Quyển Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000).
Tôi đang đọc cuốn hồi ký của Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew)*, quyển hồi ký của ông viết về giai đoạn 1965 - 2000, những năm tháng ông làm Thủ tướng Singapore sau khi Singapore tách ra từ Liên bang Malaysia và độc lập vào ngày 9-8-1965. Có điều khá thú vị là ngay từ đầu của cuốn Hồi ký, ông Lý Quang Diệu cho biết đất nước Singapore không đấu tranh để dành được độc lập, mà: "Đùng một cái, vào ngày 9-8-1965, chúng tôi bị buộc phải ra riêng, thành một quốc gia độc lập. Người ta yêu cầu chúng tôi tách khỏi Malaysia và tự đi trong cảnh không có lấy một cái biển chỉ đường để biết nơi sẽ đến".
Làm Thủ tướng Singapore ở tuổi 42, cái tuổi còn khá trẻ, trên một đảo quốc theo ông: "Chúng tôi đứng trước những lạc lõng khủng khiếp cùng một cơ may tồn sinh không chắc gì đạt được. Singapore chẳng phải một đất nước tự nhiên mà là một đất nước nhân tạo, một chặng dừng chân buôn bán mà người Anh đã triển khai thành địa điểm chính thức trong đế quốc hàng hải thế giới của họ. Chúng tôi thừa hưởng hòn đảo này và không có được chỗ dựa lục địa, y như cảnh một trái tim không cơ thể".
Với diện tích 692,7 km2**, sau khi vào năm 1960 Singapore đã san lấp biển tăng thêm diện tích, gồm 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ. Chỉ lớn hơn chút ít so với đảo Phú Quốc của Việt Nam (diện tích Phú Quốc 589,23 km2*** với 22 đảo. Khi Singapore chưa san lấp biển thì diện tích hai nơi xấp xỉ nhau). Về dân số thì khi lập quốc Singapore chỉ có khoảng 2 triệu người, cho đến năm 2008 là gần 5 triệu người, gồm quá nửa là người gốc Hoa, số còn lại là người Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ... Năm 1819 (khi Việt Nam đã ổn định bởi vua Gia Long), hòn đảo Singapore chỉ là một ngôi làng với 129 ngư dân. Với một đất nước như thế, không có tài nguyên thiên nhiên, ngay đến cả nước uống hằng ngày cũng phải nhập khẩu từ Mã Lai, vậy mà chỉ sau vài thập kỷ ngắn ngủi, họ đã là một quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á, đất nước của họ là một trung tâm thương mại và tài chính lớn của thế giới. Chính là nhờ tài dẫn dắt của Thủ tướng Lý Quang Diệu, một người biết người, biết ta, biết dùng người, suy nghĩ thấu đáo, chín chắn, luôn đặt lợi ích của quốc gia và người dân lên trên hết... Ông viết trong hồi ký "Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tin tưởng và niềm tự tin của dân chúng... Một tài sản quý báu khác mà chúng tôi có chính là nhân dân chúng tôi - cần cù, dè sẻn, ham học. Tuy bị chia cắt thành nhiều chủng tộc, nhưng tôi tin tưởng rằng một chính sách công bằng, xử sự bình đẳng, sẽ giúp họ sống chung hòa bình với nhau...".
Khởi đi từ một đất nước không có lực lượng vũ trang, Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã khôn khéo nhờ người Israel (Do Thái) chứ không phải người Mỹ bước đầu giúp xây dựng quân đội riêng của họ, chắc hẳn ông Lý Quang Diệu đã so sánh đất nước Singapore và Israel, cũng chỉ có vài triệu dân, đất đai không nhiều, tồn tại bên những thế lực Hồi giáo. Năm 1966, 1967... trong khi người Mỹ đã hiện diện cả nửa triệu quân ở miền Nam Việt Nam, thì Singapore chỉ mời mấy chục cố vấn người Israel đến giúp, những người Israel phải giữ bí mật khi đến Singapore, vì chung quanh nước này là những nước theo Hồi giáo (Malaysia, Indonésia) không ưa gì người Do Thái, Singapore không muốn làm mất lòng những nước láng giềng ấy. Người Singapore cũng gởi quân đội đến Đài Loan nhờ huấn luyện, có lẽ bởi Đài Loan cũng đã vươn lên từ một đảo quốc nhỏ giống như họ. Khi người Mỹ đến Việt Nam họ đã mang theo mọi thứ, tiền bạc, vũ khí, cái tốt và cái xấu, làm thay người bản xứ mọi việc và bị sa lầy, trong khi người Israel chỉ trợ giúp việc huấn luyện ban đầu và chuyển giao để người Singapore nỗ lực bước những bước tiếp theo. Năm 1965 khi Singapore trở thành quốc gia độc lập nước này không có khả năng tự bảo vệ. Vào năm 1990, chỉ hai mươi lăm năm sau, quân đội Singapore (SAF) đã phát triển thành một lực lượng chuyên nghiệp, được huấn luyện bài bản. Với một đất nước không nhiều về dân số, họ không dựa trên số đông mà dựa trên hiện đại, hiện nay ngoài thế mạnh về thương mại, dịch vụ, họ còn xuất khẩu vũ khí, cả máy bay và xe tăng hạng nhẹ.
