Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Đồng cam cộng khổ (同甘共苦).


Ảnh Internet.

Người bạn điện thoại cho tôi, hỏi bác cái này "đồng cam cộng khổ", chữ "cam" và "khổ" nghĩa là gì? Con tôi học lớp 12 nói cô giáo dạy văn giảng "cam" là ngọt và "khổ" là đắng, có nghĩa là chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau. Tôi thì lại nghĩ "cam" là cam chịu, còn "khổ" là khổ sở, "đồng cam cộng khổ" là cùng cam chịu khi khổ sở, nói lên sự đồng lòng luôn có nhau khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đây là một câu thành ngữ thỉnh thoảng có nghe, với nghĩa được giảng là chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau như cô giáo dạy của con người bạn đã giảng. Những quyển từ điển chẳng hạn như Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích đồng cam cộng khổ: vui sướng cùng hưởng, cực khổ cùng chịu, trong mọi hoàn cảnh đều có bên nhau. Hoặc như quyển Từ điển từ Hán-Việt do Lại Cao Nguyên chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội-2007) giải nghĩa đồng cam cộng khổ (): Chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau. Quyển Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung-Vũ Thùy Anh-Vũ Quang Hào giải nghĩa rõ hơn về từ ngữ đồng cam cộng khổ: (cam: vị ngọt, khổ: vị đắng). Vui sướng cùng hưởng, cực khổ cùng chịu, trong mọi hoàn cảnh đều có nhau.

Theo quyển từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc do GS. Lê Huy Tiêu biên dịch (NXB Khoa Học Xã Hội-1993), giải nghĩa Đồng cam cộng khổ có nguồn gốc từ Hoài Nam Tử (thiên Binh Lược Huấn) "Tướng lãnh phải đồng cam khổ với binh lính, cùng chịu đói chịu lạnh với họ, có thế binh sĩ mới có thể hết lòng vì mình. Đời sau đổi đồng cam khổ thành đồng cam cộng khổ".

Qua cách giải nghĩa của những quyển từ điển bên trên nhận thấy đa số giải nghĩa nguyên câu là vui sướng cùng hưởng, cực khổ cùng chịu, chia ngọt sẻ bùi, nghĩa là chữ "cam" và "khổ" có ý nghĩa trái ngược (ngọt-đắng).

Nhưng tôi cũng chú ý đến giải thích của quyển từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc do GS. Lê Huy Tiêu biên dịch. Theo quyển từ điển này thì Đồng cam cộng khổ có nguồn gốc từ Hoài Nam Tử (thiên Binh Lược Huấn) "Tướng lãnh phải đồng cam khổ với binh lính, cùng chịu đói chịu lạnh với họ, có thế binh sĩ mới có thể hết lòng vì mình. Đời sau đổi đồng cam khổ thành đồng cam cộng khổ". Cách giải thích này ghi nhận đồng cam khổ hay đồng cam cộng khổ có nguồn gốc từ Hoài Nam Tử (thiên Binh Lực) với ý nghĩa  "Tướng lãnh phải đồng cam khổ với binh lính, Cùng chịu đói chịu lạnh với họ, như vậy chỉ nói cùng (cam) chịu đói chịu lạnh (khổ), chứ không nhắc đến ý nghĩa của "cam" là ngọt bùi, vui sướng.

Tôi thử tra tiếp hai chữ "cam" và "khổ" xem chữ "cam" với ý nghĩa là ngọt có khác với chữ "cam" với nghĩa là cam chịu không? và chữ "khổ" có ý nghĩa là đắng có khác với chữ "khổ" với nghĩa là khổ sở, khốn khổ không? Theo Từ điển Hán-Việt của Thiều Chửu thì chữ "cam" () có 6 nghĩa, nghĩa 1. là ngọt, nghĩa 3. là cam làm, cam chịu. Chữ "khổ" () cũng có 6 nghĩa, nghĩa 1. là đắng, nghĩa 2. là khốn khổ, tân khổ. Như vậy nếu xét về "mặt chữ" thì "cam" có nghĩa là ngọt cam chịu là một chữ, và "khổ" có nghĩa là đắng khốn khổ cũng là một chữ.

