Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Một số từ ngữ vay mượn từ tiếng Pháp trong tiếng Việt.

Xe lô (xe trắc xông) xưa ở Saigon (xe màu đen phía bên tay phải xe xích lô).
Ảnh Internet.

Trong entry trước tôi có nói chuyện phiếm về chữ "buồn", buồn, người mình xài thế mà có khá nhiều nghĩa, chứ không phải chỉ có nghĩa là buồn rầu, buồn bực... và người miền Bắc sử dụng chữ buồn nhiều khi có ý nghĩa khác với người miền Nam (người miền Bắc sử dụng chữ buồn với nhiều nghĩa hơn). Nhân trong phần comments ông bạn Bulukhin có nói đến sự khác biệt ngôn ngữ giữa hai miền, chẳng hạn người miền Nam nói vỏ, ruột để chỉ cái bánh xe gồm 2 phần chính, vỏ là lớp cao su cứng dày, có gai để chống trơn trượt bao bên ngoài, và ruột là lớp cao su mềm bơm hơi bên trong. Đây là tiếng Việt (miền Nam) để chỉ tính chất của cái bánh xe (xe gắn máy hoặc ô tô). Trong khi người miền Trung và miền Bắc dùng từ "lốp, săm" để chỉ cho vỏruột xe.

Lốpsăm là hai từ tiếng Việt vay mượn từ tiếng Pháp, lốp là từ chữ enveloppe, người miền Trung và miền Bắc rút gọn thành lốp, còn từ săm thì từ chữ chambre à air, được rút gọn thành săm. Trong những bộ phận của xe cộ thì từ ngữ Việt Nam vay mượn khá nhiều từ tiếng Pháp, người miền Nam nói xe hơi, cũng vẫn chỉ tính chất của xe ban đầu là cỗ máy chạy bằng hơi nước, thì người miền Bắc gọi là ô tô, từ chữ Pháp automobile. Với thời gian cả thế kỷ có mặt tại Việt Nam từ thời chúa Nguyễn, người Pháp đã để lại dấu ấn của họ trong văn hóa Việt, nhất là về mặt ngôn ngữ, sau từ Hán-Việt thì từ Việt hóa từ tiếng Pháp có khá nhiều trong ngôn ngữ của người Việt, 

Máy móc, kỹ thuật là những thứ mà thuở ban đầu người Pháp đã đưa vào Việt Nam, dĩ nhiên trước đó người Việt hầu như không có từ vựng để chỉ những gì đã được du nhập, nên rất nhiều thứ được phiên âm từ tiếng Pháp; mô tô, tiếng Pháp moto, là từ để gọi xe gắn máy; long đền (rông đen), tiếng Pháp là rondelle, để chỉ miếng đệm nơi con vít hay con tán, bù loong, tiếng Pháp là boulon, để chỉ một loại đinh ốc lớn để bắt chặt một vật gì; chữ vít (đinh vít) cũng thế, tiếng Pháp là visxe ca, tiếng Pháp là car, là xe chở khách; xe ben, tiếng Pháp là benne, là loại xe chở vật liệu như cát, đá phía sau thùng chở có thể nâng lên được để đổ cát đá xuống; xe buýt, tiếng Pháp là bus là xe chở khách chạy trong thành phố. Loại xe nhỏ đẩy bằng tay dùng trong công trường xây dựng ta quen gọi xe cút kít (khi đẩy xe phát ra tiếng kêu cót két), cũng được gọi là xe bù ệt (bồ ệt), tiếng Pháp là brouette; xe gòong, toa xe chở than trong hầm mỏ, từ tiếng Pháp là wagon.

Bạn nào ở Saigon trước năm 1975 chắc còn nhớ một loại xe chuyên chở công cộng cỡ nhỏ của tư nhân màu đen (loại này ngày trước chạy trong thành phố và đường Saigon-Biên Hòa), gọi là xe lô, hoặc lô ca xông, tên tiếng Pháp là location, cũng còn một tên gọi khác để chỉ xe lô, đó là xe trắc xông, cũng từ tiếng Pháp traction avant mà ra, đây là loại xe hơi nổi tiếng của hãng Citroen (Pháp), nguyên tắc của xe là truyền lực vào 2 bánh trước chứ không phải 2 bánh sau như các loại xe khác; xe hủ lô hay xe lu là loại xe nén mặt đường, tiếng Pháp là rouleau compresseur; đường ray hay đường rầy xe lửa cũng thế, từ tiếng Pháp là rail; thanh ngang ở đường rầy xe lửa gọi là tà vẹt, cũng từ tiếng Pháp là traverse. Ta hay gọi người phụ xe ở xe khách là xe, được gọi tắt từ tiếng Pháp contrôleur.

