Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Ngày lễ tôn giáo.


Trang trí hoa sen mừng Phật đản trên dòng kênh Nhiêu Lộc. Ảnh Internet.


Nhà tôi ở gần kế bên một ngôi chùa, cũng gần nơi một nhà thờ lớn, cho nên những ngày lễ của Phật giáo và Thiên Chúa giáo tôi đều... rành hết, bởi cứ thấy chùa, nhà thờ treo đèn kết hoa cờ phướn rợp trời là biết. Tháng tư vừa rồi thấy có chủ nhật giáo dân đi lễ mỗi người cầm một vài nhánh lá là biết lễ lá, tuần sau là lễ Phục sinh ngày Chúa sống lại, một ngày lễ trọng của người Thiên Chúa giáo. Mấy hôm nay thấy nhà chùa nhộn nhịp hoa đăng, nhìn lịch đã sang tháng tư ta, sắp Phật đản, ngày Đức Phật ra đời. Nhân Phật đản, tôi thử tìm, post lên một vài thông tin về vài điều cơ bản ta hay gặp nơi Phật giáo:

- Phật đản佛誕 ): là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Nâu Ni ( ) ra đời tại vườn Lâm Tì Ni vào năm 624 truớc Công nguyên. Đến nay (2014) đã được: 624 + 2014 = 2638 năm. Tiếng Pali là Vesak, tiếng Sanscrit là Vaisàkha, là ngày trăng tròn của tháng tư (âm lịch), vào khoảng tháng 5 dương lịch. Trước đây lễ Phật đản được các nước Đông Á kỷ niệm vào ngày 8 tháng tư âm lịch, nhưng Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ nhất họp tại Colombo, thủ đô của Tích Lan (Sri Lanka) vào ngày 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, các phái đoàn thành viên của Giáo hội Phật giáo Thế giới đến từ 26 quốc gia, đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch. Theo Phật giáo Nam truyền (PG nguyên thủy), ngày lễ Vesak còn gọi là ngày Tam hợp, kỷ niệm chung Phật đản, Phật thành đạo, và Phật nhập niết bàn.

- Phật lịch: Phật đản là từ năm Phật ra đời, thì Phật lịch được tính từ năm Ngài nhập diệt, tức là bắt đầu từ năm Ngài đã 80 tuổi (khác với Công nguyên được tính từ năm Chúa giáng sinh là năm thứ nhất). Phật lịch tính đến nay (2014) đã được: 624 - 80 = 544 + 2014 = 2558 năm.

- Chữ Vạn: người ta quen gọi là chữ, nhưng thực ra không phải là chữ, là một trong 32 hảo tướng vị trí nằm trên ngực của Đức Phật. Tuy có những ý kiến khác nhau về chiều xoay của chữ Vạn (xoay sang bên trái hay bên phải), nhưng đa số công nhận chữ Vạn xoay sang bên trái hay bên phải đều được. Ở Trung Hoa chữ Vạn là 10.000, ý nói Phật pháp là vô lượng, vô chung. Trong Thiền, chữ Vạn tượng trưng cho Phật tâm ấn.



Chữ Vạn trong trang trí. Ảnh Internet.

- Bánh xe chuyển Pháp luân: cũng có tên gọi trong đại chúng là Bánh xe luân hồi, được biểu tượng bằng một bánh xe bên trong có 8 hoặc 12 nhánh, tượng trưng cho Bát chánh đạo, hoặc Thập nhị nhân duyên. Tuy nhiên trên nhiều trang Phật giáo gọi là Bánh xe chuyển Pháp luân hơn là Bánh xe luân hồi, và theo Từ điển Phật học (Nguyên Hảo, Về Nguồn xuất bản-1999) gọi là Pháp luân, tiếng Sanscrit là Dharma-Charka. Trong Phật giáo bánh xe Pháp luân tượng trưng cho Giáo pháp do Đức Phật dạy, đó là Tứ diệu đế, Bát chánh đạo và Trung đạo. Bánh xe Pháp luân thường được vẽ có 8 nhánh hoặc 12 nhánh. Theo truyền thống Pháp luân được chuyển 3 lần: 1/ Lần chuyển đầu ở Lộc Uyển (Sàrnath), Đức Phật dạy kinh Chuyển pháp luân sau khi chứng quả. 2/ Lần chuyển thứ nhì dạy các kinh Đại thừa. 3/ Lần chuyển thứ ba dạy kinh Kim cang thừa.

