Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Hồn phách Tây Nguyên.


Biểu diễn nghệ thuật các điệu múa của đồng bào Tây Nguyên. Ghi chú của ảnh - copy từ Lao Động.


Lang thang trên mạng, tình cờ đọc được một bài trên trang Lao Động, viết về một buổi "Tọa đàm khoa học về giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên". (Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và UBND tỉnh Phú yên tổ chức vào sáng 24-5-2014, tại TP. Tuy Hòa - Phú Yên). 

Tôi không đề cập đến nội dung buổi tọa đàm, chỉ ngạc nhiên về tấm hình có lẽ là được chụp trong phần biểu diễn để minh họa cho buổi tọa đàm đó. Tấm hình được ghi chú bên dưới "Biểu diễn nghệ thuật các điệu múa của đồng bào Tây Nguyên". Trước năm 1975 tôi may mắn đã có thời gian được ở trong những ngôi làng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tại Pleiku, Kontum..., được nhìn ngắm và nghe họ đánh cồng chiêng, nhìn ngắm họ nhảy múa, được tham dự vào những nghi lễ của họ, như lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới... hay khi trong buôn làng họ có tang ma...

Thật sự khi nhìn tấm hình bên trên tôi không thấy có một chút gì về "ký ức Tây Nguyên" của tôi, từ hình dáng của những thanh niên, thiếu nữ, cho đến khuôn mặt, cách ăn mặc, kể cả điệu múa... trên ảnh. Từ trước năm 1975 đến nay đã 40 năm rồi còn gì? Hay những thanh niên, thiếu nữ Tây Nguyên trong những buôn làng bây giờ họ thế?

Có lẽ tôi lạc hậu quá mất rồi!





22 nhận xét :

  1. hình như cái hồn của núi rừng Tây Nguyên ko phải là cái mà đang diễn ra trên sân khấu, nó chỉ diễn ra nơi núi rừng, buôn làng...
    ko biết như vậy có đúng ko bác Hiệp ơi

    Trả lờiXóa
  2. “Người Kinh như con ma rừng, đi đến đâu, nơi ấy vốn đang hay đang đẹp lụi tàn dần hoặc được làm cho "hay" hơn, "đẹp" hơn rồi... chết. Cái hồn rừng hồn núi mộc mạc thật thà teo tóp cả. Chà, người Kinh, cái giống người kinh... hãi của núi rừng”
    ― Trần Văn Thủy, Chuyện nghề của Thủy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông đạo diễn này đúng quá bác VanPham.
      Lâu mới thấy bác, rất mong bác vẫn khỏe để qua lại với anh em. Có thể được bác viết gì đi :-)))

      Xóa
  3. "Biểu diễn nghệ thuật các điệu múa của đồng bào Tây Nguyên".
    Câu trên không nói là người Tây Nguyên hay người Kinh biểu diễn. Đây là cách nói nước đôi, lập lờ đánh lẫn con đen, muốn người ta hiểu là người Tây Nguyên biểu diễn vì mặt mũi dáng dấp các diễn viên đặc kinh. Tại sao họ không viết luôn do đoàn nghệ thuật nào biểu diễn?
    Bu tui không có thâm niên như PNH về Tây Nguyên song cũng đã từng đến Tây Nguyên, đã từng tiếp xúc với người Tây Nguyên trên các công trường làm cầu đường...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính xác luôn Bố susu, những gì diễn ra trên sân khấu (ngay cả như khi người thiểu số Tây nguyên biều diễn cồng chiêng), nó cũng chỉ là cáo "vỏ". Bởi thế nên UNESCO họ mới công nhận "Không gian văn hóa cồng chiêng" là di sản phi vật thể. Xin nhấn mạnh chữ "không gian".

      Xóa
    2. Tôi replay Bố susu mà lại bấm ở bác Bu, hihi.
      Có thể là đoàn nghệ thuật người Kinh biểu diễn, nhưng để phục vụ cho một buổi tọa đàm về "bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên" thì cái minh họa này là tầm xàm hết mức. Bác Bu đã từng tiếp xúc với họ, có thấy bao giờ thanh niên, thiếu nữ của họ ăn mặc như thế không? Chẳng thà đừng múa may kiểu này, chỉ treo mấy cái cồng chiêng, mấy cái gùi, cái nỏ... của người Tây nguyên là được.

      Cho nên GS. Trần Văn Khê không mấy vui khi đến dự Festival "Đờn ca tài tử"...

