Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Triệu hồi.


Ảnh của Piaggio trên trang Tuổi Trẻ Online.

Lâu nay đọc trên báo chí, thấy có những từ ngữ rất đơn giản nhưng viết trên báo thấy... chướng quá, thoạt đầu cứ tưởng có ai đó sử dụng nhầm 1 lần, không dè cứ thấy viết sai hoài, chẳng hạn từ "triệu hồi". Thỉnh thoảng có hãng xe như hãng Toyota của Nhật có lần phải ra lệnh "thu hồi" lại một đợt xe sản xuất bị lỗi, lên đến cả hàng trăm ngàn chiếc. Thay vì dùng chữ "thu hồi", thì trên báo lại dùng chữ "triệu hồi". Như tôi lại mới đọc một tin trên Tuổi Trẻ Online (30-5-2014), "Piaggio Việt Nam triệu hồi hơn 10.000 xe Primavia", nguyên nhân là có thể bị chảy dầu phanh (tiếng miền Nam là dầu thắng).

Từ triệu hồi không phải là một từ khó hiểu, phức tạp hay cổ xưa gì, tuy không thông dụng lắm nhưng cũng chỉ là một từ bình thường. Chúng ta thấy từ triệu hồi thường được dùng trong ngành ngoại giao, khi một chính phủ cần gọi một viên chức về nước. Tôi thử tra trên 2 quyển Từ điển tiếng Việt thông dụng, một quyển Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, NXB khoa học Xã hội xuất bản năm 1967 tại Hà Nội, Triệu hồi có nghĩa là: Gọi một viên chức về: Triệu hồi đại sứ về nước. Quyển thứ nhì là quyển Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí, Nhà sách Khai Trí ấn hành năm 1971 tại Saigon, Triệu hồi: gọi về (triệu hồi đại sứ). Như vậy chúng ta thấy từ "triệu hồi" là để gọi người về, chứ không dùng để gọi vật dụng như chiếc xe.

Có một từ khác là "thu hồi", khi ta muốn muốn thu lại đồ vật, vật dụng, hay một sự việc... Cũng theo 2 quyển từ điển tiếng Việt bên trên, Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), giải thích chữ thu hồi: Lấy lại cái đã nhường, phát... cho người khác: Thu hồi tiền tệ; Thu hồi đất đai. Tự điển Việt Nam (Ban Tu Thư Khai Trí), thu hồi: rút lại, thu về: Thu hồi một hỏa tiễn, thu hồi một dự án.

Những lỗi như thế này ngày trước đi học mà mắc phải chắc sẽ bị thày trừ vài điểm... Nếu có thể viết triệu hồi cái xe, thì cũng có thể viết thu hồi đại sứ lắm... Hì hì!





14 nhận xét :

  1. Loạn tiền rồi loạn quốc ca
    Thu hồi đồ vật hóa ra triệu hồi
    Sáng trong tiếng Việt than ôi
    Muốn trong, muốn sáng nhưng rồi tối thui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bác Bu mần thơ hay lắm. Không biết phóng viên viết bài, hay biên tập viên bây giờ học hành ở trường ra sao mà dùng từ ngữ cứ loạn cào cào. Mấy hôm trước việc đối đầu giữa tàu VN và tàu TQ ở giàn khoan mấy ông ấy cứ viết "để bảo vệ giàn khoan tàu TQ quyết liệt truy đuổi tàu VN", nghe không thủng gì hết, tựa như là nó bảo vệ cái chính nghĩa và truy đuổi cái bất chính. Không biết có ai phản ánh gì không mấy bữa nay thấy không còn dùng mấy từ đó nữa.
      Báo chí sử dụng từ mà không khéo có khi phản tác dụng :-(((

      Xóa
  2. i chời ơi ...cái gì chứ dùng " nhầm " chữ kiểu này ....chết thiệt rồi anh Hiệp nhỉ ? Hai chữ nghĩa khác nhau hoàn toàn cơ mà ! Bó tay luôn !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đấy NangTuyet, những cái sai về chữ nghĩa kiểu này nó cứ lập đi lập lại, tựa như nói lên cách làm việc (trình độ) của người viết bài, của cả ban biên tập, tuồng như người ta làm việc ơ hờ, chiếu lệ, không chú tâm vào những gì mình làm. Có phải đây cũng là một nguyên nhân làm xã hội xuống cấp? :-(((