Như vậy nếu hiểu theo người bạn của tôi "Đồng cam cộng khổ", với nghĩa "cam" là cam chịu, và "khổ" là khổ sở, và với ý nghĩa là cùng cam chịu khi khổ sở, nói lên sự đồng lòng luôn có nhau khi gặp hoàn cảnh khó khăn, như bạn nói, thì cũng hoàn toàn đúng, cách hiểu này tương tự như cách giải thích trong quyển từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc do GS. Lê Huy Tiêu biên dịch, không hề sai về mặt chữnghĩa.Tuy nhiên nghĩa của câu thành ngữ đồng cam cộng khổ thường được hiểu là chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau, với "cam" là ngọt và "khổ" là đắng, như nhiều quyển từ điển đã giải thích. Hai chữ đối lập "cam" và "khổ" ngọtđắng, tượng trưng ngọt-bùi, sướng-khổ, là những cách ví von thường thấy trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam.

Bạn nào có cao kiến xin cho biết thêm với.




16 nhận xét :

  1. Như vậy " Chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau " hay " Đồng cam cộng khổ" tuy cách dùng chữ có khác nhau nhưng chung quy cũng cùng một ý nghĩa anh Hiệp nhỉ ? Thành ngữ của mình đa dạng quá ...nhưng cuối cùng cũng cùng một chữ mà thôi . Phức tạp thiệt ....thế nên người nước ngoài mà học tiếng của mình chắc họ sẽ điên luôn quá . Chẳng hạn như cùng là chữ " màu đen " hoặc " màu trắng " vậy chứ dịch ra nghĩa lại khác nhau khi dùng để miêu tả màu sắc của các con vật ...ví dụ như : con ngựa màu đen thì gọi là ngựa ô ...mèo màu đen thì gọi là mèo mun ..chó màu đen thì gọi là chó mực ...ôi ..mình còn nhức đầu huống hồ chi là người nước ngoài đó cơ ...hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng cùng nghĩa thôi NangTuyet, người mà đen thui gọi là... Hynos, hihi, anh Ba chà. Trong tiếng Việt có khoảng 70-80% là từ Hán Việt, mà mỗi từ Hán Việt có khi có cả chục nghĩa khác nhau, chưa kể cái lắt léo chó mực, ngựa ô, mèo mun... cho nên người ngoại quốc mà học tiếng Việt chắc... khùng luôn :-)))

      Xóa
    2. Dạ , chình vì vậy nên em cũng không khuyến khích OX em học tiếng Việt của mình ..hihi ...

      Xóa
    3. Rất đúng NangTuyet, để lúc đụng chuyện gì... tức quá mình còn nói tiếng Việt mà ông í không hiểu, hì hì :-)))

      Xóa
  2. Nô tui thì vẫn khoái cái nghĩa "ngọt đắng" hơn. Đắng đã chia thì ngọt cũng cùng chia. Chứ chỉ có đồng cam chịu và cộng khổ sở thì hỏng thấy tương lai gì hết. :p
    Dân gian ta có câu hàm nghĩa phê phán: "Hột muối cắn đôi, còn cục đường thì lủm hết", chơi vậy giang hồ coi ra gì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghĩa "ngọt đắng" là nghĩa thông dụng, điều này được thể hiện khi Adam và Eve nếm trái táo và rời khỏi Paradise, để rồi sau đó muôn đời sẽ phải "vui buồn sướng khổ cùng nhau" :-)))
      "Giang hồ mã thượng" ngày xưa "sống chết có nhau", cái nghĩa là trên hết. Ngày nay chỉ cần không mời nơi quán nhậu là đánh nhau chí tử rồi!

      Xóa
  3. Giáo thì thích cái ý nghĩa cam khổ hơn. Bởi đời thường thì khi sung sướng, hạnh phúc rất dễ chia sẻ, nhưng gặp lúc gian nan, khổ ải thì mới... biết mặt anh hào! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay, hay... nhận xét thế này là... kinh nghiệm đầy mình đây :-)))