      Xóa
  4. Cái thói làm ăn chuộng hình thức, được chăng hay chớ, thiếu kiến thức trầm trọng đã tiêm nhiễm quá nhiều vào mọi ngành nghề, mọi giới rồi anh Phạm ui! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói lấy được, làm lấy có, chày cối... nó ăn vào máu rồi Giáo. Người Tây nguyên xưa nay theo mẫu hệ, nhưng phụ nữ của họ khổ trăm bề, ngày xưa sanh con họ phải tự ra suối sinh xong ráng bế con về, mọi công việc đổ lên đầu họ, tứ ruộng rẫy, vào rừng lấy củi, hái măng, mò cua bắt ốc lấy nước dưới suối, cơm nước, giã gạo (một việc nặng)..., đều do họ làm. Ở nhiều nơi người đàn bà không được đụng đến cái chiêng, cái trống... Xưa xem họ nhảy múa trong bản làng, chưa bao giờ thấy được cảnh một phụ nữ "thượng" lên đầu lên cổ thanh niên như trong hình... Mà "biểu diễn nghệ thuật" thuyết minh cho Tọa đàm về văn hóa Tây nguyên, hù hù!

      Xóa
    2. Nhiều dân tộc khi người phụ nữ sắp sinh, người chồng vào rừng vắng, cất một cái chòi nhỏ, chỉ để vừa đủ 1 cái giường tre, một số ít lương thực rồi để mặc cho người phụ nữ ấy sinh con trong rừng. Khi sinh xong mới ẳm con về. Thiệt là thương anh Phạm à! Chế độ nào người dân tộc ở các vùng núi cũng phải chịu cảnh nghèo đói lạc hậu, chỉ một số ít giàu có nhờ cà phê trong thời gian mới đây thôi. Giờ lại có cảnh bị bắt cóc ngay giữa ban ngày nữa. Họ thiệt là khổ!

      Xóa
    3. Mấy hôm trước tôi coi trên tivi nói về tục tảo hôn của người H'Mong di cư vào Tây nguyên, đúng là "lấy chồng từ thuở mưới ba/ đến năm mười tám thiếp đà năm con". Nghèo đói, thất học... đeo đuổi họ, nhìn những cô gái mười bốn, mười lăm địu đứa con nhỏ thấy tội quá, những đứa nhóc trần truồng như con khỉ bò ngoài sân đất. Đến giờ này mà thỉnh thoảng ta còn đọc được tin bà mẹ sinh lỡ chết, cứu được đứa con bị chôn theo.

      Hồi tôi còn trên Tây nguyên, trong đơn vị có một ông Thượng đã già ngoằng mà còn đem theo cô vợ trẻ măng mới mười mấy tuổi, thì ra là bà vợ thứ... ba cùng trong đám chị em ruột. Họ có tục lỡ vợ chết, thì bên vợ nếu còn chị, em chưa chồng tiếp tục lấy luôn, đúng là khổ.

      Xóa
  5. Nếu thật sự như thế rõ là nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số đã bị thuần hóa rồi anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, chữ "thuần hóa" NangTuyet dùng hay quá, thật ra chẳng dân tộc nào có thể thuần hóa được dân tộc nào, dân tộc Chăm chẳng hạn dù có sống ở Saigon hay Phan Rang, An Giang... mấy trăm năm qua họ vẫn giữ nguyên nét văn hóa của họ. Hoặc người Việt Nam ở nước ngoài, có thể bề ngoài ra đường NangTuyet trông giống người Nhật, nhưng về nhà vẫn là Anamit, hì hì!
      Chẳng qua cái múa may thuyết minh quá vô duyên! Như cô Giáo nói bên trên "thiếu kiến thức trầm trọng".

      Xóa
    2. Hihi ...em đồng ý với anh Hiệp lắm nè ! Bởi vậy khi em thi vào quốc tịch , họ hỏi em muốn giữ lại cái tên Việt Nam hay lấy tên Pháp . Em đã giữ lại cái tên mà ba mẹ của em đã đặt cho em khi em mới chào đời , hơn nữa dù có sống xa quê hương , dù đã trở thành một công dân ở một quốc gia khác , nhưng em vẫn muốn giữ mãi cái tên Việt Nam để luôn nghĩ rằng mình vẫn luôn mang dòng máu của dân tộc mình . Và bên cạnh đó mang tên Pháp mà cái mặt vẫn là người Việt chính tông thì cần gì phải đổi tên của mình ? Thế là trong giấy tờ của em vẫn là tên Kiều Oanh và em phải mang họ của chồng ...giờ nghe anh nói ...em thấm thía vô cùng ...và rất vui vì mình đã có quyết định đúng đắn ...

