Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Chị Hằng có bao nhiêu tên?


Ảnh Internet.

Bây giờ đã sang tháng tám ta, còn ít ngày nữa là đến tiết Trung thu (tết Trung thu, rằm tháng tám). Ngày xưa Trung thu là một cái tết của trẻ con, trước ngày rằm tháng tám cả nửa tháng là thị trường đã nhộn nhịp các loại đèn, bánh dẻo, bánh nướng... để đến đúng Trung thu rằm tháng tám là người lớn bày cỗ cho trẻ con rước đèn, ngắm trăng, vui chơi, nghe kể những tích xưa...

Trung thu  là một cái tết dành cho trẻ con có nguồn gốc từ Trung Hoa hay của người Việt, bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp của Việt Nam đến nay cũng chưa xác định rõ. Trung thu là tết ngắm trăng, nói về trăng, sự tích về tết Trung thu thường nghe nhắc đến có chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ, Đường Minh Hoàng du nguyệt điện... đấy là sự tích của Trung Hoa, còn Việt Nam thì có chuyện cây đa chú Cuội, thỏ ngọc... và dĩ nhiên không thể không nhắc đến chị Hằng. Trong văn học chị Hằng được nhắc đến với rất nhiều tên gọi, tôi thử đi tìm những tên gọi ấy (sắp theo thứ tự a, b, c...).

- Ả Hằng: tên gọi khác của Hằng Nga, chị Hằng, vợ của Hậu Nghệ. Sách Hoài Nam Tử chép ngày xưa Hậu Nghệ xin được thuốc tiên của Tây Vương Mẫu. Hằng Nga lấy trộm trốn lên cung trăng. Vì thế tục truyền trên cung trăng có Hằng Nga. Đời sau văn nhân lấy điển đó để tả mặt trăng hay người con gái đẹp.

Bấy giờ e lệ chưa tường, 
Lâu lâu lại lấp lánh gương Ả Hằng.
                                     Phan Trần

- Bóng bạc, bóng Hằng, bóng Nga, bóng nguyệt, bóng thiềm, bóng thỏ, bóng tố: những tên gọi để chỉ bóng trăng, mặt trăng.

Có đêm thanh vắng bóng Hằng, 
Thầy đang dở chén, cô băng vội nằm.
                                                                                     Nguyễn Khuyến

Một mình lặng ngắm bóng Nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
                                                                                         Nguyễn Du

Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa ngồi bên triện, một mình thiu thiu.
                                                                                                      Kiều

Phất phơ tơ liễu buông rèm,
Nửa sân lưu lệ, bóng thiềm xế ngang.
                                                                                                Hoa Tiên

Khi bóng thỏ chênh vênh trước nóc,
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.
                                                                                           Cung Oán

Chập chờn bóng tố trêu ai,
Hoa đâu rụng, lá đâu rơi trước rèm.
                                                             Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện

- Bóng quế, cung quế, đan quế: theo Dậu dương tạp trở, trong mặt trăng có cây quế đỏ (đan quế) cao năm trăm trượng. Dưới gốc luôn có người đẵn, nhưng đẵn đến đâu cây lại liền đến đó. Người đẵn là Ngô Cương, vì có lỗi nên bị trời phạt phải đi đẵn quế đời đời. Do điển này nên bóng quế, cung quế, đan quế... được dùng để chỉ mặt trăng.

Nương song ngày tiếp mùi hương lạt,
Nối chén đêm âu bóng quế tan.
                                                                           Nguyễn Bỉnh Khiêm

- Cung Quảng: dịch Quảng hàn, cũng gọi là Cung trăng, cung mây, cung thiềm, Hàn cung...  Nguyên về đời Đường vua Minh Hoàng nằm mơ thấy lên cung trăng, đến cửa cung thấy đề "Quảng hàn thanh hư chi phủ". Từ đấy thường dùng Quảng hàn để chỉ vầng trăng.

Thân sao lắm nỗi bất bằng,
Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ sao.
                                                                                                       Kiều

- Gương Hàn: là mặt gương trong cung Quảng hàn, cũng như gương Hằng, gương Nga, gương thiềm, dùng để chỉ mặt trăng.

Gấm Chức đong tơ khuây cửi mắc,
Gương Hằng ngắm bóng, ngại trâm cài.
                                                                                       Lê Thánh Tông

Lưu liên khi lại huỳnh song,
Gương Nga đã gác non đông nửa vừng.
                                                                                                   Hoa tiên

- Thiềm cung: cung con cóc. Theo Hậu Hán thư, Hằng Nga vợ của Hậu Nghệ lấy trộm thuốc tiên của Tây Vương Mẫu cho Hậu Nghệ, Hằng Nga ăn rồi trốn lên cung trăng biến thành con cóc. Do điển này Thiềm cung được dùng để chỉ mặt trăng hay nơi người đẹp ở.

Thiềm cung bóng đã tà tà,
Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.
                                                                                              Trinh thử

- Thỏ: cũng như bóng thỏ, bạch thỏ, thỏ ngọc, vầng thỏ... những tiếng để chỉ mặt trăng. Theo truyền thuyết trên mặt trăng có con thỏ ngọc ngồi giã thuốc.

Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm.
                                                                                       Nguyễn Du

Theo Wikipedia, trong Đạo giáo, Hằng Nga được gọi thần Mặt Trăng (Nguyệt thần), còn gọi là Thái Âm tinh quân, tôn xưng là Nguyệt Cung Hoàng Hoa Tố Diệu Nguyên Tinh Thánh Hậu Thái Âm Nguyên Quân, hoặc Nguyệt Cung Thái Âm Hoàng Quân Hiếu Đạo Minh Vương.



Tham khảo:

- Từ điển Văn liệu, Long Điền Nguyễn Văn Minh, NXB Hà Nội - 1999.
- Ngữ liệu văn học, Đặng Đức Siêu, NXB Giáo Dục - 1999.
- Điển cố văn học, Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2008.







19 nhận xét :

  1. Một sưu tầm công phu.
    Còn tên gì nữa không nhỉ ???

    Trong bài thơ Đường rừng chiều nguyễn Bính ví von
    Trăng non như một cánh diều
    Trẻ con phất dối thả liều lên mây

    Đấy là so sánh chớ ông Bính không định đặt tên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu chị Hằng sống vào thời nay đi làm căn cước thì không biết phải ghi tên vào đâu :-)))

      Chắc còn tên nữa, chẳng hạn tên Thường Nga, bao nhiêu đời nay chị Hằng là nguồn cảm hứng cho văn nhân thi sĩ, mà mấy vị này thì đầu óc bay bổng ví von ghê lắm, như mấy câu thơ Nguyễn Bính bác Bu đã trích dẫn :-)))

      Xóa
  2. Thì ra chị Hằng có nhiều "bí danh" quá bác H nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bí danh, nghệ danh, biệt danh, tên cúng cơm... đủ cả đó bạn Marg. :-)))

      Xóa
  3. Một dẫn chứng nữa về tên chị Hằng

    Mạc Đĩnh Chi được vời vào tiếp kiến vua Nguyên. Vua Mông Cổ ra một câu đối đòi ông phải đối lại:
    Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ.
    (nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).

    Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý tỏ vẻ kiêu ngạo của một nước lớn và cả mục đích đe dọa của vua Nguyên. Ông đã ứng khẩu đối lại:
    Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.
    (nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rụng mặt trời).
    Vế đối rất chuẩn và tỏ rõ sự cứng rắn của người dân nước Việt, không run sợ và sẵn sàng giáng trả và làm thất bại kẻ thù.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mạc Đĩnh Chi ví trăng là cung thì chắc là trăng khuyết rồi, ngày xưa những bậc trí nho như Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn... rất giỏi văn chương và đối đáp nên mới được cử đi xứ Trung Hoa để đối đáp. Ngày nay các ngài "đi xứ" cầm giấy viết sẵn để đọc, hìhì!

      Xóa
  4. Phải nói mỗi ngày được học hỏi thêm kiến thức từ anh Hiệp . Quả thật thích vô cùng ! Mùa Vu Lan đã qua và mùa Trung Thu sắp đến ! Sống xa xứ thế này rất thèm được nhâm nhi bánh trung thu , nhất là bánh dẻo ...rồi được ngắm những chiếc lồng đèn đủ màu sắc ...ôi ..tất cả chỉ là hoài niệm ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NangTuyet, với tôi kiến thức vẫn là "chọn lựa hàng đầu" trong cuộc sống, hiểu biết thêm được điều gì cũng như được xực một món ngon vậy, hihi.
      Bánh dẻo ăn đỡ ngán hơn bánh nướng, nhà tôi có mấy hộp bánh Trung thu mà chỉ có độc nhất một chiếc bánh dẻo :-)))

      Xóa
  5. hix, chị Hằng ơi sao chị nhiều tên thế, ngày nào em cũng gặp chị nhưng chỉ biết mỗi tên chị là Hằng :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Híhí, chị Hằng thì ai cũng biết, siêu sao thì phải có nhiều tên chứ Bố susu!

      Xóa
    2. ko biết khi nào chị Hằng mới đc gọi là bà Hằng, bác Hiệp nhỉ :)

      Xóa
    3. Haha, bà Hằng thì nghe hơi... quá đát rồi, các nhà thơ chắc chẳng muốn :-)))

      Xóa
  6. Bác NHP lại cho bạn đọc một bài viết thú vị, cần thiết biết bao cho những người ưa tìm hiều. Đáng quý là có dẫn thơ minh họa. Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thích những tìm hiểu, nói chung là thích... nhiều thứ, hìhì!

      Hình như dịp này bác HN có về VN?

      Xóa
    2. Anh Phạm là thượng tọa Thích Đủ Thứ! hehe...

      Xóa
    3. Thiện tai, thiện tai, Alléluia! Haha!

      Xóa
  7. Trăng lúc nào cũng trẻ, ko bao giờ già, vì ai cũng kiu bằng Chị hết, sướng thiệt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trăng thì kêu bằng Chị mới trẻ chứ chẳng ai gọi là Bà Hằng hay Cụ Hằng, híhí!

      Xóa
  8. Nhiều tên quá, thích nhất tên Thiềm Cung
    ToToBM

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))