Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Một thời... sách.


Sách Phật giáo.

Đọc bên nhà ông bạn Hồng Ngọc nói về sách, hì hì, tôi ít quan tâm tới thời trang, nhà cửa, xe cộ..., nhưng lại hay chú ý tới sách vở, bởi đây là "món" quen đã nửa thế kỷ nay. Ông bạn HN giới thiệu quyển sách "Người nam châm - Bí mật của luật hấp dẫn" của Jack Calsfield & D. D. Watkins, và một vài quyển sách khác. Nhà bác HN đã có thâm niên dạy học và đọc sách, nên chắc chắn những quyển sách bác HN giới thiệu rất đáng đọc, hôm nào rảnh ghé nhà sách tôi sẽ kiếm mấy quyển này.

Trong nhà tôi cũng có được một tủ sách, sau nhiều năm góp nhặt, kiểu kiến tha lâu đầy tổ. Qua những bể dâu, những lần dọn nhà (người ta nói 3 lần dọn nhà bằng một lần... cháy nhà), may mắn tôi vẫn còn giữ (thật ra ban đầu phải gọi là "giấu", một việc làm có vẻ như phạm pháp, tuy chỉ là "giấu" sách học, sách khảo cứu). Chắc bạn nào ở Saigon vào thời điểm sau tháng 4-1975 còn nhớ, tất cả sách báo in ấn trước đó người ta gộp chung gọi là "văn hóa phẩm đồi trụy", và có những thanh niên, học sinh đeo băng đỏ đẩy xe ba gác đi từng nhà "hốt" hết. Tôi cũng đã bị hốt cả xe ba bánh sách như thế, lúc ấy vì quá tiếc nên tôi đã... đánh liều giữ lại một số sách đã mua từ thời còn đi học, chỉ dám giữ từ điển (từ điển tiếng Việt, Hán Việt, Pháp Việt - Việt Pháp, Anh Việt, Việt Anh, sách học chữ Nho, ít cuốn sách viết về Phật giáo).

Còn lại là sách văn học, sách dịch, các loại tạp chí... kể cả bộ Chiến tranh và hòa bình của Leon Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của Fyodor Dostoyevsky cũng phải... hân hoan giao nộp hết. Tôi nhớ có một ông đeo băng đỏ chỉ huy chiến dịch đi tịch thu sách trong xóm, trước đó ông ta làm nghề khuân vác chở mướn ở chợ, chiếc xe ba gác chính là của ông ấy. Bộ Thiền luận 3 quyển của Daisetz Teitaro Suzuki (Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch), khi tôi muốn giữ lại vì là sách Phật giáo thì ông ta nói chắc nịch, Thiền không phải là kinh Phật và quăng bộ sách lên xe ba gác. Những sách tôi còn giữ được từ ngày mua đến nay cũng đã non nửa thế kỷ rồi.

Từ điển chữ Nôm, Hán - Việt. 

Sách lịch sử.

Bây giờ tôi có một tủ sách không nhiều lắm nhưng là sách tương đối chọn lọc. Ngày trước tôi thường chọn sách theo loại, tác giả, dịch giả, nhà xuất bản... Ở Saigon trước đây có những nhà xuất bản uy tín, như nhà Lá Bối, Cảo Thơm... Sách của những nhà xuất bản này phát hành thường "uy tín, chất lượng" từ nội dung đến hình thức in ấn. Bây giờ thì tản mạn hơn, ít có nhà xuất bản nào vượt trội, nhà xuất bản Trẻ là một trong vài nhà xuất bản còn chịu khó đầu tư in ấn những quyển sách hay, nhiều thể loại..

Tủ sách của tôi tạm đủ để đọc giải trí cũng như tra cứu khi cần thiết. Đôi khi ngồi nhớ lại, ở mỗi một tuổi, một không gian, một thời gian, một nghề nghiệp..., người ta tìm đọc những loại sách khác nhau. Thời hai mươi tuổi (trong thập niên từ 1965 đến 1975) tôi đọc nhiều về văn học, điều này cũng dễ hiểu bởi ở vào thời điểm ấy chắc các bạn còn nhớ, ở Saigon các nhà xuất bản in ấn nhiều sách văn học dịch từ các tác giả ngoại quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Nga... Nói chung đủ các tác giả, Âu, Á, Mỹ, Mỹ La tinh, Phi... Rồi mày mò học chữ Nho, đọc sách viết về Phật giáo...