Bánh xe chuyển Pháp luân có 8 nhánh. Ảnh Internet.

Bánh xe chuyển Pháp luân gồm 12 nhánh. Ảnh Internet.

- Lá cờ Phật giáo: chúng ta thường thấy lá cờ Phật giáo tung bay, hoặc được treo rất nhiều trong những buổi lễ của Phật giáo nơi những ngôi chùa, một lá cờ nhiều màu sắc. Theo Thư viện Hoa Sen, Người phác họa ra lá cờ Phật giáo lại là một vị Đại tá Hoa Kỳ, phục vụ trong Hải quân. Ông tên là Henry Stell Olcoott sinh ngày 2/8/1832 tại New Jersey (Hoa Kỳ, mất ngày 17/2/1907 tại Adgar (Ấn Độ). Ông là một người hoạt động tích cực cho phong trào Phật giáo Tích Lan. Năm 1880 ông trình lên Ủy ban Phật giáo Colombo đề nghị tạo cho Phật giáo một lá cờ, dựa vào sáu vòng hào quang của Đức Phật và những màu sắc của cầu vồng.

Lá cờ được chính thức chấp nhận trên đất Tích Lan vào dịp lễ Phật đản 28-4-1885. Tuy nhiên mãi đến ngày 25-5-1950, trong Hội nghị Phật giáo quốc tế ở thủ đô Colombo - Tích Lan gồm 26 quốc gia, thì lá cờ ngũ sắc này mới được toàn thể Hội nghị chấp nhận, nói lên tinh thần thống nhất của Phật giáo thế giới. Ngày 24-2-1951, Tỳ kheo Thích Tô Liên, đại diện Ủy ban Phật giáo Thế giới tại Việt Nam, đã mang lá cờ này về Việt Nam.

Hình thức của lá cờ gồm sáu sọc chia đều nhau theo chiều dọc, theo màu sắc của cầu vồng nhưng chỉ chọn 5 màu: xanh dương, vàng nhạt, đỏ, trắng, cam (hoặc vàng nghệ), màu thứ sáu của lá cờ tổng hợp năm màu vừa kề, cách giải thích thường thấy về sáu sọc trên như sau:

- Sọc thứ nhất màu xanh dương tượng trưng cho Từ bi.
- Sọc thứ nhì màu vàng tượng trưng cho Trung đạo.
- Sọc thứ ba màu đỏ tượng trưng cho Đạo đức.
- Sọc thứ tư màu trắng tượng trưng cho Đạo pháp, vượt ra ngoài Không gian và Thời gian.
- Sọc thứ năm màu cam (hoặc vàng nghệ) tượng trưng cho Trí tuệ.
- Sọc thứ sáu tổng hợp các màu trên tượng trưng cho Sự thật Tuyệt đối.

Lá cờ Phật giáo gồm sáu sọc. Ảnh Internet.

Năm nay Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2014 (hay Đại lễ Vesak 2014) lần thứ 11, sẽ được tổ chức tại Việt Nam (chùa Bái Đính - Ninh Bình), từ ngày 7 đến ngày 12 tháng 5 năm 2014 (chỉ còn vài ngày nữa). Đại lễ Phật đản 2014 dự kiến sẽ đón khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 1.500 lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, Học giả Phật giáo... thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90-100 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới, và khoảng 8.500 đồng bào Phật tử Việt Nam.

Hy vọng những thông tin ngắn gọn trên đây có thể sẽ giúp ích một chút nào khi ta ghé thăm một ngôi chùa nhân mùa Phật đản...



Tổng hợp từ nhiều nguồn.









27 nhận xét :

  1. mấy điều này e hay gặp nhưng bây giờ mới biết đc ý nghĩa của nó, lại nhờ bác Hiệp :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì! Nhiều khi gặp hoài thành quen, đến một hôm tự hỏi "lá cờ Phật giáo sao có nhiều màu vậy? Do ai nghĩ ra? Ý nghĩa là gì?". Trong cuộc sống có nhiều cái như thế lắm đó Bố susu.

      Xóa
    2. như vậy quen với người này lại là "của lạ" với người khác, phải ko bác Hiệp?

