Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Từ ngữ ngoại giao.


Tựa nơi trang nhất báo Tuổi Trẻ ngày 11-6-2014.

Đọc cái "tít" viết khổ chữ lớn "TRUNG QUỐC TRÂNG TRÁO tố Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc" trên trang nhất của báo Tuổi Trẻ (Thứ Tư 11-6-2014), và một loạt bài viết liên quan mà thấy tức. Không hiểu  sao kẻ cướp vào nhà mình, chiếm biển, gây hấn, đâm tàu công vụ, đâm chìm tàu cá ngư dân của mình, còn lớn giọng lu loa. Nghe nói Việt Nam cũng đã gởi Công hàm phản đối đến Liện Hiệp Quốc, nhưng sao mình chưa khởi kiện nó ra Tòa án Quốc tế nhỉ? Cứ "mưu trí dũng cảm kiềm chế" mãi sao? Hichic!

Nhân việc này tôi thử tra tìm một số từ ngữ thường được dùng trong ngành ngoại giao để chúng ta nắm rõ hơn:

- BẠCH THƯ ( ), tiếng Việt gọi là SÁCH TRẮNG, tiếng Anh: WHITE BOOK, tiếng Pháp: LIVRE BLANC, văn kiện, sách của một nhà nước, một chính phủ trình bày chủ trương, chính sách, hay một văn kiện ngoại giao của một nước nói rõ về một vấn đề nào đó của nước sở tại, hoặc một vấn đề liên quan đến nước khác, nhằm để thế giới hiểu rõ một vấn đề liên quan giữa hai nước.

- BỊ VONG LỤC (): Tiếng Anh: MEMORANDUM. Tiếng Pháp MEMORANDUM, MEMOIRE. Là văn kiện ngoại giao được một một nhà nước, một chính phủ, công bố, để khẳng định lại lập trường về một vấn đề gì, hoặc khái quát về một vấn đề nào đó, cần thông báo cho bên kia hay các bên biết, trong quan hệ giữa hai hay nhiều quốc gia. BỊ VONG LỤC cũng còn được gọi là GIÁC THƯ.

- CÔNG HÀM (公函): Tiếng Anh: DIPLOMATIC NOTE. Tiếng Pháp NOTE DIPLOMATIQUE, văn kiện ngoại giao của một nhà nước, một chính phủ gởi cho một nhà nước, một chính phủ, hay một tổ chức quốc tế để giải quyết một công việc liên quan giữa hai quốc gia.

- CÔNG ƯỚC (): Tiếng Anh: MODUS VIVENDI. Tiếng Pháp: CONVENTION, điều khoản do hai hay nhiều nước ký kết để quy định những việc có liên quan đến nhau.

- HIỆP ĐỊNH (協定): Tiếng Anh: AGREEMENT. Tiếng Pháp: ACCORD, là văn kiện ký kết giữa hai hay nhiều quốc gia, cam kết phải tuân thủ sau khi thương nghị, đàm phán về một vấn đề gì.
- HÒA ƯỚC (和約): Tiếng Anh: PEACE TREATY. Tiếng Pháp: TRAITÉ DE PAIX, là văn kiện được hai hay nhiều quốc gia ký kết, chấm dứt xung đột.

- NGHỊ ĐỊNH THƯ (): Tiếng Anh: PROTOCOL. Tiếng Pháp: PROTOCOLE, là văn kiện kèm theo của một hiệp định để cụ thể hóa phương thức và biện pháp thi hành hiệp định ấy.

- TỐI HẬU THƯ (最後): Tiếng Anh: ULTIMATUM. Tiếng Pháp: ULTIMATUM, thư yêu sách lần cuối, nếu không được đáp ứng sẽ dùng biện pháp quyết liệt.

Trong một entry trước, khi giải thích về từ BỊ VONG LỤC, anh bạn Toro có comment "Quá trình Việt hóa các từ ngữ sao cho dễ hiểu là rất cần thiết, không hiểu sao từ Bị vong lục rất cổ lỗ này không được thay thế bằng một thuật ngữ khác cho dễ nghe hơn. Có lẽ như chị TTM bàn, thay bằng bản ghi nhớ hoặc dùng lại từ giác thư cũng ngắn gọn hơn"

Thật ra thì trong tiếng Việt có những thuật ngữ (là từ hoặc cụm từ để diễn đạt chính xác một khái niệm thuộc về một lãnh vực chuyên môn, Từ điển Giải thích Thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục-2003), như chúng ta đã thấy những từ ngữ trên là thuật ngữ được dùng trong ngoại giao, cũng như những thuật ngữ được dùng trong những ngành khác, chẳng hạn như "định lý", "định đề"... trong toán học, "định luật"... trong vật lý, "định canh"... trong nông nghiệp, "lạm phát"... trong ngân hàng, hoặc những từ "bị can", "bị cáo"... trong ngành tư pháp. Những thuật ngữ trong ngoại giao chúng ta hay đọc như "hòa ước Versaille", "hiệp định Genève", "hiệp định Paris", "công ước quốc tế về biển", "nước... công bố bạch thư về chi tiêu quốc phòng"...

