Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Đọc.


  Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết về nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

Đọc thì phải dùng đến đôi mắt, ngoại trừ việc đọc chữ nổi (braille) của người khiếm thị. Mấy hôm trước tôi đến bệnh viện khám mắt, khám bằng thẻ bảo hiểm y tế. Bệnh viện tư mới xây dựng mới toanh, sạch sẽ và thân thiện, khác xa với những bệnh viện công luôn nhếch nhác, quá tải. Ba mươi mấy năm làm việc cho nhà nước, có thẻ bảo hiểm y tế khám bệnh tại một bệnh viện công do cơ quan đăng ký, nhưng chưa một lần đi khám bệnh bằng thẻ. Không phải sức khỏe của mình siêu đến nỗi không bao giờ bị bệnh, nhưng tôi khá ngại phải đến bệnh viện công, nếu bệnh của mình không đến nỗi nặng nề quá. Khi về hưu đi làm sổ bảo hiểm, tôi chuyển ngay bảo hiểm y tế sang bệnh viện tư, cho dù cô nhân viên làm giấy tờ nói, bác suy nghĩ kỹ đi, chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư thì dễ, còn muốn chuyển ngược lại khó lắm. Chừng như cô nhân viên này rất mặn mà với cái "công".

Ở những bệnh viện tư như thế này có mấy điều làm cho ta cảm thấy dễ chịu. Trước tiên là cái dễ chịu "vật chất", bệnh viện sạch sẽ, ngăn nắp, bệnh nhân có thang máy để lên xuống các tầng lầu, toàn bộ tòa nhà được gắn máy điều hòa. Tiếp đến là cái dễ chịu "tinh thần", bệnh nhân không bị phân biệt đối xử, mọi người đến khám bệnh đều như nhau (có ưu tiên cho những trường hợp cần ưu tiên, như người già trên 75 tuổi, hoặc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi), tất cả bệnh nhân khám cùng một nơi (dĩ nhiên là ở các khoa khác nhau), ai đến trước khám trước, ai đến sau khám sau, cùng một bác sĩ. Từ bác sĩ, nhân viên y tế cho đến bảo vệ đều lịch sự. Không có nạn khám dịch vụ (tiền cao) thì ở nơi riêng biệt, nhiều tiện nghi, nhanh chóng, được đối xử đàng hoàng, còn khám bằng bảo hiểm thì dồn vào nơi đông đúc, chật chội, chờ đợi, luôn bắt gặp những khuôn mặt "từ mẫu" cau có, người bệnh hay người nhà thăm bệnh đến cổng bệnh viện là đã sợ từ ông bảo vệ sợ đi.

Đến tuổi này nhà nước cho về vườn là quá đúng, người ngợm đã bắt đầu xộc xệch, mắt mũi có vấn đề, đi khám mắt cho làm một loạt xét nghiệm, soi tới soi lui, cuối cùng bác sĩ nói "mắt già" chớm bị "cườm khô", phải nhỏ thuốc thường xuyên và hàng tháng khám theo dõi, chừng nào nặng thì phải mổ, cũng đơn giản không nguy hiểm, không nên đọc sách, coi tivi hay ngồi còm piu tơ nhiều, hễ thấy mỏi mắt thì phải nghỉ.

GS. Trần Văn Khê viết về âm nhạc dân tộc.

Bình thường cái khoa mắt của bệnh viện tư này khá vắng, mỗi lần đến tôi chỉ thấy một vài người, nhưng hôm tôi đến khám lại khá đông, cả chục người đang ngồi đợi. Tôi nhìn qua một lượt thấy họ còn khá trẻ, chỉ khoảng chừng 30, 40 tuổi, nam nữ đủ cả. Khám mắt nhưng trông họ không có vẻ gì bị bệnh về mắt, trên tay ai cũng có cái điện thoại di động loại xịn "tớt, tớt" (touch, loại màn hình cảm ứng không dùng bàn phím), hoặc loại "táp" (tab, như Galaxy tab 3, tab 4) màn hình lớn hơn điện thoại mà người ta hay gọi là "máy tính bảng". Duy chỉ có một cô không có điện thoại hay máy tính bảng, cô ấy ngồi một góc, trên tay là một quyển sách dày cộm, ước chừng có đến sáu bảy trăm trang sách. Tôi cũng tìm một góc yên vị vì biết còn phải chờ lâu, và cũng lấy ra một quyển sách. Sau nghe họ nói chuyện mới biết đây là những người của một cơ quan đến khám định kỳ, và cô gái ngồi đọc sách say mê đến nỗi cô y tá kêu tên mà cô ấy không nghe thấy, bạn bè phải nhắc. Khi cô ấy gập quyển sách lại, trang sách đang coi được đánh dấu bởi một miếng bìa cứng dài có in hình Đức Phật, không biết có phải cô ấy đang đọc một quyển sách viết về Phật giáo?