      Xóa
  3. Ngài Văn Tân và một trời (12)nhân vật tên tuổi biên soạn "Từ điển Tiếng Việt" năm 1977 mà định nghĩa một số từ (HN chỉ trích vài từ do BS Nuyễn Hi Vọng lượm ra như sau):
    miệng là bộ phận hình lỗ ? ở phía dưới của mặt [có thể là lỗ đít chăng]!
    miếng là phần của một vật, vật liệu thể rắn hoặc,
    nói riêng, lượng thức ăn thể rắn từ một khối
    lớn chia ra, chín hoặc còn sống, gắp một lần [ai mà hiểu nổi!]
    mỏi là cảm thấy thân thể hoặc một phần thân thể
    không muốn / hoặc ít muốn cố gắng ?!
    sau khi làm việc nhiều hoặc quá sức [quá sức tưởng tượng !]

    thì hỏi làm sao mà chữ "thu hồi" không thành "triệu hồi" và ra đường, khen ai đó ăn mặc hợp thời trang, đúng gu thời thượng...thì bị chê, phải nói là ĂN MẶC MODEL, mình chỉnh lại là ĂN MẶC À LA MODE thì bị chê là...dốt! Vấn đề này thuộc về các cơ quan văn hóa và truyền thông nhưng nếu như mình nói thì không có vụ án luận văn viết về tập thơ Lý Đợi, Bùi Chát gì gì đó rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, đúng quá luôn bác HN, chữ Miệng từ điển Văn Tân chủ biên (1967-Hà Nội) ghi như thế này:
      Miệng: 1. Bộ phận hình lỗ ở phía dưới của mặt, để ăn uống và để nói. 2. Nhân khẩu một gia đình: một mình làm nuôi năm miệng. 3. Cửa để thông vào bên trong một vật gì: miệng lọ.

      Một chữ đơn giản khác cũng ở quyển từ điển Văn Tân này, chữ "Leo dây" được giải thích: nói người làm trò xiếc đi đứng trên một cái dây căng thẳng trên không. Trời đất, leo dây mà giải thích như thế sao? Leo dây là leo, trèo trên một sợi dây thế thôi, có thể dùng tay hay cả chân, như khi xưa ta học môn thể dục có trò leo dây như thế. Còn người làm xiếc đi thăng bằng trên một sợi dây căng thẳng sao gọi là leo dây? cái đó chỉ có thể gọi đúng là "đi thăng bằng trên dây" thôi.

      Từ điển dù nổi tiếng nghiêm túc và chính xác như Larousse cũng có khi sai lầm đến phải thu hồi, nhưng rất hiếm khi như thế. Đặc biệt từ điển VN, thời Socialisme thì cái sai lầm rất phổ biến, ông An Chi đã chỉ ra nhiều cái sai của Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (quyển này soạn tương đối, được trích dẫn nhiều, tái bản nhiều lần), của Từ điển Bách khoa... Gần đây ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra từ điển (các loại) của GS Nguyễn Lân sai mênh mông.

      Tôi có khá nhiều từ điển, xưa, nay, trong Nam ngoài Bắc, cả từ điển tiếng Huế, chính tả... đủ loại, không phải là tôi thích sưu tầm gì đâu, chỉ vì tôi thấy mỗi một quyển từ điển không phải chỉ giải thích từ ngữ, mà nó còn cho ta biết con người (soạn từ điển), cách dùng từ ở thời điểm ấy, cũng như "dấu ấn" của một thời, có khi rất "mông muội"...

      Xóa
    2. Hình như GS Nguyễn Lân này khác với GS Nguyễn Lân của gia tộc danh giá Nguyễn Lân ... phải ko bác Phạm?

      Xóa
    3. Hihi, tôi nghĩ là cụ Nô muốn hỏi chơi cho vui. Theo ông Hoàng Tuấn Công thì ông ấy có nói đại khái thế này. GS Nguyễn Lân viết những quyển từ điển như Từ điển từ và ngữ VN, Từ điển thành ngữ, tục ngữ VN, Từ điển từ Hán Việt... không phải là GS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra những cái sai lầm của ông GS soạn từ điển Nguyễn Lân chứ không chỉ trích GS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, đại khái như thế.
      Còn thực tế thì 2 vị ấy lại là một, hì hì!

