Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Tịnh xá.


Sách 100 ngôi tịnh xá tiêu biểu.

Tình cờ tôi mua được quyển "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu" của hệ phái Khất sĩ Việt Nam (sách giới thiệu 100 ngôi tịnh xá tiêu biểu tại Việt Nam, trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam). Sách mới được in quý I - 2014, để kỷ niệm 70 năm Đạo Phật Khất sĩ hiện diện tại Việt Nam, và Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng.

Trong một entry trước tôi có viết về tên gọi của một số cơ sở tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có Tịnh xá. Tịnh xá là tên gọi một ngôi chùa Phật giáo, nhưng tên Tịnh xá là để chỉ ngôi chùa Phật giáo theo hệ phái Khất sĩ. Hệ phái Khất sĩ ở Việt Nam hiện nay do Tổ sư Minh Đăng Quang (1923-1954) khai sáng tại miền nam Việt Nam. Tìm hiểu Phật giáo ta hay thấy nói đến Phật giáo Bắc truyền (PG Đại thừa), và Phật giáo Nam truyền (PG Nguyên thủy). Ở Việt Nam có thêm hệ phái Khất sĩ với những đặc điểm sau:

1. Đặc điểm của hệ phái Khất sĩ: dung hòa hai nền giáo lý Nam truyền và Bắc truyền, cụ thể:

- Kế thừa Bắc truyền (phổ biến ở khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Tạng..., Việt Nam, tuy Việt Nam thuộc Đông Nam Á): chọn ăn chay, thâu nhận ni giới, giảng kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà... triển khai các khái niệm của PG Đại thừa như Phật tánh, Chân như...

- Kế thừa Nam truyền (phổ biến ở khu vực Đâng Nam Á như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Cambodia, Lào) : chọn cách ăn mặc theo truyền thống Ấn Độ thuở xưa, dùng y bát theo như Nam truyền, khất thực, ăn ngọ, giảng về y bát chân truyền và đạo quả A La Hán...

2. Hệ phái Khất sĩ với thực hành Tứ Y Pháp Trung Đạo:

- Người xuất gia chỉ được ăn thực phẩm xin được khi đi khất thực, ngày hội thuyết pháp được ăn tại chùa.

- Người xuất gia phải lượm những mảnh vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ được nhận.

- Người xuất gia phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ một cửa, bằng lá thì được ở.

- Người xuất gia chỉ được dùng phân uế của bò mà làm thuốc khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.

(Theo trang mạng Đạo Phật Khất Sĩ).

Tu sĩ thuộc hệ phái Khất sĩ. Ảnh Internet.

Như chúng ta đã biết, theo thời gian, một số điểm trong cách tu tập của hệ phái Khất sĩ đã đổi khác, chẳng hạn hiện nay tăng lữ không còn khất thực (do bị kẻ xấu mạo danh), do vậy có lẽ không còn dùng thực phẩm khất thực. Ngày xưa tôi có thấy những vị Khất sĩ đi khất thực với áo khoác may bằng những mảnh vải nhỏ nhiều màu sắc, nay không còn thấy. Hiện nay Khất sĩ xuất gia đã tu tập nơi những Tịnh xá khang trang, không còn nghỉ dưới cội cây, hoặc lỡ đau ốm chắc sẽ đến cơ sở y tế và dùng thuốc men thông thường...

Trong quyển sách "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu", ở Saigon có tịnh xá Ngọc Phương thuộc phường 1, quận Gò Vấp. Đây là ngôi tịnh xá do Ni sư Huỳnh Liên (1923-1987) thành lập từ năm 1957. Các bạn ở Saigon trước năm 1975 chắc không quên danh tiếng của Ni sư Huỳnh Liên, vị Ni sư đã đấu tranh trong phong trào Phật giáo từ năm 1960 đến năm 1975.

Tịnh xá Ngọc Phương do Ni sư Huỳnh Liên thành lập.