Sau năm 1975 trở lại Saigon sống với gia đình, cuộc sống lúc bấy giờ khá chật vật (xã hội lúc ấy nó thế), nhưng... hồn nhiên, ai cũng... cong đuôi đạp xe đạp, đường xá ít bụi bặm không có kẹt xe, may nhờ có chút chuyên môn nên đi làm sớm cho nhà nước, lương mấy chục đồng, cũng đủ cho bản thân, lúc ấy chỉ có đạp xe, có được mấy đồng trong túi thì uống nước mía lề đường, xem phim ảnh thì xếp hàng rồng rắn mua vé, đa phần phim Liên Xô, vào trong rạp họ... đóng nghiến cửa lại không cho ra về giữa chừng. Sách vở thì sách "chính danh" có nhà sách quốc doanh cung cấp, giá bao cấp mấy hào, một hai đồng một quyển dày cộm, nhưng giấy in đen thui. Bây giờ tôi còn cả một tủ sách hàng trăm cuốn như thế, ít dám đụng tới, vì mắt mũi đã kèm nhèm, đọc nhiều khi không thấy chữ bởi nơi đó là một... cọng rác. Còn sách không "chính danh" (các loại sách cũ in trước năm 1975), thì ra vỉa hè tìm mua, thời ấy ăn cho no là chính, gạo còn không đủ mà xơi thì nói gì đến sách với vở. Sách vở cũ người ta đổ ra hè phố bán "lạc xon" rẻ rề, như bán bó rau, thấy tình hình sách vở êm êm thế là ra vỉa hè kiếm lại được một mớ...

Loại sách Học làm người của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt.


Loại sách kỹ năng Hướng đạo.

Qua thời gian tôi tìm được những sách về lịch sử, địa chí, sách về kiến thức bách khoa, về cuộc sống, sách về ngôn ngữ, triết học, phong tục tập quán, ca dao, tục ngữ, nghệ thuật..., và sách về tôn giáo mà đa phần là về Phật giáo... Rồi thêm các loại tự điển, đặc biệt là các loại từ điển, những từ điển xưa, nay, cho ta một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống. Một cuốn từ điển được in ấn cách nay năm bảy chục năm hay thậm chí hàng trăm năm, coi thế mà lại có cái giá trị của nó, nó phản ảnh khá trung thực một quá khứ, một thời kỳ... Chẳng hạn quyển Từ điển Việt Bồ La thời Alexandre de Rhodes cho ta biết chữ quốc ngữ thời sơ khai của các cố đạo, Đại Nam quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của in năm 1895-1896 cho ta một cái nhìn khái quát về chữ nghĩa của người dân Nam bô vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Quyển Việt Nam tự điển của nhà Khai Trí Tiến Đức in tại Hà Nội năm 1931, cũng tương tự như thế, cho ta biết khái quát về chữ nghĩa, văn hóa tại miền Bắc vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Theo tôi đây là 2 quyển từ điển tiếng Việt rất cần thiết cho một tủ sách.

Sách về du lịch.

Từ điển về triết học, ngôn ngữ.

Chúng ta không thể tìm ra được từ "mậu dịch quốc doanh" trong 2 quyển từ điển kể trên, hoặc trong những quyển từ điển tiếng Việt in tại miền Nam trước năm 1975, nhưng trong quyển từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, bản in năm 1967 tại Hà Nôi) thì có từ này, nó cho ta biết xã hội và thời điểm xuất hiện của từ ngữ... Cũng như trong từ điển tiếng Việt xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 không làm sao tìm ra được từ "Tên lửa" có nghĩa là "hỏa tiễn" (như hỏa tiễn Apollo trong chương trình không gian của Mỹ). Tương tự như thế là từ "Lính thủy đánh bộ", từ điển miền Nam trước năm 1975 chỉ có từ "Thủy quân lục chiến", thì trong từ điển tiếng Việt in tại miền Bắc cùng thời gian có thêm từ "Lính thủy đánh bộ", với nghĩa tương đương. Tại sao từ điển ở miền Bắc lại có những từ phái sinh như thế lại là một chuyện khác...

