Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Tháng chín và những Hoàng Tử Bé.



Này tháng chín, mùa thu về rất sẽ
Em biết không? tôi kẻ đứng bên đường
                                                             Thơ Du Tử Lê (Khúc tháng chín).


Ảnh Internet.


Tháng chín mưa lê thê, thành phố lạ kỳ, mưa không thể biết trước, có khi thoắt đó đang nắng đã ào xuống mưa, chưa ướt hè phố đã lại nắng, có khi mưa mấy tiếng ầm ầm, "phố bỗng là dòng sông uốn quanh..."*.

Thành phố xưa cũ, cái xưa cũ của những hàng cây sao, cây me cổ thụ, của vài công trình kiến trúc may mắn chưa bị đụng tới, còn giữ lại được cái hồn phố hiếm hoi của một thời tuổi nhỏ, cái tuổi nhỏ của một hai thế hệ giờ đây đã già, nhiều khi đi giữa thành phố mình đã sống hơn nửa cuộc đời mà ngơ ngác..

Thành phố hiện đại, cái hiện đại khập khiễng, người ta muốn tiến lên hiện đại nhưng lại bỏ quên con người, bỏ quên ký ức. Nhà cao mấy chục tầng mọc lên lô nhô, trong đó con người hối hả, ngược xuôi, như xe cộ chạy ngoài đường. Ngược xuôi như những chuyến tàu đến và đi trong câu chuyện Hoàng Tử Bé của nhà văn Pháp Saint Exupéry. Những hành khách làm gì trong những toa tàu ấy? Người bẻ ghi trả lời Hoàng Tử Bé:

- Họ ngủ gật hoặc ngồi ngáp vặt trong đó. Chỉ có những đứa trẻ là dán mũi vào cửa kính thôi.
- Chỉ có những đứa trẻ là biết mình tìm cái gì, ông hoàng nhỏ nói, chúng mất thì giờ vì một con búp bê bằng giẻ rách, và con búp bê ấy trở nên quan trọng lắm, ai lấy đi của chúng, chúng sẽ khóc.
- Chúng thật may mắn, người bẻ ghi nói.

Có lẽ chỉ những đứa trẻ con là còn may mắn, chúng biết mình muốn gì, ít ra cũng mong là như thế...


Saigon, Trung thu 2014.


*Nhạc Trịnh Công Sơn.










12 nhận xét :

  1. Lúc này lại muốn tranh thủ đi bộ trên những đường phố ngoài Sài Gòn . Đi lúc có công việc gì đó chứ không phải kiểu lang thang vô định . Đi bộ trên phố SG thì chắc chắn không giống trên đường phố ở xứ người nào đó rồi, không mát mẻ bằng , không dễ chịu bằng . Đi bộ mà mặt mũi, đầu tóc phải trùm kín vì nắng gắt , mắt ngó trước , ngó sau vì nhiều chỗ không có vĩa hè để bước . Nhớ thời "hiện đại" cứ ra đường là nhảy vô xe bít bùng đến nỗi lúc phải bước ra nắng thì choáng váng cả mặt mày . Còn bây giờ cứ bước thấp, bước cao ( vì vĩa hè lồi lõm ) mà đi , vậy mà vui . Và tranh thủ đi , để mai mốt e rằng phố không còn là phố xưa và mình cũng không còn đủ sức để đi tìm điều mình ... muốn tìm .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Đi bộ vì công việc" là một kết hợp rất hay đó bạn Marg. Đi bộ ở vỉa hè Saigon thì đúng là nhiều khi... mệt, vì vỉa hè nhấp nhổm, xe cộ, bàn ghế buôn bán giăng đầy, nhưng đi bộ để thỉnh thoảng ngắm nhìn phố xá, xem người ta sống (Saigon có đặc điểm là rất nhiều người thực sự sống "nhờ" vỉa hè), và nhất là để còn biết mình... muốn gì thì kể cũng thú vị lắm :-)))

      Xóa
  2. Người bẻ ghi con tàu Việt Nam bây giờ là những vị thánh vĩ đại và sáng suốt.
    Trong con tàu gồm những hình nhân buộc phải ba không: không nghe, không nói, không thấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bẻ ghỉ kiểu không có bằng lái "Bác bảo đi là đi, bác bảo thắng là thắng" nên thường xảy ra tai nạn "Thịt với xương tim óc dính liền" đó bác Bu.

      Xóa
    2. Cái vụ Triển lãm CCRĐ coi bộ "ê càng" quá Toro.
      Tầm nhìn và cách xử lý vấn đề của người ta bây giờ hạn hẹp quá.

      Xóa
  3. Đọc lời bình của anh Hiệp và chị Marg , em cảm nhận được một điều là phần nhiều con người đều sống trong ký ức . Sự nuối tiếc của một thời đại đã qua , tuy không hiện đại nhưng người dân lại cảm thấy cuộc sống thật bình an biết dường nào ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng hơn người... già thì thường sống bằng ký ức đó NangTuyet, hìhì! Thực ra cái tôi nuối tiếc nơi quá khứ không phải là nuối tiếc thời đại đã qua, mà nuối tiếc những gì đã là lịch sử, là hồn phách của một quá khứ, và đúng như NangTuyet nói, nó đem lại cho ta sự bình an...

      Xóa
  4. Người ta khi lớn lên sẽ mất đi cái khả năng nhìn thấu sự vật của một đứa trẻ. Trong Hoàng Tử Bé, cái hình vẽ mà người lớn nào cũng cho là cái mũ, trong khi thực ra đứa trẻ vẽ con trăn nuốt con voi!
    Chỉ vì nặng về thực dụng mà người ta đang phá tan những nét đẹp hiếm hoi của thành phố này. Giáo càng ko muốn về lại thành phố chút nào!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi thế cho nên Chúa đã nói "Hãy để con trẻ đến cùng ta". Trẻ con luôn luôn tìm ra được điều chúng muốn.

      Người ta không chỉ phá đi những nét đẹp hiếm hoi của thành phố này, mà phá luôn cả những gì đã là lịch sử, mà phá đi lịch sử thì chỉ có ngoại xâm mới làm điều đó, huhu!

      Xóa
  5. Trong "những đứa trẻ con là còn may mắn" có PNH đấy ạ.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))