Không phải chỉ trong máy móc, kỹ thuật tiếng Việt mới sử dụng nguồn gốc từ tiếng Pháp. Ngoài xã hội từ có nguồn gốc tiếng Pháp cũng rất nhiều.  Bùng binh bây giờ là từ để chỉ vòng xoay nơi giao lộ (đường bộ), ở miền Nam trước đây bùng binh là để chỉ khúc sông rộng lớn mà tròn (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị-Hùinh Tịnh Paulus Của), từ này cũng bắt nguồn từ tiếng Pháp rond poind. Ai ở gần kênh Nhiêu Lộc Saigon chắc thường nghe chữ bờ kè, tiếng Pháp là quai; kem là thức ăn hữu hảo của trẻ em và cả nhiều người lớn, tiếng Pháp là crème; cái thìa (muỗng) để xúc ăn, từ tiếng Pháp là cuillère; cua gái trong tiếng Việt thì từ cua cũng từ tiếng Pháp là  faire la cour; bảo vệ gác cổng, chữ gác cũng từ tiếng Pháp là garde; loong toong là từ tiếng Việt để chỉ nhân viên chạy giấy ở văn phòng, từ tiếng Pháp là planton; hợp gu là có cùng một sở thích, chữ gu tiếng Pháp là gout (trên chữ u có dấu ^). Ta hay nói người ăn nói linh tinh là ăn nói bá láp, bá láp là từ tiếng Pháp palabres. Trong tiếng Việt cũng có một câu nữa "đồ ba vạ", để chỉ con người ăn nói linh tinh, hoặc tính tình lung tung lang tang, ba vạ là từ tiếng Pháp bavard.

Ngày xưa đi về miền Tây Nam bộ ta thường phải qua phà mà người dân thường gọi là bắc, bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ, bắc Vàm Cống... bắc là từ tiếng Pháp bac; quần ống loe, loa (ống rộng) một thời (thanh niên ở miền Nam hay mặc vào khoảng thập niên 1960, nửa thập niên 1970, và thủy thủ dưới tàu quân sự mặc loại quần này), được gọi là quần bát (hay pát), tiếng Pháp là patte d'éléphant; đi dạo phố, cũng còn gọi là bát phố, tiếng Pháp là battre le pavé; tấm bạt để che nắng che mưa, tiếng Pháp là bâche; từ bết trong tiếng Việt có nghĩa là dở, kém, cũng từ tiếng Pháp là bête; cồn là chất men trong rượu, từ tiếng Pháp là alcool; lưỡi lam cạo râu, tiếng Pháp là lame, cũng còn để gọi tấm lam thông gió ta thấy trên tường nhà; áo len mặc chống lạnh thì từ len, tiếng Pháp là laine, là sợi làm từ lông cừu; quân hàm của người lính quân đội trong tiếng Việt được gọi là lon, anh ta đeo lon đại úy, lon là từ tiếng Pháp galon.

Thời kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc có từ dinh tê, để chỉ những người rời bỏ hàng ngũ chống Pháp ở chiến khu để về thành phố (gọi là về thành), từ dinh tê có nguồn gốc từ tiếng Pháp là rentrer...

Trên đây chỉ là một số từ ngữ thông dụng chúng ta hay gặp trong cuộc sống có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Trong tiếng Việt còn rất nhiều từ ngữ như thế mà nếu kể ra đây thì phải viết cả... một quyển sách mới đủ.


Tham khảo:

- Từ điển Từ vay mượn trong tiếng Việt hiện đại, TS. Trần Thanh Ái, NXB Đại Học Quốc Gia TP. HCM-2009.




20 nhận xét :