Đến những nơi phải chờ đợi như bệnh viện, tôi cũng hay mang theo một quyển sách, thường là một quyển sách dễ đọc, sách về nghiên cứu, lịch sử, địa chí, hay một hồi ký, bút ký. Tôi thích đọc những quyển sách viết dưới dạng bút ký nhưng thiên về khảo cứu, như sách của GS Trần Văn Khê, đọc sách của ông viết không những ta hiểu được âm nhạc dân tộc, Vọng cổ, Đờn ca tài tử, Cải lương, Quan họ, Ca trù..., mà còn hiểu thêm cả về... món ăn, hay cách đối nhân xử thế. Đọc bút ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, như Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Hương sắc trong vườn văn, hay Đông Kinh Nghĩa Thục... Của học giả Vương Hồng Sển như Sài Gòn năm xưa, Hơn nửa đời hư, Phong lưu cũ mới, hay Thú chơi cổ ngoạn... Ta hiểu được rất nhiều điều trong cuộc sống.

Bút ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển.

Tôi cũng rất thích sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông là một nhà nghiên cứu về Huế, nhưng ông cũng đã có những quyển sách viết về nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn cho ta nhiều tư liệu... Sách của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Khải... Những sách phê bình văn học của những nhà phê bình như Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn... Phê bình văn học của những nhà phê bình này là phê bình học thuật, nghiêm túc, có trách nhiệm và đúng đắn, không phải như lối phê bình mà nhà phê bình Lại Nguyên Ân đã nêu trong sách là "phê bình quyền uy""phê bình xu phụ". Ông viết Phê bình quyền uy cũng đẻ ra lối lập luận tùy tiện, đẻ ra những sáo ngữ, những lối viết trang trọng đầy nghi thức, dài dòng và rất ít lượng thông tin... Còn lối phê bình xu phụ, nó nghe ngóng xem ý kiến của cấp trên ra sao để lựa lời viết tâng công hoặc lập công... Quy kết trở thành thủ đoạn chủ yếu của loại phê bình xu phụ này, và phê bình xu phụ vừa là đầy tớ, vừa là bạn đường của phê bình quyền uy. (Mấy ý kiến về phê bình văn học - Sống với văn học cùng thời, Lại Nguyên Ân, NXB Thanh Niên-2003).

Nhà văn Nguyên Ngọc đã có thời kỳ rất lâu ở Tây Nguyên, ông tiếp xúc, sống với những dân tộc thiểu số, ăn ngủ với họ, hiểu tường tận về văn hóa của họ, ông viết về cồng chiêng, về nhà rông, về những tập tục của người Bana, Jarai... như chính ông được sinh ra nơi bản làng. Không những viết về Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc còn có những bút ký viết về vùng Tây Bắc hay không kém. Ta không thể đọc được hết tất cả các sách, nên những loại sách tôi vừa kể rất cần thiết, bởi cho ta rất nhiều thông tin, về chuyên ngành, văn học, cuộc sống, con người, về một khoảng không gian và thời gian, một nơi chốn, một  thời đại. Nó không chỉ cho ta những kiến thức, mà còn cho ta những tri thức, những kinh nghiệm sống.

Bút ký của nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, và phê bình văn học của nhà phê bình Lại Nguyên Ân.

Bây giờ tôi ít khi đọc những sách văn chương từ ngữ được gọt giũa bóng bẩy, hoặc thơ tình ngôn từ diễm lệ nhưng ít thông tin trong trang sách. Không phải đó là những trang sách không nên đọc, mà có lẽ bởi mắt đã kèm nhèm, cũng cần phải chọn cái đọc, và bởi thời giờ của người đã về già không còn nhiều để mơ mộng nữa.


Saigon, tháng 6 - 2014.