      Xóa
    3. "Của lạ" với cả quen luôn ấy chứ Bố susu :-)))

      Xóa
  2. đọc về 3 lần chuyển pháp luân cũng chưa được rõ lắm . Chuyển ở đây có nghĩa là di chuyển ? chuyển đổi ? hay truyền đạt vậy bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba lần chuyển Pháp luân của Đức Phật, thì "chuyển" ở đây là "truyền đạt", từ ngữ bây giờ tương đương với "thuyết pháp, giảng pháp". Lần thứ nhất (bài pháp đầu tiên của Đức Phật) tại vườn Lộc Uyển (hay Lộc Giả), cho 5 vị Tì kheo (nhóm Kiều Trần Như), đây là kinh Chuyển Pháp luân, nói về Trung Đạo. Trung Đạo là con đường như thế nào? Đức Phật giải đáp: "Đó là Bát Chánh Đạo".
      Lần Chuyển Pháp luân lần thứ nhì cũng tại vườn Lộc Uyển cho 5 Tì kheo, Phật thuyết kinh Vô Ngã tướng (về Sắc, thọ, tưởng, hành, thức - sau này gọi là Đại thừa). (Theo Đức Phật và Phật pháp).
      Lần chuyển Pháp luân thứ ba về kinh Kim Cang thừa (còn được gọi là Mât thừa), một sự chuyển biến từ kinh điển sang Mật điển. (Theo thông tin trên trang mạng Thư viện Hoa Sen).

      Xóa
    2. Thực ra khi nói "chuyển Pháp luân" là đã dư ra chữ "chuyển", cũng như khi nói "cây cổ thụ" (thụ đã là cây), bởi "Pháp luân" đã có ý nghĩa của "luận" là "luân chuyển". Pháp luân là "chuyển pháp", ở đây là truyền đạt từ Đức Phật sang các Tì kheo.

      Xóa
    3. Hihi, chữ "luận" ở trên là "luân".

      Xóa
    4. Cám ơn bác H , vậy là hiểu rồi (-:

      Xóa
    5. Hihi, bạn Marg. rất thông minh :-)))

      Xóa
    6. Lúc đọc, Nô thấy cụm từ "bánh xe chuyển Pháp Luân" cũng thấy dư chữ "chuyển"!

      Xóa
    7. Từ ngữ của mình dùng quen thế, "tuyến đường", "cây đại thụ"...
      Cụ Nô cho tôi lại tên ở Blogspot đi để tôi add lại vô inbox (như của tôi là ngochieppham.blogspot.com). Tôi bấm sao nó bay nguyên cả một inbox :-)))

      Xóa
  3. Vesak là tiếng Sinhalese của người dân đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan), tiếng Pali là Vesakha, tiếng Phạn (Sanskrit) là Vaisakha, là tháng theo lịch Ấn Độ. Đó cũng là tháng đầu trong năm của lịch nước Nepal.

    Và từ xa xưa, Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn - là ngày lễ kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích ca mâu ni), đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào...

    Trong khi đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, như Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản, thường cử hành ba dịp trọng đại trên vào ba ngày khác nhau trong năm.

    Tuy nhiên, ngày Rằm tháng Tư âm lịch được xem như là ngày lễ Phật giáo trọng đại nhất và đã được các truyền thống Phật giáo chấp nhận trong kỳ Ðại hội Phật giáo Thế giới lần thứ VI vào năm 1961.

    Riêng tại Việt Nam, trước năm 1964 các chùa và Hội Phật giáo đều tổ chức Lễ Phật đản vào ngày Mùng 8 tháng 4 Âm lịch. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời vào năm 1964, thống nhất Lễ Phật đản vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch theo quyết định chung của Đại hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần thứ nhất năm 1950 họp tại Tích Lan và lần thứ 3 năm 1952 họp tại Nhật. Từ đó đến nay, Phật giáo Việt Nam đều lấy ngày Rằm tháng 4 Âm lịch làm Đại lễ Phật đản.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ điển Phật học của Ban Biên dịch Đạo Uyển (Chân Nguyên-Nguyễn Tường Bách-Thích Nhuận Châu) ghi: Vesak hoặc Vesakha là tiềng Pali. Cám ơn bác Bu đã bổ sung thêm các thông tin về ngày lễ Phật đản. :-)))

      Xóa
  4. Bác mang Phật pháp hòa quang đồng trần thế này thạt hữu ích và có công đức. Thú vị nhất là cờ do anh Mỹ thiết kế...Em mượn đoạn đó cho lên FB anh H nhé...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, Hòa quang Phật pháp gì Toro, đây chỉ là kiến thức phổ thông (tôi chỉ dám post lên những gì "cơ bản" nhất, chứ không dám theo sách vở mà chép đủ, sợ "rối"). Thì đấy là thông tin trên mạng thôi. oro cứ tự nhiên. Hay điều nữa là ông đại tá Hoa Kỳ xuất thân trong một gia đình sùng đạo Tin lành :-)))

      Xóa
    2. Lại phát hiện ra ông ấy lf nhà báo nữa bác ạ. Vui thật...