Cũng có những từ như "Hành pháp", từ điển tiếng Việt in trước năm 1975 ở miền Nam giải nghĩa là "Thi hành hiến pháp", thì từ điển xuất bản tại miền Bắc giải thích "Hành pháp" là "Hành chính"... Dĩ nhiên "Hành pháp" thì không phải là "Hành chính", giải nghĩa như thế là không đúng. "Hành chính" là thi hành chính sách, pháp luật của chính phủ (thi hành luật cụ thể), trong khi "Hành pháp" là "Thi hành hiến pháp" (luật khung). Mỗi một cái hiểu, mỗi một cái nhìn, qua sách vở chúng ta thấy ở các nơi có khác nhau... Đấy là một bức tranh xã hội sinh động nói lên một điều gì đó, mà ta có thể tìm thấy được qua sách vở...


Các loại sách khác.

Nếu để ý thêm một chút về cách giải thích từ ngữ của một quyển từ điển, ta có thể nhìn ra trình độ, tri thức, nhận thức, cách lý luận... của một người, hay của một nhóm người biên soạn từ điển, nó cũng phản ánh xã hội, và ta sẽ thấy xã hội bị ảnh hưởng như thế nào bởi những quyển sách đó. Có thể nhìn thấy rõ nhất qua sách giáo khoa...

Tôi cũng thích đọc hồi ký hay sách viết dưới dạng hồi ký của những người nổi tiếng, chẳng hạn hồi ký của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, của các nhạc sĩ Trần Văn Khê, Phạm Duy..., hồi ký của các tướng lãnh miền Nam trước năm 1975... Của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Khải ở miền Bắc... Đọc hồi ký của họ ta không chỉ biết được cuộc đời của họ, suy nghĩ của họ về cuộc sống, mà còn hiểu được phần nào xã hội họ sống đương thời. Người ta thường viết hồi ký khi đã về già, người già và con trẻ thường nói thật, khi đã gần đất xa trời không còn cần phải bon chen thì người ta chẳng còn lý do gì để sợ mà không nói thật. Điều mà bây giờ chúng ta thường thấy...

Tôi cũng đã về già, về vườn sau mấy chục năm làm việc. Xưa nay tôi không uống được rượu (kể cả bia), cho nên hồi còn đi làm không có thói quen khề khà dzô dzô cùng bạn bè sau mỗi buổi chiều. Thỉnh thoảng chỉ cà phê với bạn bè. Bây giờ tủ sách của tôi cũng tàm tạm để ngày ngày, sau những công việc linh tinh không tên không tuổi, có được chút thời giờ rảnh lại ngồi nhâm nhi ly cà phê đọc dăm ba trang sách, cho qua ngày tháng... Hì hì!



18 nhận xét :

  1. 1-Nhà Nho bảo "Trung thư hữu mỹ nhân".
    Mỹ nhân không phải Bao Tự hay Tây Thi... mà là trí tuệ là hiểu biết. Một thời bu tui được nhồi sọ: Không có sách không có tri thức, không có sách không có chủ nghĩa cộng sản...!!!!!!
    2- Riêng sách Phật giáo càng đọc càng hoang mang. NXB Tôn giáo in rất nhiều sách của Trưởng Lão Thích Thông Lạc (Tu viện Chơn Như -Tây Ninh). Thầy Thông Lạc cực lực bài bác Phật giáo đại thừa cho rằng kinh Pháp Hoa, kinh Bi Hoa, kinh Lăng già Tấm ấn....là tà ma ngoại đạo. Trong khi đó các kinh "tà ma" này cũng do NXB tôn giáo in ra.
    3- Bây giờ đây thấy Thích Nhật từ Tiến sĩ Phật học, một chức sắc thượng thặng trong Phật giáo VN cổ súy cho bộ kinh Nikaya mới là lời Phật chánh hiệu. Đúng là đa thư loạn mục rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu 1 ngày trước bác Bu bảo được nhồi sọ, theo tôi thì đúng là sách mang lại cho con người tri thức, còn một chủ nghĩa nào đó có được có lẽ là do tự bản thân cuộc sống, quá trình tiến hóa của con người mà ra, và sách chỉ làm nhiệm vụ ghi chép, hệ thống hóa, phát triển thêm...