10 nhận xét :

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Đắc Xuân có thư ngõ gửi các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Trọng Bằng, và Hồng Đăng cực hay
    Thư có tên "THIẾU MỘT TẤM LÒNG.".Các vị tai to mặt lớn này chê bai và đánh giá thấp Phạm Duy.....
    Hồi ở Huế bu tui không koái anh này lắm do việc anh ta chủ trì hội thảo về tiểu thuyết HỌC PHÍ TRẢ BẰNG MÁU của nhà văn Nguyễn khắc Phục .Ngồi ghế chủ tọa anh ta tay phải cầm tiểu thuyết , tay trái cầm bộ luật hình sự...Lý do Nguyễn khắc Phục nói vài câu thất thố về Huế chẳng hạn Huế là thành phố có hệ thần kinh thực vật. Tội nặng hơn cả là người Đà Nẳng dạy cho người Huế làm cách mạng...ả huhuhu
    Nhưng đọc Thiếu một tấm lòng thì bu tui tâm phục khẩu phục Nguyễn Đắc Xuân.
    Lại Nguyên Ân có một bài vừa hay vừa dũng cẩm: BÂY GIỜ CÒN AI ĐỌC THƠ TỐ HỮU ???
    Bu tui phục lăn Nguyên Ngọc về mọi phương diện nhưng ông Ngọc lại phục ông Khải. Ông Ngọc bảo đại ý: Trong thế hệ nhà văn chúng tôi thì Nguyễn Khải mới là người thực tài.
    Chuyên ông Ngọc Ông Khải thì nhiều cái cười ra nước mắt...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Văn học thời XHCN thì chắc bác Bu rành hơn tôi. Tôi nghĩ đánh giá một tác giả thì nên xét trên những tác phẩm họ đã cống hiến, nếu hay thì mình phải công nhận là hay, dở thì phải nói là dở, không nên vì những hoạt động khác mà tâng bốc, hay chê bai tác phẩm của họ. Ở mỗi một không gian có một đặc điểm, cũng phải công nhận, trong không gian XHCN khó phát triển được tác phẩm hay và nhân tài, bởi có nhiều "vùng cấm" quá.

      Tôi thích đọc những bút ký của 2 nhà văn Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải. Hai vị này viết rất thật, mà "khéo".

      Xóa
    2. Theo comment của bác Bu, tôi vào Google gõ "THIẾU MỘT TẤM LÒNG." và đã được xem thư của nhà nghiên cứu NĐX gởi các nhạc sĩ PT, TB và HĐ, quả là bức thư viết cực hay như bác nói. Xem thư của ông NĐX có thể hình dung ra những gì 3 nhạc sĩ kia đã viết về PD. Tôi có cảm tưởng như đúng kiểu phê bình như nhà phê bình LNÂ đã viết bên trên.

      Xóa
  3. Tài năng nhà văn thì khâm phục còn nhân cách không ra gì thì không chơi.
    Hôm hội thảo về Tiểu thuyết Học phí trả bằng máu có một sinh viên bảo vệ Nguyễn Khắc Phuc bị ông Xuân đập bàn đuổi ra khỏi hội trường Một vài người trong đó có bu bỏ hội thảo ra về từ đó gặp ông Xuân khỏi chào. Nhưng thư gửi các nhack sĩ kia thì phải khen Xuân giỏi hiểu rất sâu về âm nhạc Phạm duy.
    Bu tui ủng hộ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Khi làm tuyển tập THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM thì đưa Vũ Quần Phương vào nhưng gặp Phương thì Vợi quay mặt đi. Vợi bào thằng này lừa tình (Xuân Quỳnh) để kiếm ăn..Nhà văn Nguyễn thị Ngọc Tú viết tiểu thuyết Anh và em nói về vụ là tình này....khá hấp dẫn..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đồng tình với bác Bu, tài năng và nhân cách là 2 cái khác nhau, có những tài năng lớn nhiều người ngưỡng mộ, bởi thơ, nhạc, văn... của họ rất hay, nhưng trong cuộc sống thường ngày ở gần họ có khi lại là tai họa, cái này cần phân biệt rạch ròi phải không bác Bu? Tôi rất thích âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng chưa chắc thích "công dân PD" ở ngoài đời. Đáng sợ là người mê tín một điều gì đó đến mức chẳng còn biết phân biệt gì nữa, kiểu như thương thì "củ ấu cũng tròn" mà ghét thì "trái bồ hòn cũng méo".
      Mà không phải ai cũng nghĩ như vậy.