Trong Hồi ký của mình ông Lý Quang Diệu có nói đến sự quan hệ của đất nước Singapore trên trường quốc tế, đến sự sai lầm của người Mỹ ở Việt Nam, đến sự sụp đổ của đại cường Liên Xô, hoặc với phép lạ của người Nhật khi họ đi lên từ những đổ nát sau khi bại trận, đấy là tấm gương mà Singapore đã học hỏi. Ông cũng nhắc đến nước Mỹ, Châu Âu, đến Trung Quốc và cả một chương viết về sự kiện Thiên An Môn, phê phán một cách thẳng thắn mà không e ngại, ông cũng nói đến Hồng Kông, Đài Loan, đến Hàn Quốc và Triều Tiên, đến Myanmar, Cambodia, cuộc chiến tranh Việt Nam, và Việt Nam với Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
Những dòng cuối của cuốn Hồi ký dày hơn 900 trang, ông Lý Quang Diệu viết:
"Tương lai đầy hứa hẹn cũng như đầy bất ổn. Xã hội công nghiệp sẽ nhường chỗ cho một xã hội đặt trên cơ sở tri thức. Ranh giới mới trên thế giới sẽ nằm giữa những nước có tri thức và những nước không có tri thức. Chúng tôi phải học tập và trở thành một phần của thế giới dựa trên tri thức. Thành công của chúng tôi trong ba thập niên mới đây không có nghĩa là chúng tôi cũng thành công như thế trong tương lai. Tuy nhiên chúng tôi có cơ hội tốt hơn để không bị thất bại nếu chúng tôi tuân theo những nguyên tắc cơ bản đã giúp chúng tôi phát triển: sự đoàn kết xã hội thông qua việc chia sẻ lợi ích của sự phát triển, cơ hội đồng đều cho mọi người, và sự đãi ngộ nhân tài, chọn người giỏi nhất cho công việc, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo chính phủ".
Một đất nước như Singapore, không có một nền văn hóa lâu đời, cũng không có vinh quang quá khứ để tự hào. Nhưng may mắn thay họ có những nhà lãnh đạo sáng suốt như ông Lý Quang Diệu, họ đã chọn một hướng đi đúng, và đã phát triển trên những nền tảng cơ bản như thế.
Hồi ký của bà Hillary Clinton.****
Tôi cũng có một quyển hồi ký khá dày nữa để đọc, đó là quyển hồi ký của bà Hillary Clinton, với lời giới thiệu của một vị tướng Việt Nam, Đại tướng Mai Chi Thọ, quyển này do cô cháu gái từ bên Úc về tặng hôm tết. Sẽ đọc...
Ghi chú:
* Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000), bản dịch Pham Viêm Phương và Huỳnh Văn Thanh, NXB Văn Nghệ TP. HCM - 2001).
** Số liệu của Cổng Thông Tin Điện Tử Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
*** Số liệu của trang mạng Wikipedia.
**** Hồi ký của bà Hillary Clinton, người dịch Xuân Quang, NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2006.
1- Đọc "Đối thoại với Lý Quang Diệu" của GS Tom plat mới biết là Đặng Tiểu Bình làm ra Trung Quốc hôm nay đã từng được Lý Tiên Sinh đào tạo lại về rất nhiều kiến thức.... Bài thực tập đầu tiên của Bình là mở ra Đặc khu kinh tế Thâm Quyến....
Trả lờiXóa2- Ông Tom plate ghi lại lời ông Diệu "Tập đoàn quốc gia Shel Oil đã cho tôi ý tưởng từ cụm từ "Năng lực trực thăng". Có nghĩa là người đó có thế thấy một vấn đề trong tổng thể, có thể nhìn vào chi tiết cần giải quyết và tập trung vào đó. Khả năng đó là "năng lực trực thăng" "
3- Xem ra chơi blog cũng cần năng lực này chăng phải không ông Lý... hihihi
1- Rất đúng đúng đó bác Bu. Trong Hồi ký của mình ông Lý Quang Diệu cũng có viết khi ông ấy công du TQ, lãnh đạo TQ rất coi trọng ông ấy (tuy Singapore chưa bằng một huyện của TQ). Rất lạ là ông LQD suy nghĩ rất và hành động rất bình thường, không có gì là to tát.
Xóa2- Cũng đúng luôn là trong cuộc sống, bất cứ một ai, đặc biệt là những nhà lãnh đạo cần phải có cái "năng lực trực thăng" này. Nước mình càng ngày cáng tụt hậu so với thế giới bởi không thấy lãnh đạo có (hay có nhưng không phát huy được). Những vấn đề lớn, khẩn thiết của đất nước mà cứ nói đâu đâu, chung chung, rồi chẳng thấy ai làm được cái gì, chẳng ra đầu ra đũa.
3- Chơi blog cũng cần cái này lắm đấy... hì hì!
Sau một thời gian ông Lý "quan tâm' đến VN và không thấy thay đổi gì cả, ông ngậm ngùi khi có ai đó hỏi đến VN: HÃY QUÊN HỌ ĐI!
Trả lờiXóaCon dân VN cũng ngậm ngùi luôn!
Đến con dân VN mà cũng muốn quên nữa là người ngoài cụ Nô ơi, Huhu!
Xóa