Và một chi tiết nữa về những ngôi tịnh xá, đa số các ngôi tịnh xá của hệ phái Khất sĩ Việt Nam đều có tên bởi chữ "Ngọc" đứng đầu, như tịnh xá Ngọc Phương, Ngọc Diệp, Ngọc Quang, Ngọc Thành, Ngọc Trung, Ngọc Đăng, Ngọc Hương, Ngọc Hiệp (ở Tiền Giang có 2 tịnh xá tên Ngọc Hiệp)... Trong 100 ngôi tịnh xá chỉ có khoảng 5, 6 ngôi là không có chữ Ngọc như tịnh xá Trung Tâm, tịnh xá Trúc Lâm, tịnh xá Mộc Chơn, tịnh xá Kỳ Viên... Và trong quyển "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu", thì khu vực miền Bắc chỉ thấy có một ngôi duy nhất là Ngọc Quán Tự ở Hà Nội.

Nhân mùa Phật đản vừa qua, xin giới thiệu một vài thông tin cơ bản về một hệ phái Phật giáo Việt Nam mà có thể chúng ta ít được biết.





19 nhận xét :

  1. Bài viết hay quá vì em được học hỏi thêm về phái Khất sĩ ! Thế thì ở phái nào mà các thầy tu mặc áo hở nửa vai anh Hiệp nhỉ ? Chắc là môn phái này quá ! Chứ đạo Phật , các Sư Thầy mặc áo kín đáo lắm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phái mặc áo hở nửa vai là Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), là Phật giáo phổ biển ở Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Myanmar... đó NangTuyet. Nếu NangTuyet có dịp về lại miền Tây thì nhữngg vị Sư thày ở các ngôi chùa Khmer nơi Sóc Trăng, Trà Vinh theo phái Phật giáo này, cũng hay gọi là Phật giáo Tiểu thừa.
      Phật giáo nguyên thủy ở Lào, Cam Bốt, Thái Lan... cũng đi khất thực, nhưng nghe nói là được dùng thực phẩm mặn do người dân cúng dường.

      Xóa
    2. cho em hỏi Phật giáo Nguyên thủy có phải gọi là Nam tông ko vậy bác Hiệp?

      Xóa
    3. Đúng đó Bố susu, Phật giáo Nguyên thủy (tiếng Phạn là Théravada) còn gọi là Nam tông (coi chừng lẫn với Nam tông, Bắc tông Trung Hoa, bắt nguồn từ các ngài Huệ Năng và Thần Tú), hay còn gọi là PG Nam truyền bởi từ Ấn Độ truyền đi hướng Nam đến các nước như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Cambodia, Lào. Đối ngược là PG Bắc tông (hay Bắc truyền), truyền từ Ấn Độ đi hướng Bắc đến Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả VN.
      Ở VN mình hay gọi PG Nguyên thủy là PG Tiểu thừa, còn PG Bắc tông là PG Đại thừa.

      Xóa
  2. NangTuyet thấy hình tôi copy từ internet bên trên, Sư thày của hệ phái Khất sĩ VN đắp y vàng nghệ như phái Nguyên thủy nhưng áo khoác kín vai, và Ni sư của phái Khất sĩ cũng đắp y vàng, còn Ni sư của Phật giáo Đại thừa mặc áo xám, khi làm lễ mới quàng thêm một giải vàng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu NangTuyet chú ý tới "y" của chư tăng có lẽ entry tới tôi sẽ viết về điều này chăng? Những cái cơ bản thôi, để khi gặp mình có thể hiểu đôi chút và phân biệt được. Trước đây tôi cũng mù tịt đó :-)))

      Xóa
  3. nhờ bác Hiệp click vào nick Bố susu xem nó có hiển thị qua trang G+ ko ạh. Cám ơn bác Hiệp nhiều.

    Trả lờiXóa
  4. Lâu nay bu tui cứ nghĩ chữ tịnh trong tịnh xá cũng là chữ tịnh trong tịnh độ, hóa ra không phải. Các từ điển đều ghi tinh xá tinh này bộ mễ, nhưng Phật giáo lại đọc là tịnh. Từ điển THiều Chữu viết tịnh thất là nơi tu hành
    精 舍 Chữ tinh xá (đọc tịnh xá)
    淨土 Chữ tịnh thổ (đọctịnh độ)
    淨 室. Tịnh thất là nơi tu hành
    Chữ nghĩa rắc rối thiệt

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phát hiện của bác Bu hay quá, bác Hiệp xem có tịnh xá nào có biển chữ Hán trưng lân giùm thì hay.