      Xóa
  4. “Đồng cam cộng khổ” là thành ngữ Hán Việt. Nhưng cũng như nhiều thành ngữ Hán Việt khác, nếu cứ tra nghĩa từng từ để ghép lại thành ý nghĩa chung của thành ngữ thì đôi khi làm chúng ta lúng túng vì mỗi từ có thường có nhiều nghĩa, hơn nữa có trường hợp nghĩa của từ Hán Việt bị thay đổi theo thời gian và theo cách dùng của người bản địa. Theo BOBI tôi thì nên giải thích dựa trên ngữ cảnh thường dùng đã thành mặc định. Cụ thể “Đồng cam cộng khổ” thường được giải thích dựa trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các thành tố đồng (cùng), cam (ngọt), cộng (chung), khổ (đắng).. Ở thành ngữ trên, vị ngọt (cam) biểu trưng cho sự sung sướng, hạnh phúc, vị đắng (khổ) biểu trưng cho sự bất hạnh, hoạn nạn. Từ ý nghĩa cụ thể: Cùng hưởng vị ngọt, cùng chung vị đắng, thành ngữ Đồng cam cộng khổ hình thành nên ý nghĩa khái quát của nó: Trong hạnh phúc hay bất hạnh con người cần san sẻ cho nhau, cùng hòa vào cuộc sống chung, coi niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của mọi người như của mỗi người và như của riêng mình vậy.
    Thơ Tố Hữu có câu: “Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng” Đó là lấy ý trong thành ngữ “khổ tận cam lai”

    Trả lờiXóa
  5. Hiểu sướng khổ có nhau là theo nghĩa thông thường, qua bài của bác Hiệp mới thấy, vốn cuc chỉ là tướng lĩnh phải chịu khổ cực với binh lính... Xem ra, dân mình vẫn khoái có trước có sau, khổ cùng chịu thì sướng phải cùng hưởng. Có cùng hưởng cái sướng (tương lai) thì người ta mới cùng khổ... Qua đấy thấy tâm lý dân Việt mình, có lý có tình phải không bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người mình thường thích điều này, có tình có nghĩa, có trước có sau, cùng vui cùng khổ...
      Toro nghỉ lễ có đi đâu chơi không?

      Xóa
  6. Cam khổ như là cách nói của văn ngôn
    Đồng cam cộng khổ là các nói của bạch thoại

    quân quân thần thần cũng là vua phải xứng đáng vua, tôi phải xứng đáng là tôi
    (Mấy hôm nay viết xong gõ vào xuất bản nó im re không biết tại sao, đang hồi hộp đây)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã ghé, mấy bữa nay hình như mạng nó cũng theo thời tiết mưa nắng, nhiều khi chập chờn.
      Lễ bác có đi đâu chơi không? Chúc hai bác khỏe. :-)))

      Xóa
  7. Cám ơn bác Hiệp đã giải thích cặn kẽ trên cơ sở tra cứu nhiều từ điển.
    Dù Đồng cam cộng khổ bắt nguồn từ "Đồng cam khổ" như từ điển của GS Lê Huy Tiêu biên dịch thì nghĩa của thành ngữ này vẫn không đổi. Tôi có chút băn khoăn. Có phải chính xác là Đồng cam khổ xuất hiện trong Hoài Nam tử là sớm nhất? Nhỡ Đồng cam cộng khổ và Đồng cam khổ xuất hiện cùng nhau thì sao? Và biết đâu " Đồng cam cộng khổ" lại xuất hiện sớm hơn, đến sách Hoài Nam tử thì chỉ rút lại " Đồng cam khổ"? Dù sao thì hiểu không sai nghĩa của nó là tốt rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác Vũ Nho suy nghĩ, GS. Lê Huy Tiêu làm từ điển viết thế, nhưng ta có thể đặt câu hỏi như bác. Tuy nhiên khi GS. Lê Huy Tiêu viết trong từ điển thế tôi nghĩ có lẽ vị GS. này cũng đã tra cứu sách vở, chỉ thấy có chữ "Đồng cam khổ" xuất hiện trong Hoài Nam Tử thôi, còn không thấy sách xưa viết "Đồng cam cộng khổ"? nên mới viết thế trong từ điển.
      Xưa nay tôi cứ nghĩ chữ Cam là ngọt và chữ Cam là cam chịu, đồng âm nhưng viết khác, ai ngờ là cùng một chữ, còn chữ Cam là quả cam lại viết khác. Chữ Khổ nghĩa là đắng và khổ sở cùng một chữ thì có thể đoán được.
      Đúng, hai câu có nghĩa tương đương.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))