      Riêng câu 2 càng đọc sách Phật giáo càng hoang mang, vì có vẻ như mỗi nơi, mỗi người nói một vẻ, một phách... Thoạt đầu tôi cũng thấy thế đó bác Bu, nhưng mà rồi ráng đọc tới tới, của nhiều người viết thì tôi dần nhận ra, những người tự đề cao tôn giáo của mình, cho tôn giáo, hay tông phái khác mình là tà đạo, chỉ có những gì mình theo mới đúng, những ý kiến đó là không đáng để cho ta quan tâm. Cũng như có những người luôn cho chủ nghĩa mình theo là chân lý, là vô địch vậy.

      Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay có nói: "quý vị nên cố gắng duy trì cái đạo gốc truyền thống của mình. Thay đổi tôn giáo là việc không dễ dàng và đôi khi còn gây điều bất lợi buồn phiền cho các bạn". Ngài nói tiếp: "Tôi tin rằng tất cả những đạo giáo đều hữu ích cho nhân loại, và mỗi tôn giáo đều góp phần giúp cho thế giới con người có cuộc sống tốt đẹp hơn". (Trích từ sách The Compassionate Life). Điều đơn giản như thế nhưng không phải ai cũng nhận ra được...

      Câu 3 cũng tương tự như câu 2. Theo tôi bất cứ một ai đó dù chức sắc, học hàm, học vị ngoài đời cũng như trong tôn giáo có cao đến mấy đi nữa, mà chỉ đề cao cái mình theo và cho cái đó là nhất thiên hạ, thì vị đó chỉ nhìn thấy cái họ muốn nhìn. Khi cho là bộ kinh Nikaya mới là lời Phật chánh hiệu (như vậy các bộ kinh khác là lời Phật giả hiệu?), tôi không rõ như thế có đúng không? Nhưng tôi tin rằng, tất cả những bộ kinh nào (Phúc âm cũng như kinh Phật) mà đề cao điều thiện, lòng từ bi, bác ái, vị tha, hỉ xả... thì đều là của những bậc vĩ đại như Phật, và Chúa...

      Xóa
    2. Còn chuyện cùng nhà xuất bản tại sao lại in những sách... tréo ngoe nhau như thế? Hihi, bây giờ mình có tiền mà in cái gì chẳng được bác Bu, người ta có quan tâm tới nội dung sách mấy đâu, miễn là đừng phương hại đến an ninh quốc gia.

      Xóa
  2. Bác NHP ơi, HN đã đọc một lần, cả lời còm của bác Bu, phải đọc lại rồi mới dám lên tiếng! Thích lắm bác ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vậy chờ cái còm chắc dài dài của bác HN.

      Xóa
  3. Ôi ! Khỏi cần đi mua sách về đọc chỉ cần chạy sang nhà anh Hiệp vì đã có cả kho sách ở đó rồi ! Em thì dốt đặc chữ nho ...nói chung hổng biết gì hết , nhưng được học hỏi thêm để bổ sung về kiến thức thì quả thật rất là tốt anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đấy NangTuyet, mới đầu mua sách về thấy nhiều bà xã có cằn nhằn, rồi "dụ" bà ấy đi mua sách cùng, kết cục là bà ấy còn mua nhiều hơn tôi nữa, :-)))))
      Kiến thức thì mênh mông lắm NangTuyet, càng học càng thấy mình... dốt đó.

      Xóa
    2. Í à ..em hoan nghênh anh hết mình luôn ..đúng thế anh Hiệp ơi ..mỗi lần em sang nhà anh học hỏi thêm được một kiến thức ..lúc đó em mới cảm nhận được cái dốt của mình nó sâu thẳm gì đâu há ...

      Hay quá , như vậy anh chị đúng là chèo đúng một con thuyền rồi cơ !

      Xóa
    3. Hihí, tôi cũng thế đó NangTuyet, coi vậy chứ mình dốt hơn mình nghĩ nhiều lắm đó, càng mày mò lục lọi trong đám sách vở mới hay tri thức là mênh mông, đúng như người ta nói cái biết của mình chỉ là hạt cát trong sa mạc.

      Chèo đúng một thuyền, nhưng cũng có khi người chèo xuôi người chèo ngược đó, hì hì!

      Xóa
    4. Sáng mắt nhắm mắt mở lại vào nhầm trang cu câu con trai mà trả lời NangTuyet, huhu!