      Xóa
    4. Tôi muốn nói thêm về mấy từ mà bác HN đã trích dẫn bên trên: (theo giải thích của từ điển Văn Tân):
      - Miếng: 1. Số lượng món ăn bỏ vào miệng một lần: Ăn một miếng để tiếng một đời. 2. Món ăn, thức ăn: Miếng ngon nhớ lâu. 3. Một khoanh, một phần: Miếng đất, miếng thịt.
      Xem ra 3 cách giải thích bên trên về từ "Miếng" thì chỉ thấy có cách giải thích thứ 3. là còn chấp nhận được. Miếng là một khoanh, môt phần. Cách giải thích số 1. Miếng là số lượng món ăn bỏ vào miệng một lần, "món ăn"? tức là người ta có thế bỏ vào miệng "một số lượng món ăn" (nhiều món) một lần?
      Cách giải thích thứ 2. Miếng là món ăn, thức ăn. Làm sao "miếng" lại là món ăn, thức ăn được, như miếng giấy, miếng vải? Nó chỉ có nghĩa là một phần, có thể là của món ăn, có thể là của đồ vật... như cách giải nghĩa thứ 3, thôi.

      Xóa
  4. Miệng : "bộ phận hình lỗ ... " , nghe thiệt dung tục , mà cũng không hẳn đúng, vì khi bình thường lúc miệng ngậm lại , thì đâu có hình lỗ .
    Một đứa bé mười mấy tháng , hỏi miệng đâu, nó đã biết chỉ chính xác rồi . Vậy có nhất thiết phải mô tả miệng theo kiểu kinh dị vậy, người ta mới mường tượng được hay sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bạn Marg. thắc mắc về giải thích chữ "miệng" của từ điển Văn Tân theo cách giải thích số 1. đúng quá xá, chưa kể cách giải thích thứ 2. "miệng" là "nhân khẩu một gia đình" với ví dụ "một mình làm nuôi năm miệng", "năm miệng" ở đây là "5 cái miệng ăn", chữ "miệng" có nghĩa là... mồm, để chỉ cái... miệng đấy. Không liên quan gì đến "nhân khẩu" cả. "Nhân khẩu" thì từ điển Ban tu thư Khai Trí giải thích là "số người". Nhân khẩu của một gia đình tức là số người trong một gia đình.
      Và sau cùng là cách giải thích thứ 3. "Miệng" là cửa để thông vào bên trong một vật gì: miệng lọ. Miệng lọ thì thông vào bên trong một vật gì? Cũng như "miệng hầm, miệng hang, miệng hố" thì thông vào bên trong một vật gì?
      Nói chung là một cách giải thích khá kinh dị, hí hí!

      Xóa
  5. Bác NHP ơi, HN có một bài riêng trên Facebook, chị GM hỏi vậy từ ngồn gốc các bố ấy giải thích thế nào? HN ở đây không có công cụ. Bác giúp HN để trả lời chị Gốc Mai nhé. Đa tạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không chơi bên FB nên ghi ra đây có gì bác HN trả lời chị GM bên ấy nhé:

      - Nguồn gốc: Từ điển tiếng Việt Văn Tân chủ biên giải nghĩa: Gốc sinh ra cái khác: Nguồn cảm hứng.

      Từ điển do Hoàng Phê chủ biên ghi: Nơi từ đó nảy sinh ra: Nguồn gốc xa xưa của loài người.

      Xem xét 2 cách giải thích chữ Nguồn gốc thì 2 quyển từ điển giải nghĩa tương đương. Giải thích từ ngữ hợp lý. Nhưng tôi thử xét về câu thuyết minh tiếp theo của 2 quyển từ điển.

      Từ điển Văn Tân ghi: Nguồn cảm hứng. Tôi nghĩ câu này không ổn, chẳng hạn khi nhà thơ làm một bài thơ về mùa xuân, Nguồn cảm hứng là khi nhà thơ nhìn tháy những bông hoa mai hay hoa đào nở. Vậy hoa mai hay hoa đào có phải là Nguồn gốc của mùa xuân không? Tôi nghĩ là không phải, hoa mai, hoa đào chỉ có thể là "Nguồn cảm hứng" để nhà thơ làm ra bài thơ tả mùa xuân chứ không phải là "Nguồn gốc" của mùa xuân. "Nguồn cảm hứng" là hoa mai, hoa đào không thể là "gốc sinh ra cái khác", ở đây là mùa xuân.

      Còn Từ điển Hoàng Phê ghi: Nguồn gốc xa xưa của loài người, thì lại thiếu "chủ thể" để chỉ Nguồn gốc được giải nghĩa là "Nơi từ đó này sinh ra", đúng là phải ghi "Người Homo sapiens là nguồn gốc xa xưa của loài người".

      Xóa

:) :( :)) :(( =))