      Xóa
    2. Đúng là phát hiện của bác Bu cực hay đó Toro. Tôi thử tra trong từ điển thì chỉ thấy chữ Tinh xá 精 舍 (bộ Mễ, Tinh không có dấu nặng, như tinh túy), Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải nghĩa Tinh xá là nơi tu hành, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh ghi rõ Tinh xá là chùa. Thử xem lại quyển sách "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu" bên trên toàn viết chữ Việt, thời may có một ngôi Tịnh xá Ngọc Điền ở Bà Rịa có hình chụp có giòng chữ Hán, tuy hơi mờ nhưng lấy kính lúp soi vẫn còn đọc được chữ Tinh xá bộ Mễ. Như vậy tuy viết chữ hán là Tinh xá nhưng đọc là Tịnh xá.

      Còn một số nơi không gọi là Tịnh xá (Tinh xá) 精 舍 mà gọi Tịnh thất 淨 室, như Tịnh thất Liên Hoa ở Cần Thơ, Tịnh thất An Lạc ở Hậu Giang...

      Quả là chữ nghĩa rắc rối. :-)))

      Cũng có một điều nữa, từ điển tiếng Việt cũ mới tôi có, cả chục quyển xưa, nay (trừ quyển Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức có chữ Tinh xá, trong Nam ngoài Bắc đều không hề có chữ Tinh xá hay Tịnh xá. Chữ Tịnh xá mà hệ phái Khất sĩ dùng có lẽ chỉ có từ sau khi thành lập hệ phái Khất sĩ, nghĩa là từ năm 1944, và cũng ít được cập nhật trong từ điển...

      Xóa
  5. Bác H phải chịu khó cúng dường mấy tịnh xá trung tên với bác đi nhá... Phước đức lớn lắm đó...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, quyển sách trên chỉ giới thiệu 100 ngôi Tịnh xá tiêu biểu, nhưng trong phần ghi chú và liệt kê các ngôi tịnh xá ở VN thì có thêm nhiều ngôi ở các nơi có tên là Ngọc Hiệp, chắc là cái "duyên" nên bây giờ tôi mới tìm hiểu về Phật giáo :-)))

      Xóa
  6. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang tạ thế, tạp chí VHPG có đăng một số bài, HN đã đọc, nay có bài của bác, có thêm một số kiến thức chứ trước đây chỉ được nghe nói về hệ phái (Tăng già) khất sĩ của PG và lầm lẫn giữa chư tăng phái này với Phật giáo dòng Theravada. Về chuyện bác Bu nói thì trước đây không nhớ là ông An Chi hay Huệ Thiên trong "Chuyện đông chuyện tây" trên KTNN xác định là "tinh xá" chứ không phải "tịnh xá" và "chúng cư" chứ không phải "chung cư". Tiếc là không nhớ đó là số mấy, năm nào!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó bác HN, trước đây tôi cũng lầm hệ phái Khất sĩ với PG Nguyên thủy (Theravada), nay cũng đã "vỡ" được nhiều thứ.
      Tôi có được đọc chuyện chúng cư (không phải chung cư), cái này thì thời trước đã nói, chẳng hạn hồ sơ của chung cư Thanh Đa quận Bình Thạnh, được ghi là chúng cư Thanh Đa. Nhưng chữ Tinh xá thì giờ mới biết. Bác HN xem thêm entry mới.

      Xóa
  7. Bạn đang bị cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, VIÊM XOANG MÃN TÍNH, viêm mũi dị ứng, U XƠ TỬ CUNG, đau thắt lưng, ĐIẾC NGƯỜI GIÀ, nhức mỏi bắp thịt, thoái hoá khớp gối, ngất xỉu đột ngột, viêm dạ dày có vi khuẩn HP… ? Mời các bạn vào trang chuabenhdongian.com để biết cách điều trị đơn giản và hiệu quả những bệnh thường gặp

    Trả lờiXóa
  8. Bạn đang bị cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, VIÊM XOANG MÃN TÍNH, viêm mũi dị ứng, U XƠ TỬ CUNG, đau thắt lưng, ĐIẾC NGƯỜI GIÀ, nhức mỏi bắp thịt, thoái hoá khớp gối, ngất xỉu đột ngột, viêm dạ dày có vi khuẩn HP… ? Mời các bạn vào trang chuabenhdongian.com để biết cách điều trị đơn giản và hiệu quả những bệnh thường gặp

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))