      Xóa
    3. Ông ấy giỏi thật, nói chung là... Mỹ giỏi thật :-)))

      Xóa
  5. Qua thăm anh Bu đọc được bài viết nói về Kinh Chú Đại Bi thật hay , rồi lại sang thăm anh Hiệp đọc được bài viết nói về ngày Lễ Phật Đản sắp đến thật hay nữa , hay nhất là ý nghĩa của lá cờ Phật Giáo ...hihi ..em là phật tử vậy chứ chẳng biết gì hết ....bây giờ nhờ anh Hiệp em mới biết đó ..thật xấu hổ gì đâu !!! Cảm ơn anh nhiều lắm anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NangTuyet gặp toàn những "cụ" kinh sách :-)))

      Thỉnh thoảng tôi chỉ muốn đưa lên những gì thuộc về phổ thông có thể ta không để ý (cả tôi nữa), đôi khi... ra đường biết được ý nghĩa vài thứ cũng hay phải không NangTuyêt?

      Xóa
    2. Dạ , đúng thế đó anh ...mỗi ngày được học hỏi thêm một kiến thức quả thật vô cùng tuyệt vời bởi lẽ kiến thức là kho tàng vô tận anh hén !

      Em thì sống ở bên đây hỏng có điều kiện để đọc sách nhiều , nhưng nhờ tủ sách của các anh nên em cũng được học hỏi thêm nhiều kiến thức rất là bổ ích ! Một lần nữa , em cảm ơn anh Hiệp nhiều lắm nhé !

      Xóa
    3. Hy vọng rằng NangTuyet tìm được ở trang này những thông tin đôi khi có ích cho cuộc sống. Viết cũng là học mà NangTuyet. Tôi cũng biết thêm được nhiều bên nhà NangTuyet và các bạn, nhất là được du lịch khỏi bị... chặt chém, hihi!

      Xóa
  6. Chưa đọc kỹ bài này nhưng những khái niệm chuyên môn Phật học bác đưa vào bài rất giá trị và có ý nghĩa. HN sẽ xin dẫn nó về nhà mình. Bác bảo: "Nhà tôi ở gần kế bên một ngôi chùa, cũng gần nơi một nhà thờ lớn, cho nên những ngày lễ của Phật giáo và Thiên Chúa giáo tôi đều... rành hết, bởi cứ thấy chùa, nhà thờ treo đèn kết hoa cờ phướn rợp trời là biết". Vậy mà cuối tháng tư vừa rồi ở nhà thờ chỗ bác có cái lễ gần năm trăm con người tham dự mà bác...nô có biết!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, biết hết đó bác HN, từ vụ đám tang Thày giáo, đến vụ tri ân những thương binh thời VNCH, hội thảo..., mà không phải biết qua thực tế mà toàn biết qua... mạng :-)))

      Xóa
    2. Tôi vẫn có ý nghĩ những mình đưa lên trong bài viết chỉ là kiến thức phổ thông mà một người bình thường nên biết thôi bác HN, hihi! Có gì đâu. Bác HN cứ dẫn về thoải mái. :-)))

      Xóa
  7. Góp một thông tin nhỏ:

    Người phác họa ra lá cờ Phật Giáo Thế Giới là ông Henry Steel Olcott, sinh ngày 2-8-1832 tại New Jersey, Hoa Kỳ và mất ngày 17-2-1907 tại Adgar, Ấn Ðộ. Ông nguyên là Ðại Tá Hải Quân của Quân Ðội Hoa Kỳ. Khoảng năm 1875, ông chưa hề học hỏi về giáo lý nhà Phật, nhưng khi cơ duyên đã tới, ông là phóng viên của tờ báo The New-York Daily Graphic, đã giao cho ông nhiệm vụ gặp một phụ nữ người Nga tên là Helena Petrovna Blavatsky (1831-1891), để viết bài về trường hợp bà nầy có những sự kiện huyền bí. Tại nông trại của Eddys ở New-York, hai người đã gặp nhau, từ đó bà Blavatsky đã hướng dẫn ông trên con đường đạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cụ Nô đã bổ sung thêm thông tin. :-)))
      Hồi này sao thấy cụ im ắng quá.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))