Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Dễ còn mấy ai.






Ở gần chỗ tôi ở có một tủ kem của một bà cụ trông chắc cũng xấp xỉ tám mươi, cụ ngồi bán trước cổng một ngôi nhà to, tủ của cụ bán kem cây và kem hộp thuộc loại cao cấp, hãng kem mang tủ và kem tới, cụ chỉ việc ngồi bán. Bà cụ ở trong ngôi nhà to ấy. Thỉnh thoảng tôi có ghé mua một hộp kem, nghe giọng nói của cụ tôi biết cụ là người miền Bắc, hình như là vào Saigon sau này (sau năm 1975). Nhưng giọng Bắc của cụ nghe rất chuẩn, nhẹ, kiểu như giọng của người Hà Nội xưa, không ngọng nghịu, và phong cách của cụ cũng rất phong nhã chứ không có dáng vẻ tất bật của người quen lao động. Vài lần ghé mua kem nghe cụ nói con cháu cụ đi cả ngày, chẳng biết làm gì buồn quá ra đây ngồi bán nhìn người ta đi qua đi lại cho vui.

Hôm qua tôi đi ngang thấy bà cụ có thêm 2 rổ măng cụt để cạnh tủ kem. Tôi ghé vào mua. Bà cụ giới thiệu đây là măng cụt vườn nhà trồng, đến mùa ăn không hết cụ mang ra ngồi bán. Có hai rổ măng thì một rổ quả măng to hơn ở rổ kia, giá cao hơn quả nhỏ chút đỉnh. Tôi định mua măng quả to. Bà cụ hỏi, "ông định mua biếu ai hay mua về ăn?". Tôi nói, "dạ cháu mua về ăn". Bà cụ nói, "nếu vậy thì ông mua quả nhỏ đi, quả lớn trông đẹp nhưng ăn không ngon bằng quả nhỏ, mà múi măng bên trong quả nhỏ ít hạt, quả lớn nhiều hạt lắm".

Quả thật đúng như bà cụ nói, quả măng trông nhỏ nhưng vị đậm đà, múi bên trong nhỏ ít hạt, và thêm một điều nữa, một kí măng của cụ có đến mấy chục quả, trông có vẻ nhiều hơn mua ở chợ, tôi thử cân lại thì thấy già hơn một kí, chả bù cho mua ở chợ, một kí còn chín lạng hay chín lạng rưỡi đã là tử tế, chứ mua ở mấy người bán dạo lề đường còn tệ hơn, một kí có khi chỉ còn bảy, tám lạng. Bà cụ bán hàng nhưng quan tâm đến cái lợi của người khác hơn đến cái lợi của mình.

Bà cụ làm tôi nhớ đến mẹ tôi. Thời buổi này những người như thế dễ còn mấy ai.



10 nhận xét :

  1. Hy vọng là còn nhiều những con người nhân hậu. Cách này hay cách khác thôi. Để cuộc đời này còn đang vui sống chứ, bác Phạm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chắn là còn nhiều chứ cụ Nô, bởi mình ít được gặp thôi :-)))

      Xóa
  2. Thắm tình!
    Có người khi mua xong đi rồi ta vẫn còn nhớ đến người bán. Nhưng có người làm ta chạy cong đuôi không dám ghé lại lần hai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải công nhận bà cụ tử tế chị M., chất phác, kiểu những bà cụ miền Bắc xưa, không muốn để người khác thiệt bao giờ. Mùa này trên đường phố có rất nhiều người bán trái cây dạo, cân thiếu mà người miền Bắc xưa gọi là "cân điêu", giờ là "cân đểu" là phổ biến. Mua một kí, nói không trả giá nhưng cân đúng, họ thề thốt, thậm chí cân thành một ký mốt, về nhà thấy ít thử cân lại còn tám lạng. Giờ hết dám mua dọc đường luôn.

      Xóa
  3. Bà cụ thật tốt anh Hiệp nhỉ ? Có phải vì cuộc sống quá khó khăn nên đã tạo cho con người mất đi tính chân thật của mình mà trước mắt họ chỉ là lợi nhuận ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong chuyện này có lẽ đúng như NangTuyet nghĩ, khá nhiều nguyên nhân gây nên con người gian dối như ta thường thấy bây giờ ở VN, cuộc sống khó khăn làm cho con người mất đi tính chân thật. Đấy là trong chuyện mua bán lặt vặt như ta thường thấy ngoài đường xá. Nhưng ở những lãnh vực khác lớn hơn, như bằng cấp dzỏm, giả đầy trong xã hội đối với những người ngồi văn phòng máy lạnh chứ đâu có buôn bán chụp giựt ngoài hè phố, họ đâu có khó khăn, lại là câu chuyện khác. Không biết xã hội thế nào mà cái giả dối bây giờ hiện diện khắp. Do đâu? :-(((

      Xóa
  4. mấy trái măng cụt nhỏ đúng là ăn đã hơn mấy quả bự vì chúng ko có hạt :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bố susu cũng có kinh nghiệm xực măng cụt :-)))

      Xóa
  5. Ngày xưa bà nội em bán thóc cho những người làm hàng xáo. Nếu sau khi bán mà phiên chợ sau giá thóc xuống thì bà bớt cho mấy giá, cho ngang với lúc trả tiền. Cụ cho rằng, họ không lãi bao nhiêu, bớt cho họ có công...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro ạ, các cụ mình ngày trước thường rất châh thật và tử tế, có lòng thương người, kiểu cường hào ác bá cũng có, nhưng những người tử tế như bà cụ nội Toro, hay bà cụ bán kem là đa số, họ quan tâm đến quyền lợi của người khác vì lòng thương người, và "để phúc đức lại cho con cháu". Biết đâu giờ này mình đang được hưởng cái phúc đức đó? :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))