      Xóa
  4. 1- Ta đang sống vào cái lúc ngày hôm nay phủ nhận ngày hôm qua, cài hôm nay đúng ngày mai đã sai rồi. Cách mạng thông tin làm quả đất bé lại và thành ra thế giới phẳng. Chủ nghĩa cộng sản khai tử ngay trên quê hương nó nhưng hôm nay trên ti vi vẫn còn anh bí thư đoàn thanh niên cộng sản Nga trả lời phỏng vấn VTV giọng điệu y chang thời Liên Xô cũ. Pu tin nói phủ nhận sạch trơn chủ nghĩa cộng sản là người không có trái tim, nhưng còn theo chủ nghĩa cộng sản là người không có bộ óc. Vậy thì mấy trăm Ủy viên trung ương đảng và 16 ngài bộ chính trị Việt Nam không có bộ óc sao. Nhưng CNCS là gì thì biết nói sao khi công sản Tàu thành ra lũ ăn cướp, cộng sản Triêu Tiên là gia đình trị cha truyền con nối, là anh chí phèo làng Vũ Đại cộng sản Cu Ba đang xài tem phiếu và săn chuột trên ruộng mía thay thịt lơn thịt bò, cộng sản Cam Bốt của Pôn Pốt, Yêng xa ri, Khiêu Xam phon là lũ diệt chủng...Bộ óc của các vị chăn dân ngoài Hà Nội chả nhẽ không biết như vậy....
    2- Bu mở đầu hơi dài để quay lại Phật giáo và sách Phật giáo. Hiên ta đang sống vào thời mạt pháp. Đạo Phật là gì đạo Phật phải như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Bu đang ghi lại pháp thoại của một nhà sư tiến sĩ Phật học đề xướng cải cách. Tuyệt đại da số phật giáo ta thấy là ảnh hưởng Tàu hay gọi là Phật giáo pháp môn, do các tổ sau Thích Ca đề xướng và truyền bá. Mấy tổ này siêu giỏi viết ra những cái ta đọc vào thì phục bò, nhưng nó đã đi quá xa những lời Phật dạy mà chỉ có kinh Nakiya mới chính thật là nguyên chất. Bu đã có 5 bộ, hôm nào lên SG sẽ rủ bạn đi lùng tiếp xem sao. Thầy Thanh từ nói với bu (có cậu con rể và bà xã nghe) rằng vào chùa lôi ra một nhà sư và hỏi ông ta rằng thầy tu theo môn phái nào thì thầy ú ớ liền. Vì sao vậy?? vì một ngày thầy đọc hổ lốn rất nhiều kinh. Kinh của thiền, kinh của Tịnh độ, kinh của Mật tông. Nếu PNH có quyển kinh Nhật tụng thì sẽ thấy bài tụng ca Đấu chiến thắng phật là là ông khỉ TÔN NGỘ KHÔNG. Thầy thích Thanh Từ lắc đầu bó tay không hiểu nổi. Đấy là chưa nói đến sự phủ nhận quyết liệt kinh sách Đại thừa của thấy thích Thông Lạc mà bu đã có nhắc tới. (huhu đang viết thì có lệnh đòi của bà xã ...) .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, những gì bác Bu nói về chủ nghĩa bên trên là quá đúng, tiếp đến phàn thứ nhì về kinh sách cũng rất chính xác.

      Kinh sách của 2 tôn giáo lớn quen thuộc là TCG và PG là DO NGƯỜI ĐỜI SAU (tôi nhấn mạnh) viết về 2 tôn giáo ấy. Tân Ước, Cựu Ước viết về TCG, lý giải về nguồn gốc loài người, cuộc đời của Chúa Jesus... Những nhà nghiên cứu cho rằng các Kinh ấy (mà bây giờ ta được đọc) được viết, sửa chữa, thêm bớt... bởi nhiều người với nhiều trình độ, qua nhiều thời kỳ, và với những dụng ý khác nhau, cách nay đã nhiều trăm năm..., bởi thế mới có nhiều chi tiết không còn hợp với ngày nay, nhất là với khoa học hiện đại.