  1. Bác NHP mở ra đề tài này thật thú vị. Chúng ta không có tham vọng làm công việc của những nhà ngôn ngữ nhưng bài viết cũng cung cấp cho thế hệ từ 40 tuổi trở xuống biết ít nhiều nếu có cơ duyên được đọc như có lần HN, rồi sau đó bác bổ sung bản đối chiếu tên nước, tên thủ đô bằng tiếng Anh, Pháp và âm Hán- Việt của các nước trên thế giới. Đó là cái cầu để thế hệ sau cảm thông với thế hệ anh em mình. Tiếc một điều, đôi lúc, cái đúng thành cái sai khi cái sai đó được dùng phổ biến, ví dụ : Ăn mặc mô đen nếu nói ra thì nhiều người nghe nhưng nói: Ăn mặc à la mode người nghe lại nghĩ rằng người nói là “hâm”!
    Sau này nếu có dịp, bác viết một bài khác về rau cải, thức ăn chắc sẽ vui lắm: chou: bắp sú, chou à fleur: hoa sú, salad: xà lách, poirreau: ba rô…Nói chuyện này lại nhớ đến người mình ăn xong gọi tráng miệng là món “la se”. Kinh!
    HN còn nhớ ngày xưa đi học còn có mode này, mode dùng xen giữa tiếng Việt và tiếng Pháp. HN nhắc xem bác có nhớ không: Chiều chiều dạo chốn la rue/ Trông thấy nhà kia có một fille / Tuổi tác còn très petite / Hình dung diện mạo ngó jolie / Tôi muốn parler avec lũy (lui) / Nhưng còn sợ chỗ mon ami! Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, đúng là nghe "nhà ngôn ngữ" thì ghê gớm quá, những bài viết ngắn kiểu này chỉ là bổ sung kiến thức phổ thông, có những từ ngữ mình quen xài nhưng nhiều khi không rõ từ đâu mà ra. Thế hệ như anh em mình (ngoài năm, sáu mươi ở miền Nam) may ra còn hiểu đôi chút, chứ bây giời thì vô phương.
      Xã hội bây giờ nhiều khi cái sai lại trở thành cái đúng (bởi thế mới tan nát), ấy là chỉ nói về mặt ngôn ngữ, như "ăn mặc mô đen", nghe mãi cũng vẫn thấy chướng, hay như có lần bạn Marg. nói về chữ "xi nhê" (singal), thay vì nói "ép phê", như "làm việc không ép phê" (effet - hiệu quả), thì nhiều người (có không ít người trẻ) lại nói "làm việc không xi nhê", nghe rất chướng tai.
      Bắp sú (chou - bắp cải), súp lơ (chou fleur), su hào (chou-rave), xà lách (salade), cà rốt (carotte)... toàn từ ngữ có nguồn gốc Tây phương cả. Còn "ăn tráng miệng" (thường là ăn trái cây) gọi là "ăn la séc", thì hình như cách dùng sai này là ở miền Nam, do giới bình dân hay dùng. Tôi còn nhớ hồi còn đi học, thày giáo có nói về chuyện này, "la séc", là cách phiên âm của "glacer", có nghĩa là ướp lạnh. Sau khi dùng bữa chính có món trái cây ướp lạnh, tức là trái cây "lát xê", thì người ta lại nói thành "la séc". Nhưng cách nói đúng là "ăn đét xe" (desser - món tráng miệng).
      Vẫn còn nhớ câu Tây-Ta ấy chứ bác HN :-)))

      Xóa
    2. fruits glacé có nghĩa là mứt trái cây, tức là trái cây ngào đường hay áo đường, tiếng Anh là glazed - chứ không có nghĩa là "trái cây ướp lạnh".

      Xóa
  2. Cuốn từ điển này con cũng có và tối tối con vẫn mang ra đọc. Những từ mà mình thấy thật là quen, khi đọc cuốn từ điển này mới biết là từ mượn. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tối tối trước khi đi ngủ đọc vài trang như thế hay lắm, giống như ta đọc "kinh nhật tụng" vậy, hihi! Tiếc là quyển từ điển này khá mỏng, vẫn còn thiếu rất nhiều từ vay mượn.

      Xóa
  3. Dạ. Cái con tiếc cũng giống bác. Nhưng thôi, "méo mó có hơn không". Hihi.
    "Đọc" từ điển nó cũng giống như mình đi siêu thị hay nhà sách vậy. Chỉ đi xem hàng chứ không mua. "Đọc" từ điển đôi khi "lượm" được những chữ mà mình chưa biết hết. Chứ với nhiều gười từ điển chỉ đê tra chứ không phải là sách đọc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rảnh rỗi tôi cũng vẫn thường "đọc" từ điển như thế, nhất là những loại từ điển như thế này, hay loại từ điển điển cố, tầm nguyên, từ điển địa danh, nhân vật...

      Xóa
    2. Dạ. Đọc những từ điển này thiết thực. Mình "ăn tươi" luôn được kiến thức.bhihi. Nếu con không coi thì con không biết rằng những từ mình nói hằng ngày, quen thuộc như: nón kết, sếp, cờ-lê, mỏ lết, trứng ốp lết, tăng xông, bò bít tét, xà bông, xi măng, tua vít bake....là từ ngữ trong "tiếng Tây". hihi

      Xóa
    3. 100 năm thực dân ông Tây nhà đèn đã để lại rất nhiều dấu ấn trong tiếng Việt như thế :-)

