thấy bà nào đôi mâm lễ rất nhiều nhang đèn đều là người miền Bắc (đặc biệt là đội mâm lễ chứ không bưng). Hôm cuối năm tôi đi thấy một gia đình cúng tạ cuối năm 3 con gà luộc, mấy đĩa xôi và rất nhiếu trái cây, áo, mũ, ngựa giấy :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))