      Sách vở PG cũng thế, Kinh Phật bao gồm 3 tạng thư: Kinh tạng (Sùtra pitaka), Luật tạng (Vinaya pitaka), Luận tạng 9Abhidamma pitaka). Trong đó Kinh tạng (Sùtra) được cho là ghi chép lại lời của Phật dạy lúc Ngài còn tại thế, giảng dạy đạo pháp cho chúng sanh. Nhưng với những người có tri thức, trí thức như bác Bu đọc kinh Phật, bác dễ dàng nhận ra rằng những kinh sách ấy không đồng đều, có kinh rất trí tuệ, cao siêu như kinh Bát Nhã, có kinh bình thường, cũng có kinh lại có vẻ như viết trái với triết lý của Phật dạy (như kinh gì nói cõi nào đó nhà ngói bằng ngọc lưu ly, đường đi dát vàng...). Tôi cũng có đọc được một quyển ghi là Kinh phóng sinh do nhà chùa in ấn đàng hoàng (dùng để tụng khi phóng sinh chim, cá), nhưng rõ ràng đây chỉ là một quyền mới được soạn gần đây của một nhà chùa, còn ghi rành rành là "lưu hành nội bộ...

      Và cũng như kinh sách bên TCG, kinh sách PG cũng qua nhiều thời kỳ kết tập, biên soạn, của nhiều người, nhiều nước, nhiều tông phái, môn phái, soạn với nhiều trình độ và ý đồ khác nhau..., cho nên mới ra nông nỗi như bác Bu đã viết bên trên.

      Mỗi người bác Bu ạ, khi tìm hiểu, đọc sách vở nói chung, kinh sách nói riêng, ta sẽ tìm được cho mình một cái hiểu. Riêng tôi, khi đọc tôi ráng đừng để rơi vào Ý CHỦ QUAN của một ai đó (người soạn sách chẳng hạn), mà cố đọc, so sánh nhiều nguồn, và hiểu theo những suy luận và hiểu biết của mình...

      Xóa
  5. Thích nhứt cái đoạn chót, tả cảnh anh Phạm ngồi nhâm nhi đọc sách với ly cafe. Sướng như tiên còn gì! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Người ngồi im bóng lắng nghe tháng ngày qua..." (Trở về mái nhà xưa), hihi!

      Giáo an cư chưa dzị :-)))

      Xóa
  6. Ngày xưa HL rất mê đọc sách . Chẳng biết vì sao L đã quên rồi ! Vì kinh tế chăng ? Hôm nay đọc bài của anh , L thấy tiếc cái thời xa ấy ! Bây giờ đọc sách lại cũng đâu có muộn , phải không anh? Cám ơn anh và chúc anh luôn vui khỏe .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc sách hình như cũng có "thời kỳ" bạn ạ, tôi cũng thế, lúc còn đi học và mới bước chân vào đời tôi đọc và mua sách nhiều, đến thời "giữa giữa" lập gia đình, có con cái, công việc... khiến mình bớt sách vở đi, nhưng đến thời kỳ cuối mình lại quay lại đọc nhiều.

      Đọc sách thì không bao giờ muộn, bạn thử tìm đọc lại những tác phẩm hay xem sao.
      Cám ơn bạn và chúc bạn sẽ lại tìm thấy niềm vui đọc sách.

      Xóa
  7. NHà anh H đúng là có một thư viện đa dạng, do chủ nhân yêu sách và có gu, đã tuyển chọn, tích góp được nhiều sách quý. Hồi sau 1975, người nhà vào SG mang ra những cuốn sách in thật đẹp, giấy tốt, nhiều cuốn còn bọc bìa nilon trong suốt, thật là đẹp. Trong khi đó ở ngoài Bắc, dù hiệu sách nào cũng có câu khẩu hiệu bác Bu nêu, nhưng đa số là sách "Bày mẫu không bán", những cuốn có bán thì in giấy đen, chữ nghĩa lèm nhèm, chưa kể nội dung khá nghèo nàn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào Toro có dịp vào Saigon nếu ở lâu lâu thể nào tôi cũng mời về nhà mời ly cà phê. Sách của tôi không nhiều lắm, nhưng được chọn lọc cẩn thận, gần như có đủ loại để tra cứu, kể cả sách về trồng trọt, thuốc nam, sử, địa, văn học, chữ nghĩa, kiến thức phổ thông, du lịch, Tôn giáo... Cho nên cần gì tôi cứ lục tìm trong tủ sách là đủ.

      Những năm sau này (khoảng từ 1980 đến năm 2000), ngành xuất bản đã chịu khó in nhiều sách giá trị, phần nhiều sách của tôi có là được xuất bản thời gian này. Bây giờ sách hay lại hiếm, thỉnh thoảng mới tìm được một quyển.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))