      Xóa
  4. Có một lần M vào bịnh viện khám bảo hiểm y tế để xin khám huyết áp, tiền đình gì đó . Sau khi mua quyển sổ khám bịnh , điền đầy đủ thông tin , ngồi chờ một lúc thì được hướng dẫn lên phòng khám tim mạch , tiếp tục ngồi chờ . Sau đó được một cô y tá gọi tên vào phòng . Cô này yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân mới được vào khám . M lại không cầm CMND theo . M nói lẻ ra thủ tục này phải được yêu cầu ngay từ khâu tiếp nhận bệnh , để nãy giờ bịnh nhân chờ khá lâu , tới khâu khám bịnh mới biết không có cmnd thì không được khám .
    Cô y tá chắc thấy M khá khó chịu , nên đưa vào gặp bác sỹ để giải quyết . Vị bác sỹ bảo nếu chị có quen với bác sỹ hay y tá của bịnh viện , xác nhận chị đúng là người có tên trên thẻ bảo hiểm thì chị vào khám . M nhớ đến một chị y tá là "khách hàng thân thiết" của công ty, nên gọi cho chị trưởng phòng công ty (vừa về hưu) để xin số điện thoại của chị y tá . Chị trưởng phòng gọi ngay cho chị y tá, chị này bảo chờ chút , chị xong ca trực sẽ xuống . M sắp sửa bỏ về thì thấy chị trưởng phòng công ty tất tả chạy vào ( tội nghiệp chị, nhà gần bịnh viện nên chị bắt ngay xe ôm chạy tới ) . Chị kéo M vào gặp bác sỹ nói : " Tôi là ... của công ty ... xác nhận chị này là .... của công ty ... " . Không biết lời nói của chị trưởng phòng hùng hồn thế nào mà vị bác sỹ gật đầu cho M vào khám . Haha , bịnh viện thực hiện quy định tưởng chừng nghiêm ngặt lắm hóa ra chỉ cần một câu xác nhận của chị TP cty đã về hưu , mọi thứ cũng xong . Làm mất thời gian của bao nhiêu người ! Đó là lần đầu và cũng là lần cuối ( cho đến thời điểm này ) M đi khám bảo hiểm y tế .
    Sách có lẻ là lựa chọn tốt nhất để tranh thủ đọc trong thời gian phải ngồi chờ đợi bác H nhỉ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, câu chuyện khám bảo hiểm y tế của bạn Marg. có thể viết được một entry hay đấy. Chắc chắn chỗ khám bằng bảo hiểm này là của nhà nước rồi, tôi dám cá chầu cà phê luôn, hí hí! Ờ bệnh viện tư tôi khám thì ngay khi mình nộp thẻ bảo hiểm khám thì họ đã hướng dẫn đầy đủ (nếu mình không để ý đọc bảng hướng dẫn). Hôm nọ tôi đi cùng người nhà đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Thật kinh khủng, đến ngay trước cổng mà mình không biết phải vào đường nào, bên trong bệnh viện như cái nhà kho ngổn ngang, đi kiếm cái khoa mình muốn tìm mà chẳng thấy bảng hướng dẫn gì cả, hỏi những người mặc áo nhân viên bệnh viện thì hình như họ không muốn nói, hay chỉ nhưng rất kiệm lời, cứ đi tới rồi lại đi lui...

      Tôi thấy nhiều người sử dụng điện thoại hay máy tính bảng trong lúc chờ đợi cũng "gút" lắm, nhưng tôi quen đọc sách hơn. Tôi ngồi đọc sách trước cổng chùa hoài, hì hì!

      Xóa
  5. Em đồng tình với bác Bu quá, em không ưa ông NĐX, nhưng bất ngờ khi đọc cái thư gửi cho mấy tay ghen ăn tức ở thấp kém với PD. Viết rất sâu sắc, đáo để, mà mấy vị kia im như thóc...
    Có lẽ nhờ thư đó mà khi PD mất, ông PT đến viếng ( hay gửi hoa viếng) bác ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân Huế (cả Bắc nữa Toro) mà thực sự có học, có tri thức, trí thức, một khi họ đã nói thì phải biết, hì hì, đáo để, không phản biện được. Họ nói (và dám nói) được cái suy nghĩ đích thực của họ, còn những ông kia chỉ biết suy nghĩ và nói theo "lề" cho nên cho nên đành phải im.
      Cũng như chuyện mấy quyển từ điển của NL, khi nhiều người lên tiếng về cách dùng sai từ ngữ (họ chỉ phê phán và phê phán quá đúng về chuyện sai chữ nghĩa thôi), thì những người xưa nay tung hô ông ấy, và cả gia đình ông ấy nữa không sao phản bác được.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))