      Anh Hiệp ơi , em rất thích lời comment của anh cho entry mới của em , nhưng ngày hôm qua em mần mò sao mà bây giờ nó lại nằm ở bên google+ ...thế là nó hỏng có trong blog của em ...huhu ...anh chạy qua nhà em và comment lại cho em anh nhé ...em cảm ơn anh nhiều lắm lắm ....

      Xóa
    3. Hihi, hình như tôi bấm nó chạy lạc vào G+ rồi cứ thế mà gõ. Tôi mới tìm ra và add được blog của NangTuyet vào trang của tôi rồi, cứ theo đó mà bấm thôi.

      Tôi nghĩ quốc tịch Việt Nam hay Pháp, Mỹ... không quan trọng lắm, nhưng cái tên nếu không cần phải làm gì, hoặc tên Việt mà "phiên" qua tên Tây nghe không mấy êm tai mới phải đổi, chứ tên Kiều Oanh là đẹp lắm đấy :-)))

      Xóa
  6. Nói chung là M dị ứng với những màn múa nhảy đùng đùng , quơ tay quơ chân loạn xà ngầu trên sân khấu . Cho nên hình ảnh các diễn viên trong hình mà gọi là để minh họa cho nghệ thuật , văn hóa Tây nguyên thì thật là phản tác dụng ( đối với người còn ít hiểu biết về văn hóa Tây nguyên như M ) , hihi ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aa, lâu mới thấy bạn Marg., chào mừng. Cái cách quơ 2 tay lên trời và cô gái "thượng" lên đầu lên cổ chàng trai, khi kết thúc màn múa như thế thường thấy ở Aerobic (thể dục nhịp điệu). Hihi, chứ không hề thấy nơi những điệu múa của người Tây nguyên :-)))

      Xóa
  7. Thời thế đã thay đổi quá nhiều, bao nhiêu những "hồn phách" văn hóa Tây nguyên dần mai một theo thời gian, người Bana, Raglai, Rhadé...không còn giữ được tính nguyên sơ chơn chất của ngày xưa! Hãy đọc các bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc để thấy sự thay đổi nó kinh khủng thế nào! Ngày xưa VN chỉ có một anh hùng Núp. Bây giờ trên các quốc lộ, nơi nào mà không có anh hùng ...núp! Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thay đổi theo cái cách nói theo từ ngữ bây giờ là "tiêu cực", do cách làm hời hợt, làm lấy có, trong văn hóa thì trao vào tay những người thiếu chuyên môn, thiếu kiến thức... những việc làm cần phải có chuyên môn và kiến thức... Cho nên những công trình văn hóa sau khi trùng tu là biến dạng, là tan hoang. Những "anh hùng núp" đâu phải chỉ ở trên quốc lộ bác HN, mà ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc, ngóc ngách nào cũng có, hù hù!

      Xóa
  8. Với tốc độ phá rừng như hiện nay, với việc cho nước ngoaiif khai thác khoáng sản để làm các nhà máy như như Tân Rai, thì chắc không lâu nữa "không gian cồng chiêng Tây Nguyên sẽ biến mất hoặc bị méo mó, lai căng. Hình ảnh điệu múa trên đây là vậy: vừa thể hiện thực tế trình độ thiếu văn hóa của biên đạo, vừa thể hiện thực tế Tây Nguyên đang bị xâm phạm. Cũng may mà chưa mặc bikini, hihi

    Trả lờiXóa
  9. Hihi, thì cũng na ná như mặc bikini rồi bác Bobi, biết đâu mai mốt người ta sẽ biểu diễn cồng chiêng bằng... organ, cứ cái đà "tận diệt" văn hóa bằng đủ mọi cách như thế này thì chẳng mấy chốc nữa xã hội ta chẳn còn gì nữa cả :-(((((

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn anh Hiệp đã có lòng quan tâm đến blog của em . Cảm ơn anh thật nhiều nhé !

    Dạ , có quốc tịch rồi và thay đổi tên hay không thật ra hổng có gì phải mất thời gian để suy nghĩ về nó . Em cũng đồng ý với anh như thế ..cái quan trọng là cách suy nghĩ của mỗi người mà thôi anh hén ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nhà" của NangTuyet hay chứ, tựa như chương trình Discovery hay National Géographic trên tuyền hình, cho ta biết những vùng đất lạ, du lịch tại gia mà :-)))

      Người ta ai cũng phải ở đâu, với ai, những danh hiệu không quan trọng lắm, ăn thua cái gì trong đầu ta thôi, hihi!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))