      Xóa
  4. Bài viết thật thú vị và có ý nghĩa vô cùng ! Bởi vậy thỉnh thoảng em cũng " khám phá " ra được vài từ tiếng Việt của mình có xuất xứ từ tiếng Pháp mà ra . Ox em rất vui và lấy làm mừng vì tiếng mẹ đẻ của anh ấy xem ra vẫn còn được xử dụng phổ biến ở đất nước của mình ....Anh Hiệp biết không vào năm 2007 , chúng em ra Đà Lạt chơi . Ở đó có rất nhiều người đã lớn tuổi , họ nói tiếng Pháp giỏi kinh luôn !!! Thế là ox em đã được dịp trao đổi với họ một cách thoải mái ....bởi vậy khi về VN nếu anh ấy gặp người Việt nói được tiếng Pháp là anh ấy mừng hết cỡ luôn ...hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đà Lạt thời trước năm 1975 được xem là một "tiểu Paris" của VN, đây là một thành phố văn hóa, thực sự văn hóa, từ những người trồng rau, buôn thúng bán bưng... Đà Lạt lúc ấy còn trí thức hơn Saigon nhiều đó NangTuyet :-)))

      Xóa
  5. Hehe các bác ngâm cứu coi từ Phở có phải từ tiếng Tây không

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phở là một từ mình "học" của Tàu bác Bu à. Nguồn gốc bên Tàu nó là món "ngưu nhục phảnh". Khi mới qua VIỆT NAM thì nó là "ngưu nhục phấn" cho nó khác "bọn Tàu". Rồi ông VIỆT NAM ta gọi là Phở cho nó VN, nó Hà Nội. Hihi
      Con đã từng đi sang bên Quảng Châu. Ăn món "ngưu nhục phảnh" nó gần như là bánh canh của miền Trung vậy. Hy vọng con nói chuẩn bác Bu à! :-))

      Xóa
    2. Cái món phở quốc hồn quốc túy này xem ra còn nhiều ý kiến về từ ngữ đây. Bác Bu phát giác ra từ phở ở đâu đó nói có nguồn gốc từ tiếng Tây chăng?

      Xóa
  6. Từ "Máy" Dụng cụ cơ hoặc điện (vi.wiktionary.org) không biết thuần Việt không. Nhưng bên Tây, Máy nó kêu ầm ầm, bay vù vù. Cối máy của ta gò lưng mà giã gạo. Máy lửa bật vệt cả tay. Bút máy mực đầy tay...
    Thiển nghĩ, từ ngữ còn là thước đo nền văn minh của một dân tộc. Tôi có mua và đọc cuốn Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng. Đọc rất thú vị.
    Chúc các bác NGọc Hiệp. bác Hồng Ngọc và bác BU năm mới An Lành, Thịnh Vượng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng. là một quyển sách viết về Văn hóa rất độc đáo, đọc thú vị là phải Van Pham à

      Xóa
    2. Văn minh vật chất của người Việt là cuốn sách được đánh giá là hay và lạ. Nó là câu chuyện của các đồ vật do con người làm ra và sử dụng. Những đồ vật ấy làm nên cái thế giới vật chất nhân tạo mà ta sống trong đó, biến đổi nó và cùng tiến hóa với nó.
      Cảm ơn Bu đã cùng chia sẻ.
      Ngoài này rét lắm, hiện gần trưa, đang 13 độ.

      Xóa
    3. Từ máy không rõ có phải "thuần Việt" không, nhưng trong tiếng Mường cũng có từ này, được họ gọi là "mảy", mảy ánh = máy ảnh, mảy cằi = máy cày, mảy bơm đác = máy bơm nước... (từ điển Mường-Việt, Viện Ngôn ngữ học), có lẽ "máy" là từ tiếng Việt. Ngay từ "máy" trước đây người miền Bắc và miền Nam hiểu đã khác. Người Bắc nói "xe máy", là xe chạy bằng động cơ, thì hồi tôi còn nhỏ người miền Nam nói "xe máy" là để chỉ chiếc xe đạp.
      Tôi chưa đọc cuốn này, để hôm nào kiếm đọc.
      Miền Nam mùa này trời mát, rét thì có tuổi như anh em mình hơi mệt. Chúc các bác ở ngoài ấy khỏe.

      Xóa
  7. Phở có từ khi nào chưa ai biết, quán phở đầu tiên là gánh, nếu đứng thật xa cũng biết đằng trước có gánh phở vì ở đó có bếp lửa cháy bập bùng. Dân Tây khoái phở, nó gọi to cho anh chủ gánh nghe FEU (phơ = ngọn lửa) từ đó dân Nam gọi theo lâu ngày biến tấu thành ra phở.
    Có người bảo thế, đúng sai không biết được

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, tôi cũng có đọc chuyện FEU này. Đúng, phở ngày xưa bán bằng quang gánh, như nhiều món ăn khác của người Việt (chè, cháo, tàu hũ...), trên quang gánh người ta có cái lò lửa luôn. Nói chung món phở là cả một quá trình hình thành chứ thoạt đầu món này không như phở bây giờ, kể cả những "biến tấu" của nó như phở gà, phở áp chảo...
      Những chuyện này đúng sai thế nào không thể khẳng định.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))