Từ "Giác thư" cũng là thuật ngữ dùng trong ngoại giao có thể thay thế cho "Bị vong lục". Nhưng từ "bản ghi nhớ" được dùng phổ biến trong lãnh vực kinh tế (như Thủ tướng của một nước dến thăm một nước khác, ký bản ghi nhớ về việc xuất nhập khẩu giữa hai nước), không thể dùng thay thế cho thuật ngữ Bị vong lục dùng trong ngoại giao được, cho dù ý nghĩa của nó có thể tương đồng.

Như chúng ta cũng đã thấy, nếu không nắm vững được thuật ngữ chúng ta rất dễ dùng sai, chẳng hạn tôi hay thấy dùng từ "lạm phát" trong những câu không thuộc ngành ngân hàng, như lạm phát cử nhân..., khi muốn nói đào tạo cử nhân bây giờ nhiều quá, nhiều người ra trường không tìm được việc làm. Muốn dùng thuật ngữ của ngành này để nói về một ngành khác, người ta phải mở và đóng ngoặc kép nơi từ muốn sử dụng. Trong những ngành quan trọng có tính chất đại diện quốc gia và đối ngoại như ngoại giao, không thể dùng thuật ngữ của ngành khác thay thế.

Riêng trong câu trên của báo Tuổi Trẻ: "TRUNG QUỐC TRÂNG TRÁO tố Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc", nghe có vẻ "văn nói" hơn "văn viết". Có thể đặt lại tựa như thế này được chăng "Gởi công hàm phản đối Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng"?


Ghi chú bổ sung:

Trên một trang mạng, tôi mới đọc được một bài của TS kinh tế Phạm Chí Dũng với tựa đề "Lạm phát in tiền và độ trễ suy thoái". Từ "Lạm phát in tiền..." viết không đúng, tuy thuật ngữ "Lạm phát" được dùng trong lãnh vực ngân hàng, tiền tệ, nhưng "Lạm phát" đã có nghĩa là "Phát hành số lượng tiền giấy vượt quá mức lưu thông hàng hóa, làm cho đồng tiền mất giá" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Như vậy câu trên chỉ ghi "Lạm phát và độ trễ suy thoái" là đủ.






6 nhận xét :

  1. Phá tam gaing ngày nây đã cạn
    Truông nhà Hồ nội tán cấm vô

    Tán trong nội tán hay nhiệm vụ quan nội tán thì biết được nhưng một định nghĩa đầy đủ và gảy gọn về NỘI TÁN thì ở từ điển nào đây??

    Trả lờiXóa
  2. Trên Wikipedia về Nội tán Nguyễn Khoa Đăng (Nội tán là một chức quan), có nguyên câu ca dao dân gian nói về vị quan Nội tán này:

    Thương em anh cũng muốn vô
    Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
    Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
    Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.

    Truông nhà Hồ, phá Tam Giang là chướng ngại thiên nhiên ngăn cản người từ Đàng Ngoài muốn vào Huế, theo câu ca dao trên thì ngoài chướng ngại thiên nhiên ấy còn có lệnh cấm của Nội tán (Nguyễn Khoa Đăng) nữa. Như vậy chữ Nội tán bác Bu nói bên trên là nói về chức quan, và cụ thể là Nội tán Nguyễn Khoa Đăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu đã có một bài dài hồi ở Multy nói về quan nội tán Nguyễn Khoa đăng
      nhưng từ điển nào giải thích NỘI TÁN là gì chưa tìm ra ...

      Xóa
    2. Đúng đó bác Bu, tôi cũng thử tra tìm xem có từ Nội tán không thì không sao tìm thấy trong tất cả từ điển tôi có, chỉ có chữ "Nội" và chữ "tán" riêng biệt, như vậy xem ra chỉ có "chức quan Nội tán" là do triều đình đặt thôi, còn "nội tán" dùng trong bình thường như "nội thị", "nội chính" là không có.

      Xóa
  3. Em thì vốn rất dốt chữ nên hổng dám có ý kiến gì , nhưng em xin đưa tay đồng ý về việc đất nước mình cần phải kiện TQ ra Tòa án Quốc tế ! Nghĩ cho cùng ...mình hổng dám làm mạnh , chắc có vấn đề gì chăng ....híc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý, cô giáo dạy học một thời mà dốt chữ? Hihi. Đọc tin tức thấy viên chức nước mình nói TQ nói mình đừng kiện, giặc vào nhà mình cướp, đánh mình sưng mặt, còn "bày" cho mình đừng kiện? Thật quá khôi hài phải không NangTuyet. Hữu hảo, hữu hảo!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))